Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Bảy, 05/05/2018, 12:35 (GMT+7)
Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh C.Mác (05-5-1818 – 05-5-2018)
Quan điểm của C. Mác về chiến tranh

Cùng với Ph. Ăng-ghen, C. Mác đã đặt nền móng cho học thuyết Mác – Lê-nin về chiến tranh, làm nên một cuộc cách mạng khi đánh giá, xem xét về bản chất của chiến tranh trong thế giới hiện thực. Nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng, quan điểm của C. Mác về chiến tranh để vận dụng, phát triển trong quá trình đấu tranh cách mạng là rất cần thiết. 

Quá trình hình thành và phát triển những tư tưởng, quan điểm của C. Mác về chiến tranh cũng xuất phát từ những tiền đề xã hội và lý luận nhất định. Đó là quá trình kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những tư tưởng của nhân loại về chiến tranh và không ngừng đấu tranh phê phán, bác bỏ những quan điểm duy tâm, tôn giáo, siêu hình, phản khoa học của giai cấp tư sản về chiến tranh. C. Mác đã kiên quyết chống lại quan điểm cho rằng, chiến tranh là tất yếu, vốn có, là định mệnh đối với con người và xã hội loài người. Theo C. Mác, chiến tranh nảy sinh và phát triển có nguồn gốc và nguyên nhân của nó. Ông phê phán quan điểm của G. Hêghen và C.Ph. Claudơvit - những người đã xuất phát từ lập trường tư sản để giải thích hiện tượng chiến tranh. Đồng thời, ra sức chống các quan điểm cho rằng, nguồn gốc, nguyên nhân của chiến tranh là do tâm lý, sinh lý, địa lý, dân số, kỹ thuật,… gây nên. Việc đánh giá có phê phán những thành tựu của toàn bộ tư tưởng lý luận quân sự trước Mác trên lập trường cách mạng và khoa học, có tính nguyên tắc của chủ nghĩa duy vật biện chứng đã cho phép Ông tạo ra một bước ngoặt cách mạng thực sự trong quan điểm, tư tưởng, lý luận về chiến tranh.

Trên cơ sở phát hiện các quy luật của đời sống xã hội, lần đầu tiên trong lịch sử, C. Mác đã đưa ra luận điểm thực sự khoa học về chiến tranh; phát hiện ra nguồn gốc, nguyên nhân xuất hiện chiến tranh và chứng minh rằng, có thể loại trừ chiến tranh ra khỏi đời sống xã hội. Xuất phát từ phương thức sản xuất của đời sống vật chất quyết định các quá trình chính trị, xã hội, C. Mác đã xác định rõ bản chất giai cấp của chiến tranh, đó là: chiến tranh là một hiện tượng lịch sử - xã hội, rằng không nên xem xét chiến tranh tách rời sự phát triển xã hội và đấu tranh giai cấp. Ông cương quyết chống lại lý thuyết duy tâm, phản động bào chữa cho những cuộc chiến tranh do giai cấp bóc lột gây ra.

C. Mác đã chứng minh, trong chế độ công xã nguyên thủy, nơi không có chế độ tư hữu, thì cũng không có giai cấp, không có người bóc lột và người bị bóc lột, không có chiến tranh. Nếu những vấn đề tranh chấp giữa các bộ lạc và chủng tộc vì nguồn nước, vì nơi săn bắn,... xuất hiện và thỉnh thoảng biến thành những sự đụng độ vũ trang, thì những sự đụng độ đó mang tính chất tạm thời, ngẫu nhiên. Sự đụng độ vũ trang giữa các bộ tộc và bộ lạc riêng lẻ xảy ra trong chế độ công xã nguyên thủy không thể gọi là chiến tranh, vì nó không bắt nguồn từ bản thân tính chất của các quan hệ xã hội và do đó không có mục đích chính trị rõ ràng.

Theo C. Mác, chiến tranh với tư cách là một hiện tượng chính trị - xã hội xuất hiện khi mà lực lượng sản xuất phát triển đến mức có khả năng tạo ra sản phẩm thặng dư. Cùng với sự phát triển của năng suất lao động, đã diễn ra sự phân công lao động xã hội. Sản xuất phát triển, làm cho sức lao động của con người có khả năng sản xuất ra số lượng sản phẩm nhiều hơn số lượng sản phẩm cần thiết cho sự duy trì sức lao động. Khả năng chiếm đoạt thành quả lao động của người khác xuất hiện và cũng xuất hiện sự bất bình đẳng về kinh tế, tạo ra khả năng người bóc lột người. Do kết quả của việc phân chia xã hội thành giai cấp mà xuất hiện nhà nước, quân đội, cảnh sát, v.v. Cùng với sự xuất hiện chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, giai cấp và nhà nước, đã xuất hiện những cuộc chiến tranh nhằm chiếm đoạt lãnh thổ, tài sản và nô dịch các dân tộc nhỏ yếu. Từ đó, C. Mác cho rằng, chiến tranh là sự kế tục chính trị của một giai cấp, một nhà nước nhất định bằng thủ đoạn bạo lực. Ông đã chỉ ra chiến tranh và chính trị có liên quan với nhau, cơ sở của mọi nền chính trị và mọi cuộc chiến tranh nằm ngay trong bản thân tính chất của chế độ chính trị - xã hội, trong hệ thống các quan hệ sản xuất và quan hệ kinh tế của con người. Đồng thời nhấn mạnh: chính trị bao giờ cũng biểu thị những quyền lợi của một giai cấp nhất định, không có và không thể có chính trị siêu giai cấp, do dó sẽ không có và không thể có các cuộc chiến tranh không mang mục đích chính trị và giai cấp. Tổng kết cuộc chiến tranh Pháp - Phổ (1870 - 1871), C. Mác kết luận: chính trị sau khi dẫn đến chiến tranh thì nó vẫn tiếp tục cả trong thời kỳ chiến tranh.

C. Mác đã bác bỏ quan điểm của các nhà tư tưởng tư sản, coi chiến tranh chỉ là sự kế tục của chính trị đối ngoại; chứng minh giữa chính trị đối nội và chính trị đối ngoại của một nhà nước có mối liên hệ hữu cơ không thể tách rời, đó chỉ là hai mặt của cùng một đường lối chính trị. Chính trị đối nội biểu hiện bản chất giai cấp của nhà nước và các quyền lợi của giai cấp thống trị. Vì vậy, tính chất của chính trị đối ngoại, thông thường do chính trị đối nội quyết định. Chính trị đối nội của một nhà nước như thế nào thì về cơ bản, chính trị đối ngoại của nó cũng sẽ như thế ấy.

Ông khẳng định mối quan hệ giữa chính trị với chiến lược trong thời gian chiến tranh. Chính trị đóng vai trò quyết định trong khi vạch ra đường lối chiến lược, trong việc lựa chọn đòn tiến công chủ yếu và trong việc bố trí lực lượng, củng cố hậu phương, củng cố trạng thái chính trị - tinh thần của quân đội. Để có được quan điểm chiến lược đúng, trước hết cần phải tính toán sự so sánh lực lượng một cách khách quan, nghiêm túc, tình hình lực lượng trong nước và trên thế giới; cần phải có sự hiểu biết về quy luật phát triển của lịch sử xã hội. Trên cơ sở đó, khởi thảo ra kế hoạch hành động chung, đề ra nhiệm vụ để đạt tới những kết quả nhất định trong chiến tranh.

Theo Ông, vai trò của chính trị được biểu hiện ra không giống nhau đối với các hình thái kinh tế - xã hội và đối với các giai cấp. Vì vậy, cần phải tìm nguyên nhân chiến thắng hay thất bại của một cuộc chiến tranh cụ thể, xét cho cùng là ở tình hình chính trị và kinh tế của đất nước. Đối với các cuộc chiến tranh chính nghĩa, khi mà quần chúng nhân dân đã hiểu rõ họ đấu tranh để làm gì thì chính trị có một vai trò đặc biệt quan trọng. Những cuộc chiến tranh đó chứng minh một cách hùng hồn nguyên lý cơ bản là giai cấp tiến bộ, đang phát triển, đang dẫn dắt quần chúng đứng lên làm cách mạng để lật đổ chế độ bóc lột là giai cấp sẽ chiến thắng trong chiến tranh. 

Trong khi phân tích mối quan hệ qua lại giữa chính trị và chiến tranh, cho thấy, chiến tranh có nội dung chính trị và giai cấp, C. Mác cũng đặt cơ sở khoa học cho việc phân loại chiến tranh. Xuất phát từ địa vị khác nhau của các giai cấp đối với sự phát triển xã hội và cũng xuất phát từ giai cấp nào và vì quyền lợi gì mà giai cấp ấy tiến hành chiến tranh, C. Mác đã phân chia chiến tranh thành chiến tranh tiến bộ và chiến tranh phản động. Ông coi những cuộc nội chiến của giai cấp bị áp bức chống lại giai cấp áp bức, những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc chống lại bọn thực dân là những cuộc chiến tranh tiến bộ. Chiến tranh tiến bộ nhất trong số các cuộc chiến tranh giải phóng là chiến tranh cách mạng của những người lao động chống lại những kẻ bóc lột. Chiến tranh để xâm chiếm đất đai của người khác, nô dịch các dân tộc khác là chiến tranh phản động. Tuy nhiên, theo C. Mác, không được phép đồng nhất nội dung chính trị của một cuộc chiến tranh với tính chất chiến lược quân sự của nó. Ông đã kiên quyết phê phán việc phân chia chiến tranh thành chiến tranh phòng thủ và chiến tranh tiến công hiểu theo sự tiến công và phòng thủ về mặt quân sự, nếu có đề cập thì nó đã mang nội dung chính trị.   

Từ sự phân tích tính chất chiến tranh của các thời đại khác nhau, C. Mác không những đã biểu thị thái độ của mình đối với chiến tranh, mà còn đề ra sách lược của giai cấp vô sản đối với chiến tranh. Ông xem xét bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng từ quan điểm lợi ích của giai cấp tiến bộ và rất thiện cảm với phía tham chiến nào mà cuộc đấu tranh của họ là tiến bộ; ủng hộ những cuộc chiến tranh nào mà thực tế đã góp phần giải phóng xã hội khỏi ách áp bức, bóc lột, thúc đẩy sự phát triển của cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp vô sản, thúc đẩy sự lớn mạnh của phong trào công nhân và xã hội - dân chủ.

C. Mác còn luận giải có cơ sở khoa học về sự phụ thuộc của các phương thức tiến hành chiến tranh vào chế độ chính trị - xã hội, về vai trò của quần chúng nhân dân, đặc biệt là vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần, về vai trò của cá nhân, nhất là vai trò của các tướng lĩnh trong chiến tranh.

Vai trò quyết định của quần chúng nhân dân biểu hiện đặc biệt mạnh mẽ trong những cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, trong những cuộc chiến tranh chính nghĩa chống lại bọn áp bức, bóc lột. Đặc biệt, đề cao vai trò của nhân tố tinh thần trong mối quan hệ biện chứng với các nhân tố khác trong sức mạnh chiến đấu của quân đội. Ông cho rằng, để đánh giá đúng khả năng chiến đấu của quân đội, cần có quan niệm không chỉ nhìn vào việc trang bị và chiến thuật của nó, mà còn ở trình độ kỷ luật, lòng kiên định trong chiến đấu, khả năng và tinh thần sẵn sàng chịu đựng sự ác liệt của chiến tranh và đặc biệt là trạng thái tinh thần của quân đội, nghĩa là những điều mà người ta có thể đòi hỏi ở quân đội mà không sợ nó bị mất tinh thần.

Những quan điểm, tư tưởng, lý luận của C. Mác về chiến tranh đã được Ph. Ăng-ghen (cây vĩ cầm bên cạnh C. Mác) nghiên cứu, bổ sung, phát triển, hoàn thiện trong những công trình nghiên cứu toàn diện, sâu sắc về những vấn đề quân sự và đã được V.I. Lê-nin tiếp tục bổ sung, phát triển trong điều kiện lịch sử mới. Những quan điểm mác xít về chiến tranh đã được các đảng cộng sản trên toàn thế giới vận dụng trong quá trình tiến hành những cuộc chiến tranh cách mạng, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng: xã hội, giai cấp và con người khỏi áp bức, xâm lược, nô dịch.

Những cống hiến to lớn của C. Mác về lý luận chiến tranh thật sự là một bước ngoặt mang tính cách mạng trong những quan điểm về chiến tranh, làm cơ sở lý luận giúp giai cấp vô sản và nhân dân lao động, nhất là các đảng cộng sản trên toàn thế giới nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng vận dụng trong việc đề ra đường lối, chiến lược và sách lược đúng đắn, tổ chức và lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trong những thập kỷ vừa qua.

Hiện nay và những năm sắp tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ có nhiều biến động phức tạp mới, khó dự lường, nhất là trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư; sự tác động của đặc điểm, tính chất, nội dung, hình thức, sắc thái mới của đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trong điều kiện mới; cộng với âm mưu, thủ đoạn chống phá mới của các thế lực thù địch,… chiến tranh đang và sẽ xảy ra sẽ có những đặc điểm mới so với các cuộc chiến tranh trước đây. Song, những quan điểm, tư tưởng, lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về chiến tranh nói chung, của C. Mác nói riêng vẫn tiếp tục là những cơ sở lý luận khoa học, cách mạng cho giai cấp vô sản và quần chúng lao động trong cuộc đấu tranh để đi tới thắng lợi cuối cùng - chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Thiếu tướng, PGS. TS. NGUYỄN VĨNH THẮNG, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (1)

đôi lời bình luận
25/06/2020 08:31
Xét đến cùng thì hệ thống lý luận quân sự của C.P CLaudovit vẫn hoàn chỉnh nhất và Ông là một nhà lý luận quân sự vĩ đại và thiên tài nhất từ trước đến nay.
Nguyễn Vũ
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng luôn là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân tố hàng đầu quyết định ấy càng thể hiện rõ nét, trở thành bài học vô cùng quý báu.