Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Ba, 18/07/2017, 08:12 (GMT+7)
Phụ nữ Việt Nam tích cực chăm lo, chăm sóc các đối tượng chính sách

“Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Thực hiện tốt chủ trương đó là nghĩa vụ, trách nhiệm, vinh dự của các cấp, các ngành, của cộng đồng xã hội; trong đó, có vai trò và sự đóng góp tích cực của Phụ nữ Việt Nam.

Hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta trong thế kỷ XX mang lại độc lập, tự do cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân, nhưng cũng để lại những hy sinh, mất mát to lớn cho hàng triệu gia đình Việt Nam; trong đó, phụ nữ là những người thấm thía nhất nỗi đau đó. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”1, 70 năm qua, cùng với các cấp, các ngành trong cả nước, Phụ nữ Việt Nam đã phát huy truyền thống cao đẹp của dân tộc, dành cho những thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng sự quan tâm, chăm sóc ân cần về vật chất, tinh thần với tất cả tấm lòng biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao cả, góp phần quan trọng vào thực hiện chính sách an sinh xã hội của đất nước.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ cả nước không chỉ vừa sản xuất, tham gia chiến đấu, bảo vệ xóm làng, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, mà các bà, các mẹ, các chị, các em gái còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao trong giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Năm 1948, Người đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập “Hội mẹ chiến sĩ”, “Hội ủng hộ thương binh” để chăm lo cho thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng thiết thực, hiệu quả hơn. Đó là động lực mạnh mẽ để phụ nữ cả nước vượt qua những khó khăn, gian khổ, hết lòng chăm sóc, giúp đỡ bộ đội, thương binh bằng tấm lòng nhân ái cao cả. Giữa chiến trường đạn bom, khói lửa, chị em dân công đã trực tiếp đưa nhiều thương binh trong chiến dịch về các trạm tuyến sau mặt trận và thay nhau chăm sóc. Các nữ giao liên luôn đảm bảo đưa đón, bố trí nơi ǎn ở cho hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, thương binh, bệnh binh vào, ra các chiến trường an toàn, bí mật. Trong lúc khó khăn về lương thực, chị em đã ủng hộ hàng nghìn phên đường, hộp sữa và nhiều thực phẩm, vật dụng khác để bồi dưỡng, chăm sóc cho thương binh. Từ sự ân cần chăm sóc và đồng cảm, chia sẻ, đã có rất nhiều chị em xây dựng gia đình với những đồng chí thương binh, bệnh binh dù biết rằng cuộc sống phía trước sẽ gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Ở hậu phương, nhiều mẹ, nhiều chị đã hiến đất, hiến nhà để xây dựng các trại điều dưỡng thương binh, bệnh binh; đón nhiều thương binh, bệnh binh về gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng, v.v. Những việc làm đó đã trực tiếp góp phần cứu chữa thương binh, bệnh binh và là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để chiến sĩ thêm động lực chiến đấu với kẻ thù. Sự đóng góp của chị em phụ nữ đã được Bác Hồ khen ngợi: “Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng... Các bà mẹ chiến sĩ và các chị em giúp thương binh đã hòa lẫn lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ thành một mối yêu thương không bờ bến, mà giúp đỡ chiến sĩ và săn sóc thương binh như con em ruột thịt của mình”2.

Bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục tuyên truyền và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 31/CT-TTg, ngày 28-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng và Chỉ thị 02/CT-TTg, ngày 25-01-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Hằng năm, nhất là những năm chẵn chục kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), các cấp Hội đều xây dựng kế hoạch tổ chức kỷ niệm với nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác chăm sóc gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Xây dựng trách nhiệm, tình cảm; giáo dục chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng, truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và truyền thống “trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Đáng chú ý là, nhiều hoạt động chăm lo, chăm sóc cho các đối tượng chính sách được thực hiện lồng ghép với các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về những đóng góp của Phụ nữ Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, như: Triển lãm “Nét vẽ tri ân” với chân dung ký họa của 300 Mẹ Việt Nam anh hùng; Triển lãm “Hai chị em” nhân kỷ niệm 55 năm “Đội quân tóc dài” và 50 năm phong trào “Ba đảm đang”. Các cuộc thi viết và sưu tầm hiện vật về những gương phụ nữ trong kháng chiến,... nhằm động viên phụ nữ, thế hệ trẻ phát huy giá trị truyền thống trong giai đoạn mới, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm phải xây dựng đất nước giàu đẹp như mong ước của thế hệ đi trước.

Trên cơ sở đó, các hoạt động được tổ chức thiết thực, hiệu quả, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của phụ nữ và các cấp Hội phụ nữ đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đặc biệt chú trọng hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm cụ thể: giúp đỡ Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ và vợ liệt sĩ; quan tâm nữ cựu thanh niên xung phong, nữ chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn. Chú trọng tổ chức hoạt động giáo dục về nguồn, tri ân các anh hùng liệt sĩ, tu tạo di tích lịch sử nữ anh hùng liệt sĩ tại các địa phương; thắp hương, chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời những gia đình chính sách tại địa phương.

Để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, bệnh binh và gia đình chính sách, các cấp Hội thường xuyên phối hợp với đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát, nắm bắt tình hình gia đình chính sách còn gặp khó khăn, kịp thời đề xuất các biện pháp giúp đỡ, giải quyết những vấn đề tồn đọng. Hội phụ nữ tham gia tích cực, có hiệu quả hoạt động tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để các gia đình chính sách, người có công được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống mọi mặt. Thăm hỏi động viên kịp thời gia đình các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vận động chị em tiếp tục nhận chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ, đảm bảo mỗi mẹ có ít nhất một người con gái thường xuyên thăm hỏi, đỡ đần khi tuổi cao sức yếu, lúc trái gió trở trời.

Bằng những việc làm cụ thể, từ năm 2007 đến nay, các cấp Hội đã vận động chị em phụ nữ tình nguyện đón 16.891 thương binh ở các trại điều dưỡng thương binh nặng về chăm sóc và nuôi dưỡng tại gia đình; nhận phụng dưỡng 1.236 Mẹ Việt Nam anh hùng; đỡ đầu 100.761 con thương binh, liệt sĩ; quyên góp tặng các gia đình chính sách khó khăn trên 70.000 sổ tiết kiệm, trị giá trên 20 tỷ đồng; vận động được 152 tỷ đồng để tặng quà các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và động viên các gia đình phụ nữ có con em lên đường nhập ngũ.

Công tác chăm sóc người có công với cách mạng được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định là nhiệm vụ quan trọng, thực hiện thường xuyên, lâu dài và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện vẫn còn bộc lộ những hạn chế, như: một số cấp Hội chưa thật sự chủ động trong việc phát hiện, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương để kịp thời thực hiện chính sách “đền ơn đáp nghĩa”; vẫn còn tình trạng chậm hoặc sai sót đối tượng trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ; công tác “đền ơn đáp nghĩa” ở một số nơi chưa gắn với việc giáo dục truyền thống, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào, tôn vinh “người tốt, việc tốt” để nhân rộng tại địa phương; những việc làm tình nghĩa và phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ ở một số nơi chưa thường xuyên, nhất là những nơi kinh tế còn nhiều khó khăn, v.v.

Để tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội nhằm thực hiện tốt hơn việc chăm lo, chăm sóc các đối tượng chính sách, phù hợp với yêu cầu tình hình mới, những năm tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng nói chung, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; “Uống nước nhớ nguồn” nói riêng đến các tầng lớp phụ nữ. Tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; những người mẹ, người vợ, người con có thành tích trong chăm sóc, nuôi dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh; chăm sóc đỡ đầu con liệt sĩ, thương binh có hoàn cảnh khó khăn.

Hai là, có chính sách quan tâm đặc biệt đến Mẹ Việt Nam anh hùng; mẹ, vợ liệt sĩ; nữ cựu thanh niên xung phong; nữ chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn; tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Ba là, tiếp tục sâu sát cơ sở, nắm rõ số lượng, hoàn cảnh gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, nhất là gia đình nữ thương binh, bệnh binh; quan tâm phối hợp tổ chức các hoạt động dạy nghề và giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách và con em của họ.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ là dịp để toàn Đảng, toàn dân, trong đó có Phụ nữ Việt Nam thể hiện lòng biết ơn sâu sắc tới những thương binh, liệt sĩ, người có công với đất nước. Đây cũng là dịp để các cấp Hội phụ nữ nhìn lại những việc mình đã làm được để tiếp tục phát huy và việc chưa làm được để rút kinh nghiệm làm tốt hơn nữa trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, thể hiện trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau đối với các đối tượng chính sách./.

TRẦN THỊ HƯƠNG, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
___________________________

1, 2 - Hồ Chí Minh -  Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 339.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng luôn là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân tố hàng đầu quyết định ấy càng thể hiện rõ nét, trở thành bài học vô cùng quý báu.