Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 27/04/2015, 14:56 (GMT+7)
Sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và vấn đề đặt ra đối với xây dựng Quân đội về chính trị hiện nay

Cách đây 40 năm, với thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi đó là Đảng ta đã phát huy cao độ sức mạnh chính trị - tinh thần của cả dân tộc.

Nhân dân Sài Gòn dự mít tinh mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng.
(Ảnh tư liệu)

Đại thắng mùa Xuân 1975 cùng với những chiến thắng oanh liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, một lần nữa đã khẳng định cội nguồn sức mạnh truyền thống của dân tộc, sức mạnh và sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, sức mạnh của ý chí, khát vọng độc lập, tự do của quân và dân ta trước kẻ thù xâm lược.

 Thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta 40 năm về trước mở ra bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, kết thúc vẻ vang cuộc đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta kể từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH. Với Chiến thắng ngày 30-4-1975, quân và dân ta đã làm sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, góp phần cổ vũ các dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc.

Sau Hiệp định Pa-ri (ngày 27-01-1973), đế quốc Mỹ tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với hy vọng dùng 71 vạn quân chính quy và 1,5 triệu bảo an, dân vệ ngụy đã được “hiện đại hóa” và “tinh nhuệ hóa”, trắng trợn phá hoại Hiệp định Pa-ri, đẩy mạnh lấn chiếm, bình định, duy trì chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, Đảng ta chủ trương: Kiên quyết, chủ động tiến công, nắm bắt và tạo thời cơ, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Năm 1974, cục diện chiến trường có chuyển biến nhanh chóng, ngày càng có lợi cho ta, thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến. Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền Nam - Bắc, nắm chắc thời cơ lịch sử, mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thực hiện chủ trương đó, ngày 10-3-1975, quân và dân ta bắt đầu mở Chiến dịch Tây Nguyên với “đòn điểm huyệt” Buôn Ma Thuột. Chiến dịch Tây Nguyên đã giáng cho địch đòn bất ngờ và chịu thất bại thảm hại, buộc chúng phải tháo chạy khỏi địa bàn chiến lược này; đồng thời, tạo đà cho việc mở và nhanh chóng giành thắng lợi của Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, giải phóng các tỉnh ven biển Nam Trung bộ. Với những thắng lợi đó, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh thẳng vào Sài Gòn - Gia Định, sào huyệt cuối cùng của địch. Với phương châm: Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, 5 cánh quân chủ lực hùng mạnh của ta phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương và phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân đồng loạt tiến công đập tan sự kháng cự của quân ngụy, giải phóng Sài Gòn, bắt sống toàn bộ nội các ngụy quyền, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Đúng 11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người đi xa “Chúng ta phải quyết tâm đánh thắng Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn” đã được quân và dân ta thực hiện trọn vẹn.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta là thắng lợi của sức mạnh, trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Để giành thắng lợi, Đảng ta đã tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp mọi nguồn lực của cả nước, sức mạnh của chiến tranh nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng ý chí quyết tâm sắt đá, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Trong đó yếu tố chính trị - tinh thần luôn là điểm tựa vững chắc, là nền tảng cơ bản, có ưu thế tuyệt đối so với đối phương, như V.I. Lê-nin đã khẳng định “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường, lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng cần phải hy sinh đời mình cho hạnh phúc của những người anh em, là yếu tố nâng cao tinh thần của binh sĩ và làm cho họ chịu đựng được những khó khăn chưa từng thấy”1.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta luôn chú trọng đến việc phát huy nhân tố chính trị - tinh thần, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả nước cho tiền tuyến lớn. Sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 là sự kết tinh, hội tụ sức mạnh của 21 năm chống Mỹ, cứu nước với những kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo rút ra từ nhiều chiến dịch kế tiếp nhau trong cuộc Tổng tiến công chiến lược giành thắng lợi cuối cùng (Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, Hồ Chí Minh). Đó là sự phát huy đến đỉnh cao sức mạnh của cả dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại vào cuộc quyết chiến chiến lược. Đó là sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng với đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, phát huy sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc XHCN, của tiền tuyến lớn miền Nam kiên trung, anh dũng trên tuyến đầu chống Mỹ. Đó còn là sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình, có hiệu quả của bạn bè quốc tế, nhất là các nước XHCN, mà nòng cốt là Liên Xô và Trung Quốc đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Biểu hiện tập trung nhất của sức mạnh chính trị - tinh thần trong Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng như toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là đường lối lãnh đạo của Đảng. Trên cơ sở nắm vững chủ nghĩa Mác – Lê-nin, xuất phát từ tình hình cụ thể của cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, khoa học. Đó là đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, nhằm đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành sự nghiệp độc lập dân tộc, dân chủ trong cả nước. Để thực hiện đường lối đó, Đảng ta đã dồn sức của cả dân tộc để tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, bằng cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, lấy lực lượng chính trị làm cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang; lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân, gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, tiến công với nổi dậy, nổi dậy với tiến công. Đồng thời, quán triệt và thực hiện triệt để tư tưởng chiến lược tiến công, nắm vững thời cơ chiến lược; vận dụng linh hoạt cách đánh chiến dịch; các hình thức chiến thuật; nắm chắc diễn biến cụ thể trên chiến trường, nhạy bén trước những động thái của địch, bổ sung quyết tâm chiến lược sau từng chiến dịch. Mặt khác, đã phát huy tốt hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong từng chiến dịch, từng mặt trận, nhất là công tác tư tưởng để động viên tinh thần, ý chí quyết tâm đánh giặc với nhịp độ tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, tạo thế áp đảo cả về quân sự, chính trị và ngoại giao, làm cho địch không kịp trở tay, tan rã và đầu hàng vô điều kiện.

Bám sát đường lối, phương thức lãnh đạo của Đảng, trong từng thời điểm, Tổng cục Chính trị đã kịp thời chỉ đạo tiến hành công tác đảng, công tác chính trị bằng nhiều nội dung, hình thức, biện pháp thiết thực, hiệu quả. Công tác tư tưởng đã thường xuyên làm cho bộ đội nhận thức rõ nhiệm vụ, nắm chắc đặc điểm, tình hình, thuận lợi, khó khăn. Từ đó, nêu cao tinh thần quyết tâm chiến đấu, tranh thủ thời gian, mưu trí, sáng tạo, linh hoạt, táo bạo để giành thắng lợi. Điều đó được thể hiện rõ trong việc thực hiện phương châm chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ thời gian từng phút xốc tới mặt trận giải phóng hoàn toàn miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”2. Đây vừa là mệnh lệnh, vừa là sự khích lệ, động viên tư tưởng, hướng dẫn hành động đối với cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân trong cuộc chiến đấu cuối cùng khi thời cơ lịch sử đã đến. Bởi vậy, sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta thời điểm đó được nhân lên gấp bội, với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”, tạo thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi, rộng khắp cả ở hậu phương và tiền tuyến. Lý tưởng, lẽ sống “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, tinh thần “cả nước ra quân, toàn dân đánh giặc” đã được dấy lên thành cao trào cách mạng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Những hành động dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân trên khắp hai miền Nam - Bắc là biểu hiện sinh động về sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như xây dựng Quân đội về chính trị vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Sự tranh giành ảnh hưởng, cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa các nước lớn ngày càng gia tăng. Đối với nước ta, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội với những thủ đoạn mới hết sức thâm độc, nguy hiểm, nhất là vào thời điểm mà toàn Đảng đang tập trung tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Để phát huy nhân tố chính trị - tinh thần, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong thời kỳ mới, cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề cơ bản sau:

Một làphải thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảm bảo giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội

Đây là nguyên tắc bất di bất dịch và cũng là mục tiêu, yêu cầu bức thiết của sự nghiệp xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Để làm được điều đó, toàn quân tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Nghị quyết 513-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) gắn với làm tốt công tác xây dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt tự phê bình và phê bình, năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết và chấp hành nguyên tắc, quy chế, quy định, hướng dẫn của Trung ương và Quân ủy Trung ương; phát huy vai trò của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong những tình huống khó khăn, phức tạp, đòi hỏi tập trung lãnh đạo cao. Trước mắt, các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác chuẩn bị, tiến hành đại hội các cấp và Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng theo Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 464-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương. Quá trình chuẩn bị đại hội, các cấp phải chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên; thực hiện đúng thủ tục, nguyên tắc, quy trình; tập trung chuẩn bị tốt báo cáo chính trị và nhân sự cấp ủy khóa mới. Sau đại hội, từng cấp ủy chú trọng xây dựng quy chế, quy định, chương trình làm việc toàn khóa và chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội sát thực, có tính khả thi cao.

Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

Tập trung giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản chất giai cấp, lý tưởng cách mạng, mục tiêu chiến đấu, xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, đảm bảo cho Quân đội bất luận trong hoàn cảnh nào, khó khăn đến đâu cũng luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và vận dụng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” vào dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn quân sự trong các nhà trường quân đội; thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” và Quy chế giáo dục chính trị đã ban hành. Trong quá trình thực hiện, cần bám sát nhiệm vụ chính trị, đặc điểm đơn vị để đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Đặc biệt, phải gắn công tác giáo dục chính trị với tổ chức hoạt động thực tiễn để mỗi cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng tình hình, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội; nắm vững thời cơ, thách thức, thuận lợi, khó khăn; phân biệt rõ “đối tượng”, “đối tác”, không mơ hồ, mất cảnh giác, xử lý tốt tình huống, không để bị động, bất ngờ. Đẩy mạnh giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, truyền thống của dân tộc, của Đảng và Quân đội; chú trọng giáo dục bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, đạo đức, lối sống, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ. Chủ động làm tốt công tác định hướng, quản lý tư tưởng, không để xảy ra đột biến tiêu cực về tư tưởng làm ảnh hưởng đến sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và Đợt thi đua cao điểm “Thần tốc - Quyết thắng”, tạo động lực tinh thần to lớn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị.

Ba là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bất luận trong thời chiến hay thời bình, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì luôn đóng vai trò quyết định, là “cái gốc” của mọi công việc. Bởi vậy, việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác tốt, phương pháp, tác phong, phong cách lãnh đạo khoa học, có uy tín trước tập thể là vấn đề hết sức quan trọng. Để làm tốt công tác này, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 769-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo” và Quy chế công tác cán bộ đã ban hành. Trong đó, phải chủ động làm tốt công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược và cán bộ quân sự địa phương tham gia vào cấp ủy (tỉnh ủy, thành ủy); tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh, kiến thức, trình độ, năng lực đảm bảo cho đội ngũ cán bộ có đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) và Quy định 646-QĐ/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt việc nói đi đôi với làm, cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ làm gương cho chiến sĩ học tập, noi theo.

Bốn là, thực hiện tốt công tác dân vận, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân - dân.

Một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt cho trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân 1975 là Đảng ta đã phát huy nguồn sức mạnh vô địch của nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội hiện nay, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân càng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi vậy, công tác dân vận cần phải được quan tâm đúng mức, thực hiện hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 25-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) và Nghị quyết 49-NQ/QUTW, ngày 26-01-2015 của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới”. Trên cơ sở đó, tích cực đổi mới nội dung, hình thức công tác dân vận cho phù hợp với từng địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo. Các đơn vị cần chủ động phối hợp với các lực lượng trong việc tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc và giúp nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, khắc phục hậu quả thiên tai,… góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Qua đó, tăng cường mối đoàn kết máu thịt quân - dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Quân đội, với Đảng, với Nhà nước và chế độ XHCN.

Năm là, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Các đơn vị phải thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm các quy định, quy chế về an toàn nội bộ; tuyệt đối không để xảy ra lộ, lọt thông tin, cài cắm, móc nối; phấn đấu 100% đơn vị an toàn về chính trị. Cùng với đó, Quân đội nhân dân phải chủ động phối hợp với các lực lượng, nắm chắc tình hình, phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, hành động chống phá thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.

Phát huy tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục nêu cao truyền thống, bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” - “Bộ đội của dân”, đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng chính trị, quân sự nòng cốt của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Thượng tướng NGÔ XUÂN LỊCH, Bí thư Trung ương Đảng

ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam
___________________

1 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 41, Nxb Tiến bộ, M. 1977, tr. 147.

2 - Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị - Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-2000), Nxb QĐND, H. 2002, tr. 592.

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.