Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Chủ Nhật, 05/01/2014, 12:58 (GMT+7)
Kỷ niệm 35 năm Ngày nhân dân Cam-pu-chia thoát nạn diệt chủng
Sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Cam-pu-chia

Cách đây 35 năm, thế giới chứng kiến một thảm họa diệt chủng hết sức tàn bạo, man rợ, có một không hai trong lịch sử, do tập đoàn Pôn Pôt – Iêng-Xary tiến hành chống lại chính dân tộc mình; đồng thời, cũng chứng kiến một hành động cao cả, nhân đạo, đầy nghĩa hiệp của Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, từng bước hồi sinh dân tộc, xây dựng cuộc sống mới.

Quân tình nguyện Việt Nam huấn luyện thông tin liên lạc
cho lực lượng vũ trang Cam-pu-chia. (Ảnh: Tư liệu).

Việt Nam và Cam-pu-chia là hai nước láng giềng, có mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống lâu đời. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, theo đề nghị của Bạn, Chính phủ Việt Nam đã cử Bộ đội tình nguyện hai lần sang làm nhiệm vụ quốc tế, sát cánh cùng nhân dân và Quân đội Cam-pu-chia chiến đấu chống kẻ thù chung, giành độc lập dân tộc. Lần thứ ba, Quân tình nguyện (QTN) Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia trong bối cảnh hoàn toàn khác: không phải chiến đấu chống quân xâm lược mà giúp nhân dân nước Bạn thoát khỏi họa diệt chủng, thực hiện hồi sinh dân tộc. Với phương châm “giúp bạn là tự giúp mình”, cán bộ, chiến sĩ QTN Việt Nam đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, dũng cảm chiến đấu đánh đổ tập đoàn Pôn Pôt – Iêng-Xary mang danh cách mạng, đưa dân tộc Cam-pu-chia đi lên từ “cánh đồng chết”. Cần thấy rằng, QTN Việt Nam sang cứu giúp nhân dân Cam-pu-chia trong bối cảnh là chính đất nước mình vừa trải qua 30 năm chiến tranh tàn khốc, kinh tế chưa kịp khôi phục, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, hậu phương, gia đình của cán bộ, chiến sĩ chưa ổn định. Điều đó đã thể hiện nghĩa cử cao đẹp, chí tình, chí nghĩa, hết lòng vì Bạn, toàn tâm, toàn ý giúp Bạn của “Bộ đội Cụ Hồ” trong điều kiện mới.

Chúng ta đều biết, sau khi giành được độc lập năm 1975, với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, tập đoàn Pôn Pôt – Iêng-Xary đã thi hành chính sách diệt chủng, thanh trừng nội bộ, giết hại hàng triệu người dân vô tội của dân tộc mình. Đồng thời, chúng đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam nước ta, gây những tội ác dã man khủng khiếp đối với nhân dân ta. Vì sao Pôn Pôt - người một thời cùng chiến hào với nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam chống kẻ thù xâm lược, thậm chí đã được quân, dân Việt Nam đùm bọc, chở che trong những hoàn cảnh khó khăn, ác liệt - lại dã tâm xâm lược Việt Nam? Làm rõ vấn đề này sẽ thấy được bản chất thực của một kẻ “vong ân bội nghĩa”, “dân tộc hẹp hòi”, đột lốt cách mạng để thực hiện những hành động phản cách mạng, phản bội lại bạn bè và hủy diệt chính dân tộc mình. Việc Pôn Pôt xua quân tiến công Việt Nam chẳng qua là hành động mượn cớ để đẩy mạnh thanh trừng nội bộ, thanh lọc nhân dân, diệt sạch những người yêu nước, yêu lý tưởng hòa bình, độc lập, trung lập, không liên kết, yêu kính đạo Phật và phẩm hạnh Phật giáo, để chúng dễ bề xây dựng cái gọi là “xã hội cộng sản” theo kiểu “Khơ-me đỏ”. Pôn Pôt cho rằng: tiến công Việt Nam là  chiến lược lâu dài, có tính chất “gặm nhấm”, “ta (Pôn Pôt) không đánh nó (Việt Nam) trước thì sẽ không thắng”; “Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt một vài ba vạn thì có thể đánh 10 - 15 - 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Cam-pu-chia để tiêu diệt 60 triệu người Việt Nam”. Ngạo mạn hơn, theo báo Le Monde (Pháp), ngày 08-01-1978, Pôn Pôt tuyên bố trên Đài phát thanh Phnôm-Pênh: “Trong đời tôi, tôi hy vọng giải phóng Sài Gòn”. Với tư tưởng đó, Pôn Pôt đã ra lệnh mở cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam; giết người, đốt phá trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thờ, chùa chiền, cướp, giết trâu, bò,… gây bao đau thương, tang tóc cho nhân dân Việt Nam. Hành động của chúng rõ ràng là phi nghĩa, không gì có thể biện minh được. Nhưng xuất phát từ truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc, Đảng, Nhà nước ta đã kiên trì tìm cách cứu vãn hòa bình, nhiều lần đề nghị đàm phán, thương lượng để giải quyết những bất đồng. Song, tập đoàn Pôn Pôt – Iêng-Xary đã cự tuyệt mọi thiện chí của chúng ta, đẩy mạnh lấn chiếm biên giới, tàn sát đồng bào, công khai thực hiện chính sách thù hận đối với Việt Nam, buộc ta phải chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược.

Về phía nhân dân Cam-pu-chia, những người cách mạng chân chính không cam chịu để đất nước và dân tộc đi đến chỗ diệt vong. Được sự giúp đỡ của ta, Bạn đã tập hợp lại lực lượng, xây dựng các đơn vị chiến đấu, thành lập Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia; kêu gọi nhân dân đứng lên lật đổ chế độ Pôn Pôt và yêu cầu Việt Nam giúp đỡ để giải phóng nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng. Dưới chế độ này, người dân Cam-pu-chia như sống trong một trại khổ sai khổng lồ; con người không được nói, không được vui, không được buồn, không được khóc, không được suy nghĩ, chỉ biết cúi đầu tuân lệnh, lao động khổ sai và chờ gọi tên mình đưa đi hành quyết. Bởi vậy, khi QTN Việt Nam vào giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng, đã được người dân đón tiếp bằng sự vui mừng không kể xiết; cho đó là một sự kỳ diệu, người đã đưa họ từ cõi chết trở về. Việc QTN Việt Nam giúp nhân dân Cam-pu-chia đánh đổ tập đoàn Pôn Pôt – Iêng-Xary không phải như những lời tuyên truyền, vu cáo của các thế lực thù địch, mà xuất phát từ tình đoàn kết, hữu nghị gắn bó lâu đời giữa hai nước cùng chống kẻ thù chung và chế ngự thiên nhiên; từ thiện chí và sự đồng cảm của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, từng chịu bao thảm cảnh đau thương của chiến tranh và một tinh thần quốc tế vô sản cao cả; một chân lý “giúp bạn là tự giúp mình”, bảo vệ bạn là tự bảo vệ mình theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đồng thời, việc làm đó cũng là thể theo tiếng gọi khẩn thiết của nhân dân Cam-pu-chia, của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, kêu gọi cứu nguy của một dân tộc đang rơi vào thảm cảnh tột cùng của sự tha hóa, cần sự giúp đỡ quốc tế, trong đó có người bạn láng giềng truyền thống Việt Nam. Đây là một hành động hết sức cao cả và hoàn toàn chính nghĩa. Thực hiện sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược đập tan cuộc tiến công xâm lược Việt Nam của bè lũ Pôn Pôt; sau đó, cử QTN sang phối hợp cùng với quân và dân Cam-pu-chia đánh tan lực lượng quân sự Pôn Pôt, xóa bỏ chế độ diệt chủng. Trên một đất nước còn đầy đau thương, tang tóc, bộ đội ta đã cùng với các lực lượng của Bạn ngày đêm truy kích, tiêu diệt tàn quân Pôn Pôt; cứu giúp hàng chục vạn người còn bị kìm kẹp, đầy đọa trong các hang ổ của chúng ở biên giới, vùng rừng núi,… trở về quê đoàn tụ gia đình, phục hồi cuộc sống bình thường. Các đơn vị QTN Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bạn phá tan âm mưu, hành động quay trở lại chế độ diệt chủng; xây dựng chính quyền nhân dân từ cơ sở, khôi phục sản xuất, làm lại nhà cửa, trường học, chùa chiền,… Lợi dụng QTN Việt Nam ở lại giúp Bạn thực hiện cuộc hồi sinh dân tộc, xây dựng lực lượng đủ sức tự bảo vệ mình, kẻ địch ra sức kích động vấn đề dân tộc cực đoan, khơi dậy tâm lý hẹp hòi, vu cáo Việt Nam xâm lược để lôi kéo nhân dân Cam-pu-chia chống lại Bộ đội Việt Nam. Trước tình hình đó, các đơn vị QTN Việt Nam đã cùng Bộ đội Cam-pu-chia đến từng xã, ấp vừa đánh địch, vừa làm công tác vận động quần chúng, vạch trần luận điệu xuyên tạc, giúp nhân dân nước Bạn ổn định cuộc sống, xây dựng chính quyền vững mạnh. Dưới sự giúp đỡ của QTN Việt Nam, nhân dân Cam-pu-chia đã dấy lên một cao trào quần chúng rộng rãi đứng lên tự giải phóng mình; thực hiện hồi sinh từng người, từng gia đình, từng thôn, ấp và hồi sinh toàn dân tộc.

Để giúp nhân dân Cam-pu-chia vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới, QTN Việt Nam đã làm tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, hòa mình, gắn bó với nhân dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân và cũng được nhân dân Cam-pu-chia tin cậy, ủng hộ. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, tâm trạng chung của cán bộ, chiến sĩ ta là sau khi giúp Bạn đánh đổ chế độ diệt chủng, sớm được trở về Tổ quốc, nhưng trước yêu cầu của nhân dân Cam-pu-chia, QTN Việt Nam đã xác định đúng đắn nhiệm vụ, yên tâm ở lại giúp Bạn truy quét tàn quân Pôn Pôt, củng cố, xây dựng lực lượng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cả nước. Đồng thời cũng xác định rõ, việc đánh tan tập đoàn Pôn Pôt – Iêng-Xary, cứu nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng và hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp tươi đẹp là hai nhiệm vụ cấp bách như nhau. Từ đó, đề cao tinh thần trách nhiệm, lòng dũng cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, vừa chiến đấu, vừa khôi phục cuộc sống của nhân dân, chia sẻ với nhân dân từ những việc làm nhỏ nhất. Cán bộ, chiến sĩ QTN Việt Nam đã phát huy tốt phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trên đất Bạn; đồng cam cộng khổ với nhân dân nước Bạn như đối với người thân của mình. Được sự hỗ trợ của QTN Việt Nam, nhân dân Cam-pu-chia đã đứng lên thực hiện quyền làm chủ của mình; bầu Quốc hội, chính quyền các cấp, cử ra người lãnh đạo đất nước. Các đoàn thể quần chúng, như: Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, các tổ đoàn kết sản xuất được thành lập. Lực lượng vũ trang Cam-pu-chia được xây dựng, ngày càng phát triển: bao gồm 3 thứ quân; có hệ thống lãnh đạo, chỉ huy tập trung, thống nhất từ trung ương đến cơ sở; có đội ngũ cán bộ được rèn luyện, thử thách qua chiến đấu, công tác. Đây chính là cơ sở chính trị, lực lượng chính trị vững mạnh của một nước Cam-pu-chia mới đang hồi sinh. Việc lãnh đạo, điều hành của chính quyền non trẻ ở Cam-pu-chia được thực hiện thông suốt, từng bước vững chắc, bảo đảm mọi quyền lợi thuộc về nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cam-pu-chia, đất nước Cam-pu-chia từng ngày “thay da, đổi thịt”: kinh tế, quốc phòng, an ninh không ngừng được phát triển; đời sống văn hóa - xã hội được cải thiện; hệ thống chính trị được củng cố; vị thế của Cam-pu-chia trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định; mối quan hệ với các nước láng giềng ngày thêm gắn bó; lực lượng vũ trang Cam-pu-chia từng bước trưởng thành, tự mình bảo vệ được thành quả cách mạng. Bởi vậy, khi QTN Việt Nam rút về nước, Pôn Pôt dồn sức phản công hòng giành lại chính quyền, quay trở lại chế độ cũ, nhưng lực lượng của Bạn vẫn đủ sức chiến đấu, làm thất bại mọi âm mưu của địch, buộc chúng phải chấp nhận ngừng bắn, đi vào giải pháp chính trị.

Trong 10 năm (1979 - 1989) làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, cán bộ, chiến sĩ QTN Việt Nam đã thể hiện rõ ý chí chiến đấu kiên cường, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của nhân dân nước Bạn, vượt qua những thử thách hết sức gay go, quyết liệt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Vì một đất nước Ăng-co tươi đẹp, vì sự hồi sinh của một dân tộc, biết bao cán bộ, chiến sĩ ta đã ngã xuống hoặc để lại một phần xương máu trên đất Bạn. Dân tộc Cam-pu-chia biết rõ và khắc sâu trong tâm trí sự hy sinh lớn lao, trong sáng đó. Hình ảnh cao đẹp của QTN Việt Nam mãi mãi đọng lại trong trái tim người dân Cam-pu-chia. Thắng lợi của QTN Việt Nam giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng đã đánh dấu bước phát triển mới trong bản chất cách mạng và truyền thống vẻ vang của Quân đội ta. Yếu tố quyết định thắng lợi đó, trước hết là đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh “giúp bạn là tự giúp mình”; là truyền thống đoàn kết của nhân dân Việt Nam với nhân dân Cam-pu-chia; là tinh thần chiến đấu, hy sinh của QTN Việt Nam, sự giúp đỡ có hiệu quả của nhân dân và các lực lượng vũ trang Cam-pu-chia trong cuộc chiến đấu chung chống tập đoàn Pôn Pôt – Iêng-Xary. Thắng lợi này cũng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cam-pu-chia trong xây dựng lực lượng, tập hợp quần chúng, đề ra được cương lĩnh, đường lối đúng đắn xây dựng đất nước. Đây cũng là cơ sở để phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch hòng phủ nhận vai trò của Đảng Nhân dân Cam-pu-chia và QTN Việt Nam trong sự kiện ở Cam-pu-chia cách đây 35 năm; đồng thời, tiếp tục củng cố, vun đắp tình hữu nghị truyền thống lâu đời giữa nhân dân hai nước. Chế độ diệt chủng Pôn Pôt đã lùi xa. Điều còn đọng lại trong trái tim mỗi người dân Cam-pu-chia về QTN Việt Nam là lòng biết ơn, tình hữu nghị, hình ảnh về một “Đội quân nhà Phật” về cứu giúp. Gây tội ác sẽ phải đền tội. Tập đoàn Pôn Pôt – Iêng-Xary đã bị Tòa án Quốc tế đưa ra xét xử về tội diệt chủng. Việc làm này đã làm nức lòng người dân Cam-pu-chia và dư luận thế giới; đồng thời, là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai cố tình đi ngược lại đạo lý, coi thường dư luận, chà đạp lên danh dự của cả một dân tộc để thực hiện mưu đồ đen tối của mình.

Ngày nay, đất nước Cam-pu-chia đang thay đổi từng ngày, phát huy được tiềm năng, lợi thế trong quá trình xây dựng và phát triển. Chế độ Quân chủ lập hiến - biểu tượng về lòng yêu nước, tình hữu nghị với bạn bè láng giềng, về chính sách hòa bình, trung lập, không liên kết được khôi phục. Điều đó đã thể hiện sự sáng tạo trong chiến lược phát triển của cách mạng Cam-pu-chia trong tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động. Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Hoàng gia, nhân dân Cam-pu-chia đang tăng cường đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, giành nhiều thành tích to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, phồn vinh của dân tộc và đoàn kết, hợp tác quốc tế. Hệ thống chính trị trong nước ngày càng được củng cố vững chắc. Nền kinh tế Cam-pu-chia từ con số không, sau 35 năm, đã hồi sinh và phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực. Cam-pu-chia đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trong khu vực. Tính chung từ tám tháng đầu năm 2013, tổng lượng gạo xuất khẩu đạt 237.000 tấn, tăng 108% so cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 15% so với cả năm 2012. Dự kiến đến năm 2015, Cam-pu-chia có thể xuất khẩu được 01 triệu tấn lương thực. Các ngành kinh tế mũi nhọn, như: xuất khẩu hàng dệt may, du lịch, nông nghiệp và xây dựng,… đã có sự khởi sắc, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của nền kinh tế. Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực vẫn chưa được khắc phục, nhưng nền kinh tế của Cam-pu-chia không ngừng phát triển, đời sống của nhân dân Cam-pu-chia được nâng lên một bước. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự đoán tăng trưởng kinh tế của Cam-pu-chia năm 2013 là 7,2%; năm 2014 có thể lên đến 7,5%. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, thể hiện được uy tín, trách nhiệm của Cam-pu-chia trên trường quốc tế. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Cam-pu-chia đã trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử, nhưng tình hữu nghị, đoàn kết, chia ngọt, sẻ bùi, luôn giành cho nhau sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa mãi mãi là tài sản vô giá, được nhân dân hai nước quý trọng và phát huy. Sau Hiệp ước Hòa bình Pa-ri năm 1991 và cuộc Tổng tuyển cử năm 1993, Cam-pu-chia đi vào thể chế chính trị đa đảng, quan hệ hai nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Với phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trong những năm qua, quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Cam-pu-chia không ngừng được củng cố, phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân hai nước, sự ổn định của khu vực và trên toàn thế giới.

Kỷ niệm 35 năm ngày QTN Việt Nam giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng là dịp để chúng ta ôn lại những kỷ niệm tốt đẹp trong mối quan hệ thủy chung, gắn bó giữa nhân dân hai nước; đồng thời, là cơ sở để tiếp tục nâng mối quan hệ lên tầm cao mới: cùng hợp tác và phát triển, cùng giàu lên, mạnh lên trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

LÊ KHẢ PHIÊU

Nguyên Tổng Bí thư BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)

Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ cả nước
Tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi những thành tích và sự tiến bộ, trưởng thành của Dân quân tự vệ trong 90 năm qua. Mong rằng, trong giai đoạn cách mạng mới, các đồng chí tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao;...