Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Sáu, 24/04/2015, 09:41 (GMT+7)
Sự chỉ đạo chiến lược sắc sảo của Đảng ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Trong chiến tranh, sự chỉ đạo chiến lược giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại của cả cuộc chiến. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là kết tinh sức mạnh của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến bền bỉ, kéo dài 21 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, chứng minh đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo và sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc sảo của Đảng ta.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh họp chỉ đạo tác chiến. (Ảnh tư liệu)

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cuộc đọ sức quyết liệt giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Đó là một trong những cuộc chiến tranh giải phóng lâu dài nhất, lớn nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Xét toàn cục về mặt chiến lược, nó được chia làm hai giai đoạn cơ bản: giai đoạn một, từ năm 1954 - 1973 “đánh cho Mỹ cút”; giai  đoạn hai, từ năm 1973 - 1975 “đánh cho ngụy nhào”, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhân tố quyết định nhất làm nên thắng lợi vĩ đại đó là sự lãnh đạo của Đảng với đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo; cùng với đó là sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc sảo của “Bộ thống soái”, đứng đầu là Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự chỉ đạo chiến lược sắc sảo của Đảng được thể hiện rõ trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, cả đối với tiền tuyến lớn miền Nam và hậu phương lớn miền Bắc XHCN. Nhờ đó, chúng ta đã đánh bại lần lượt các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ: “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”. Song, sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc sảo của Đảng được thể hiện nổi bật và tiêu biểu nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Trong đó, Đảng ta chú trọng chỉ đạo việc tập trung lực lượng, tạo ưu thế áp đảo địch trong từng chiến dịch và cả cuộc Tổng tiến công chiến lược; sự phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường; kết hợp giữa tiến công của bộ đội chủ lực và nổi dậy của quần chúng cách mạng; việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam trong ba đòn tiến công chiến lược ở: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và Sài gòn.

Bước sang năm 1974, tình hình chiến trường miền Nam có chuyển biến tích cực, quân và dân ta ở thế chủ động, đẩy địch vào thế phòng ngự bị động. Để tiêu diệt địch, làm chủ địa bàn, đồng thời thăm dò, đánh giá sức mạnh của quân đội ngụy Sài Gòn và khả năng chi viện, can thiệp trở lại của đế quốc Mỹ, Đảng ta đã chỉ đạo mở một loạt các chiến dịch, như: Nông Sơn - Thượng Đức, La Sơn - Mỏ Tàu, Đường 14 - Phước Long, v.v. Thông qua các chiến dịch đó, Bộ Chính trị đã nhận định: tuy lực lượng của địch còn đông, nhưng chúng phải rải quân trên toàn miền Nam để phòng thủ chiến lược; lực lượng bố trí không đều. Đánh giá tình hình chiến trường Tây Nguyên, Bộ Chính trị chỉ rõ: Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, nếu mất Tây Nguyên, toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch sẽ bị phá vỡ. Trong phiên họp (đợt hai), ngày 07-01-1975 của Bộ Chính trị Bàn về tình hình và nhiệm vụ cuộc chống Mỹ, cứu nước, đã nhận định: thế và lực của ta đã mạnh hơn hẳn địch cả về chính trị và quân sự; nhân dân ta, dân tộc ta đang đứng trước thời cơ lịch sử để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ đó, xác định quyết tâm “Chúng ta nhất trí phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976”1. Đồng thời, giao “Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan có trách nhiệm rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện quyết định có ý nghĩa lịch sử này của Bộ Chính trị”2. Theo đó, Bộ Tổng Tham mưu đã phát huy vai trò của mình, trực tiếp tham mưu cho Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng tiến công; đặc biệt là trong việc nắm tình hình, xây dựng phương án, quyết tâm chiến lược và tổ chức lực lượng trên chiến trường. Trong đó, nổi bật là việc tham mưu cho Bộ Chính trị về chọn hướng, mục tiêu tiến công trong Chiến dịch Tây Nguyên. Đây là đòn đánh hiểm, điểm trúng “huyệt” quân địch; thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên dẫn đến phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch, tạo sự đột biến về chiến lược. Sau khi Tây Nguyên được giải phóng, địch tháo chạy co cụm ở Nha Trang, Cam Ranh,... ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị họp, nhận định thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược ở Tây Nguyên đã tạo ra một bước mới trong cục diện chung và hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy để giành toàn thắng. Ngày 01-4-1975, Bộ Chính trị họp và quyết định “Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm”3. Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Sài Gòn - Gia Định (sau đổi tên thành Chiến dịch Hồ Chí Minh), diễn ra từ ngày 26 đến ngày 30-4-1975, kết thúc toàn tháng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Điều đó cho thấy nhãn quan chiến lược sắc sảo của Đảng ta. Đó là kết quả của sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo nghệ thuật quân sự: nhằm vào những nơi hiểm yếu của địch, tạo yếu tố bất ngờ. Thực tế, địch bị bất ngờ cả về hướng, mục tiêu, phương pháp, hình thức, thời gian, tốc độ tiến công và quy mô tập trung lực lượng. Nhưng bất ngờ lớn nhất đối với địch là thời điểm của cuộc Tổng tiến công chiến lược; chúng cho rằng trong giai đoạn này ta chưa đủ khả năng mở cuộc Tổng tiến công chiến lược. Đó là điểm mấu chốt khiến chúng hoàn toàn bị động về chiến lược, dẫn đến thất bại hoàn toàn.

Để thực hiện kế hoạch đã đề ra, Đảng ta chỉ đạo tăng cường xây dựng lực lượng, bao gồm cả bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương, quần chúng cách mạng, tạo sức mạnh ưu thế áp đảo địch. Theo đó, trong năm 1974 và đầu năm 1975, chúng ta đã tổ chức thành lập liên tiếp 4 quân đoàn chủ lực và một số đơn vị binh chủng, quân chủng, tạo nên những “quả đấm thép” trên các địa bàn chiến lược. Đồng thời, tăng cường vũ khí, trang bị, vật chất cho chiến trường miền Nam, cả bộ đội chủ lực và LLVT địa phương. Vì thế, trong Chiến dịch Tây Nguyên, ta đã sử dụng lực lượng áp đảo địch với tỷ lệ so sánh ta/địch là: bộ binh: 4,5/1; xe tăng thiết giáp: 5,5/1; pháo binh cơ giới: 5/1, v.v.

Trong đòn tiến công vào Huế - Đà Nẵng (gồm: Chiến dịch Trị-Thiên, Chiến dịch Nam Ngãi và Chiến dịch Đà Nẵng) ta đã huy động Quân đoàn 2 và các đơn vị của Quân khu Trị- Thiên đang chiến đấu trên địa bàn với tổng số trên 60.000 quân. Sau khi giải phóng Huế và Đà Nẵng, Bộ Chính trị chỉ đạo tổ chức cánh quân Duyên Hải bao gồm Quân đoàn 2 và một số đơn vị khác của Khu 5 để nhanh chóng phát triển, giải phóng các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, phá vỡ tuyến phòng thủ Phan Rang, Xuân Lộc; sau đó, cùng các cánh quân khác bao vây Sài Gòn, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 7-4-1975, Trung ương Cục miền Nam báo cáo phương án đánh vào Sài Gòn, song, Bộ Chính trị quyết định điều chỉnh lại kế hoạch để tổ chức một chiến dịch quy mô lớn, chắc thắng. Theo đó, ta đã tập trung lực lượng ưu thế áp đảo địch, bao gồm các lực lượng của 04 quân đoàn và các sư đoàn, trung đoàn độc lập (khoảng 270.000 quân chủ lực, gấp địch 1,7 lần). Lực lượng đó được bố trí trên 5 hướng tiến công vào Sài Gòn. Điều đó đã tạo ưu thế về lực lượng, hình thành sức mạnh áp đảo địch trong trận quyết chiến chiến lược.

Sự chỉ đạo chiến lược sắc sảo của Đảng ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 còn thể hiện ở sự chỉ đạo việc phối hợp hoạt động giữa các chiến trường. Thực tế cho thấy, ta đã chủ động hoàn toàn cả về hướng tiến công, thời gian, địa điểm và quy mô lực lượng. Cùng với Chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Trị-Thiên và Chiến dịch Nam Ngãi diễn ra đồng thời từ ngày 05-3-1975 (chỉ sau khi mở Chiến dịch Tây Nguyên một ngày), nhằm phối hợp tác chiến, căng kéo địch, không cho chúng rút lực lượng ở Huế, Đà Nẵng lên ứng cứu Tây Nguyên. Đây là đòn chiến lược lớn thứ 2 đánh vào Vùng chiến thuật I, thuộc Quân khu I của quân đội Sài Gòn. Vì thế, Tây Nguyên bị cô lập, địch không có khả năng ứng cứu, ta đã nhanh chóng giành thắng lợi, tạo ra bước phát triển đột biến về chiến lược.

Sau khi giải phóng Tây Nguyên, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng “chớp thời cơ nâng cao tốc độ tiến công”. Theo đó, các đơn vị đã thừa thắng, phát triển xuống vùng duyên hải Trung bộ lần lượt giải phóng Bình Khê, Phú Yên, Nha Trang, Cam Ranh,... làm toàn bộ lực lượng Quân đoàn 2, Quân khu 2 của địch bị tan rã; hệ thống phòng thủ chiến lược của địch bị chia cắt, tạo nên thời cơ mới. Tiếp đó, đòn tiến công chiến lược vào Huế - Đà Nẵng thắng lợi tạo ra bước nhảy vọt về chiến lược, làm thay đổi hoàn toàn cục diện so sánh lực lượng, thế trận. Trên đà thắng lợi, với tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa,...”, các đơn vị của ta đã nhanh chóng phát triển về Sài Gòn. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, lực lượng trên các chiến trường đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, tạo thành sức mạnh tổng hợp, dồn địch vào thế hoàn toàn bị động, cô lập, bất ngờ, nên nhanh chóng thất bại. Như vậy, về chiến lược, Đảng ta đã nắm vững thời cơ, giải quyết thành công việc tổ chức các chiến dịch đồng thời và kế tiếp nhau, vừa theo kế hoạch, vừa không theo kế hoạch khi thời cơ xuất hiện. Đó là các đòn tiến công chiến lược: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn. Vấn đề này được Đại tướng Văn Tiến Dũng - người trực tiếp tổng chỉ huy các đơn vị trên chiến trường miền Nam, khẳng định: “…Bộ Chính trị Đảng ta với tinh thần triệt để cách mạng, tư tưởng tích cực tiến công, phân tích sự việc rất khoa học, có tầm mắt nhìn xa, phát hiện nhạy bén,...”4

Nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự, cũng là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân Việt Nam được thể hiện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nói riêng là sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy. Đó là sự kết hợp giữa những đòn tiến công quân sự bằng các trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn của bộ đội chủ lực đánh thẳng vào các đô thị, trung tâm đầu não, căn cứ quân sự lớn của địch và sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng cách mạng, đập tan bộ máy kìm kẹp của ngụy quyền ở địa phương, cơ sở để giành quyền làm chủ. Để chỉ đạo các lực lượng đẩy nhanh tiến công Đà Nẵng, trong Điện gửi vào chiến trường hồi 18 giờ 00 ngày 27-3-1975, Bộ Chính trị đã chỉ thị: “Phải nhanh chóng phát động quần chúng vũ trang nổi dậy, đập tan các lực lượng kìm kẹp ở cơ sở, chiếm lĩnh các công sở.... và sáp vào vận động binh sĩ địch bỏ súng đầu hàng, làm tan rã các đơn vị quân ngụy”5. Sự nổi dậy mạnh mẽ của đông đảo nhân dân trên các địa bàn từ nông thôn đến thành thị đã tạo thuận lợi cho bộ đội chủ lực tập trung lực lượng vào mục tiêu chủ yếu của cuộc Tổng tiến công, nhanh chóng đập tan sự kháng cự của địch. Lực lượng du kích đã cùng nhân dân bao vây, bức hàng, vận động địch ra trình diện, giữ trật tự an toàn vùng mới giải phóng, bảo vệ các nhà máy, công sở, không để địch phá hoại v.v. Để chuẩn bị cho giải phóng Sài Gòn, từ đầu năm 1975, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển LLVT địa phương và quần chúng cách mạng. Đến đầu tháng 4-1975, cùng với các đơn vị chủ lực, Thành phố đã có 3.345 du kích, 233 tự vệ mật và trên 25.000 quần chúng cách mạng sẵn sàng nổi dậy. Trong Điện gửi Trung ương Cục miền Nam, hồi 15 giờ 30 ngày 22-4-1975, Bộ Chính trị đã chỉ thị. “… Sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy kết hợp với các cuộc tiến công của quân đội. Sự hợp đồng giữa các hướng cũng như giữa tiến công và nổi dậy sẽ thực hiện trong quá trình hành động”6. Trong khi Chiến dịch Hồ Chí Minh đang diễn ra sôi động, quyết liệt nhất, từ ngày 28-4-1975, các cuộc tiến công và nổi dậy ở đồng bằng sông Cửu Long cũng nổ ra đồng loạt, mạnh mẽ, làm cho địch càng thêm hoang mang, dao động.

Cùng với các hoạt động quân sự, chính trị, Đảng ta còn chỉ đạo tăng cường các hoạt động ngoại giao; đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ, đấu tranh không cho chính quyền Mỹ can thiệp quân sự trở lại. Trong Kết luận đợt hai, ngày 07-01-1975 của Hội nghị Bộ Chính trị Bàn về tình hình và nhiệm vụ cuộc chống Mỹ, cứu nước, đã nhấn mạnh “Sử dụng khôn khéo vũ khí đấu tranh ngoại giao, góp phần giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập, hòa hợp dân tộc nhằm cô lập bọn tay sai ngoan cố; làm sáng tỏ chính nghĩa của ta, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới; ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn can thiệp, phá hoại của đế quốc Mỹ và bọn phản động quốc tế”7. Thắng lợi của đấu tranh ngoại giao đã tạo điều kiện cho đấu tranh quân sự và chính trị giành thắng lợi trên chiến trường. Mặt khác, thắng lợi của cách mạng Việt Nam còn tạo ra thời cơ lớn cho nhân dân Cam-pu-chia giải phóng đất nước (17-4-1975) và nhân dân Lào giành độc lập (2-12-1975).

Nhìn lại toàn bộ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta. Điều đó được biểu hiện cụ thể, trực tiếp ở sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc sảo của Bộ Chính trị. Đại thắng mùa Xuân 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được ghi vào lịch sử dân tộc như­ một trong những trang vàng chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Năm tháng trôi đi nhưng những bài học về sự chỉ đạo chiến lược sắc sảo được rút ra từ Chiến thắng vĩ đại đó còn nguyên giá trị. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để phát triển đường lối quân sự, chiến lược quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng t­ướng Đỗ Bá Tỵ, ủy viên BCHTƯ Đảng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
______________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 36, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 6.

2 - Sđd, tr. 11.

3 - Sđd,  tr. 95-96.

4 - Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tuyển tập, Nxb QĐND, H. 2007, tr. 661.

5 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 36, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 90.

6 - Sđd, tr. 167.

7 - Sđd, tr. 10.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.