Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Tư, 08/10/2014, 13:44 (GMT+7)
Ra sức xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Thủ đô trong tình hình mới

Ra đời trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thường xuyên, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Thành ủy Hà Nội, qua các thời kỳ lịch sử, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc; truyền thống văn hóa “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” cùng các tầng lớp nhân dân Thủ đô viết nên trang sử hào hùng trong thời đại mới, góp phần làm rạng danh non sông đất nước Việt Nam. Qua đó, xây dựng nên những giá trị truyền thống vừa thể hiện đầy đủ bản chất truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, vừa đậm nét đẹp văn hóa người chiến sĩ Thủ đô. Những giá trị truyền thống ấy đã, đang và sẽ được thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trân trọng giữ gìn, phát huy để tiếp tục lập nên những thành tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Hội thao Quốc phòng lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội (năm 2013)

Trước và trong Cách mạng Tháng Tám, các đội tiền thân của LLVT Thủ đô, như: “Đội Danh dự Việt Minh”, “Đoàn thanh niên Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu”, “Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu”, “Đội Công nhân cứu quốc”,… đã ra đời và luôn xung kích, nòng cốt cho các tầng lớp nhân dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, chủ động, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện, khi thời cơ đến vùng dậy khởi nghĩa, giành chính quyền ở Hà Nội, góp phần quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, phong kiến ngự trị mấy nghìn năm, giành độc lập, tự do cho dân tộc, quyền làm chủ cho nhân dân Việt Nam.

Từ sau cách mạng Tháng Tám đến nay, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, tổ chức hành chính quân sự của Thủ đô được thành lập và qua nhiều lần thay đổi quy mô tổ chức và tên gọi, từ: Khu đặc biệt Hà Nội, Chiến khu XI, Thành đội bộ dân quân Hà Nội, Mặt trận Hà Nội, Thành đội Hà Nội, Bộ Tư­ lệnh Thủ đô, Quân khu Thủ đô và đến nay là Bộ Tư­ lệnh Thủ đô Hà Nội. Mỗi b­ước thay đổi phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của LLVT Thủ đô, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, LLVT Thủ đô tích cực thực hiện các phòng trào "diệt giặc dốt", "diệt giặc đói", "diệt giặc ngoại xâm", góp phần cùng quân, dân cả n­ước đưa cách mạng Việt Nam thoát khỏi tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thủ đô vinh dự nổ súng mở đầu Toàn quốc kháng chiến, kiên cường chiến đấu giam chân địch trong thành phố suốt 60 ngày đêm, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, tạo điều kiện cho Trung ương Đảng, Chính phủ rút lên chiến khu an toàn, làm thất bại bước đầu chiến l­ược đánh nhanh thắng nhanh của địch, chứng minh sự đúng đắn và thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ của dân tộc. Trong những năm kháng chiến, mặc dù Thành phố bị địch chiếm đóng, song các lực lượng cách mạng và phong trào đấu tranh cách mạng vẫn phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức sáng tạo làm kẻ thù không một giờ phút được bình yên. Ngày 19-10-1946, Trung ương Đảng quyết định thành lập Chiến khu XI (đây cũng là Ngày truyền thống của LLVT Thủ đô Hà Nội ngày nay). Mặt trận Hà Nội bao gồm cả Hà Đông và Sơn Tây vừa là tiền tuyến, một mặt trận nóng bỏng trực tiếp đấu trí, đấu lực với Bộ Tổng chỉ huy và với những lực l­ượng mạnh nhất của địch, vừa là hậu ph­ương lớn, quan trọng, vững chắc của cuộc kháng chiến. Vượt lên sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù, LLVT Thủ đô kiên cường bám dân, bám địa bàn, xây dựng các căn cứ làm nòng cốt cho nhân dân đấu tranh trên các mặt trận, phá tan các trận càn lớn của địch, đồng thời thường xuyên phối hợp với các mặt trận khác tổ chức nhiều trận đánh táo bạo tiêu hao, tiêu diệt lớn sinh lực địch, góp phần hết sức quan trọng đưa cuộc kháng chiến đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân dân Thủ đô vừa chiến đấu đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, vừa sản xuất; đồng thời, chi viện đắc lực sức người, sức của cho các chiến trường. Chỉ tính từ năm 1965 đến 1975, thành phố Hà Nội đã tuyển giao 262.972 thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ, đồng thời, trực tiếp huấn luyện 119 tiểu đoàn1 tăng cường cho các chiến trường. Đặc biệt là trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, đế quốc Mỹ huy động tối đa sức mạnh vũ khí kỹ thuật hiện đại, máy bay chiến lược B.52 đánh phá Hà Nội. Không chịu khuất phục, quân dân Thủ đô đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Phòng không - Không quân gan góc, dũng cảm, m­­ưu trí, kiên cư­­ờng vít cổ những “Pháo đài bay”, “Con ma”, “Thần sấm” làm tiêu tan thần tượng sức mạnh “không lực Hoa Kỳ”, làm tỏa sáng Văn hiến ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, để Hà Nội trở thành “Thủ đô của phẩm giá con ng­­ười”, buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận thất bại, ký “Hiệp định Pa-ri”, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất, cả n­ước tiến lên CNXH, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô, ngày 05-3-1979, Quân khu Thủ đô Hà Nội được thành lập trên cơ sở Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ngoài khối quân sự địa phư­ơng gồm các ban chỉ huy quân sự (CHQS) quận, huyện, các đơn vị dân quân tự vệ rộng khắp ở các cơ sở, Quân khu Thủ đô còn có các s­ư đoàn, trung đoàn, các đơn vị chuyên môn kỹ thuật và các nhà trường. Các đơn vị tập trung huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và tổ chức diễn tập theo thế trận phòng thủ bảo vệ Thủ đô. Nhiều đơn vị đư­ợc điều động đi làm nhiệm vụ quốc tế, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và lập công xuất sắc ở Mặt trận Lạng Sơn, Mặt trận Hà Tuyên.

Khi phong trào cách mạng thế giới lâm vào khủng hoảng, thoái trào, chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ráo riết thực hiện chiến lược "Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền CNXH, đề cao cảnh giác, bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xử lý hiệu quả các tình huống phức tạp xảy ra, góp phần làm thất bại các âm mưu, hoạt động chống phá của chúng.

Tháng 9-1999, Quân khu Thủ đô đư­ợc mở rộng địa giới hành chính quân sự, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ CHQS thành phố Hà Nội, điều chuyển Bộ CHQS tỉnh Hà Tây thuộc Quân khu 3 về trực thuộc Quân khu Thủ đô. Tháng 8-2008, Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính hợp nhất thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây, sáp nhập huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình.

Ngày 16-7-2008, Chủ tịch nước ban hành Lệnh 16/2008/L-CTN về tổ chức lại Quân khu Thủ đô thành Bộ T­ư lệnh Thủ đô Hà Nội. Ngày 30-7-2008, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định hợp nhất Bộ CHQS thành phố Hà Nội, Bộ CHQS tỉnh Hà Tây vào Bộ Tư­­ lệnh Thủ đô Hà Nội. Từ đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội từng bước hoàn thiện tổ chức, biên chế, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố về công tác quân sự, quốc phòng (QS,QP) địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) Thủ đô ngày càng vững chắc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị của quốc gia và quốc tế diễn ra trên địa bàn; tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, CNH,HĐH Thủ đô giành nhiều thành tựu mới.

Những năm đổi mới vừa qua, LLVT Thủ đô Hà Nội  tiếp tục giành nhiều thành tích mới, nhiều nội dung công tác đi trước các địa phương, đơn vị khác: Đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn, đào tạo hàng ngàn sĩ quan dự bị bằng nguồn ngân sách địa phương, quy hoạch xây dựng thế trận quân sự KVPT thành phố Hà Nội. Năm 2014, có 40% công dân nhập ngũ đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, v.v.

Kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2014); phát huy truyền thống vẻ vang 68 năm (19-10-1946 – 19-10-2014) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nhận thức đầy đủ vinh dự và trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội “trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.”; là địa bàn trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch, trước những thuận lợi và khó khăn, thách thức, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Thủ đô trong thời kỳ mới, LLVT - thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội ra sức phấn đấu, tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính như sau:

1. Quán triệt thực hiện đường lối quốc phòng toàn dân, quan điểm xây dựng LLVT nhân dân của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và nhiệm vụ cấp trên giao, nắm vững đặc điểm, thực tiễn địa bàn, cơ quan quân sự các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ QS,QP; xây dựng thành phố Hà Nội thành KVPT vững chắc trong tình hình mới. Phát huy vai trò trung tâm hiệp đồng, phối hợp với các ban, ngành, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ QS,QP. Đồng thời, chủ động tích cực tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tăng cường công tác quản lý nhà nước về quốc phòng - quân sự trên địa bàn; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng trong KVPT ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các địa bàn. Coi trọng thực hiện công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng, để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm nhuần chủ trương: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm”, “quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên”, góp phần làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Dân quân huyện Phú Xuyên trong diễn tập khu vực phòng thủ huyện
(năm 2014)

Đến nay, Thành phố đã hoàn thành quy hoạch thế trận quân sự KVPT cấp huyện, đang tích cực xây dựng ở cấp thành phố và cấp huyện theo quy hoạch. Cùng với đó, chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng thủ dân sự.

2. Thường xuyên thực hiện việc duy trì nghiêm các chế độ, quy định sẵn sàng chiến đấu. Lực lượng Quân sự cùng với Công an Thành phố thực hiện hiệu quả Nghị định 77/2010/NĐ-CP, ngày 12-7-2010 của Chính phủ, phối hợp chặt chẽ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng ở các cấp từ thành phố đến cơ sở (xã, phường, thị trấn). Đồng thời, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện cho nhiệm vụ phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại của nhà nước và nhân dân khi có tình huống xảy ra.

3. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tập trung xây dựng nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT Thủ đô, trước hết là chất lượng về chính trị, với các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương (cả lực lượng thường trực và dự bị động viên) và dân quân tự vệ. Đối với lực lượng thường trực, phải coi trọng tổ chức, biên chế số lượng phù hợp, nhưng chất lượng cao. Đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức huấn luyện; tăng cường công tác huấn luyện chiến đấu trong địa hình đô thị, ban đêm; phòng chống khủng bố. Kết hợp chặt chẽ huấn luyện với rèn luyện kỷ luật; thực hiện nền nếp chính quy, xây dựng nét đẹp văn hóa người chiến sĩ Thủ đô. Với lực lượng dự bị động viên, phải thường xuyên thực hiện thành nền nếp, chặt chẽ ở các cấp (nhất là cấp xã và cấp huyện) việc đăng ký, quản lý quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân thuộc diện huy động cho quân đội. Làm tốt việc đón tiếp quân nhân xuất ngũ về địa phương, bổ sung kịp thời quân nhân dự bị vào các đơn vị. Tăng cường công tác đào tạo sĩ quan dự bị để bổ sung số sĩ quan dự bị còn thiếu và giải ngạch hằng năm. Tiếp tục nghiên cứu huấn luyện chuyển loại quân nhân dự bị hạng 2 thành hạng 1, bổ sung cho các đơn vị. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, được huấn luyện “chất lượng, thiết thực”, thực sự là lực lượng nòng cốt  thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và an ninh ở cơ sở. Với đặc điểm LLVT Thủ đô hoạt động trên địa bàn đô thị, đời sống cán bộ chiến sĩ còn nhiều khó khăn, lại chịu tác động ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường, cần thường xuyên làm tốt công tác quản lý bộ đội, đặc biệt phải coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thực hiện có hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong mọi nhiệm vụ.

Coi trọng công tác xây dựng, đào tạo, tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó có việc quy hoạch đào tạo, sử dụng cán bộ quân sự ở cơ sở (xã, phường, thị trấn). Xây dựng cơ quan quân sự các cấp vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tổ chức xây dựng, quản lý, chỉ huy, lực lượng quân sự thuộc quyền hoạt động có hiệu quả.

Phát huy tiềm năng “Trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế…” của Thủ đô, tiếp tục thực hiện chặt chẽ công tác đăng ký quản lý công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ bảo đảm chất lượng cao, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

4. Thường xuyên làm tốt công tác hậu cần, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu xây dựng, huấn luyện, hoạt động và sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ. Chủ động tham mưu với cấp trên và phối hợp các ban ngành của địa phương xây dựng, hoàn thiện kế hoạch B, sẵn sàng động viên phương tiện kỹ thuật nền kinh tế của Thành phố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng trong mọi tình huống.

5. Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương làm tốt công tác vận động quần chúng; thực hiện có hiệu quả phong trào “Bộ đội và dân quân tự vệ Thủ đô tham gia xây dựng nông thôn mới”. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách đối với Quân đội và hậu phương quân đội. Phát huy vai trò quan trọng của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tham gia xây dựng cơ sở chính trị, thực hiện công tác dân vận, góp phần xây dựng địa bàn an toàn vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2014), 68 năm Ngày truyền thống LLVT Thủ đô Hà Nội (19-10-1946 – 19-10-2014), LLVT Thành phố nguyện tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang, ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng và bảo vệ Thủ đô Hà Nội văn minh và hiện đại, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trung tướng PHÍ QUỐC TUẤN, Ủy viên BTV Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội
_______________________

1 - Trong đó, Hà Nội tuyển giao 89.000 thanh niên, trực tiếp huấn luyện 42 tiểu đoàn; Hà Tây tuyển giao 173.972 thanh niên, trực tiếp huấn luyện 77 tiểu đoàn.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.