Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Tư, 15/07/2020, 15:29 (GMT+7)
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Duy Trinh (15/7/1910 - 15/7/2020)
Người cộng sản kiên trung, nhà ngoại giao xuất sắc

Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh là người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thuộc thế hệ những nhà cách mạng tiền bối, ông là tấm gương sáng về sự kiên trung của người cộng sản; giản dị, tận tụy của một người cán bộ; trí lược của một nhà ngoại giao xuất sắc.

Trung thành với lý tưởng giải phóng dân tộc

Theo tài liệu của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh (tỉnh Nghệ An) ghi chép, đồng chí Nguyễn Duy Trinh tên thật là Nguyễn Ðình Biền, sinh ngày 15-7-1910  trong một dòng họ có truyền thống yêu nước tại  làng  Cổ Ðan, tổng Ðặng Xá (nay là xóm 12, xã Phúc Thọ), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn ở Ðặng Xá, Nguyễn Ðình Biền là hậu duệ đời thứ 15 của danh tướng Nguyễn Xí - khai quốc công thần thời Hậu Lê thế kỷ 14. Thuở nhỏ, ông được cha là cử nhân Nguyễn Ðình Tiếp kèm cặp, sau đó theo học quốc ngữ ở Ðặng Xá. Vốn thông minh sáng dạ, giỏi cả Hán văn và Pháp ngữ, năm 12 tuổi, ông được gia đình cho theo học tại Trường Quốc học Vinh.

Ngay từ thời là học sinh, cậu học trò Nguyễn Ðình Biền đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1927, khi vừa tròn 17 tuổi, anh gia nhập Ðảng Tân Việt, hoạt động tại Sài Gòn - Gia Ðịnh. Ðể tránh sự truy lùng của mật thám, đồng chí đổi tên Nguyễn Ðình Biền thành Nguyễn Duy Trinh. Cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Duy Trinh bị thực dân Pháp bắt, kết án 18 tháng tù, trục xuất về bản quán. Tháng 8-1930, ngay khi về tới quê hương, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã bí mật liên lạc với các chi bộ đảng địa phương và tiếp tục hoạt động cách mạng.

Thời kỳ này, cuộc biểu tình của nhân dân Hưng Nguyên bị chính quyền thực dân Pháp đàn  áp  đẫm máu, đồng chí Nguyễn Duy Trinh và các đảng viên trực tiếp vận động và lãnh đạo nhân dân trong tổng đoàn kết đứng dậy tiến hành nhiều cuộc đấu tranh. Tiêu biểu vào ngày 20-9-1930, có cuộc mít-tinh ở Cồn Mô, Cổ Bái, bắt và cảnh cáo những tên tay sai phản cách mạng; đấu tranh đòi giảm sưu thuế cho thuyền của nhân dân ra vào Cửa Hội. Trong đó, cuộc mít-tinh diễn thuyết ngày 5-10-1930 của hơn 300 quần chúng tập trung ở tổng Ðặng Xá và các làng lân cận đã khiến thực dân Pháp hoảng sợ.

Từ cuối tháng 12-1930 cho đến tháng 4-1931, đồng chí Nguyễn Duy Trinh cùng các Bí thư chi bộ Ðảng đã có nhiều hoạt động như: Vay lúa, vận động quyên góp của nhà giàu cứu đói cho dân; biểu tình chống đàn áp, khủng bố; lập các đội tự vệ đỏ chống đàn áp của địch; trong đó “tuần lễ đỏ” diễn ra từ ngày 15 đến 24-1-1931 là sự kiện kêu gọi được đông đảo quần chúng nhân dân nhất. Tháng 4-1931, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được bầu làm Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1931, theo chỉ thị của Xứ ủy Trung Kỳ, Huyện ủy Nghi Lộc phát động tổ chức đấu tranh trên quy mô toàn huyện. Cuộc đấu tranh này bị thực dân Pháp thẳng tay khủng bố. Sau những tổn thất nặng nề, tổ chức đảng phải đi vào hoạt động bí mật.

Trước tình thế cách mạng ngặt nghèo, đồng chí Nguyễn Duy Trinh không hề nhụt chí. Ông tiếp tục bắt mối liên lạc với những đảng viên chưa sa vào lưới giặc, duy trì phong trào cách mạng địa phương. Ông cải trang, nhuộm răng đen, mặc áo dài, đóng khăn xếp hóa thân thành ông đồ, thầy ký; lúc lại mặc giả người lái trâu, anh thợ để qua mắt mật thám và lũ tay sai. Nhiều trang hồi ký của các lão thành cách mạng cũng như ký ức của người dân địa phương đã ghi lại chuyện này. Thậm chí, người Nghi Lộc còn có câu nói “xuất quỷ nhập thần như anh cả Biền” chính là nói về đồng chí Nguyễn Duy Trinh trong thời gian nguy nan đấy.

Ngày 18-1-1932, đồng chí Nguyễn Duy Trinh bị địch bắt. Từ năm 1932 đến tháng 5-1945, đồng chí bị lưu đày trong nhiều nhà tù khét tiếng tàn bạo của bọn thực dân phong kiến như: Nhà lao Vinh, ngục Kon Tum, nhà tù Côn Ðảo... Ở đâu, đồng chí cũng nêu cao khí tiết của người cộng sản bất khuất, kiên trung. Năm 1945, vừa ra tù, đồng chí tham gia vận động khởi nghĩa ở Vinh và Thừa Thiên Huế.  Ðồng chí được cử làm Ủy  viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Trung Bộ; Bí thư Khu ủy Khu V kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ. Năm 1951, đồng chí là Ủy viên Trung ương Ðảng, Chánh Văn phòng Trung ương Ðảng. Năm 1960, đồng chí được tiếp tục bầu vào Trung ương Ðảng, là Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc K.Vanhem tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, ngày 20/9/1977, tại Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Kỳ họp đã thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hiệp quốc. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Nhiều đóng góp cho nền ngoại giao cách mạng

Giai đoạn những năm từ 1965 đến 1980, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được  giao nhiều trọng trách trong Ðảng như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, giữ chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Ðó là quãng thời gian ông thể hiện được tầm vóc của một nhà ngoại giao xuất sắc. Ðồng chí đã bôn ba năm châu bốn biển để đoàn kết, tập hợp lực lượng quốc tế giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, đồng chí tham mưu, đề nghị Bộ Chính trị mở rộng quan hệ láng giềng với các nước trong khu vực. Thành quả của thắng lợi ngoại giao đó còn để dấu ấn đến ngày hôm nay. Trong các cuộc đấu trí ngoại giao, ông đều đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết. Ông hiện thực hóa lời dạy “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành ngoại giao một cách trọn vẹn.

Dấu ấn cá nhân của ông trong ngành ngoại giao để lại nhiều nhất chính là trong giai đoạn đế quốc Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược miền nam và mở rộng chiến tranh ra miền bắc. Ðây là thời kỳ cuộc đấu tranh của nhân dân ta diễn ra trên cả ba mặt trận: Quân sự, chính trị và ngoại giao. Trong đó, thành quả của sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của ba mặt trận này đã buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Pa-ri, kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách toàn bộ mặt trận ngoại giao, gồm ngoại giao nhà nước, ngoại giao Ðảng và ngoại giao nhân dân, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã hóa giải được nhiều bài toán khó trong tình hình căng thẳng kéo dài. Cuộc đàm phán Hiệp định Pa-ri kéo dài gần 5 năm thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của ngành ngoại giao cách mạng Việt Nam. Ngày 27-1-1973, với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã cùng đại diện các bên ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hiệp định Pa-ri chính là thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao, ghi đậm dấu ấn của các nhà ngoại giao kỳ cựu của nước nhà, trong đó có đóng góp to lớn của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh.

Ðất nước thống nhất và tiến hành công cuộc tái thiết sau 30 năm bị tàn phá bởi chiến tranh, ngoại giao Việt Nam vừa tranh thủ sự hỗ trợ của thế giới và cộng đồng các nước XHCN, vừa đấu tranh chống bao vây cấm vận. Trong thời kỳ cực kỳ khó khăn ấy, ngành ngoại giao Việt Nam vẫn đạt được thành tựu to lớn, đó là kết quả đàm phán chính thức đưa Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc, đánh dấu việc cộng đồng thế giới công nhận tính pháp lý và tư cách đại diện của Nhà nước ta tại tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này. Ðó cũng là cơ sở để Nhà nước Việt Nam mở rộng quan hệ ngoại giao với cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng trong khu vực ASEAN. Ngày 21-7-1977, đồng chí Nguyễn Duy Trinh thay mặt Ðảng và Nhà nước ta tham gia Lễ thượng cờ tại Trụ sở Liên hợp quốc.

Cho đến trước khi qua đời vào năm 1985, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã có gần 60 năm hoạt động cách mạng. Ở bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng chứng tỏ được vai trò, phẩm chất và bản lĩnh của một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tư duy sâu rộng. Những công lao, cống hiến, đóng góp đó mãi mãi được đất nước và nhân dân khắc ghi. Tên ông được đặt làm tên đường tại một số thành phố lớn của Việt Nam. Tại quê hương Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An), có một ngôi trường vinh dự mang tên Nguyễn Duy Trinh.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.