Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Sáu, 01/05/2015, 08:07 (GMT+7)
Quan điểm của Đại tướng Hoàng Văn Thái về chiến tranh nhân dân Việt Nam
Đại tướng Hoàng Văn Thái thăm bộ đội pháo cao xạ năm 1958. (Ảnh tư liệu.)

Đại tướng Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam là một cán bộ quân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước, vị tướng tài năng, đức độ của cách mạng Việt Nam được Quân đội và nhân dân mến phục. Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó, Đồng chí đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; trong đó, quan điểm về chiến tranh nhân dân của Đại tướng là một trong những đóng góp nổi bật, được thể hiện ở một số nội dung sau.

1. Theo Đại tướng Hoàng Văn Thái, chiến tranh nhân dân là quy luật đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến tranh nhân dân Việt Nam có đặc trưng chủ yếu là “lấy tư tưởng chiến lược tiến công làm lõi, là toàn dân đánh địch, tiến công địch một cách toàn diện, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp chặt chẽ giữa vũ trang khởi nghĩa với chiến tranh, kết hợp tiền tuyến lớn với hậu phương lớn…”1. Chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh vận động và phát triển theo những quy luật chủ yếu là: có Đảng Cộng sản lãnh đạo với đường lối chính trị đúng đắn phù hợp lợi ích cơ bản của nhân dân; có hậu phương vững chắc về mọi mặt; có tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng gồm ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; có nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân; biết kết hợp chặt chẽ và khéo léo giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang với nhiều hình thức, biện pháp; chiến đấu lâu dài, vừa kháng chiến vừa kiến quốc2, v.v. Trên cơ sở đó, Đại tướng Hoàng Văn Thái chỉ ra rằng, sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam không chỉ là sức mạnh của tiền tuyến (trực tiếp đánh địch) và sức mạnh của hậu phương (được xây dựng, củng cố lấy phục vụ tiền tuyến làm trước hết), mà còn là sức mạnh của chủ nghĩa xã hội và tình đoàn kết quốc tế của các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hoà bình trên thế giới, nhất là sự đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương cùng chống kẻ thù chung. Sức mạnh tổng hợp ấy được tạo nên bởi sự kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, khởi nghĩa vũ trang với chiến tranh cách mạng, giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công; đánh địch bằng cả ba mũi giáp công (quân sự, chính trị và binh vận); trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn, đồng bằng và thành thị); giành quyền làm chủ để tiêu diệt địch và tiêu diệt địch để giành quyền làm chủ; “kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn, đánh lâu dài, càng đánh càng mạnh, vừa đánh vừa xây dựng, phát triển lực lượng; tiến công địch từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, đánh bại từng âm mưu, thủ đoạn của địch, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn”3. Với quan điểm đúng đắn, khoa học đó, trên từng cương vị công tác được giao, Đồng chí Hoàng Văn Thái đã vận dụng sáng tạo vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược của dân tộc, góp phần tạo bước chuyển lớn của cuộc chiến tranh. Đặc biệt, trên cương vị là Phó Bí thư Trung ương Cục, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền, Đồng chí đã cùng tập thể Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền tổ chức, động viên toàn dân đánh giặc, giành nhiều thắng lợi vang dội.

2. Quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, Đại tướng Hoàng Văn Thái nhấn mạnh: cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam được tiến hành trên cơ sở vũ trang toàn dân, toàn dân đánh giặc. Hoạt động quân sự, đấu tranh vũ trang không chỉ là nhiệm vụ riêng của Quân đội mà đó là hoạt động của toàn dân tự giác đứng lên đấu tranh bằng nhiều biện pháp, nội dung, hình thức khác nhau, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chiến tranh nhân dân và Quân đội nhân dân luôn luôn là hai mặt của một vấn đề không thể tách rời ra được, trong đó Quân đội nhân dân giữ vai trò nòng cốt. Chỉ có Quân đội nhân dân mới chấp hành đường lối chiến tranh nhân dân một cách triệt để, hiệu quả nhất và chỉ có chiến tranh nhân dân mới làm cho Quân đội nhân dân ngày càng phát triển vững mạnh.

Để huy động toàn dân tham gia đánh giặc, đưa chiến tranh nhân dân ngày càng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, thì phải có hình thức tổ chức lực lượng vũ trang phù hợp với điều kiện đất nước, con người và trình độ nghệ thuật quân sự. Phát triển quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, Đồng chí coi trọng xây dựng từng lực lượng vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, trang bị, huấn luyện và điều lệnh; chú trọng “xây dựng mặt chính trị trên cơ sở xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng nhân dân, bởi đó là nền tảng, chỗ dựa của lực lượng vũ trang”4. Chính nhờ có chiến tranh nhân dân với lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân làm nòng cốt mà cuộc kháng chiến của dân tộc ta có được thế trận vừa như một tấm lưới thép, thiên la địa võng kiềm chế, quấn chặt, giam chân địch tại chỗ, làm suy yếu khả năng phản kháng của chúng, vừa có những quả đấm thép để tiêu diệt lực lượng lớn quân địch. Trong thế trận đó, mỗi người dân là một chiến sĩ phục vụ chiến đấu và chiến đấu quả cảm, bằng mọi thứ vũ khí có trong tay để tiêu diệt kẻ thù dù chúng ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào; làm cho chúng luôn ở thế bị động đối phó, phân tán, cô lập, tuy đông mà hóa ít, tiềm lực quân sự mạnh mà hóa yếu, tinh thần luôn căng thẳng, hoang mang dao động, giảm sút ý chí chiến đấu.

Cùng với quan điểm vũ trang toàn dân, Đại tướng Hoàng Văn Thái cũng chỉ rõ: cuộc chiến tranh chống xâm lược mà dân tộc ta tiến hành là cuộc chiến tranh toàn diện, đánh địch trên các mặt trận với tất cả các hình thức đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa - tư tưởng, v.v. Đặc biệt, mặt trận đấu tranh chính trị có vai trò cực kỳ quan trọng của cuộc chiến tranh nhân dân: “Trong thời kỳ kháng chiến, sức mạnh chính trị vô địch đó là nền móng của chiến tranh nhân dân, toàn dân toàn diện”5. Để có được sức mạnh chính trị, phải xây dựng cho được tinh thần đồng tâm, ý chí kiên quyết đánh giặc, không ngại gian khổ, hy sinh của đại đa số đồng bào các dân tộc Việt Nam. Khi sức mạnh chính trị được phát huy cao độ sẽ tạo ra lực lượng chính trị rộng rãi, vững chắc và đó là “nguồn lực” vô tận cung cấp sức người, sức của cho xây dựng, chiến đấu, phát triển lực lượng vũ trang; là tai mắt hiệu quả nhất của cuộc kháng chiến; đồng thời, là một đội quân đông đảo và mạnh mẽ, trực tiếp và liên tục tiến công kẻ thù bằng mọi hình thức, biện pháp, mọi thứ vũ khí, v.v. Đại tướng khẳng định: “một khi chúng ta làm cho quần chúng thực sự hiểu rõ vì sao họ chiến đấu, chiến đấu để làm gì, chiến đấu chống kẻ địch nào, thì quần chúng sẽ không ngại bất cứ gian khổ, khó khăn nào,… không ngại hiểm nghèo, không ngại hy sinh ngay cả tính mạng mình để chiến đấu đến cùng cho lý tưởng cách mạng”6.

3. Trung thành và vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lê-nin về phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng của các dân tộc thuộc địa, Đảng đã chỉ ra những nhân tố cốt yếu cần có để cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam giành được thắng lợi là: “khởi nghĩa của quần chúng”, “chiến tranh cách mạng” và “các đội du kích ở khắp nơi”. Bổ sung, phát triển làm phong phú thêm quan điểm đó, Đại tướng Hoàng Văn Thái chỉ rõ: trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, những vấn đề “cốt yếu” đó cần được tiến hành theo một phương thức vận động phù hợp. Phương thức đó là: “phát động chiến tranh du kích rộng khắp, dần dần phát triển lên chiến tranh chính quy rồi kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy”7 và thực hiện đánh lâu dài. Đó là quy luật khách quan của chiến tranh cách mạng ở Việt Nam. Bằng chiến tranh du kích, cuộc cách mạng nước ta - một nước nhỏ, người không đông, kinh tế lạc hậu,… - mới phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, từng địa phương, lực lượng và từng con người để liên tục tiến công tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận địch ở khắp mọi lúc, mọi nơi, với mọi lực lượng và vũ khí có trong tay để càng đánh càng lớn mạnh. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng phát triển chiến tranh du kích mà không tiến lên chiến tranh chính quy và kết hợp với chiến tranh chính quy, thì chiến tranh du kích chẳng những không tồn tại, phát triển mà cuộc kháng chiến cũng không thể thành công. Do đó, cùng với sự lớn mạnh của chiến tranh du kích và trên nền tảng của chiến tranh du kích, phải coi trọng phát triển chiến tranh chính quy. Theo Đại tướng Hoàng Văn Thái, sự ra đời của chiến tranh chính quy với nòng cốt là các đơn vị bộ đội chủ lực nhằm giáng những đòn tiêu diệt lớn đối với lực lượng quân sự chủ yếu của địch; cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân đẩy mạnh cuộc đấu tranh mọi mặt trong vùng địch kiểm soát, giải phóng đất đai, làm chuyển biến cục diện chiến tranh, từng bước đánh gục ý chí xâm lược của địch. Đây là phương thức chủ yếu nhất, quyết định việc giành thắng lợi triệt để trong đấu tranh vũ trang, phản ánh rõ sự kết hợp biện chứng giữa tiêu diệt địch để giành quyền làm chủ, giành quyền làm chủ để tiêu diệt địch nhiều hơn, thực hành giành thắng lợi từng bước đến giành thắng lợi hoàn toàn. Đồng chí cũng thường xuyên căn dặn cán bộ cấp dưới rằng, phát triển chiến tranh chính quy không có nghĩa là từ bỏ chiến tranh du kích mà càng phải kết hợp chặt chẽ hai phương thức này với nhau. Chính sự kết hợp đó sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân đánh giặc. Trên cơ sở của các phương thức tiến hành chiến tranh và sự kết hợp các phương thức đó, Đại tướng Hoàng Văn Thái luôn nhấn mạnh trong nhận thức cũng như trong tổ chức thực tiễn không bao giờ được xem nhẹ bất cứ phương thức nào; chú ý giải quyết các vấn đề về sức mạnh, quy mô, chuẩn bị, bảo đảm và tiến hành tác chiến, sử dụng và nâng cao hiệu quả các hình thức tác chiến,... được vận dụng theo tinh thần cách đánh chung đã xác định với tính tổng hợp, tính nhân dân, tính hiệu quả, tính truyền thống và hiện đại trên cơ sở thế trận làm chủ, có sự chuẩn bị trước và không ngừng hoàn thiện.

Từ thực tiễn hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đại tướng Hoàng Văn Thái luôn nhận thức rõ, đánh lâu dài không chỉ là một vấn đề mang tính phổ biến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của một nước nhỏ chống lại chiến tranh xâm lược của một nước lớn và mạnh hơn, mà đó chính là phương châm chiến lược đúng đắn nhất để cuộc chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc của Việt Nam đi đến thắng lợi. Chỉ có thực hiện đánh lâu dài thì những điểm yếu căn bản của địch sẽ dần bộc lộ rõ; ta có điều kiện huy động tối đa sức người, sức của cho cuộc kháng chiến; các lực lượng vũ trang nhân dân có không gian và thời gian để phát triển, liên tục trưởng thành và có đủ khả năng đánh bại kẻ thù trong những trận quyết chiến chiến lược. Đại tướng Hoàng Văn Thái khẳng định: để chuyển hóa so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho ta, làm cho ta có thể đi từ yếu đến mạnh và địch đi từ mạnh trở nên yếu, phải có “phương châm chiến lược đánh lâu dài và tự lực cánh sinh”8, v.v. Tuy nhiên, “đánh lâu dài không phải là để kéo dài cuộc chiến một cách vô hạn, mà phải tích cực xây dựng và phát triển lực lượng, chủ động tạo và nắm chắc thời cơ, sẵn sàng tổ chức những đòn tiến công chiến lược quyết định, đánh thiệt hại nặng những lực lượng lớn của kẻ thù, từng bước đi đến thắng lợi cuối cùng”9. Thực tiễn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc Việt Nam đã minh chứng: đánh lâu dài là phương châm chiến lược duy nhất đúng.

4. Bằng sự trải nghiệm của bản thân trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và giai đoạn đầu của sự nghiệp cả nước cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã chỉ ra rằng: nhân tố quyết định nhất thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam là sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân. Bằng đường lối chính trị đúng đắn, phù hợp với lợi ích cơ bản của quần chúng, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân và Quân đội ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kể cả những thử thách tưởng chừng không thể vượt qua để đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành quy luật của cách mạng Việt Nam, của chiến tranh nhân dân Việt Nam và là nhân tố quyết định nhất sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Không hề tuyệt đối hoá “nhân tố” ấy, Đại tướng Hoàng Văn Thái còn chỉ rõ sức mạnh to lớn  vô địch của quần chúng nhân dân trong cách mạng. Quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân thì đương nhiên “chiến tranh cách mạng cũng là sự nghiệp đấu tranh của quần chúng”10. Vì thế, để kháng chiến thắng lợi, Đảng phải động viên toàn dân tham gia; đồng thời, phát huy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc, biết dựa vào nhân dân, tập hợp và tổ chức nhân dân, động viên mọi lực lượng đấu tranh. Đại tướng Hoàng Văn Thái nhấn mạnh: “Nhân tố quyết định chiến lược chiến tranh chỉ có thể là quần chúng nhân dân”11, nhưng quần chúng nhân dân đó đã được tổ chức, rèn luyện, giáo dục để tự giác tranh đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng và đồng thời cũng là lợi ích, lẽ sống của mình: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Như vậy, trong con người Đại tướng Hoàng Văn Thái thì Đảng - Dân là một và Ông đặt trọn niềm tin vào điều đó: “có Đảng, có nhân dân là có tất cả. Không có khó khăn nào ngăn nổi bước đi của dân tộc ta trên con đường tiến đến thắng lợi”12. Nhờ đó, cách mạng Việt Nam đã giành được thắng lợi vẻ vang và điều đó trở thành quy luật của cách mạng.

Những quan điểm cơ bản của Đại tướng Hoàng Văn Thái về chiến tranh nhân dân Việt Nam đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận quân sự cách mạng Việt Nam. Giờ đây, dù Đại tướng có đi xa nhưng những đóng góp ấy vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng Quân đội nhân dân, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tướng NGUYỄN THÀNH CUNG

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Ủy viên Thường vụ QUTƯ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
_________________

1 - Tài liệu TK551 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, tr. 6.

2 - Đại tướng Hoàng Văn Thái - Tổng tập, Nxb QĐND, H. 2007, tr. 696.

3 - Sđd, tr.152.

4 - Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Đại tướng Hoàng Văn Thái, Nxb QĐND, H. 1999, tr. 447.

5 - Đại tướng Hoàng Văn Thái - Tổng tập, Nxb QĐND, H. 2007, tr. 681.

6 - Sđd, tr. 538.

7 - Sđd, tr. 697.

8 - Bộ Quốc phòng , Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Đại tướng Hoàng Văn Thái, Nxb QĐND, H. 1999, tr. 317.

9 - Tài liệu TK5510 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, tr. 23-24.

10 - Đại tướng Hoàng Văn Thái - Tổng tập, Nxb QĐND, H. 2007, tr. 519.

11 - Sđd, tr. 715.

12 - Sđd, tr. 32.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.