Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 24/07/2017, 08:15 (GMT+7)
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và chính sách hậu phương Quân đội

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”1. Thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội ta luôn quan tâm, thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và chính sách hậu phương Quân đội; góp phần chăm lo, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo động lực tinh thần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch thăm bệnh binh điều trị tại
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và chính sách hậu phương Quân đội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác này cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân; chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai thực hiện tốt các văn bản quy định về chế độ, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và hậu phương Quân đội.

Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, ban hành, triển khai thực hiện các văn bản quy định về giải quyết chế độ, chính sách đối với những người bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; nhất là đối với các đối tượng chính sách tồn đọng sau chiến tranh, không còn lưu giữ đầy đủ giấy tờ2, v.v. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo Chỉ thị 24/CT-TW ngày 15-5-2013 của Bộ Chính trị và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ được tiến hành tích cực, hiệu quả3. Nhiều hài cốt liệt sĩ đã được tìm kiếm, quy tập, xác minh tên, tuổi, quê quán và tổ chức bàn giao về địa phương, gia đình theo đúng quy định.

Thực hiện Pháp lệnh 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29-6-2005, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung 35/2007/PL-UBTVQH11 ngày 21-6-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung 04/2012/PL-UBTVQH13 ngày 16-7-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIII) về ưu đãi người có công với cách mạng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách hiện hành đối với người có công với cách mạng thuộc diện Quân đội quản lý và kịp thời giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đối tượng này. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai rộng trong toàn quân, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, như: Chương trình xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội; tặng phương tiện, trang bị y tế cho các trung tâm điều dưỡng thương binh; phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng; giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, thương binh nặng; thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí đối với đối tượng chính sách và người có công; tu sửa nâng cấp nghĩa trang, chăm sóc phần mộ liệt sĩ; quyên góp, tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách, v.v.

Từ năm 2007 đến nay, các cơ quan, đơn vị toàn quân đã vận động cán bộ, chiến sĩ và huy động các nguồn lực đóng góp vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 618 tỷ đồng; xây dựng hơn 13.500 Nhà tình nghĩa; tạo việc làm cho hơn 340 con em thương binh, liệt sĩ. Riêng trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, toàn quân đã đóng góp gần 22.000 ngày công, hỗ trợ kinh phí gần 60 tỷ đồng xây dựng, tu sửa, tôn tạo công trình ghi công liệt sĩ; xây dựng 1.123 căn Nhà tình nghĩa; tặng 589 sổ tiết kiệm, với số tiền hơn 1 tỷ đồng, v.v. Thực tế cho thấy, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” do các đơn vị Quân đội tổ chức luôn có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân tham gia, có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc. Hiện nay, đa số các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đều có mức sống trung bình trở lên, có việc làm, nhà ở ổn định. Nhiều công trình dân sinh, như: cầu, đường, trường học, bệnh xá quân - dân y,… được triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng hiệu quả, góp phần đẩy nhanh mục tiêu “xóa đói giảm nghèo”, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân nói chung và các đối tượng chính sách nói riêng.

Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với hậu phương Quân đội cũng được quan tâm và thực hiện ngày càng tốt hơn. Các chế độ, chính sách đối với gia đình quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng tại ngũ không ngừng được hoàn thiện, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo; 100% thân nhân quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng được cấp thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ kinh phí, đào tạo, cấp thẻ học nghề, giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ được tiến hành chặt chẽ, đúng đối tượng. Việc thăm hỏi, gặp mặt, tặng quà nhân dịp các ngày lễ, Tết, ngày truyền thống đối với cán bộ Quân đội nghỉ hưu; chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh tâm thần, người hiếm muộn, vô sinh,... được quan tâm đúng mức. Chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế được thực hiện tốt. Đến nay, toàn quốc đã có hơn 3 triệu người được hưởng chế độ trợ cấp một lần hoặc hằng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, v.v.

Tuy vậy, công tác thương binh, liệt sĩ, chính sách hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” những năm qua vẫn còn những hạn chế, như: công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, nhất là những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước chưa sâu, rộng. Trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra của cấp ủy, chỉ huy một số đơn vị chưa cao. Một số ít cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách nắm nguyên tắc, quy trình, thủ tục giải quyết chế độ, chính sách chưa kỹ, chưa sâu, cá biệt có nơi còn để xảy ra sai sót, tiêu cực phải xử lý, v.v.

Trong những năm tới, sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế của đất nước bên cạnh thuận lợi là cơ bản, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp đến việc phát triển kinh tế - xã hội và chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và thực hiện công tác chính sách ngày càng tăng; số lượng đối tượng chính sách tồn đọng sau chiến tranh vẫn còn lớn, tính chất ngày càng khó khăn, phức tạp. Để thực hiện hiệu quả công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và chính sách hậu phương Quân đội, cấp ủy, chỉ huy, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì và cơ quan chức năng các cấp cần quán triệt, thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và chính sách hậu phương Quân đội.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, văn bản luật của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và chính sách hậu phương Quân đội. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa của công tác thương binh, liệt sĩ, chính sách hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc cùng những thành quả của công tác thương binh, liệt sĩ và chính sách hậu phương Quân đội 70 năm qua, đảm bảo cho công tác này phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, đạt được hiệu quả thiết thực. Công tác giáo dục, tuyên truyền cần tập trung làm cho mọi đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp có nhận thức đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ, chính sách hậu phương Quân đội, truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là các đối tượng được thụ hưởng chính sách; thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương mình.

Trên cơ sở nhận thức đúng, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhằm làm cho chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công được thực hiện đầy đủ, đúng đắn, không để sót đối tượng. Công tác tuyên truyền, giáo dục về chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, hậu phương Quân đội phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, nhằm khơi dậy tình cảm, đạo lý, truyền thống dân tộc trong mỗi người; đồng thời, xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái quy định trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và chính sách hậu phương Quân đội.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp có ý nghĩa quyết định đảm bảo cho công tác chính sách được thực hiện đúng theo quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Để thực hiện điều đó, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính sách các cấp cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 368-CT/QUTW, ngày 12-6-2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị, địa phương; gắn công tác chính sách với nhiệm vụ chính trị, công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị - xã hội vững mạnh. Thường xuyên bám sát thực tiễn hoạt động của cơ sở; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội, các địa phương để thực hiện có hiệu quả công tác thương binh, liệt sĩ, chính sách hậu phương Quân đội và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Nghiên cứu, vận dụng, thực hiện tốt chế độ, chính sách đã ban hành đối với Quân đội; chú trọng chế độ, chính sách cho các đối tượng làm nhiệm vụ đặc thù quân sự, nhiệm vụ mới và lực lượng làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, v.v. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc người có công với cách mạng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội trong thực hiện chính sách hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong thời kỳ mới. Chú trọng quan tâm, chăm lo bảo đảm tốt đời sống cho các gia đình chính sách có nhiều khó khăn, người có công với cách mạng hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng.

Ba là, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp thực hiện chính sách hậu phương Quân đội và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa".

Trên cơ sở chương trình, kế hoạch đã xác định, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần bám sát thực tiễn để có các giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể, linh hoạt, bảo đảm phù hợp với sự phát triển của đất nước và nhiệm vụ xây dựng Quân đội, xây dựng đơn vị trong thời kỳ mới; chủ động, nhạy bén tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị và vận động quần chúng nhân dân cùng phối hợp thực hiện. Tích cực đổi mới phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” theo hướng phát triển những mô hình hay, những việc làm tốt, mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời, xác định nội dung, chương trình hoạt động và cách làm mới, sáng tạo, phù hợp, vừa có giá trị động viên thiết thực đối với các đối tượng chính sách, vừa có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của toàn quân, toàn dân đối với công tác chăm sóc người có công trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Cùng với đó, cần hoàn thành việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách đối với đối tượng dân công hỏa tuyến; chủ động đề xuất, ban hành và triển khai thực hiện chính sách đối với người có công định cư ở nước ngoài theo chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và chính sách hậu phương Quân đội.

Để thực hiện tốt công tác này, cần có cơ chế, chính sách phù hợp, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, sự đồng thuận của các cấp, các ngành và nhân dân. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, các tổ chức, lực lượng cần chủ động phối hợp trong việc khai thác các nguồn lực, các công cụ, phương tiện và nghiên cứu, đề xuất, tổ chức thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ, người có công, chính sách hậu phương Quân đội phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", giúp các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, cải thiện cuộc sống. Đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; đẩy mạnh phong trào “cung cấp thông tin mộ liệt sĩ” trên phạm vi cả nước, của những đồng đội liệt sĩ, đồng bào đang lao động, sinh sống ở nước ngoài, hội cựu chiến binh các cấp; triệt để khai thác các nguồn thông tin lưu trữ; làm tốt công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, v.v.

Năm là, tập trung xây dựng ngành Chính sách Quân đội và đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải thường xuyên chú trọng củng cố, kiện toàn cơ quan chính sách đủ về số lượng, chất lượng cao; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách cả về nhận thức, năng lực tham mưu, kỹ năng công tác và phẩm chất cách mạng, bảo đảm cho họ luôn toàn tâm, toàn ý với công việc, có đủ bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm để xử lý những vấn đề phức tạp do thực tiễn cuộc sống đặt ra; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp, tác phong công tác, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Mặt khác, phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác chính sách để biểu dương, khen thưởng, nhân rộng; chấn chỉnh, xử lý những tập thể và cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, vô cảm, tiêu cực, làm không đúng chế độ, chính sách đã ban hành.

Tổ chức trọng thể Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017) là một sự kiện lớn của đất nước, đồng thời là sự tôn vinh, tri ân của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với những người đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của toàn xã hội và toàn quân, chúng ta tin tưởng rằng, công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và chính sách hậu phương Quân đội sẽ tiếp tục đạt được kết quả tốt trong thời gian tới; góp phần làm sâu sắc thêm truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc Việt Nam.

Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương,
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

__________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 372.

2 - Từ năm 2007 đến nay, các cơ quan, đơn vị Quân đội đã tiếp nhận hồ sơ, xác minh, kết luận, đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận 1.052 liệt sĩ; tổ chức giám định, cấp giấy chứng nhận thương binh cho 7.003 trường hợp; 6.431 trường hợp được công nhận bệnh binh, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, đúng quy định.

3 - Đến nay, các đơn vị Quân đội đã tổ chức tìm kiếm, quy tập được 951.163 hài cốt liệt sĩ (ở Lào: 35.252 hài cốt; Cam-pu-chia: 55.650 hài cốt; trong nước: 860.261 hài cốt).

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.