Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Năm, 12/07/2012, 15:19 (GMT+7)
Sư đoàn 330 với công tác chính sách hậu phương quân đội và phong trào “đền ơn đáp nghĩa”

 Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” không chỉ là sự trân trọng, ghi nhớ công ơn, sự bù đắp, động viên đối với những người có công và gia đình có người thân hy sinh vì Tổ quốc, mà còn tác động mạnh mẽ đến những người đang và sẽ cống hiến cho sự nghiệp của cách mạng.

Thấm nhuần điều đó, nhiều năm nay, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) Sư đoàn 330 (Quân khu 9) đã có nhiều việc làm thiết thực, trực tiếp góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CB,CS và các đối tượng chính sách, được chính quyền và nhân dân nhiều địa phương ghi nhận;  góp phần củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc; đồng thời, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân...

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, trực tiếp là của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và Hướng dẫn của Tổng cục Chính trị về đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trong giai đoạn mới, Đảng ủy Sư đoàn đã ra nghị quyết chuyên đề về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội, hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Nghị quyết nhấn mạnh vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là của cấp ủy viên, cán bộ chủ trì các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị các cấp chủ động xây dựng kế hoạch, xác định rõ đối tượng, nội dung, thời gian và tổ chức thực hiện. Các đơn vị trong Sư đoàn đã kết hợp chặt chẽ giữa việc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, tích cực tuyên truyền về phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với việc giáo dục sâu sắc đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cũng như tình cảm đồng chí, đồng đội của Quân đội ta. Qua đó, giúp CB,CS, công nhân viên quốc phòng trong Sư đoàn và nhân dân trên địa bàn nhận thức được công lao to lớn của các thế hệ đi trước, những người đã vĩnh viễn ngã xuống hoặc đã cống hiến một phần xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, củng cố thêm niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng cho CB,CS, các đối tượng chính sách và nhân dân.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính sách quân đội, hậu phương quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Sư đoàn là: quan tâm giải quyết tốt các chế độ chính sách cho mọi quân nhân tại ngũ, người có công. Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã nghiên cứu, vận dụng có hiệu quả các chủ trương, quan điểm, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về công tác chính sách; làm tốt công tác tư tưởng, bảo đảm kịp thời, chính xác mọi quyền lợi của CB,CS, người có công trên địa bàn. Thực hiện Nghị định số 63/2003/NĐ-CP, ngày 18-6-2003 của Chính phủ về khám, chữa bệnh cho thân nhân sĩ quan tại ngũ, Sư đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác chính sách bảo hiểm y tế cho thân nhân gia đình CB,CS, ưu đãi người có công; giải quyết các chế độ chính sách bảo hiểm cho mọi đối tượng được hưởng, như: hưu trí, xuất ngũ, tai nạn lao động, nghỉ dưỡng... Khi gia đình quân nhân gặp hoạn nạn, lâm bệnh hiểm nghèo, có việc tang, các đơn vị đều tổ chức cho CB,CS động viên thăm hỏi, giúp đỡ hoặc quyên góp ủng hộ. Đồng thời, liên hệ chặt chẽ với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội của địa phương bảo đảm chế độ ưu đãi học đường cho con thương binh và tạo việc làm cho vợ, con thương binh của đơn vị theo chính sách đãi ngộ của Nhà nước.

Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt việc giải quyết các vấn đề chính sách tồn đọng. Do đặc điểm chiến tranh kéo dài, các đơn vị của Sư đoàn chiến đấu độc lập sâu trong lòng địch, trên khắp các tỉnh Miền Tây Nam Bộ và trên đất bạn, nên còn nhiều CB,CS hy sinh đến nay chưa quy tập được1. Hơn nữa, do đặc điểm của đơn vị chủ lực, chiến đấu cơ động liên tục, các đơn vị sáp nhập, giải thể nhiều lần, nên việc bảo quản hồ sơ, danh sách thương binh, liệt sĩ bị thất lạc, gây không ít khó khăn cho việc xác nhận hồ sơ làm giấy chứng thương, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. Trước tình hình đó, Sư đoàn chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp và cơ quan chức năng chú trọng công tác quản lý hồ sơ thương, bệnh binh, mộ liệt sĩ, danh sách quân nhân hy sinh, từ trần, mất tin, mất tích đưa vào lưu trữ; chỉ đạo cơ quan chính trị các cấp và đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách kết hợp cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương nơi Sư đoàn đã từng chiến đấu và những cán bộ, cựu chiến binh đã từng chiến đấu, công tác ở Sư đoàn tổ chức sưu tầm hồ sơ thương binh, liệt sĩ trên các địa bàn, tổ chức khảo sát, tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang. Trong 3 năm qua, Sư đoàn đã xác nhận 38 trường hợp bị thương, giới thiệu chuyển 09 hồ sơ thương binh, đính chính thông tin về liệt sĩ 06 trường hợp; trả lời 115 đơn, thư tìm mộ; 42 trường hợp mất tin, mất tích; phát hiện, di dời 01 bộ hài cốt liệt sĩ. Những việc làm thiết thực, cụ thể, đầy tình nghĩa đó đã góp phần làm vơi đi những đau thương, mất mát của các đối tượng chính sách, tạo sự công bằng trong xã hội, tiếp tục củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, chế độ và "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ mới.

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, CB,CS Sư đoàn đã phát huy tinh thần trách nhiệm, hăng hái tham gia đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần cho phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Hằng năm, Sư đoàn đều tổ chức vận động CB,CS đóng góp xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" và quỹ “Vì người nghèo”. Từ năm 2009 đến nay, Sư đoàn đã vận động 49.074 lượt CB,CS quyên góp được gần 1,5 tỷ đồng; huy động được hơn 300 triệu đồng hỗ trợ cho 48 trường hợp CB,CS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn... Thực hiện Chương trình “Hành trình về các địa chỉ đỏ”, Sư đoàn đã tổ chức khám, cấp thuốc chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng chính sách, người có công, nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc (được hơn 10.000 lượt người với gần 300 triệu đồng); tham gia hàng nghìn ngày công lao động tu sửa các nghĩa trang liệt sĩ, Nhà tình nghĩa, nhà các đối tượng chính sách trên địa bàn. Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ và vào các dịp lễ, Tết, các đơn vị đã tổ chức gặp mặt, thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, thân nhân liệt sĩ, các đồng chí cán bộ nghỉ hưu đã từng công tác tại đơn vị với số tiền hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, Sư đoàn còn chủ động phối hợp với cơ quan quân sự và lãnh đạo, chính quyền các địa phương đi thăm, tặng quà, động viên các đồng chí thương binh tại các trung tâm điều dưỡng, các bệnh binh trong các bệnh viện, gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công trên địa bàn đóng quân. Thực hiện Chỉ thị số 244-CT/ĐUQSTW, ngày 23-6-2008 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) “Về tăng cường công tác chính sách và chương trình toàn quân xây dựng 1.500 Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội”, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã chỉ đạo chặt chẽ việc khảo sát và xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội, bảo đảm chính xác, đúng đối tượng, thể hiện sự biết ơn và nghĩa tình của CB,CS Sư đoàn đối với các đối tượng chính sách; có tác dụng giáo dục tốt đối với đơn vị và các tầng lớp nhân dân địa phương. Đến nay, Sư đoàn đã xây dựng được 58 Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội (trị giá hơn 2,5 tỷ đồng), góp phần ổn định đời sống cho cán bộ đơn vị, các đối tượng chính sách và nhân dân trên địa bàn.

Các hoạt động cụ thể mang ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc của CB,CS Sư đoàn 330 đã góp phần động viên, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, cũng như gia đình của CB,CS trong đơn vị giảm đi một phần khó khăn trong cuộc sống. Những việc làm đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn của CB,CS Sư đoàn với các thế hệ cha, anh; để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong lãnh đạo, chính quyền và nhân dân các địa phương. Đồng thời, góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội nói chung và Sư đoàn nói riêng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu, nhiệm vụ.

Trong thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Sư đoàn tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 523-CT/QUTW, ngày 02-12-2011 của Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương quân đội giai đoạn 2011 - 2015; phát huy tốt vai trò của các tổ chức, các lực lượng trong việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ những người có công với cách mạng. Đồng thời, tích cực tham gia hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; thực hiện tốt hơn chính sách hậu phương quân đội; đưa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển sâu, rộng, đạt được những thành tích vững chắc hơn nữa. Trước mắt, các đơn vị trong Sư đoàn tập trung làm tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi CB,CS nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa của chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách hậu phương quân đội cũng như truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Từ đó, động viên toàn đơn vị tham gia tích cực, hiệu quả, góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở địa phương. Hai là, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; gắn thực hiện chính sách hậu phương quân đội với công tác dân vận và các hoạt động chính trị - xã hội trên địa bàn; kết hợp chặt chẽ giữa đãi ngộ vật chất với chăm lo, động viên các đối tượng chính sách về tinh thần. Ba là, lãnh đạo, chỉ huy các cấp chú trọng giáo dục, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị, phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách; phấn đấu không để xảy ra sai sót, tiêu cực làm ảnh hưởng đến quan điểm, chủ trương, chính sách ưu đãi người có công của Đảng, Nhà nước và truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Bốn là, tích cực tiếp thu, ứng dụng những thành tựu mới của khoa học, công nghệ; coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kiểm tra, thanh tra, giám sát để bảo đảm không ngừng nâng cao hiệu quả chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

 Thượng tá HỒ MINH PHƯƠNG

Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn

                 

1 - Tổng số liệt sĩ, quân nhân từ trần, mất tích, mất thi hài của Sư đoàn trong các cuộc chiến tranh: 11.595; trong đó: 11.282 liệt sĩ (mất thi hài: 551); 136 quân nhân mất tin.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.