Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 17/04/2023, 08:11 (GMT+7)
Kỷ niệm 75 năm Tạp chí Quốc phòng toàn dân ra số đầu tiên (4/1948 – 4/2023)
Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới

Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.

Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì phiên họp Hội đồng Chỉ đạo Tạp chí Quốc phòng toàn dân (năm 2023)

Tạp chí Quốc phòng toàn dân là một trong số ít cơ quan báo chí trong Quân đội được thành lập từ rất sớm. Tháng 4/1948, trước đòi hỏi cấp thiết của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đặc biệt là đòi hỏi về nâng cao trình độ, nhu cầu học tập của bộ đội và yêu cầu cấp bách về đúc rút, trao đổi kinh nghiệm chiến đấu giữa các cấp chỉ huy, tờ Quân sự Tập san - tiền thân của Tạp chí Quốc phòng toàn dân ngày nay được thành lập và xuất bản số đầu tiên theo Quyết nghị của Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 3 (tháng 6/1947) và Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đánh dấu sự ra đời của cơ quan nghiên cứu, tuyên truyền lý luận quân sự, chính trị hàng đầu của Quân đội; đồng thời, khẳng định vị thế của Quân sự Tập san trong nền lý luận quân sự cách mạng Việt Nam.

Ngay trong số đầu tiên, Tạp chí đã vinh dự được nhận và đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Quân sự Tập san, Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và lời giới thiệu của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng. Trong thư, Người căn dặn: “Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông. Thực hành mà không nghiên cứu thường hay bị mù quáng. Vậy phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm”1. Còn thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Quân sự Tập san là nơi hội tập, thử thách và trao đổi kinh nghiệm và tư tưởng chiến đấu hiện tại, sẽ vạch ra một đường sáng lạn cho tư tưởng kiến thiết sau này”2. Điều đó cho thấy, sự quan tâm sâu sắc, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khi khẳng định tầm quan trọng, vai trò tiên phong, dẫn dắt của lý luận quân sự đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Suốt 75 năm qua, với nhiều tên gọi khác nhau3, Tạp chí luôn bám sát đường lối chính trị, quân sự, quốc phòng của Đảng; thực tiễn nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tình hình chính trị, quốc phòng, an ninh thế giới,... để thực hiện công tác nghiên cứu, tuyên truyền, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là “ngọn cờ lý luận của Đảng trong Quân đội”.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tạp chí tập trung quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng, thể hiện rõ tính chỉ đạo, tính nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chiến tranh nhân dân, chiến tranh giải phóng dân tộc của một nước nhỏ, nông nghiệp lạc hậu chống chiến tranh xâm lược của thực dân cũ; thực sự là tài liệu học tập bổ ích, nâng cao trình độ lý luận quân sự, chính trị đối với cán bộ các cấp toàn quân.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước sự phát triển của yêu cầu, nhiệm vụ, Tạp chí không ngừng phát triển cả về nội dung, hình thức, đối tượng phục vụ và số lượng phát hành, trở thành cơ quan nghiên cứu lý luận về chiến tranh cách mạng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Với lực lượng phóng viên hùng hậu, dày dạn kinh nghiệm, thấu suốt quan điểm, đường lối quân sự, chính trị của Đảng và bám sát thực tiễn chiến đấu ở cả hai miền Nam - Bắc, Tạp chí tập trung tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách quân sự của Đảng và Chính phủ, chủ trương công tác của Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng; tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, nhất là quán triệt, tuyên truyền về phương pháp cách mạng miền Nam, tư tưởng cách mạng tiến công, động viên toàn quân, toàn dân phát huy sức mạnh tổng hợp, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Điểm nổi bật ở thời kỳ này là, Tạp chí thường xuyên cử phái viên theo sát các mặt trận, chiến dịch để có những bài viết với hàm lượng khoa học, giá trị lý luận và tri thức quân sự, chính trị cao gắn với thực tiễn nóng hổi của chiến trường. Những bài viết này đã thực sự góp phần tổng kết kinh nghiệm chiến đấu của các đơn vị, khái quát thành lý luận để trở lại chỉ đạo hoạt động thực tiễn của đơn vị một cách hiệu quả hơn; thậm chí có bài viết được Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi, phát lại nhiều lần. Qua đó, khẳng định vị thế của Tạp chí trong việc quán triệt và làm sáng tỏ những vấn đề về đường lối, phương pháp cách mạng của Đảng; về phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân; nghệ thuật quân sự; nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược, chiến dịch và chiến đấu,... luôn được bạn đọc quan tâm, theo dõi và đánh giá cao.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng thời kỳ mới, Tạp chí luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Hội đồng Chỉ đạo Tạp chí mà thường xuyên, trực tiếp là Thủ trưởng Tổng cục Chính trị,... để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, tuyên truyền, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không có sai sót về quan điểm, đường lối. Trên cơ sở quán triệt, nắm vững đường lối đổi mới của Đảng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và nhận thức rõ vai trò là Cơ quan lý luận, quân sự, chính trị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Tạp chí tập trung đề cập toàn diện cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và đối ngoại; trọng tâm là nghiên cứu, tuyên truyền lý luận về chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân, cũng như sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội cùng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng nước ta. Những năm gần đây, cùng với nhiệm vụ thường xuyên, bằng các bài viết có chất lượng cao, Tạp chí tích cực tham gia vào xây dựng các văn bản chiến lược, Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc,... qua đó càng khẳng định vị trí, vai trò là “ngọn cờ lý luận bảo vệ Tổ quốc của Đảng”. Đặc biệt, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, Tạp chí đã đi đầu trong tổ chức các tuyến bài đấu tranh trực diện, thường xuyên, liên tục với sức thuyết phục, tính chiến đấu cao, trở thành “vũ khí lý luận” sắc bén, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Trải qua 75 năm phấn đấu, xây dựng, trưởng thành cùng Quân đội và sự nghiệp cách mạng, Tạp chí Quốc phòng toàn dân đã có bước phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu. Từ tờ báo có số lượng nhỏ, lưu hành nội bộ, chỉ có bản in, đến nay, Tạp chí được phát hành rộng rãi cả trong và ngoài nước. Cùng với không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của Tạp chí in, Tạp chí điện tử Quốc phòng toàn dân gồm 03 phiên bản: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc đã ra đời và hoạt động thường xuyên, an toàn, chất lượng tốt, với số lượt truy cập ngày càng tăng, trở thành người bạn thân thiết của đông đảo bạn đọc cả ở trong và ngoài nước. Đây là một trong những kênh thông tin quan trọng, chính thống, nhằm tuyên truyền sâu rộng về quan điểm, đường lối, chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Không chỉ vậy, thông qua các bài viết, Tạp chí đã có đóng góp quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng nói chung, lý luận quân sự, chính trị nói riêng trong từng thời kỳ và cả quá trình cách mạng Việt Nam. Qua đó, Tạp chí không chỉ góp phần nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ, tri thức và kiến thức quân sự cho cán bộ trung, cao cấp trong và ngoài Quân đội, mà còn gợi mở, giúp cho công tác tổng kết trên các lĩnh vực nghiên cứu, khái quát thành lý luận để chỉ đạo thực tiễn quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hiện nay, trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi cán bộ, phóng viên Tạp chí phải không ngừng phấn đấu, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ, năng lực tư duy lý luận,... hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, thường xuyên quán triệt, nắm vững quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng trong từng thời kỳ để triển khai thực hiện tốt công tác nghiên cứu, tuyên truyền. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu; là cơ sở, căn cứ quyết định nhất để xác định định hướng chính trị; đồng thời, là điều kiện tiên quyết để giữ vững tôn chỉ, mục đích của tờ “Tạp chí lý luận của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”. Chính vì lẽ đó, yêu cầu hàng đầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên của Tạp chí là phải thường xuyên quán triệt, nắm vững quan điểm, đường lối chính trị, quân sự, quốc phòng của Đảng; các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị cùng những định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông,... để triển khai công tác nghiên cứu, tuyên truyền một cách có hệ thống, có chiều sâu, rộng khắp. Thông qua đó, góp phần cụ thể hóa, đưa quan điểm, đường lối của Đảng, mà trước hết là quan điểm, đường lối về quân sự, quốc phòng vào thực tiễn bảo vệ Tổ quốc ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong quá trình thực hiện, cần tập trung trước hết vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề cốt lõi trong đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân, nhất là những lực lượng mới, đặc thù cũng như những định hướng phát triển về khoa học, nghệ thuật quân sự trong điều kiện mới. Cùng với đó, cần chú trọng quán triệt sâu sắc tính cách mạng, khoa học, đặc biệt là tính chất lý luận của Tạp chí Quốc phòng toàn dân, nâng cao năng lực tư duy lý luận của cán bộ, phóng viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Hai là, luôn bám sát thực tiễn bảo vệ Tổ quốc, sự phát triển của các hình thái chiến tranh để đổi mới công tác nghiên cứu, tổng kết và tuyên truyền, góp phần bổ sung, phát triển nền lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới. Đây là yêu cầu rất cao không dễ thực hiện tốt đối với Tạp chí, nhưng với tư cách là “ngọn cờ lý luận quân sự của Đảng”, Tạp chí phải tiếp tục phát huy vị thế, nỗ lực phấn đấu để góp phần phát triển nền lý luận quân sự Việt Nam trong thời kỳ mới. Vấn đề mấu chốt đặt ra đối với Tạp chí là không chỉ quán triệt quan điểm của Đảng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh mà hơn thế, phải góp phần hoàn thiện đường lối đó. Tựu chung là: đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi cán bộ, phóng viên Tạp chí Quốc phòng toàn dân cần bám sát thực tiễn, nhất là thực tiễn quân sự, quốc phòng sinh động ở các cơ quan, đơn vị, địa phương cùng những phát triển mới trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng trên thế giới,... để nâng cao trình độ mọi mặt, trước hết là năng lực nghiên cứu, tư duy quân sự; trên cơ sở đó, khái quát thành những bài học, những vấn đề lý luận, góp phần phát triển lý luận quân sự của Đảng.

Ba là, đẩy mạnh đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, tuyên truyền. Đây là vấn đề quan trọng, mang tính quyết định đến sự phát triển, trưởng thành của Tạp chí trong suốt 75 năm qua và trong thời gian tới. Bởi, đổi mới, sáng tạo là đặc trưng của báo chí, đối với Tạp chí Quốc phòng toàn dân điều đó lại càng quan trọng. Vì thế, Tạp chí cần tích cực đổi mới cả về nội dung, hình thức, phương thức phát hành,... và sáng tạo cách thể hiện các bài viết trên cơ sở nắm vững và tuân thủ quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng cũng như giữ vững tôn chỉ, mục đích đã xác định, nhằm chiếm chọn lòng tin yêu của đông đảo bạn đọc, trở thành “cẩm nang” của các thế hệ cán bộ trong và ngoài Quân đội. Bên cạnh đó, Tạp chí cần bám sát nhu cầu thực tiễn cùng những mô hình truyền thông hiện đại, đa phương tiện để vận dụng vào đổi mới cơ cấu, nội dung các chuyên mục và hình thức trình bày, đáp ứng yêu cầu nền báo chí hiện đại. Trong đó, cần chú trọng đổi mới phương pháp thể hiện; nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, khả năng nắm bắt thực tiễn, cách tiếp cận, phát hiện và chọn vấn đề cùng những kỹ năng biên tập, viết bài để hình thành những bài viết chuyên sâu, có giá trị về lý luận và thực tiễn, mang tính thời sự cao,... góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng nước nhà. Cùng với đó, Tạp chí cần hết sức coi trọng phát hiện, mở rộng đội ngũ cộng tác viên, nhất là các chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học, tạo nhiều phong cách thể hiện khác nhau, trên các lĩnh vực, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền cũng như sức sống, sự lan tỏa của Tạp chí trong đời sống xã hội.

Bốn là, thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Là Cơ quan lý luận quân sự, chính trị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Tạp chí có vai trò, trách nhiệm chính trị cao trong việc góp phần phát triển lý luận quân sự của Đảng. Vì thế, phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ Tạp chí trong sạch, vững mạnh, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao, đó là “chìa khóa”, vấn đề then chốt để Tạp chí hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, không ngừng trưởng thành, phát triển. Trên cơ sở phát huy truyền thống, kết quả đạt được và kinh nghiệm suốt 75 năm qua, Đảng bộ Tạp chí cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu và đội ngũ đảng viên có phẩm chất, năng lực ngang tầm. Cùng với đó, phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực toàn diện, trước hết là năng lực nghiên cứu, tư duy quân sự nhạy bén, sắc sảo, có trình độ tác nghiệp báo chí chuyên nghiệp; đồng thời có sự kế tiếp vững vàng về đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nền báo chí cách mạng hiện đại. Đó cũng là mục tiêu mà Tạp chí luôn phấn đấu để mãi xứng đáng là “ngọn cờ lý luận quân sự của Đảng”.

Thiếu tướng TẠ QUANG CHUYÊN
___________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 511.

2 - Đảng ủy và Ban Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân - 60 năm Tạp chí Quốc phòng toàn dân - Biên niên sự kiện, Nxb QĐND, H. 2008, tr. 19.

3 - Tạp chí đã 3 lần đổi tên: từ Quân sự Tập san (4/1948) đến Quân chính Tập san (10/1948), Tạp chí Quân đội nhân dân (6/1957) và từ tháng 8/1988 đến nay là Tạp chí Quốc phòng toàn dân.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.