Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 20/08/2018, 09:31 (GMT+7)
Phong cách Tôn Đức Thắng

Cùng với phong cách Hồ Chí Minh, phong cách Tôn Đức Thắng là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi dẫn dắt, soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.

Phong cách Tôn Đức Thắng được nhìn nhận trên nhiều phương diện khác nhau, như: phong cách làm việc dân chủ, tập thể, quần chúng, nêu gương, có mục đích, kế hoạch rõ ràng; phong cách sinh hoạt chu đáo, cẩn thận, ngăn nắp, khiêm tốn, giản dị, v.v. Riêng phong cách lãnh đạo, Tôn Đức Thắng không bao giờ tỏ ra là con người có quyền lực, ham quyền lực, tự nhận là lãnh tụ. Đó là đặc điểm riêng có, độc đáo, tự nhiên, tổng hợp của đạo đức, phương pháp, trải qua cuộc đời đầy thử thách, sóng gió trong nhà tù đế quốc - trường học của những người cộng sản gắn với cuộc đời người thợ trong phong trào công nhân Sài Gòn, phong trào công nhân Pháp và công nhân thế giới, chứa đựng những giá trị về Chân - Thiện - Mỹ, đọng lại ở lối sống, hành vi, ứng xử, lan tỏa, tác động tích cực tới mọi người.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm công nhân vùng mỏ Quảng Ninh năm 1975. (Ảnh tư liệu)

Chất Nam Bộ  với phong cách Tôn Đức Thắng

Truyền thống văn hóa, lịch sử Long Xuyên nói riêng, Nam Bộ nói chung đã hun đúc lòng yêu nước và tinh thần cộng sản cho người thanh niên Tôn Đức Thắng. Vị thế địa văn hóa, địa chính trị của Nam Bộ - vùng đất mới, vùng đất cửa sông giáp biển tạo nên những đặc thù riêng. Bằng sự khai phá vùng đất mới hoang vu, hiểm trở, con người đồng bằng sông Cửu Long rũ bỏ được tư tưởng bảo thủ để sống thực tế hơn, rộng lượng hơn trong sinh hoạt và giao tiếp xã hội. Một trong những đặc điểm nổi trội của chất người Nam Bộ là vì nghĩa, bản tính kiên cường, khí phách hiên ngang, anh dũng “trọng nghĩa khinh tài” nghĩa khí,… trở thành tập tục văn hóa, triết lý sống: “Kiến nghĩa ninh cam bất dũng vi” (việc nghĩa phải làm không kể thành bại).

 Tinh thần quật khởi mang hào khí, dấu ấn Nam Bộ biểu lộ thái độ hiên ngang, ý thức xả thân vì nghĩa khí. Nhờ nghĩa khí mà nhân dân đồng bằng sông Cửu Long giữ được tinh thần quật khởi mang dấu ấn Nam Bộ. Những địa danh, như: Cao Lãnh, Mười tám thôn Vườn Trầu, Đồng Tháp, U Minh, Củ Chi, Hòn Đất,… mãi mãi là những thành đồng, vách sắt, vừa ghi lại những sự tích oai hùng của dân tộc, vừa vẽ lên những nét vàng son của con người đồng bằng sông Cửu Long. Lòng yêu nước, tinh thần anh dũng, bất khuất “thà chết được tự do hơn sống làm nô lệ” như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân cùng hàng trăm cuộc khởi nghĩa đã bồi đắp lòng yêu nước, thương dân, trở thành cơ sở quan trọng hình thành phong cách Tôn Đức Thắng.

 Tuổi học trò, Chủ tịch Tôn Đức Thắng (thường gọi Hai Thắng) là một đứa trẻ thông minh, thích nghe thơ văn và chuyện lịch sử. Thầy Năm Khách (Nguyễn Thượng Khách) thường kể cho Hai Thắng nghe những câu chuyện về tấm gương yêu nước, như: Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Đốc Bình Kiều, Thiên Hộ Dương, v.v.  Nhiều lúc thầy còn đọc thơ của các nghĩa sĩ trong nhóm Đông kinh Nghĩa thục cho Thắng nghe. Một trong những đức tính quý của trò Hai Thắng trong những giờ học là nêu nhiều câu hỏi liên quan đến người Pháp có mặt ở Việt Nam, việc người Pháp giết người, thu thuế, bắt dân mình đi xâu. Có những câu hỏi chung như nước Pháp ở tận đâu? Họ có bị nước khác đến cai trị như nước mình không? Họ có làm ruộng, làm thợ như nước mình không? Với những câu hỏi như vậy, thầy Năm Khách đã nhận xét Hai Thắng là một học trò không chỉ hiếu học mà còn rất thông minh. Cách hỏi cho thấy trò Thắng bước đầu có suy nghĩ độc lập về thời cuộc, về cái đúng, cái sai. Từ đó, thầy Năm Khách tiếp tục bồi dưỡng Hai Thắng bằng cách cho mượn và hướng dẫn những sách cần đọc, làm cho lòng say mê học tập, ham hiểu biết của Hai Thắng ngày càng được nung nấu, hun đúc thêm và bộc lộ dần tính cách riêng.

Sau khi học xong bậc tiểu học ở Long Xuyên, vừa không có điều kiện học tiếp bậc trung học, vừa do ngọn lửa yêu nước thôi thúc, Hai Thắng đã quyết định đi tìm một phương hướng mới, con đường mới theo tiếng gọi của trái tim mình, mà sau này lịch sử đã chứng minh đó là “phương hướng tốt, hợp thời đại”1. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nhận xét “Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn không phải hoàn toàn chỉ với hành trang của một nông dân giống như một nông dân Nọc Nạn hay Càng Long. Đã có một cái gì đó chớm nở trong đầu Tôn Đức Thắng”2.

Tư chất thông minh, ham học, cứng cỏi, thích bênh vực kẻ yếu hèn ngày càng bộc lộ rõ nét trong con người Hai Thắng khi đang là học sinh Trường tiểu học Long Xuyên và trong “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí Tôn Đức Thắng trong Hầm xay lúa ở ngục tù Côn Đảo thể hiện rõ phong cách sống, phong cách chiến đấu mãi mãi là bản anh hùng ca khí tiết của người cộng sản trước quân thù. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh, người bạn tù với Tôn Đức Thắng kể: “Tôi mến phục tinh thần bình đẳng, dân chủ thực sự, tính thật thà cầu chân lý của người đồng chí lớn tuổi. Được gần gũi anh Thắng ở Khám Lớn (Sài Gòn) cũng như sau này ở Hầm xay lúa Côn Đảo, tôi cũng như tất cả anh em bao giờ cũng quý yêu ở đồng chí đức khiêm tốn rất cao, tấm lòng ngay thẳng, độ lượng, ý thức tập thể vững chắc”3.

Phong cách lãnh đạo không tỏ ra là con người có quyền lực, ham quyền lực

Anh em, bạn bè, đồng chí phát hiện ra nhiều điều đặc biệt trong phong cách Tôn Đức Thắng. Giáo sư Trần Văn Giàu kể: “Trong nhà Bác ở Hà Nội bao giờ cũng có một chỗ để sửa xe, hình như Cụ “ghiền” máy móc thì phải, xe đạp của con cháu hư hỏng thì Cụ Tôn tự sửa. Là Phó Chủ tịch nước mà Cụ thật bình dị. Cụ thường mặc chiếc áo nâu và việc ăn uống của Cụ cũng bình thường. Khi tôi đến thăm thì vào cửa sau, mà khi ra về bao giờ Cụ Tôn cũng đưa ra tận cửa cái. Cụ Tôn khi là Phó Chủ tịch mà tôi thấy vẫn cưỡi xe đạp. Cụ thường mặc áo nâu, sống hết sức giản dị”4.

Đồng chí Tôn Đức Thắng là người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người hoạt động không biết mệt mỏi, ít nói về mình. Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh và Tôn Đức Thắng đều tỏ rõ phong cách “một con người bình thường - vĩ đại”5.  Theo Trần Bạch Đằng, Tôn Đức Thắng không phải là nhà lý luận, nhà tư tưởng hay nhà sáng tác mà là con người hành động, hành động tiên phong. “Bác Tôn luôn muốn sống như một con người thật bình thường. Chính vì thế, Bác Tôn vĩ đại. Không phải dễ thành bất tử như Bác Tôn - Ủy viên Trung ương Đảng nhiều năm, đứng đầu Mặt trận đoàn kết dân tộc hàng mấy thập kỷ liền, thay Bác Hồ giữ cương vị Chủ tịch nước - nhưng chưa một lần Bác tỏ ra là con người có quyền lực, ham quyền lực, tự nhận là lãnh tụ. Bác thích vị trí một đảng viên cộng sản như mọi đảng viên, thích vị trí công dân trung thực, lương thiện, cố mang điều tốt, cố mang niềm vui, cố giảm nỗi đau cho đồng bào. Nhớ Bác Tôn, nhớ bài học mà Bác lấy cả đời mình làm mẫu, chính là tìm cái vĩ đại trong cái bình thường của một con người, coi như đơn giản mà cực kỳ phức tạp, khó khăn đối với những ai nắm quyền trong tay. Kính chào Tôn Đức Thắng tức kính chào nền luân lý vĩ đại trong cái bình thường, bình thường một cách vĩ đại”6.

Trên sáu mươi năm đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp cứu nước và giải phóng giai cấp công nhân, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Con người bên trong của Bác Tôn, ở tuổi 90 mà phẩm chất cách mạng kiên cường ở Bác vẫn trong sáng, hồn nhiên. Năm tháng và bão tố có làm thay đổi nhiều về dáng vẻ bên ngoài, nhưng tâm hồn và ý chí cách mạng, tình cảm với đồng bào, đồng chí, sự khiêm tốn giản dị, lòng vị tha quên mình thì không hề thay đổi. Đó vẫn luôn luôn là đức tính của người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng”. Khi nói đến Bác Tôn, các học trò xuất sắc của Bác Hồ thường hay gắn hai Bác với nhau, đặc biệt là tấm ảnh ghi lại hình ảnh hai Bác tay cầm tay đứng bên nhau với nét mặt vui tươi, đôn hậu. Viết về Bác Tôn thường nói về Bác Hồ cũng là điều dễ hiểu, vì từ năm 1946, Bác Tôn có nhiều năm hoạt động và sống gần gũi với Bác Hồ, giữa hai Bác đã hình thành một tình thân ái, gắn bó sâu sắc. “Cũng như Bác Hồ, Bác Tôn là một con người đẹp từ việc lớn đến việc nhỏ, lúc ở Côn Đảo cũng như lúc ở Phủ Chủ tịch. Và cũng như Bác Hồ, Bác Tôn rất vui tính, thích bông đùa, nói ít, làm nhiều, suốt đời hiến dâng nghị lực, tài năng và tâm huyết cho sự nghiệp lớn của nước, của dân”7.

Đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, khi còn là trợ lý Tổng Bí thư viết về Bác Tôn - người bạn lớn của Bác Hồ, kể lại nhiều câu chuyện thú vị về phong cách của Bác: “Dù là Chủ tịch nước, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận, Bác Tôn luôn luôn sống một cuộc sống khiêm tốn và giản dị, nhân từ và đức độ, trung thực và nghĩa tình, khiến cho mọi lớp tuổi đều nhìn thấy ở Bác một người anh cả, một người cha, một người ông trong gia đình. Chúng ta đã nghe nói nhiều về những chuyện sinh hoạt bình thường của Bác mà cứ như nghe những câu chuyện huyền thoại. Bác được tin có người bạn tù cũ đang công tác ở nông trường Lương Sơn (Hòa Bình), đã tự mình đến thăm mà không chờ bạn đến với mình, bởi Bác nghĩ “có thể bạn bè thấy tôi làm Chủ tịch nước họ ngại nên tôi phải đến gặp trước”. Bác dành một phần tiền lương hằng tháng của mình để nuôi con một cán bộ không may qua đời. Bác tự mình sửa chữa chiếc xe đạp hay chiếc ra-đi-ô riêng của mình khi bị hỏng hóc. Bác tự tay chăm sóc người vợ hiền bị bệnh nặng trước lúc lâm chung. Thì giờ ngoài công việc, Bác thường dành cho công nhân, nông dân, bạn bè thân hữu và cho những đồng bào bị hoạn nạn trong chiến tranh. Năm 1957, Bác về thăm nông trang Nam Bộ ở Quý Cao (Hải Phòng), Bác đến từng gia đình hỏi han việc làm ăn, sinh sống”8.

Những đồng chí đã cùng hoạt động với Bác Tôn thời kỳ bí mật cũng như cùng  làm việc với Bác những năm sau này khi Bác là Chủ tịch nước, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, hay Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều thấy ở Bác một đức tính, một phong cách không hề thay đổi. Đó là đức tính, phong cách công nhân khiêm tốn, giản dị, chân thành, hòa mình trong quần chúng; luôn nêu cao tính tổ chức, tính nguyên tắc, việc lớn, việc nhỏ nhất thiết tuân thủ quyết định của tổ chức, của tập thể. Bác thường nhắc nhở sức mạnh của Đảng là ở tổ chức, toàn Đảng chỉ có một ý chí, một sự đoàn kết nhất trí trên cơ sở đường lối chính trị và những nguyên tắc tổ chức của Đảng.

Phong cách Tôn Đức Thắng không phải tự nhiên và cũng không phải do bẩm sinh mà có. Trần Bạch Đằng nhận xét: “Tinh hoa dân tộc, cốt lõi miền đất phóng khoáng và mộc mạc An Giang, tính cách thợ mà thành phố Sài Gòn và cả phong trào công nhân Pháp hun đúc, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lý tưởng cộng sản, trí tuệ và đức độ của Hồ Chí Minh - tất cả tổng hợp nên một Tôn Đức Thắng, gia tài cả nước, của Nam Bộ và An Giang, sản phẩm của phong trào công nhân thế giới, tiếng vọng đầy kiêu hãnh của Cách mạng Tháng Mười Nga”9.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác Tôn là một dịp tốt để mỗi chúng ta tự soi lại mình mà hành động, nói đi đôi với làm, làm nhiều, nói ít, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

PGS, TS. BÙI ĐÌNH PHONG
___________

1 - Sở Văn hóa và Thông tin  An Giang - Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980), An Giang. 1988, tr.75.

2 - Trần Bạch Đằng - “Một con người bình thường - vĩ đại”, Nxb CTQG, H. 2003, tr.211.

3 - Con đường cách mạng (Hồi ký nhiều tác giả), Nxb Thanh niên, H. 1970, tr.52-53.

4 - Sở Văn hóa và Thông tin  An Giang - Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980), An Giang. 1988, tr.180, 181.

5 - Trần Bạch Đằng - “Một con người bình thường - vĩ đại”, Nxb CTQG, H. 2003, tr.210.

6 - Sđd, tr. 215.

7 - Tôn Đức Thắng - Người cộng sản mẫu mực biểu tượng của đại đoàn kết, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 26.

8 - Sđd, tr. 152, 153.

9 - Sđd, tr. 215.

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.