Thứ Năm, 24/04/2025, 15:40 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Cách đây 65 năm, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” nhằm “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”1. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, cả nước dấy lên phong trào thi đua yêu nước mạnh mẽ, sâu rộng, liên tục và trở thành nguồn động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức vươn lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Ngược dòng thời gian, nhìn lại và suy ngẫm về hoàn cảnh, thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc càng thấy rõ ý nghĩa thiết thực của nó. Lời hiệu triệu của Người thấm sâu vào từng khối óc, tâm hồn người Việt Nam, tạo thành luồng sinh khí mới, sức mạnh mới tiếp sức cho cách mạng trong cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm và ngoại xâm”; đồng thời, hứa hẹn tương lai sán lạn, với một cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc của nhân dân ta. Thống nhất với chủ trương, tư tưởng của Người, Đảng ta đã đẩy mạnh tuyên truyền làm cho toàn dân, toàn quân hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu, tầm quan trọng của phong trào Thi đua ái quốc. Ý Đảng, lòng dân quyện vào nhau, thúc đẩy phong trào phát triển. Vì thế, phong trào Thi đua ái quốc được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nhiệt tình hưởng ứng, nhanh chóng phát triển sôi nổi, rộng khắp trên cả nước từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng đến đô thị, với tinh thần “Người người thi đua, Ngành ngành thi đua” và ý thức “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “Thi đua phải đoàn kết, đoàn kết để thi đua”, v.v.
“Diệt giặc đói” là nhiệm vụ cấp thiết của cách mạng. Do đó, chủ trương của Đảng lúc này là, đẩy nhanh phát triển kinh tế bảo đảm tự cung, tự cấp lương thực và các nhu cầu thiết yếu, từng bước cải thiện đời sống nhân dân; đồng thời, đáp ứng nhu cầu, vật chất của kháng chiến. Trước bối cảnh muôn vàn khó khăn, Đảng ta chủ động đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, tập trung đầu tư sản xuất phân bón, phân phối giống; hướng dẫn nông dân làm ăn tập thể, mở rộng diện tích canh tác, lập tổ đổi công; đào, đắp kênh mương kết hợp với thực hiện giảm tô, giảm tức. Cùng với đó, Đảng ta chủ động nghiên cứu, phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực, đi vào lòng người, như phong trào: “Tấc đất, tấc vàng”, “Khai hoang, phục hóa”, “Góp công, góp của”... đã cuốn hút, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước, kể cả kiều bào ở nước ngoài. Các tầng lớp nhân dân ra sức khai hoang, vỡ đất, mở rộng diện tích canh tác; đưa nhiều loại cây hoa màu, lương thực vào trồng trọt; tích cực làm phân chuồng, phân xanh; thi đua đào giếng, đắp đập chứa, ngăn nước2; giúp đỡ nhau trong sản xuất (đổi công, hợp công). Các cơ quan, đơn vị, trường học, nhất là các đơn vị bộ đội mặc dù phải thường xuyên cơ động, nhưng mỗi khi dừng chân trú quân đều tổ chức trồng rau, nuôi gà, lợn để cải thiện đời sống. Vì thế, trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân đã ít phụ thuộc vào thiên nhiên và chủ động hơn trong việc cấp, thoát nước để vừa tăng vụ, vừa tăng sản lượng. Nhờ có chủ trương đúng đắn và sự nỗ lực của toàn dân, toàn quân trong các phong trào thi đua, tổng sản lượng lúa của liên khu IV, các vùng tự do ở đồng bằng Bắc Bộ và căn cứ du kích đã không ngừng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước3.
Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, phong trào thi đua cũng được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Trong điều kiện rất khó khăn, hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp buộc phải tháo dỡ, vận chuyển từ các thành phố lớn (Thủ đô Hà nội) lên vùng căn cứ địa Việt Bắc; vật tư, nguyên vật liệu thiếu thốn... Đảng đã chủ trương phát động nhiều phong trào thi đua: “Phục hồi và phát triển thủ công nghiệp”, “Khuyến khích phát huy sáng chế”, “Sản xuất hàng nội thay thế hàng ngoại”... Hưởng ứng các phong trào thi đua đó, ở Việt Bắc và các liên khu đã tổ chức các nông trường trồng mía, bông; ở Liên Khu V phát triển mạnh nghề trồng dâu nuôi tằm; nhiều xưởng dệt thủ công, làm giấy, làm mật được khôi phục... Kết quả là, các nhà máy, cơ sở sản xuất đã được bảo đảm đủ nguyên vật liệu (nhất là nguyên liệu bông, sợi). Nhờ đó, các ngành công nghiệp và thủ công nghiệp đã sản xuất được một số mặt hàng thiết yếu, như: vải, giấy; đường, muối, xà phòng, nhiều mặt hàng thủy tinh, gốm sứ và hàng nông cụ... Đặc biệt, ngành Công nghiệp quốc phòng đã thiết lập được nhiều cơ sở sản xuất vũ khí, đạn dược, quân nhu, quân trang; giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động; sản xuất được hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược các loại và một số loại máy, như: máy in, máy đúc chữ, máy dập vỏ đạn, sáng chế được một số hóa chất cần thiết phục vụ các ngành công nghiệp khác.
“Diệt giặc dốt” là một trong 3 mục tiêu của công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Phong trào “Diệt giặc dốt” được Đảng ta coi trọng, phát triển rầm rộ ở mọi nơi. Phong trào “Bình dân học vụ” được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, đạt hiệu quả thiết thực. Để tiếp sức và thắp sáng niềm tin, Đảng trực tiếp chỉ đạo Bộ Giáo dục, các địa phương trên cơ sở kinh nghiệm quý báu của phong trào “Bình dân học vụ” để đẩy mạnh giáo dục phổ thông ở tất cả các cấp, chú trọng phát triển giáo dục bậc đại học. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, nhạy bén của Đảng và sự cố gắng vươn lên của nhiều địa phương trong phong trào thi đua, cấp huyện đã có trường cấp II, tỉnh có trường cấp III; quỹ bảo trợ bình dân học vụ, quỹ học bổng ở nhiều địa phương được hình thành để biểu dương, khen thưởng những học sinh có thành tích cao trong học tập, khuyến khích, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là: nhi đồng, thiếu niên và thanh niên tích cực đến trường4. Với những cố gắng vượt qua khó khăn, gian khổ của các nhà khoa học, Bộ Giáo dục bước đầu đã xây dựng được một số trường đại học: Y tế, Pháp lý, Văn khoa... làm cơ sở để phát triển nền khoa học nước nhà. Công tác biên soạn, sửa đổi chương trình, nội dung giáo dục sát với điều kiện thời chiến cũng được đẩy mạnh, góp phần tạo cơ sở để kháng chiến, kiến quốc thành công.
“Diệt giặc ngoại xâm” là nhiệm vụ quan trọng được đặt lên hàng đầu của cách mạng và cũng là biểu hiện tập trung nhất của “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trong điều kiện phải đương đầu với kẻ địch có quân đông, vũ khí, trang bị hiện đại, Đảng ta chỉ đạo toàn dân, toàn quân đẩy mạnh thi đua vừa ra sức xây dựng lực lượng, vừa xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân ở cả đồng bằng và miền núi. Các địa phương tích cực phát triển cơ sở cách mạng, kết hợp xây dựng lực lượng dân quân, du kích rộng khắp với xây dựng thế trận làng, xã chiến đấu; tổ chức đánh phá các căn cứ, cầu, đường; tiêu hao, tiêu diệt lớn lực lượng địch trên khắp các chiến trường, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, thu hẹp vùng chiếm đóng của địch... Các liên khu chủ động xây dựng kế hoạch, phương án chiến đấu, dự kiến các tình huống nhằm đối phó với các cuộc càn quét, đánh phá của địch. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác, toàn quân đã phát động phong trào “Rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội” nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ các nội dung: tình hình, nhiệm vụ kháng chiến, phương pháp tổ chức chỉ huy, quản lý bộ đội, tổ chức phối hợp tác chiến binh chủng quy mô lớn và một số vấn đề về chiến thuật. Phong trào đã thu hút hàng nghìn cán bộ về học, góp phần đáng kể vào việc bổ sung cán bộ chỉ huy cho các chiến trường. Với sự nỗ lực vượt bậc, quân và dân ta đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ từng bước xây dựng, hoàn chỉnh lực lượng vũ trang ba thứ quân, bước đầu đưa bộ đội chủ lực vào thực hiện tác chiến tập trung, góp phần đẩy mạnh kháng chiến phát triển. Đây là một thành công có tầm chiến lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng.
Nhằm huy động nhân lực, vật lực cho kháng chiến, Nhà nước ban hành các sắc lệnh: Nghĩa vụ quân sự (ngày 21-01-1949), Thu công lương (ngày 15-01-1950); Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực (ngày 12-02-1950). Để động viên toàn dân thực hiện thắng lợi các sắc lệnh đó, bằng khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, phong trào Thi đua ái quốc đã động viên hàng chục vạn thanh niên nô nức ghi tên tòng quân, hàng chục vạn đồng bào hăng hái tham gia dân công phục vụ tiền tuyến... Phong trào Thi đua ái quốc mà Đảng và Bác Hồ phát động đã giành được thắng lợi to lớn, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Phát huy truyền thống đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các phong trào thi đua tiếp tục được duy trì và nở rộ trên khắp các lĩnh vực, vùng miền, tiêu biểu, như phong trào: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”; “Sóng Duyên hải” trong sản xuất công nghiệp; “Gió Đại phong” trong sản xuất nông nghiệp; “Cờ Ba nhất” trong Quân đội... Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào Thi đua yêu nước đã thúc giục mọi người “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Tìm Mỹ mà đánh”, “Tìm ngụy mà diệt”... Phong trào Thi đua yêu nước đã thúc giục cả nước xung trận “Đánh cho Mỹ cút/ Đánh cho ngụy nhào” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng CNXH.
Bước sang thời kỳ đổi mới, kế thừa và phát huy chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã và đang ra sức xây dựng đất nước theo mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, bằng các phong trào: “Xóa đói giảm nghèo”, “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các phong trào thi đua luôn là biểu tượng cho tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí anh hùng bất khuất của dân tộc, tạo động lực to lớn, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân cả trong nước và kiều bào tranh thủ thời cơ vượt qua khó khăn, thách thức đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhìn lại dòng chảy lịch sử, đất nước ta đã trải qua bao thăng trầm, nhưng phong trào Thi đua yêu nước luôn có sức sống mãnh liệt. Sở dĩ như vậy là do Đảng ta biết phát động, tổ chức thực hiện và tổng kết kinh nghiệm kịp thời. Bên cạnh việc biểu dương, tôn vinh những cá nhân, tập thể xuất sắc, Đảng còn kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém về thi đua của từng ngành, địa phương, nên các phong trào được phát động đều thu được kết quả tốt đẹp, trở thành nguồn sức mạnh, sức sống bền vững, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
PGS, TS. PHẠM XANH
____________
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 444.
2 - Kênh Bầu Súng đào xuyên qua gần 1.000m đất đá ong bảo đảm tưới tiêu cho hàng trăm mẫu lúa ở Mộ Đức; kênh Sơn Tịnh, Phú Sơn, đập ngăn mặn Tuy Phước biến gần 400.000 ha ruộng một vụ thành hai vụ.
3 - Theo thống kê của Bộ Canh Nông, năm 1948 đạt một triệu tấn thì đến năm 1950 đạt hơn hai triệu tấn. Theo Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 – 1954, Nxb QĐND, H. 1989, tr. 165-166.
4 - Đến cuối năm 1950, Liên khu Việt Bắc có trên 900 trường tiểu học, gần 20 trường trung học; số học sinh cấp I của Liên khu V tăng 11 lần; cấp II, III tăng 40 lần so với thời kỳ trước năm 1945. Theo Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 -1954, Tập 3, Nxb QĐND, H. 1989, tr. 175.
Thi đua ái quốc
Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng nhân tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Dân quân tự vệ 10/04/2025
Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ cả nước 28/03/2025
Tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò lực lượng dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng 27/03/2025
Xứng đáng là cơ quan đầu ngành toàn quân về tham mưu, chỉ đạo công tác dân quân tự vệ 26/03/2025
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, ngang tầm nhiệm vụ 26/03/2025
Họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học “Chiến thắng Tây Nguyên 1975 và nửa thế kỷ xây dựng, phát triển Đắk Lắk” 27/02/2025
Đại tướng Phan Văn Giang dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Không quân nhân dân Việt Nam 27/02/2025
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết thăm và chúc mừng Học viện Quân y 27/02/2025
Gặp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 26/02/2025
Thư của Đại tướng Phan Văn Giang chúc mừng cán bộ, nhân viên, học viên, chiến sĩ Quân y toàn quân 25/02/2025
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, ngang tầm nhiệm vụ
Xứng đáng là cơ quan đầu ngành toàn quân về tham mưu, chỉ đạo công tác dân quân tự vệ
Tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò lực lượng dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng
Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ cả nước
Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng nhân tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Dân quân tự vệ