Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Tư, 21/02/2018, 07:07 (GMT+7)
Sức sống trường tồn của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”

Cách đây 170 năm, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã thay mặt những người cộng sản công khai tuyên bố trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích của mình bằng bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” bất hủ. Ngay sau khi ra đời, Tuyên ngôn đã trở thành cương lĩnh chung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và là ngọn cờ dẫn dắt con đường cách mạng trên toàn thế giới. Thời gian dù lùi xa, nhưng giá trị bền vững của tư tưởng vĩ đại trong Tuyên ngôn đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

1. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản khẳng định sự ra đời và chín muồi của chủ nghĩa Mác. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là kết quả của những thành quả nghiên cứu khoa học gắn với nghiên cứu, khảo sát thực tiễn phong trào cách mạng của giai cấp công nhân châu Âu vào giữa thế kỷ XIX của C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Những nguyên lý cơ bản được nêu trong Tuyên ngôn đánh dấu quá trình chuyển biến tư tưởng, lập trường trên bước đường đấu tranh về tư tưởng, lý luận: từ chủ nghĩa duy tâm chuyển sang chủ nghĩa duy vật; từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản chủ nghĩa của C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Trong Tuyên ngôn, C. Mác và Ph. Ăng-ghen khẳng định: “Những quan điểm lý luận của những người cộng sản tuyệt nhiên không dựa trên những ý niệm, những nguyên lý do một nhà cải cách thế giới nào phát minh hay phát hiện ra. Những nguyên lý ấy chỉ là biểu hiện khái quát của những quan hệ thực tại của cuộc đấu tranh giai cấp hiện có”1. Bằng quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, hai ông đã luận giải, phân tích rất thuyết phục về sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội, về cuộc đấu tranh giai cấp để xác lập cương lĩnh đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân.

Sự ra đời của chủ nghĩa Mác được khẳng định trong tư tưởng cơ bản và chủ đạo của Tuyên ngôn. Trong Lời tựa cho bản tiếng Đức “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” xuất bản năm 1883, Ph. Ăng-ghen chỉ rõ: “Tư tưởng cơ bản và chủ đạo của “Tuyên ngôn” là: trong mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội - cơ cấu này phải do sản xuất kinh tế mà ra, - cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy; do đó (từ khi chế độ công hữu ruộng đất nguyên thủy tan rã), toàn bộ lịch sử là lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa những giai cấp bị bóc lột và những giai cấp đi bóc lột, giữa những giai cấp bị trị và những giai cấp thống trị, qua các giai đoạn của sự phát triển xã hội của họ; nhưng cuộc đấu tranh ấy hiện nay đã đến một giai đoạn mà giai cấp bị áp bức (tức là giai cấp vô sản) không còn có thể tự giải phóng khỏi tay giai cấp bóc lột và áp bức mình (tức là giai cấp tư sản) được nữa, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách bóc lột, ách áp bức và khỏi cuộc đấu tranh giai cấp - tư tưởng cơ bản ấy hoàn toàn và tuyệt đối là của Mác”2.

2. Giá trị trường tồn của những nguyên lý cơ bản trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Tư tưởng cơ bản và chỉ đạo của Tuyên ngôn được phân tích, luận giải bằng hàng loạt nguyên lý tổng quát phản ánh quy luật phát triển của lịch sử.

Thứ nhất, nguyên lý về vai trò, sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân. Bằng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã phân tích về giai cấp, đấu tranh giai cấp trong xã hội tư bản, làm rõ về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân - sứ mệnh thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, sáng tạo ra xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa, tiến tới xã hội cộng sản, không còn giai cấp. Phân tích về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, từ khi ra đời và trong quá trình phát triển của nó, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã chỉ rõ: một mặt, giai cấp tư sản là giai cấp “đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử”, giai cấp đầu tiên cho chúng ta thấy “hoạt động của loài người có khả năng làm được những gì”. Bởi vì, giai cấp ấy trong quá trình thống trị chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn, đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại. Mặt khác, cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất đồ sộ ấy, mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản đồng thời nảy sinh gay gắt: mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng mang tính chất xã hội hóa với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản. Việc chạy theo lợi nhuận “bóp nặn thị trường”, bằng mọi thủ đoạn bóc lột công nhân đã dẫn đến kết cục: “...giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản3.

Luận điểm nổi tiếng trong Tuyên ngôn: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”4 là kết luận rút ra từ nguyên lý về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân. Trong điều kiện hiện nay, mặc dù về số lượng, chất lượng, cơ cấu của giai cấp công nhân trên thế giới đã có nhiều thay đổi, song nguyên lý về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân được khẳng định trong Tuyên ngôn vẫn giữ nguyên giá trị.

Thứ hai, nguyên lý về mối quan hệ giữa giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản. Trong Tuyên ngôn, C. Mác và Ph. Ăng-ghen không chỉ luận bàn về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân mà còn luận giải rất khoa học về quan hệ giữa giai cấp công nhân với Đảng Cộng sản, chỉ rõ rằng giai cấp công nhân chỉ có thể thực hiện và hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản chân chính. Quan hệ giữa Đảng Cộng sản với giai cấp công nhân đã được C. Mác và Ph. Ăng-ghen luận giải trước hết từ quan hệ lợi ích: “Những người cộng sản không phải là một đảng riêng biệt, đối lập với các đảng công nhân khác. Họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản. Họ không đặt ra những nguyên tắc riêng biệt nhằm khuôn phong trào vô sản theo những nguyên tắc ấy”5.

Tuyên ngôn còn chỉ rõ rằng: “về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên, về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”6. Chính nhờ sự thâm nhập của tư tưởng mác-xít vào phong trào công nhân, đã biến phong trào công nhân từ tự phát thành tự giác, dẫn đến sự ra đời của các đảng cộng sản ở châu Âu. Nguyên lý về quan hệ giữa Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân đã trở thành cơ sở lý luận và phương pháp luận để những người cộng sản trên thế giới vận dụng phù hợp, phát triển sáng tạo trong quá trình thành lập và xây dựng Đảng Cộng sản của mình. Trong đó, bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản là yếu tố quyết định.

Thứ ba, nguyên lý về giải quyết các quan hệ giai cấp - dân tộc - quốc tế. Mục tiêu, lý tưởng của giai cấp vô sản là thông qua cuộc cách mạng không ngừng để đi đến: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”7. Để đạt được mục tiêu nhân văn cao cả đó, ngay từ cách mạng vô sản, những người cộng sản đã phải giải quyết một cách phù hợp các quan hệ giữa giai cấp - dân tộc - quốc tế. Trong Tuyên ngôn, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã chỉ rõ: “... giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc”8. Đó chính là tư tưởng phản ánh nguyên lý: giai cấp công nhân phải là giai cấp đại diện cho lợi ích của dân tộc; cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp phải gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Bởi vì: “Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc đồng thời cũng mất theo”9. Mặt khác, trong quan hệ giữa dân tộc - quốc tế, giai cấp vô sản không chỉ đại diện cho lợi ích của từng dân tộc mà còn đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân loại. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản cần và phải thực hiện dưới ngọn cờ của chủ nghĩa quốc tế vô sản. Luận điểm bất hủ: “Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ”10 được nêu ra trong Tuyên ngôn đã thể hiện phương châm giải quyết quan hệ dân tộc - quốc tế rất phù hợp của C. Mác và Ph. Ăng-ghen.

Thứ tư, nguyên lý về con đường, phương pháp tiến hành cách mạng để đạt mục đích cuối cùng. Tuyên ngôn đã khái quát nguyên lý về tiến hành cách mạng không ngừng, qua từng bước với các nhiệm vụ cụ thể mà giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản phải thực hiện. Trong đó, “bước thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”11. Khi đã trở thành giai cấp thống trị thì giai cấp công nhân phải sử dụng quyền lực chính trị để phát triển sản xuất, tăng lên không ngừng lực lượng sản xuất. Nguyên lý mang tính tổng quát về con đường, phương pháp cách mạng, đó là phải tiến hành cách mạng không ngừng, phải tùy theo yêu cầu nhiệm vụ của từng thời gian, phải tiến hành từng bước để đạt đến mục đích cuối cùng. Đó cũng là giá trị bền vững của nguyên lý vừa nêu mà không phụ thuộc máy móc vào những biện pháp cách mạng cụ thể được nêu trong Tuyên ngôn. Khẳng định những nguyên lý tổng quát được nêu trong Tuyên ngôn, đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn luận điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen 25 năm sau khi các ông viết nên bản Cương lĩnh bất hủ đó: “Mặc dầu hoàn cảnh đã thay đổi nhiều trong hai mươi lăm năm qua, nhưng cho đến nay, xét về đại thể, những nguyên lý tổng quát trình bày trong “Tuyên ngôn” này vẫn còn hoàn toàn đúng. Ở đôi chỗ, có một vài chi tiết cần phải xem lại,…”12. Vì thế, việc vận dụng sáng tạo những nguyên lý của Tuyên ngôn nói riêng, của chủ nghĩa Mác nói chung, tất yếu phải được bổ sung, phát triển sáng tạo.

3. Tuyên ngôn với thời đại ngày nay và với công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Thực tiễn cách mạng thế giới đã chứng minh ý nghĩa soi đường, vạch thời đại của Tuyên ngôn. Dưới ánh sáng của Tuyên ngôn, Công xã Pa-ri (1871) - cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới đã diễn ra. Chính quyền của giai cấp công nhân đã được thiết lập, dù chỉ tồn tại trong 72 ngày nhưng đã để lại những bài học kinh nghiệm vô giá. Cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga (1917) giành thắng lợi mở ra một thời đại mới: thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. Sau Cách mạng Tháng Mười, sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc cùng với các phong trào đấu tranh cho dân chủ, tiến bộ và hòa bình đều đã chứng minh giá trị, sức sống và ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn.

Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là một tổn thất to lớn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Song không thể coi đó là sự kết thúc “những thí nghiệm cộng sản”! Đó chỉ là sự đổ vỡ của một mô hình chủ nghĩa xã hội. Những người mác-xít chân chính đã có những đánh giá khách quan, trung thực về những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự đổ vỡ đó. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là việc các đảng cộng sản ở Liên Xô và ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác nói chung, của Tuyên ngôn nói riêng, ngay trong xác lập mô hình và con đường để hiện thực hóa mục tiêu, mô hình.

Giá trị, sức sống và ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn vẫn tiếp tục được khẳng định bằng thực tiễn cách mạng ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Công cuộc cải cách, đổi mới với nhiều thành tựu của Trung Quốc, Việt Nam và sự đứng vững của Cu Ba trước sự bao vây cấm vận của các thế lực đế quốc; các phong trào cánh tả ở khu vực Mỹ la tinh với khẩu hiệu “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”,... là những minh chứng về tác động và ý nghĩa thời đại của tư tưởng vĩ đại của Tuyên ngôn.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo luôn nhận thức đúng về giá trị khoa học và cách mạng của Tuyên ngôn và đã vận dụng một cách sáng tạo để đề ra đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Nhờ sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý cách mạng vô sản được nêu trong Tuyên ngôn nói riêng, chủ nghĩa Mác nói chung mà cách mạng Việt Nam đã giành được những kỳ tích trong công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Tư tưởng khoa học và phương pháp cách mạng của Tuyên ngôn cũng đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Biểu hiện cụ thể, sinh động nhất là những luận điểm cơ bản được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991 và được bổ sung phát triển 2011) của Đảng. Giá trị khoa học của Tuyên ngôn, trước hết, đã giúp cho Đảng ta có cơ sở, phương pháp luận đúng đắn trong phát triển lý luận, tổng kết thực tiễn, nhằm làm sáng tỏ hơn nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Công cuộc đổi mới đất nước trải qua hơn 30 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có những thành tựu về đổi mới nhận thức, lý luận về chủ nghĩa xã hội và về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, để đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, Đại hội XII của Đảng yêu cầu “tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”13; trong đó, tư tưởng vĩ đại của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản sẽ tiếp tục soi sáng công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

GS, TS. LÊ HỮU NGHĨA, Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

_____________

1 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 615.

2 - Sđd, Tập 21, tr.11-12.

3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 - Sđd, Tập 4, tr. 605, 613, 614, 614-615, 628, 623-624, 624, 624, 626.

12 - Sđd, Tập 18, tr.128

13 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 201.

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.