Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Năm, 03/05/2018, 09:19 (GMT+7)
Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh C.Mác (05-5-1818 – 05-5-2018)
Sức sống của Học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội

Từ khi chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào thoái trào, Học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác trở thành một trọng điểm để các thế lực chống chủ nghĩa xã hội phê phán, đả kích; song, không phủ nhận được bản chất khoa học, cách mạng của Học thuyết này.

Học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội được xem là “hòn đá tảng” của quan niệm duy vật về lịch sử - một trong hai phát kiến vĩ đại của C. Mác. Nó là cơ sở phương pháp luận khoa học cho việc nhận thức đúng đắn sự vận động, phát triển của xã hội loài người; trở thành cơ sở lý luận để các đảng cộng sản và công nhân chân chính nhận thức về tính chất thời đại và đề ra đường lối chiến lược, sách lược cách mạng đúng đắn.

Đối lập với chủ nghĩa duy tâm và khắc phục tính chất nửa vời của chủ nghĩa duy vật tầm thường, C. Mác đã tạo ra bước ngoặt cách mạng trong thế giới quan của nhân loại khi đề ra Học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội để nhận thức xã hội. Trong Học thuyết này, C. Mác chỉ ra động lực của sự phát triển xã hội không phải từ trong ý thức của con người, mà từ tồn tại xã hội, từ đời sống vật chất của xã hội; khẳng định chính sản xuất của cải vật chất là cơ sở của đời sống xã hội. Cùng với đó, bằng phương pháp trừu tượng hóa khoa học và khái quát hóa, C. Mác đã chỉ ra cấu trúc của bất kỳ xã hội nào trong lịch sử cũng được định hình bởi ba yếu tố cơ bản, là: lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng. Những yếu tố đó có mối quan hệ biện chứng với nhau theo các quy luật khách quan: quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và quy luật về mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng. Ở đây,

trình độ lực lượng sản xuất quy định tính chất của quan hệ sản xuất, do đó quy định tính chất của các mối quan hệ xã hội trong xã hội đó. Đến lượt nó, tổng hợp các quan hệ sản xuất tạo thành cơ sở hạ tầng sẽ quy định bản chất của những quan điểm chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, tôn giáo,… cùng những thiết chế xã hội tương ứng, như: nhà nước, đảng phái, tổ chức tôn giáo, đoàn thể xã hội, v.v. Học thuyết này cũng chỉ ra sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội là quá trình lịch sử tự nhiên, nghĩa là tuân theo những quy luật khách quan. Theo đó, lịch sử xã hội loài người đã trải qua các hình thái kinh tế - xã hội: cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và sẽ tiến tới cộng sản chủ nghĩa. Sự thành công của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga với sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới đã mở đầu thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Sau đó là sự ra đời của nhiều nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, châu Á, châu Mỹ đã minh chứng cho tính chất khoa học và cách mạng của Học thuyết Mác xít về hình thái kinh tế - xã hội, mà những người phê phán C. Mác cũng phải khẳng định “có sức thuyết phục như bản thân sự thật”1. Ngay  Brê-din-xki, tác giả cuốn sách “Thất bại lớn - sự hưng vong của chủ nghĩa cộng sản thế kỷ XX” cũng thừa nhận: “Đối với những phần tử tri thức giàu năng lực phân tích giám định, thì lý luận chủ nghĩa Mác đã cung cấp cho họ chiếc chìa khóa để hiểu biết lịch sử nhân loại, là một phương pháp phân tích đánh giá xã hội, phân tích những nguyên nhân biến động chính trị, là một lý luận chặt chẽ khám phá những bí mật của đời sống kinh tế, và một loạt những kiến giải vì nhân tố động cơ xã hội”2.

Là một bộ phận của chủ nghĩa Mác, nên từ khi xuất hiện đến nay, Học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội luôn bị các thế lực chống cộng phê phán, phủ nhận. Bởi, nó không chỉ luận giải cơ sở khoa học của sự vận động, phát triển, thay thế nhau của các xã hội nói chung, mà còn khẳng định xã hội tư bản chủ nghĩa tất yếu phải bị thay thế bởi xã hội cộng sản. Được sự “hậu thuẫn” từ sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới vào những năm cuối của thế kỷ XX, các lý luận gia tư sản hoan hỷ tuyên bố về “sự cáo chung” của Học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội, nhất là trong việc tiếp cận vấn đề thời đại hiện nay. Những ý kiến phê phán có đủ mọi màu sắc, tựu trung là phủ nhận giá trị của Học thuyết này với lý sự rằng: lý luận của Học thuyết đã lạc hậu, chỉ thích hợp đối với “bước chuyển từ thời trung cổ sang thời cận đại”3 nên không lý giải được những vấn đề của xã hội thời đại văn minh tin học (!) Từ đây, họ đề xuất thay thế cách tiếp cận hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác khi phân tích xã hội bằng cách tiếp cận của nhà tương lai học An-vin Tốp-phlơ về ba nền văn minh kế tiếp nhau, là: “văn minh nông nghiệp”, “văn minh công nghiệp” và “văn minh hậu công nghiệp”. Thực chất của đề xuất này là phủ nhận Học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác; sâu xa hơn là phủ nhận con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của các nước, trong đó có Việt Nam.

Thực ra, cách tiếp cận theo nền văn minh không phải là một cái gì xa lạ với chủ nghĩa Mác. Dù tiếp cận theo hình thức nào, nền văn minh hay hình thái kinh tế - xã hội đều coi lực lượng sản xuất là nhân tố quyết định sự phát triển, thay thế nhau của các chế độ xã hội. Bản thân Ph. Ăng-ghen cũng từng nghiên cứu sự phát triển của các nền văn minh, khi nhất trí với Mooc - Găng phân chia lịch sử thành ba giai đoạn: mông muội, dã man và văn minh (tức là từ khi xã hội phân chia thành giai cấp). Còn C. Mác, trong tác phẩm Sự khốn cùng của triết học, cũng đã luận giải vai trò quyết định của lực lượng sản xuất trong việc thay đổi các chế độ xã hội. Ông viết: “Những quan hệ xã hội đều gắn liền mật thiết với những lực lượng sản xuất. Do có được những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất của mình, và do thay đổi phương thức sản xuất, cách kiếm sống của mình, loài người thay đổi tất cả những quan hệ xã hội của mình. Cái cối xay quay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp”4. Do vậy, ở góc độ này, cách tiếp cận theo nền văn minh và tiếp cận theo hình thái kinh tế - xã hội không mâu thuẫn nhau. Hơn nữa, cách tiếp cận theo nền văn minh còn có ý nghĩa nhất định đối với việc nhận thức lịch sử xã hội và có thể coi là sự bổ sung cho cách tiếp cận hình thái kinh tế - xã hội khi xem xét thời đại hiện nay. Tuy nhiên, cách tiếp cận theo nền văn minh không thể thay thế cho cách tiếp cận hình thái kinh tế - xã hội, vì tính chất phiến diện của nó. Cách tiếp cận theo nền văn minh tuyệt đối hóa vai trò của lực lượng sản xuất, bỏ qua vai trò các quan hệ xã hội, bỏ qua mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, nên không chỉ xóa nhòa ranh giới thực tế giữa các chế độ xã hội khác nhau, mà còn không chú ý đến nguồn gốc các động lực của sự vận động phát triển lịch sử, lảng tránh các vấn đề giai cấp, đấu tranh giai cấp và chế độ chính trị. Cách tiếp cận theo nền văn minh không cho phép người ta nhận thức xã hội như một chỉnh thể gồm nhiều yếu tố cơ bản và không cơ bản, không chỉ ra được yếu tố nào làm cơ sở cho sự phát triển của tất cả các yếu tố trong cơ thể xã hội. Đồng thời, đã quy tiến bộ xã hội chỉ còn là tiến bộ khoa học, công nghệ là không phản ánh đúng “cơ thể xã hội” và động lực chi phối sự phát triển của xã hội. Trong khi đó, Học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội không coi lực lượng sản xuất - nhân tố kinh tế có vai trò duy nhất quyết định sự phát triển của lịch sử, mà chỉ là nhân tố xét đến cùng quyết định. Ph. Ăng-ghen viết: “Theo quan điểm duy vật lịch sử, nhân tố quyết định trong lịch sử, xét đến cùng, là sự sản xuất và tái sản xuất ra đời sống hiện thực. Cả Mác lẫn tôi chưa bao giờ khẳng định gì hơn thế. Do đó, nếu có ai xuyên tạc câu đó khiến cho nó có nghĩa là nhân tố kinh tế là nhân tố quyết định duy nhất thì như vậy là họ đã biến câu đó thành một câu trống rỗng, trừu tượng, vô nghĩa. Tình hình kinh tế là cơ sở, nhưng mọi yếu tố khác của thượng tầng kiến trúc… cũng đều ảnh hưởng đến quá trình của những cuộc đấu tranh lịch sử và trong nhiều trường hợp, lại chiếm ưu thế trong việc quyết định hình thức của những cuộc đấu tranh đó”5.

Chủ nghĩa tư bản đương đại mặc dù vẫn còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột, bất công. Những mâu thuẫn cơ bản, vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tư bản và lao động, giữa lực lượng sản xuất xã hội hóa ngày càng cao với cái vỏ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa chật hẹp không chỉ còn nguyên, mà ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội trong thế giới tư bản vẫn tiếp tục xảy ra, ngày càng nhiều. Gần đây nhất là cuộc khủng hoảng tài chính cuối năm 2007 xuất phát từ nước Mỹ, lan rộng ra toàn cầu. Phong trào “Chiếm phố Uôn” với biểu ngữ “99% người nghèo chống lại 1% người giàu” trong những năm khủng hoảng diễn ra ở nước Mỹ và một số nước tư bản phát triển đã chứng tỏ sự bất lực của xã hội tư bản trong việc giải quyết vấn đề công bằng xã hội. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản.

Đối với chủ nghĩa xã hội, sự tan rã của Liên Xô và sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu, Mông Cổ là một tổn thất to lớn của phong trào cộng sản và công nhân thế giới, song không đồng nhất với “sự cáo chung” của học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội; bởi, đó chỉ là sự sụp đổ của một mô hình xã hội chủ nghĩa cụ thể - mô hình “tập trung, bao cấp” kiểu “Xô-viết”. Nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp của sự sụp đổ bắt nguồn từ chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại trong đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng cầm quyền, cùng sự phản bội của một số người lãnh đạo cao nhất ở đó đối với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Trên cơ sở nhận thức đúng bản chất khoa học và cách mạng của Học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó có Việt Nam, vẫn kiên định con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành cải cách, đổi mới và giành được nhiều thành tựu to lớn, khẳng định xu thế phát triển và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

Hiện tại, các nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và cánh tả còn gặp nhiều khó khăn. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội còn gặp nhiều thách thức; các thế lực thù địch tiếp tục chống phá quyết liệt, tìm mọi cách xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, nhưng đúng như Đảng ta xác định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội6. Thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; Học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội vẫn giữ nguyên giá trị và sức sống.

NGUYỄN NGỌC HỒI
_______________

1 - Iu. Burtin - Những khiếm khuyết trong học thuyết lịch sử của Mác, Tạp chí Tháng Mười, số 11-1989, tr. 5.

2 - Lưu Đình Á - Hãy cảnh giác cuộc chiến tranh thế giới không có khói súng, Nxb CTQG, H. 1994, tr. 129.

3 - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Mấy vấn đề về chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong giai đoạn hiện nay, Thông tin chuyên đề phục vụ lãnh đạo nghiên cứu và giảng dạy, Trung tâm Thông tin - Tư liệu, H. 1994, tr. 48.

4 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 187.

5 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 37, Nxb CTQG, H. 1997, tr.641.

6 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 69.

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.