Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 27/04/2015, 14:55 (GMT+7)
Quân đoàn 4 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Là đơn vị chủ lực cơ động chiến lược, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Quân đoàn 4 đã sát cánh cùng với quân và dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc. 40 năm đã trôi qua, ký ức và những bài học kinh nghiệm về chiến thắng lịch sử còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Nhân dân Mỹ Tho nổi dậy giành chính quyền (Ảnh tư liệu)

Thắng lợi to lớn, toàn diện trên hai miền Nam - Bắc năm 1972 và Hiệp định Pa-ri được ký kết (27-01-1973) đã tạo ra bước ngoặt căn bản cho cách mạng Việt Nam, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sang giai đoạn mới, mang tính quyết định. Để cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nỗ lực chuẩn bị mọi mặt, nhất là tổ chức xây dựng các quân đoàn cơ động chiến lược. Trước bối cảnh đó, tiếp theo sự ra đời của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2, ngày 20-7-1974, trên chiến trường miền Đông “Gian lao mà anh dũng”, Quân đoàn 4 được thành lập, bao gồm các đơn vị đã có bề dày truyền thống chiến đấu trên các chiến trường.

Ngay trận đầu ra quân, tháng 01-1975, Quân đoàn đã làm nên chiến thắng Đường 14 - Phước Long, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, uy hiếp trực tiếp hệ thống phòng thủ phía Bắc Sài Gòn. Đây là “đòn trinh sát chiến lược”, tạo cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chiến công nối tiếp chiến công, trong tháng 3-1975, Quân đoàn cùng với lực lượng vũ trang (LLVT) miền Đông Nam Bộ giải phóng Dầu Tiếng, Chơn Thành, Định Quán, Lâm Đồng,… làm chủ hoàn toàn Đường 13, Đường 14 và Đường 20, mở rộng các hành lang cơ động và vận chuyển lớn lực lượng, vật chất vào chiến trường, chuẩn bị địa bàn tập kết lực lượng, tạo thế và lực cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong thế phát triển như vũ bão, ngày 02-4-1975, Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho Quân đoàn triển khai lực lượng trên hai hướng: Đông và Tây Nam Sài Gòn. Sư đoàn 9 tạm thời tách khỏi đội hình Quân đoàn hoạt động trên hướng Tây Nam trong đội hình Đoàn 232 (Binh đoàn Tây Nam). Ngày 08-4-1975, Quân đoàn được giao nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc. Đây là tuyến phòng thủ liên hoàn kéo dài từ Phan Rang, Xuân Lộc đến Tây Ninh (Xuân Lộc nằm trên Quốc lộ 1, cách Sài Gòn 60 km về phía Đông Bắc), là khu vực phòng thủ kiên cố nhất được mệnh danh là “cánh cửa thép” của địch, nhằm ngăn chặn ta tiến công Biên Hòa, Sài Gòn theo Quốc lộ 1 và Đường 20. Sau thời gian khẩn trương làm công tác chuẩn bị, ngày 09-4-1975, Quân đoàn nổ súng mở màn chiến dịch, bằng nhiều trận đánh liên tiếp, giằng co, ác liệt, trên nhiều hướng. Địch tổ chức lực lượng chống trả điên cuồng (sử dụng cả bom CBU-55 có sức hủy diệt lớn để ngăn chặn), quyết giữ Xuân Lộc bằng mọi giá, bởi chúng xác định mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Ta phát triển khó khăn, phải thay đổi cách đánh, tổ chức lực lượng kiềm chế, bao vây, nghi binh,… thực hiện chiến thuật vận động tiến công giải phóng chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây và chốt chặn chiến dịch đánh địch phản kích, cắt đứt Quốc lộ 1 đoạn Xuân Lộc, Bàu Cá, Đường 20; ngăn chặn không cho địch tăng viện từ Biên Hòa, Bà Rịa lên. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, hơn nữa đã mất Dầu Giây, Xuân Lộc không còn thế phòng thủ, ngày 20-4-1975, địch buộc phải rút chạy khỏi Xuân Lộc. Các đơn vị của Quân đoàn cùng LLVT địa phương tổ chức truy kích diệt một bộ phận lớn quân địch, bắt sống tên đại tá tỉnh trưởng Long Khánh. Ngày 21-4-1975, thị xã Xuân Lộc hoàn toàn giải phóng, “cánh cửa thép” ở cửa ngõ phía Đông Sài Gòn mở toang. Sau 12 ngày đêm tiến công, Quân đoàn cùng LLVT địa phương đập tan chiến tuyến phòng ngự kiên cố nhất của địch ở Đông Bắc, tạo thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực triển khai lực lượng tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, Quân đoàn cấp tốc điều chỉnh lực lượng, cùng LLVT địa phương áp sát chuẩn bị tiến công giải phóng Sài Gòn. Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, bằng nhiều trận đánh liên tục trong hành tiến, diễn ra gay go, quyết liệt, Quân đoàn phối hợp với các lực lượng lần lượt giải phóng Trảng Bom, sân bay Biên Hòa, Tam Hiệp và tiến thẳng về Sài Gòn. Trên hướng Tây Nam, Sư đoàn 9 (lực lượng chủ yếu trong đội hình Đoàn 232) giải phóng thị xã Hậu Nghĩa, Long An, Bến Lức, các địa bàn thuộc quận 8, quận 10, quận 5, đánh chiếm Biệt khu Thủ Đô, bắt sống tướng Lâm Văn Phát - Tư lệnh Biệt khu. Đến trưa ngày 30-4-1975, đội hình Quân đoàn có mặt tại Sài Gòn - “Điểm hẹn lịch sử” - trong giờ phút thiêng liêng của ngày vui Đại thắng.

Ra đời và trưởng thành trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, Quân đoàn đã vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Quân đoàn và 58 tập thể, 44 cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) vinh dự được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý. Hiện nay, Quân đoàn thực hiện nhiệm vụ với nhiều thuận lợi cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trên cơ sở kế thừa những bài học của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 cùng với kinh nghiệm của hơn 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn đã và đang nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu một cách toàn diện, vững chắc, tập trung trên một số nội dung chủ yếu sau:

1. Thường xuyên giữ vững sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chỉ huy các cấp, phát huy cao độ nhân tố chính trị - tinh thần, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Thực tiễn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 cho thấy, sức mạnh chính trị - tinh thần là nhân tố góp phần quyết định chiến thắng. Trong điều kiện hết sức khó khăn, nhất là Quân đoàn đảm nhiệm tiến công cả trên hai hướng, đội hình phân tán, thời gian chuẩn bị gấp, quân số, vũ khí, trang bị chưa kịp bổ sung, trong khi các mục tiêu đảm nhiệm đều có sức kháng cự cao, nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới bản lĩnh, ý chí quyết tâm và tư tưởng của bộ đội. Để hoàn thành nhiệm vụ, Quân đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường quán triệt, giáo dục nhiệm vụ; đề cao vai trò tiền phong gương mẫu, đi đầu trước những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm của cán bộ, đảng viên; đồng thời, khơi dậy niềm tự hào của những người con trở về giải phóng quê hương. Chính vì vậy, 100% CB,CS đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không từ khó khăn, nguy hiểm, nhiều người đã ngã xuống trước ngày chiến thắng. Vận dụng bài học đó, Quân đoàn chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Quân đội và Quân đoàn để mọi CB,CS kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu. Đồng thời, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, nhằm tạo động lực chính trị - tinh thần để xây dựng tổ chức, xây dựng con người, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

2. Nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, sau mỗi trận đánh, Quân đoàn đều tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về cách đánh, hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, sự phối hợp tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Nhiều vấn đề tổng kết được kịp thời bổ sung vào chương trình huấn luyện, đặc biệt là huấn luyện cán bộ. Vì vậy, hiệu suất chiến đấu của Quân đoàn rất cao, tỷ lệ thương vong, tổn thất thấp. Vận dụng bài học này, Quân đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh đổi mới công tác huấn luyện một cách toàn diện theo Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Trong đó, tập trung thực hiện tốt phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động cũng như yêu cầu tác chiến, nhất là trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Trong thực hành huấn luyện, Quân đoàn chỉ đạo các đơn vị tập trung nâng cao trình độ sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, khí tài, xe máy trong biên chế; giỏi tác chiến độc lập, tác chiến theo nhiệm vụ; thuần thục hợp luyện, diễn tập chỉ huy - tham mưu cấp chiến thuật, chiến dịch; nâng cao khả năng tác chiến khi được tăng cường binh khí kỹ thuật và tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Đồng thời, chú trọng thực hành luyện tập, diễn tập, hiệp đồng trong nội bộ Quân đoàn và với các lực lượng trong khu vực phòng thủ. Trong huấn luyện chiến dịch, Quân đoàn yêu cầu các đơn vị coi trọng bồi dưỡng năng lực tư duy, phân tích tổng hợp, đánh giá tình hình và phương pháp tổ chức, chỉ huy, điều hành cho cán bộ, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng, trình độ chỉ huy, tham mưu tác chiến.

3. Huấn luyện tăng cường khả năng cơ động. Một trong những yếu tố tạo nên Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 là Bộ Chính trị và Bộ Tổng Tư lệnh đã xây dựng được các đơn vị chủ lực cơ động mạnh, tạo được sức chiến đấu cao, khả năng đột kích mạnh “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng”. Vì vậy, để tăng cường khả năng cơ động nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tác chiến hiện đại, Quân đoàn đang tích cực huấn luyện cơ động cho các đơn vị, từ cấp phân đội đến cấp Quân đoàn, từ cự ly ngắn đến cơ động đường dài, cơ động trên các loại địa hình trong nhiều tình huống phức tạp. Đồng thời, tăng cường huấn luyện dã ngoại, sơ tán, phòng tránh, đánh trả, huấn luyện ban đêm, từ đơn vị bộ binh đến binh chủng, v.v. Các đơn vị thường xuyên kết hợp huấn luyện với rèn luyện thể lực, hành quân xa, mang vác nặng trên nhiều loại địa hình, trong mọi điều kiện thời tiết để bộ đội nâng cao thể lực, tăng sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai. Cùng với đó, Quân đoàn chỉ đạo ngành hậu cần, kỹ thuật thực hiện tốt phong trào thi đua “Ngành Hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy” và “Cuộc vận động 50”, bảo đảm hệ số kỹ thuật theo quy định, sẵn sàng cơ động khi có lệnh.

4. Kết hợp chặt chẽ với LLVT và nhân dân địa phương trên địa bàn và khu vực phòng thủ. Đây là một bài học về đường lối chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự đặc sắc của Đảng ta đã được thể hiện một cách rõ nét, sinh động nhất trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Trong các chiến dịch, nhân dân địa phương đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh cho Quân đoàn và các đơn vị tham gia chiến dịch; bộ đội địa phương, dân quân, du kích dẫn đường, chỉ mục tiêu, đánh chiếm làm chủ các đầu cầu, khống chế sân bay, trận địa pháo binh địch, v.v. Có thể nói, Quân đoàn không thể hoàn thành nhiệm vụ khi không có sự giúp đỡ, đùm bọc, che chở, phối hợp chiến đấu của nhân dân và LLVT địa phương. Nhận thức đúng vấn đề này, Quân đoàn tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh; nâng cao hiệu quả phối hợp với lực lượng Công an theo Nghị định 77/2007/NĐ-CP của Chính phủ trong quản lý địa bàn, xử lý các tình huống về quốc phòng - an ninh. Ngoài ra, Quân đoàn tích cực thực hiện phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Xóa đói giảm nghèo”, phòng, chống thiên tai, bão lũ, cứu hộ cứu nạn, làm tốt công tác dân vận, v.v.

Hòa trong không khí phấn khởi, tự hào của quân và dân cả nước kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Quân đoàn 4 tiếp tục phát huy truyền thống “Trung thành, đoàn kết, anh dũng, sáng tạo, tự lực, quyết thắng”, tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đại tá PHẠM TIẾN DŨNG, Phó Chính ủy Quân đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng luôn là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân tố hàng đầu quyết định ấy càng thể hiện rõ nét, trở thành bài học vô cùng quý báu.