Thứ Năm, 24/04/2025, 20:21 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Chiến thắng Tây Bắc năm 1952 là thắng lợi của sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Ðảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; thắng lợi của lòng quyết tâm cao độ, tinh thần đoàn kết, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường,... cùng sự vận dụng nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo của quân và dân ta. Trong đó, sự phối hợp tác chiến chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương là một nhân tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch.
Bộ đội xung kích đột phá khẩu đồn Pú Chạng trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952.(Ảnh tư liệu)
1. Tình hình và lực lượng tham gia chiến dịch
Tháng 4/1952, chấp hành chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy bắt đầu xúc tiến triển khai các mặt công tác và quyết định thành lập Ban Chuẩn bị chiến dịch1. Đây là việc làm rất cần thiết, bởi “tổ chức một chiến dịch, nhất là một chiến dịch lớn như hiện nay, thì thắng hay bại một phần quan trọng đã quyết định từ lúc chuẩn bị”2. Ngay sau đó, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo tổ chức lực lượng nắm tình hình địch, đánh giá khả năng của ta và bí mật xây dựng công sự, bố trí lực lượng,... trên địa bàn chiến dịch.
Qua nghiên cứu, đánh giá tình hình, Bộ Tổng Tham mưu nhận định: Tây Bắc là địa bàn chiến lược quan trọng của Bắc Bộ Việt Nam nói riêng, của Bắc Đông Dương nói chung. Tại đây, quân Pháp có thể uy hiếp căn cứ Việt Bắc và che chở cho Thượng Lào, nhưng lực lượng địch ở đây vừa yếu hơn đồng bằng Bắc Bộ, vừa bố trí tương đối chủ quan, sơ hở. (Lực lượng địch ở Tây Bắc gồm có 8 tiểu đoàn và 41 đại đội, phân tán trên 144 cứ điểm, trong đó 40 cứ điểm có từ 1 đến 2 đại đội (thông thường ở mỗi cứ điểm chúng bố trí từ 1 đến 2 trung đội). Công sự ở một số vị trí then chốt đã được cải tiến, lô cốt, hầm ngầm xi măng cốt sắt, nhưng phần lớn vẫn bằng gỗ và bằng đất – phần trong ngoặc nên đưa xuống chân trang - TBT). Theo đó, địch tổ chức bố phòng và chia Tây Bắc thành 4 phân khu (Sông Đà, Nghĩa Lộ, Lai Châu, Sơn La) và 3 tiểu khu độc lập (Thuận Châu, Phù Yên, Tuần Giáo).
Tuy nhiên, do địa hình núi cao, rừng rậm, sương mù nhiều, thiếu sân bay lớn nên địch buộc phải hạn chế việc sử dụng máy bay, pháo binh để đánh phá ta; đồng thời, cũng rất khó khăn để thực hiện việc vận chuyển, tiếp tế bằng đường không cũng như bằng đường bộ. Nếu tiến công làm chủ được Tây Bắc, ta không những bảo vệ vững chắc khu đầu não kháng chiến Việt Bắc, tạo thành thế liên hoàn nối liền với hậu phương kháng chiến rộng lớn, mà còn có điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu quốc tế. Về phía ta, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mở chiến dịch Tây Bắc, ngày 17/7/1952, Ban Bí thư ra Nghị quyết thành lập Khu Tây Bắc, nêu rõ: “công tác trọng tâm của Khu ủy hướng vào việc chuẩn bị chiến trường, đồng thời chuẩn bị và xây dựng các căn cứ du kích và thu hồi các vùng được giải phóng”3. Theo đó, 4 tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái thuộc Liên khu Việt Bắc được tách ra để thành lập Khu Tây Bắc, là địa bàn diễn ra chiến dịch, vì thế ta khẩn trương củng cố, ổn định các tổ chức đảng, chính quyền và huy động, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương. Các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, lực lượng vũ trang địa phương tiếp tục được ủng cố, tổ chức quy mô cấp đại đội và lực lượng du kích ở các thôn, bản nhằm chuẩn bị mọi mặt sẵng sàng cho chiến dịch. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để bộ đội chủ lực có thể phối hợp với lực lượng tại chỗ, tạo sức mạnh tổng hợp trong hoạt động tác chiến, bảo đảm trên địa bàn.
Căn cứ vào đề nghị của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tham mưu, tháng 9/1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Tây Bắc với mục tiêu: “Tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng một bộ phận đất đai có tính chất quan trọng về chiến lược”4. Đồng thời, cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Tổng Quân ủy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp làm Tư lệnh chiến dịch. Để chuẩn bị cho chiến dịch quan trọng này, công tác chuẩn bị của bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương được tiến hành bí mật, khẩn trương và toàn diện. Lực lượng bộ đội chủ lực trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh tham gia chiến dịch gồm có Đại đoàn 308 (03 trung đoàn), Đại đoàn 312 (03 trung đoàn), Đại đoàn 316 (02 trung đoàn), Tiểu đoàn 910 (Trung đoàn 148), 06 đại đội sơn pháo 75 mm (24 khẩu), 03 đại đội cối 120 mm (12 khẩu), Trung đoàn Công binh 351. Lực lượng vũ trang địa phương có 11 đại đội thuộc các tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai và lực lượng dân quân du kích trên địa bàn chiến dịch phối hợp.
Để bảo đảm cho Chiến dịch diễn ra theo đúng kế hoạch, từ ngày 06 đến ngày 09/9/1952, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh quán triệt, giao nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia giải phóng Tây Bắc; trong đó nhấn mạnh công tác phối hợp giữa các đơn vị với lực lượng vũ trang địa phương trên từng hướng, địa bàn, nhằm phát huy thế mạnh tại chỗ, khoét sâu điểm yếu của địch, tạo sức mạnh tổng hợp đánh địch trên địa bàn Chiến dịch. Theo đó, các đơn vị bộ đội chủ lực không chỉ phối hợp với lực lượng tại chỗ trong tác chiến, bảo đảm các mặt, mà còn chủ động tham gia gây dựng cơ sở chính trị, phát triển chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Đây là một trong những nét đặc sắc, góp phần đưa chiến dịch Tây Bắc giành thắng lợi giòn giã.
2. Bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương
Chiến dịch Tây Bắc được tiến hành trên địa bàn rộng với nhiều lực lượng và binh khí kỹ thuật tham gia, đường hành quân xa, qua nhiều địa hình phức tạp, nhu cầu huy động nhân lực, vật lực lớn ở nhiều địa phương. Để giữ được bí mật, bất ngờ, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo các lực lượng Chiến dịch phối hợp chặt chẽ với lực lượng tại chỗ xây dựng và thực hiện kế hoạch nghi binh chiến dịch hoàn chỉnh, khoa học.
Theo kế hoạch này, trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, khi các đại đoàn cơ động lực lượng vào khu vực tập kết, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã sử dụng lực lượng vũ trang địa phương mang tên các đại đoàn chủ lực để nghi binh lừa địch. Tại mặt trận trung du, hướng nghi binh chính là Vĩnh Phúc, giao Trung đoàn 246 lấy phiên hiệu giả là Đại đoàn 308, tiểu đoàn địa phương Phú Thọ lấy phiên hiệu là Trung đoàn 246. Hướng Bắc Giang giao Trung đoàn 238 ở Bắc Ninh, Bắc Giang mang tên mới là Đại đoàn 316. Hướng Phú Thọ, Sơn Tây giao Trung đoàn 176 thuộc Đại đoàn 316 đổi tên mới là Đại đoàn 312. Ở Liên khu 3, hướng nghi binh chính là Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình. Riêng ở Ninh Bình, vừa nghi binh vừa chuẩn bị cho hai đại đoàn 304 và 320 vào địch hậu để hoạt động phối hợp với chiến trường chính. Các hoạt động nghi binh cụ thể là: trinh sát vũ trang trên các hướng, cho phát đường bí mật, sửa chữa đường cơ động, cầu cống, bố trí kho tàng, tổ chức tập trung dân công, tổ chức chuyển quân rầm rộ để đánh lạc hướng sự phán đoán của địch, phong tỏa tin tức, truy quét các ổ gián điệp trên các đường hành quân ta dự kiến tiến vào Tây Bắc. Tất cả các đơn vị nghi binh được lệnh phải hoạt động liên tục và rầm rộ để thu hút sự chú ý của địch. Đó là một kế hoạch nghi binh “rất tỉ mỉ, được các đơn vị, địa phương chấp hành đúng, ăn khớp với từng thời điểm chiến dịch”5. Kế hoạch nghi binh đã được thực hiện nhịp nhàng giữa bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương và các lực lượng tham gia chiến dịch, tạo hiệu quả cao, góp phần vào thành công của chiến dịch.
Trong quá trình thực hành tác chiến chiến dịch, sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân du kích trên địa bàn tác chiến được thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phát huy hiệu quả qua 3 đợt chiến dịch.
Trong đợt 1 (từ 14 - 23/10/1952), lực lượng bộ đội chủ lực được lệnh tiến công trên các hướng quan trọng. Trên hướng chủ yếu Nghĩa Lộ, Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) được lệnh bất ngờ mở cuộc tiến công vào các cứ điểm Ca Vịnh; Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) tiến công cứ điểm Sài Lương ở tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, đồng thời bố trí lực lượng đánh viện trên đường Gia Hội. Tiếp đó, hai trung đoàn 88 và 36 (Đại đoàn 308) tiến công diệt đồn Cửa Nhì, cứ điểm Pú Chạng, phát triển tiến công đánh thọc sâu vào phân khu Nghĩa Lộ (trận then chốt mở đầu chiến dịch). Trong khi đó, trên hướng Phù Yên (hướng thứ yếu), Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 tiến công tiêu diệt địch ở cứ điểm Nha Phù, diệt Sở Chỉ huy tiểu khu Phù Yên ở Bản Mo, buộc địch ở Vạn Yên phải rút chạy. Phía Nam Lai Châu (hướng phối hợp), Tiểu đoàn 910, Trung đoàn 148 tiến công địch mạnh mẽ buộc chúng phải rút khỏi Quỳnh Nhai, Pắc Ná.
Phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương và các đơn vị du kích Cao Phạ, Mường La nhanh chóng tổ chức từng bộ phận lực lượng tiến hành truy kích, gọi hàng binh, tàn binh địch ở các cứ điểm trên đường chúng rút chạy, bảo vệ địa phương. Các đại đội Văn Bàn, Văn Chấn tổ chức bao vây Làng Chàng, Bản Lầu, vừa kêu gọi địch đầu hàng, vừa truy kích tàn binh địch chạy trốn. Cũng trong thời gian này, Đại đội 802 bộ đội địa phương tỉnh Lai Châu phối hợp với Tiểu đoàn 910, Trung đoàn 148 vũ trang tuyên truyền xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương, bảo vệ khu vực các vùng Quỳnh Nhai, Pắc Ná vừa được giải phóng6.
Sự phối hợp tác chiến hiệu quả giữa bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang các địa phương trên địa bàn chiến dịch đã tiêu diệt và bức rút hàng loạt cứ điểm trên tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch. Ta tiêu diệt đại bộ phận địch ở phân khu Nghĩa Lộ và tiểu khu Phù Yên, đặc biệt là tiểu khu Than Uyên; giành được thắng lợi ngoài dự kiến, giải phóng vùng đất quan trọng, rộng lớn từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà; từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai với diện tích hơn 10.000km2, kết thúc thắng lợi đợt 1 chiến dịch.
Nét đặc sắc của nghệ thuật phối hợp giữa bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương còn được thể hiện, khi đợt 1 chiến dịch hoàn thành, nhưng ta chưa thể chuyển sang đợt 2 như dự kiến, vì phải cần thêm thời gian chuẩn bị về lương thực, thực phẩm, nắm tình hình địch,... Chiến dịch đã khéo phối hợp giữa bộ đội và dân công cùng lực lượng tại chỗ vận chuyển đạn, gạo, sửa đường, vận chuyển thương binh, v.v. Đặc biệt, khi quân ta đang chuẩn bị cho đợt 2 chiến dịch thì địch mở “cuộc hành quân Loren” đánh lên vùng hậu phương Phú Thọ, hòng giải nguy cho quân địch đồn trú ở Tây Bắc. Trung đoàn 176 (Đại đoàn 316), Trung đoàn 246 phối hợp với bộ đội địa phương tỉnh Phú Thọ, dân quân du kích các huyện Tam Nông, Hạc Trì, Đoan Hùng, Phù Ninh, Thanh Ba và nhân dân địa phương ngăn chặn “cuộc hành quân Loren” của địch, bảo vệ vững chắc vùng hậu phương, tạo điều kiện cho quân và dân ta tiếp tục phát triển tiến công trong Chiến dịch Tây Bắc.
Hơn thế, khi biết địch bắt đầu rút khỏi Đoan Hùng theo đường số 2, Trung đoàn 36 đã phối hợp với lực lượng vũ trang Phú Thọ tổ chức trận địa phục kích địch ở Chân Mộng - Trạm Thản (trên quốc lộ 2). Theo đó, ngày 17/11, Trung đoàn 36 phối hợp với 03 trung đội thuộc Đại đội 310 (Tiểu đoàn 72 bộ đội địa phương Phú Thọ) cùng du kích dẫn đường đánh phục kích trên đường Chân Mộng - Năng Yên và Trạm Thản, diệt và bắt sống trên 400 tên, phá hủy 27 ô tô, 17 xe tăng, xe bọc thép. Đêm 23 rạng ngày 24/11, Trung đoàn 36 tiến công Núi Quyết (gần Cổ Tiết) diệt thêm 01 đại đội địch, làm cho binh đoàn cơ động số 4 của địch bị tổn thất nặng nề. Kết quả gần 01 tháng địch đánh lên Phú Thọ, địch đã không làm thay đổi được quyết tâm chiến lược của ta mà còn bị tổn thất nặng nề: 1.800 tên bị loại khỏi vòng chiến đấu, có 173 tên bị bắt, 60 xe cơ giới bị phá hủy; ta thu nhiều vũ khí và căn bản hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ hậu phương.
Phát huy kết quả của đợt 1, trong đợt 2 (từ ngày 07 đến 22/11/1952), các đơn vị bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiếp tục đánh vào các mục tiêu quân địch theo kế hoạch đề ra. Theo chủ trương của Bộ Tư lệnh chiến dịch, để tranh thủ yếu tố bất ngờ, nghi binh lừa địch, mặt trận Y13 ở hướng Lai Châu (hướng thứ yếu) nổ súng trước mở đầu đợt 2 chiến dịch. Hướng Nam Sơn La (hướng chủ yếu), Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) được tăng cường Tiểu đoàn 215 (Trung đoàn 98) vượt sông Đà tiến công vào hệ thống phòng ngự của địch, diệt cứ điểm Mộc Châu (trận then chốt thứ 2), địch hoảng sợ phải rút quân khỏi các cứ điểm Chiềng Pan, Sông Con, Sa Piệt, Tạ Khoa, Cò Nòi, Yên Châu về Nà Sản cố thủ. Phát huy thắng lợi, bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiếp tục tiến công, kết hợp vu hồi chiến dịch từ hướng Lai Châu tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu nhiều quân trang, quân dụng, giải phóng 6 huyện (Than Uyên, Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Mường La, Thuận Châu, Điện Biên Phủ), truy kích quân địch rút chạy về Nà Sản, kết thúc đợt 2 chiến dịch.
Đợt 3 (từ 30/11 đến 10/12/1952), bộ đội chủ lực tập trung đánh tập đoàn cứ điểm Nà Sản, địch dựa vào công sự trận địa kiên cố, có máy bay và hỏa lực chi viện đã ngoan cố chống cự, làm cho ta không phát triển được. Qua 4 trận đánh lớn vào các cứ điểm ở tập đoàn cứ điểm Nà Sản, bộ đội ta thương vong nhiều, nhưng vẫn không đạt mục tiêu đề ra. Để hạn chế tổn thất về lực lượng sau này, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định ngừng trận đánh, kết thúc chiến dịch và ra lệnh rút các đơn vị ra vùng hậu cứ để củng cố lực lượng, giúp nhân dân xây dựng hậu phương, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới.
Chiến thắng Tây Bắc 1952 có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự, chính trị và kinh tế, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiến tới giành thắng lợi quyết định; để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị lịch sử. Trong đó, sự phối hợp tác chiến hiệu quả giữa bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương là minh chứng cụ thể, sinh động góp phần tạo nên thành công của Chiến dịch Tây Bắc 1952.
Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN LƯỢNG, Trưởng phòng Kế hoạch, quản lý khoa học và đào tạo, Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng ______________
1 - Đồng chí Trần Đăng Ninh đại diện Tổng Quân ủy làm Trưởng ban, các đồng chí Hoàng Văn Thái, Bùi Quang Tạo, Bằng Giang, Lê Liêm, Nguyễn Văn Nhạn, Phan Mỹ, Chu Văn Tấn, Trần Quyết, Đồng Sỹ Học làm ủy viên.
2 - Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu xuất bản, H. 1963, tr. 428.
3, 4 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 13, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 212, 304.
5 - Sđd, tr. 67.
6 - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Chiến dịch tiến công Tây Bắc (Thu - Đông 1952), Nxb QĐND, H. 1992, tr. 34.
Chiến dịch Tây Bắc 1952,phối hợp lực lượng
Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng nhân tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Dân quân tự vệ 10/04/2025
Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ cả nước 28/03/2025
Tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò lực lượng dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng 27/03/2025
Xứng đáng là cơ quan đầu ngành toàn quân về tham mưu, chỉ đạo công tác dân quân tự vệ 26/03/2025
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, ngang tầm nhiệm vụ 26/03/2025
Họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học “Chiến thắng Tây Nguyên 1975 và nửa thế kỷ xây dựng, phát triển Đắk Lắk” 27/02/2025
Đại tướng Phan Văn Giang dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Không quân nhân dân Việt Nam 27/02/2025
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết thăm và chúc mừng Học viện Quân y 27/02/2025
Gặp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 26/02/2025
Thư của Đại tướng Phan Văn Giang chúc mừng cán bộ, nhân viên, học viên, chiến sĩ Quân y toàn quân 25/02/2025
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, ngang tầm nhiệm vụ
Xứng đáng là cơ quan đầu ngành toàn quân về tham mưu, chỉ đạo công tác dân quân tự vệ
Tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò lực lượng dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng
Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ cả nước
Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng nhân tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Dân quân tự vệ