Thứ Bảy, 23/11/2024, 23:42 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 03-02-1930) - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam là một sự kiện chính trị đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam ở đầu thế kỷ XX. Trong đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với tư cách là người sáng lập, rèn luyện thực sự và mãi mãi là Người tiên phong của Đội tiên phong.
Trước năm 1930, dân tộc ta chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước. Nhà yêu nước Phan Bội Châu đã khắc họa tình cảnh đất nước ta lúc bấy giờ: “khói đục mây mù, trời khuya đất ngủ”. Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thực hiện sứ mệnh lịch sử lãnh đạo đất nước bằng đường lối chính trị đúng đắn, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thì mới tạo bước ngoặt căn bản trong phong trào yêu nước, kết thúc thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước của dân tộc Việt Nam. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, dân tộc ta đã thoát khỏi đêm trường nô lệ, lập nên những thành tựu vĩ đại, những chiến công có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Nổi bật là: tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại giành độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, lập nên Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á; tiếp đó đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược trong hai cuộc kháng chiến thần thánh, thực hiện thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Việt Nam trở thành biểu tượng của lương tri, là niềm tin, niềm hy vọng của các dân tộc bị áp bức, bóc lột và cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Điều đó đã chứng minh một chân lý: sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng ta là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam xứng đáng là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”[1].
Trong đội hình của “Đội tiên phong” đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là người tiên phong, người cầm lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt mọi thác ghềnh để đến bến vinh quang. Không những vậy, Người còn là biểu tượng của niềm tin vào thắng lợi, niềm tin của toàn dân và của dân tộc Việt Nam vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự tất thắng của chế độ xã hội chủ nghĩa dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Hồ Chí Minh là người tiên phong. Bởi trước hết, Người đã sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam. Mặc dù, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không phải là người tiên phong tìm đường cứu nước, nhưng là người đầu tiên tìm ra con đường cứu nước, cứu dân đúng đắn. Đó là sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa Mác – Lê-nin chân chính để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”; và “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[2]. Việc tổ chức ra Đảng là để tổ chức và giáo dục nhân dân thành một đội quân thật mạnh nhằm đánh đổ kẻ địch, tranh lấy chính quyền. Cách mạng thắng lợi rồi, quần chúng vẫn cần có Đảng lãnh đạo, vì dù nhân dân đã nắm chính quyền, nhưng “giai cấp đấu tranh trong nước và mưu mô đế quốc xâm lược” vẫn còn và còn phải xây dựng kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội; giáo dục quần chúng, đưa nhân dân lao động lên làm chủ vận mệnh của mình.
Từ điều kiện cụ thể của một nước thuộc địa nửa phong kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, mở lớp huấn luyện chính trị, đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán, từng bước truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào phong trào yêu nước Việt Nam. Sự kiện Đảng cộng sản Việt Nam ra đời bởi sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã được giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam đón nhận như “người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”. Như vậy, ngay từ đầu, Đảng đã bắt rễ sâu trong “miếng đất màu mỡ” của dân tộc, gắn bó chặt chẽ vấn đề giai cấp và dân tộc. Đây cũng là con đường đi tìm “hình của nước” của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác – Lê-nin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, kết hợp giác ngộ dân tộc với giác ngộ giai cấp trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Đặt phong trào yêu nước là một trong ba thành tố hình thành Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ làm phong phú thêm lý luận Mác – Lê-nin về xây dựng đảng vô sản kiểu mới mà còn khẳng định rằng: Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh xứng đáng là Người tiên phong về tư tưởng, lý luận của Đội tiên phong.
Cùng với đó, Người còn tiên phong trong rèn luyện đạo đức cách mạng, là tấm gương đạo đức sáng ngời cho toàn Đảng, toàn dân noi theo. Từ khi chuẩn bị thành lập Đảng đến trước lúc đi xa, Người luôn quan tâm, có nhiều bài nói, bài viết về công tác xây dựng Đảng, với mong muốn làm cho Đảng thật sự là một Đảng cách mạng chân chính, là đội tiên phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên thật sự là người chiến sĩ tiên phong. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng, bồi đắp một nền đạo đức mới: đạo đức cách mạng. Người nói: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”[3]. Người khẳng định: đạo đức cách mạng không phải tự nhiên mà có, từ trên trời rơi xuống, mà phải do kiên trì, thường xuyên học tập, rèn luyện mà nên. Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện về mọi mặt, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong được nhân dân tin theo. Khi cách mạng thành công, bên cạnh việc biểu dương, Người thẳng thắn chỉ ra những khuyết tật mà mỗi cán bộ, đảng viên thường mắc phải, như: không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”; ngại gian khổ, khó khăn, tham ô, lãng phí, xa hoa; tham danh trục lợi, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền; xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu,... dẫn đến mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Theo Người, đó là chủ nghĩa cá nhân, nó là kẻ địch cực kỳ nguy hiểm, phá hoại Đảng từ bên trong. Đồng thời, chỉ ra thang thuốc hiệu nghiệm nhất để chữa trị căn bệnh này là tự phê bình và phê bình. Đây cũng chính là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Chỉ có thực hiện tốt tự phê bình và phê bình thì mỗi cán bộ, đảng viên mới nhận rõ: ta và địch, cái ưu và cái khuyết, cái đúng và cái sai, cái tốt và cái xấu, cái tiên tiến và cái lạc hậu, cái nên làm và không nên làm, v.v. Cho nên, “Chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy. Có như thế Đảng mới chóng phát triển”[4].
Không chỉ giáo dục cho toàn Đảng về tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức của người cách mạng, bản thân Người còn là tấm gương mẫu mực về vấn đề này, tiên phong trong rèn luyện đạo đức, lối sống, coi đó như “cơm ăn, nước uống” hằng ngày. Theo Bác, việc rèn luyện phải thường xuyên, liên tục và đề cao ý thức tự giác của mỗi người; gắn chặt tư tưởng với hành động, lời nói với việc làm, trên phải làm gương cho dưới, cán bộ phải làm gương cho quần chúng noi theo. Người yêu cầu: “Phê bình phải dân chủ, nghĩa là Bác phê bình các cô, các chú, trái lại các cô, các chú có thể phê bình Bác, có cái hay phải học, cái khuyết điểm thì phê bình. Các cô, các chú yêu Bác, muốn Bác tiến bộ thì phải phê bình”[5]. Hình ảnh một Chủ tịch nước với bộ quần áo ka-ki giản dị, đi đôi dép lốp, làm việc trong ngôi nhà sàn mái lá đơn sơ, hằng ngày tiết kiệm một nắm gạo, tuần nhịn một bữa ăn và góp một tháng lương trong Phong trào “Hũ gạo tiết kiệm”, “Tuần lễ vàng”,… đã góp sức đưa đất nước vượt qua thời điểm cực kỳ khó khăn mãi mãi để chúng ta ghi nhớ và cảm phục. Người thực sự là tấm gương sáng, mẫu mực, tiên phong cả lời nói và việc làm, cả nhận thức tư tưởng và hành động cách mạng, đạo đức, lối sống để toàn Đảng, toàn dân học tập và noi theo.
Một trong những phẩm chất cao quý của Bác, có sức thu hút, cổ vũ, thúc dục mọi người rèn luyện, phấn đấu là tình thương yêu con người, gắn bó với quần chúng nhân dân, sâu sát với cơ sở. Trước lúc đi xa, Người căn dặn Đảng ta “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[6]. Với tư cách là “người lãnh đạo”, đảng viên của Đảng phải là người đi tiên phong, gương mẫu, dẫn dắt quần chúng theo mình. Với tư cách “người đầy tớ”, đảng viên của Đảng là người thực thi công vụ, phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về gần dân, học dân, kính trọng, phục vụ nhân dân và luôn dựa vào sức mạnh của dân, xuất phát từ lợi ích của nhân dân để đề ra đường lối lãnh đạo cách mạng. Sự gần gũi đó được thể hiện ngay từ phút đầu tiên Người ra mắt quốc dân, đồng bào. Khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Người hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”. Chỉ là một câu hỏi bình dị, tự nhiên mà thân thân thiết biết bao! Xúc động biết bao! Lay động trái tim hàng chục triệu đồng bào cả nước. Đó là một điển hình mẫu mực về mối quan hệ gần gũi, thân thiết hiếm có giữa lãnh tụ với quần chúng, ngay ở những giây phút lịch sử trang trọng nhất.
Tất cả những điều đó, toát lên phẩm chất cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cương vị lãnh tụ của Đảng, của Nhân dân và đã trở thành Người tiên phong của Đội ngũ tiên phong trong tiến trình lãnh đạo cách mạng. Tư tưởng, tấm gương mẫu mực của Người là hành trang quan trọng giúp cho toàn Đảng ta vượt qua khó khăn, thử thách, lãnh đạo nhân dân giành độc lập, tự do cho dân tộc trước đây cũng như sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đặc biệt, trước thực trạng có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng chỉ ra, thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) càng có ý nghĩa thiết thực.
PHIẾM ĐÌNH
[1] - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 88.
[2] - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 289.
[3] - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 498.
[4] - Sđd - Tập 5, tr. 307.
[5] - Sđd - Tập 10, tr. 584.
[6] - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 498.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội