Thứ Năm, 24/04/2025, 12:10 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Thực hiện quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị, ngày 05-3-1975, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định mở Chiến dịch Trị - Thiên, nhằm tiến công tiêu diệt các mục tiêu địch trên tuyến phòng thủ Trị - Thiên; phối hợp với chiến trường chủ yếu Nam Tây Nguyên và sẵn sàng phát triển khi thời cơ đến. Với quyết tâm chiến đấu cao, tổ chức chỉ đạo, chỉ huy chặt chẽ, xác định cách đánh sáng tạo,… ngay từ đầu, Chiến dịch đã tiến công địch đồng loạt cả ở mặt trận giáp ranh và đồng bằng, cùng một lúc đánh cả vào hệ thống phòng ngự vững chắc vòng ngoài và hệ thống kìm kẹp bên trong, buộc chúng phải bị động đối phó và nhanh chóng tan rã. Chỉ sau 21 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân và dân Trị - Thiên cùng Quân đoàn 2 đã nhanh chóng đập tan hệ thống căn cứ quân sự trọng yếu của địch, tiêu diệt lực lượng lớn quân ngụy1; giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; giáng đòn đích đáng vào kế hoạch phòng thủ co cụm chiến lược mới của ngụy quyền Sài Gòn tại vùng đồng bằng duyên hải miền Trung. Chiến dịch Trị - Thiên kết thúc thắng lợi đã để lại nhiều bài học về nghệ thuật quân sự đặc sắc; trong đó, có việc nắm bắt, tận dụng thời cơ, hành động táo bạo, kịp thời.
1. Chủ động tổ chức lực lượng, tạo lập thế trận đánh địch, sẵn sàng đón thời cơ lớn. Sau Hiệp định Pa-ri (năm 1973), Mỹ buộc phải rút quân về nước đã làm cán cân so sánh thế và lực trên chiến trường ngày càng có lợi cho ta. Đây thực sự là dấu mốc của một thời cơ chiến lược lớn mở ra cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Thực tiễn chiến trường cho thấy, trong 02 năm (1973, 1974) quân và dân ta không những liên tiếp đánh bại kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, “bình định cấp tốc” của địch, mà còn mở một loạt các chiến dịch tiến công và giành thắng lợi, như: Nông Sơn - Thượng Đức, La Sơn - Mỏ Tàu (năm 1974), Hưng Long (năm 1975), v.v. Đặc biệt, thắng lợi Chiến dịch Đường 14 - Phước Long (từ 12-1974 – 01-1975), giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long đã chứng tỏ chính thể và quân đội Việt Nam Cộng hòa không còn đủ sức đương đầu với sức mạnh và bước phát triển của cách mạng miền Nam. Trên cơ sở phân tích, đánh giá kỹ tình hình mọi mặt, nhất là so sánh lực lượng giữa ta và địch, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên cùng Quân đoàn 2 đã phối hợp, thống nhất xây dựng quyết tâm, kế hoạch tác chiến Chiến dịch Trị - Thiên. Theo đó, Chiến dịch sẽ tập trung toàn bộ lực lượng ba thứ quân của Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2, tranh thủ thời cơ thuận lợi, đẩy mạnh tiến công tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định của chúng ở Trị - Thiên. Đồng thời, phối hợp với Mặt trận Tây Nguyên, khi thời cơ đến sử dụng toàn bộ lực lượng tiến công tổng hợp, giành thắng lợi lớn. Đây là quyết tâm tác chiến đúng đắn, sáng tạo và linh hoạt, bảo đảm cho Chiến dịch có thể đánh địch cả ở vùng giáp ranh và đồng bằng, ở cả ba vùng chiến lược; đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của “kế hoạch cơ bản” và “kế hoạch thời cơ” theo chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.
Để thực hiện ý định trên, ta tiến hành điều chỉnh lực lượng, hình thành 05 khu vực tiến công, gồm: khu vực Quảng Trị; Bắc Thừa Thiên; thành phố Huế; khu vực đồng bằng Nam Huế và khu vực đánh cắt giao thông. Mỗi khu vực đều có đủ thành phần: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, các đội vũ trang, du kích; đồng thời, tổ chức thành lập các Ban Chỉ đạo trên từng khu vực để chỉ huy trực tiếp việc triển khai lực lượng, hiệp đồng chiến đấu khi thời cơ xuất hiện. Riêng đối với Quân đoàn 2, được bố trí đảm nhiệm tiến công trên hướng chủ yếu và thứ yếu của Chiến dịch. Đến cuối tháng 02 đầu tháng 3-1975, các đơn vị bộ đội của Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2 đã chiếm lĩnh xong các vị trí tập kết, một số mũi đã luồn sâu, lót sẵn ở đồng bằng. Các đội vũ trang phối hợp với du kích tích cực làm công tác tuyên truyền địch vận kết hợp diệt ác, trừ gian và đấu tranh chính trị, sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy lật đổ ngụy quyền. Nét đặc sắc của nghệ thuật tạo lập thế trận để đón thời cơ lớn còn được thể hiện, khi triển khai lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu, thay vì bố trí theo hướng Tây Huế (như xác định ban đầu), đã chuyển xuống triển khai Tây Nam Huế. Sở dĩ như vậy, vì mặc dù ở xa, điều kiện cơ động khó khăn nhưng Tây Nam Huế là hướng rất hiểm yếu và bất ngờ đối với địch. Song điều quan trọng hơn là khi thời cơ lớn xuất hiện, từ đây ta có thể nhanh chóng cắt Đường số 1 (đoạn từ Huế đi Đà Nẵng) hình thành thế bao vây chia cắt lợi hại, khiến địch phải rối loạn. Thực tiễn Chiến dịch đã diễn ra theo đúng ý định của ta, góp phần quan trọng đánh tan một tập đoàn phòng ngự mạnh của địch, giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên - Huế trong thời gian ngắn.
2. Nắm vững và chớp thời cơ, chuyển hóa thế trận linh hoạt, tạo sức mạnh tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Với những thắng lợi dồn dập của ta ở Tây Nguyên và sai lầm trong điều động lực lượng chiến lược của địch đã làm cho quân ngụy ở Trị - Thiên bị xáo trộn và hoang mang cực độ. Trước tình hình diễn biến mau lẹ, Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2 đã hạ quyết tâm: tranh thủ thời cơ, dốc toàn lực lượng giải phóng Trị - Thiên - Huế bằng một cuộc tiến công tổng hợp, toàn diện, lấy chia cắt và bao vây chiến dịch kết hợp với các mũi thọc sâu của chủ lực làm biện pháp then chốt, tiến công tiêu diệt lực lượng lớn quân địch, không cho chúng rút chạy về “co cụm chiến lược” ở Đà Nẵng; đồng thời, sử dụng lực lượng vũ trang địa phương trực tiếp đánh địch, hỗ trợ và vận động quần chúng nổi dậy giành và giữ địa bàn, đưa Chiến dịch đến toàn thắng. Thực hiện quyết tâm đó, ngày 19-3-1975, khi phát hiện địch suy yếu và rút chạy, bộ đội địa phương đã chớp thời cơ tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, do nắm vững thời cơ và bằng cách đánh táo bạo, linh hoạt, sáng tạo, Quân đoàn 2 đã sử dụng Sư đoàn 325 nhanh chóng chuyển hướng tiến công từ tiến công lần lượt địch trong công sự sang phát triển nhanh đánh chiếm Đường số 1 (đoạn từ Bái Sơn đến Bạch Thạch), uy hiếp trực tiếp đến con đường cơ động, chi viện chủ yếu của địch. Sư đoàn 324 chỉ để lại một phần lực lượng thích hợp kìm giữ, thu hút, giam chân địch ở núi Bông, núi Nghệ, điểm cao 303, còn đại bộ phận cơ động thần tốc xuống đánh địch ở vùng đồng bằng, bao vây Huế từ hướng Đông Nam, v.v. Phối hợp với các mũi tiến công mãnh liệt của bộ đội chủ lực, các địa phương đã tích cực vận động quần chúng nổi dậy ở khắp nơi, góp phần quan trọng phá bỏ ngụy quyền và lực lượng kìm kẹp của địch ở ấp, xã; truy quét tàn quân địch và vận động binh lính địch quay về với cách mạng. Do nắm vững thời cơ, hành động quyết liệt, táo bạo và sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng của Chiến dịch, ta đã đồng loại tiến công địch trên cả ba hướng: Bắc, Tây, Nam; thực hiện bao vây địch cả trên bộ, ven biển; tiến công tiêu diệt một lực lượng lớn quân địch, đập tan ý định tập trung lực lượng co cụm lớn ở Trị - Thiên.
3. Phát huy yếu tố thời cơ, tích cực tạo thời cơ mới, tiêu diệt từng mảng quân địch, giải phóng Thừa Thiên - Huế và làm phá sản âm mưu co cụm ở Đà Nẵng của địch. Trước bối cảnh Quảng Trị bị mất, Thừa Thiên - Huế bị uy hiếp nghiêm trọng, Đường số 1 bị cắt, lực lượng tại chỗ bị thiệt hại nặng nề, lực lượng tăng viện rất khó khăn, quân địch không còn đủ sức để phản kích, tái chiếm những địa bàn đã mất, mà tập trung mở đường máu tháo chạy để co cụm tại Đà Nẵng. Phán đoán đúng ý đồ của địch, Chiến dịch đã sử dụng Sư đoàn 325 giữ vững trận địa đã chiếm trên Đường số 1, tăng cường đánh địch phản kích, tích cực tiến công phát triển cả về hai hướng Mũi Né và Hương Điền làm chủ đoạn Đường số 1 khoảng 10 km, cắt đứt hẳn hy vọng khai thông tuyến giao thông huyết mạch Huế - Đà Nẵng của địch. Đồng thời, sử dụng Sư đoàn 324 bỏ hẳn núi Bông, núi Nghệ, tiến xuống đồng bằng, cắt đứt đường rút của địch ra cửa Tư Hiền và cửa Thuận An; Lữ đoàn Pháo binh 164 di chuyển trận địa lên điểm cao 75, 76 chi viện cho các đơn vị chiến đấu và khóa chặt các cửa biển Tư Hiền, Thuận An, v.v. Do đường rút chạy bị bịt chặt, phía sau ta đẩy mạnh tiến công làm cho địch như ngồi trên đống lửa. Hàng nghìn xe cơ giới các loại cùng tàn quân địch dồn ứ trên Đường số 1 và ở cửa biển Tư Hiền, Thuận An đã nhanh chóng bị ta tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn. Đặc biệt, đêm ngày 24-3-1975, khi Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy quyết định bỏ Huế thì số phận của Sư đoàn 1 ngụy và toàn bộ lực lượng địch ở Trị - Thiên - Huế gần như đã được định đoạt. Đây là một trong những nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng trọn vẹn và triệt để nhất của Chiến dịch Trị - Thiên. Sau này khi tổng kết Chiến dịch, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chính hành động cắt Đường số 1 và khống chế đường rút của địch ở cửa Tư Hiền và Thuận An một cách triệt để đã tạo thời cơ tốt nhất để làm tan rã hoàn toàn quân địch.
Nghệ thuật phát huy yếu tố thời cơ còn được thể hiện, khi thời cơ đến, các lực lượng của Chiến dịch đã đẩy nhanh tốc độ tiến công và liên tục tiến công, làm cho địch không kịp gượng dậy. Điển hình là trận đánh chiếm đèo Phú Gia và Lăng Cô của Sư đoàn 325 đã diễn ra táo bạo, khẩn trương, nên mặc dù địch đã chuẩn bị gài hàng trăm ki-lô-gam thuốc nổ ở cầu Lăng Cô nhưng vẫn không kịp phát nổ để phá cầu hòng ngăn bước tiến của quân ta. Hơn thế nữa, Chiến dịch không chỉ giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên - Huế mà còn tiếp tục phát triển đánh chiếm đèo Hải Vân, tạo thế và thời cơ có lợi để quân ta tiếp tục mở chiến dịch Đà Nẵng giành thắng lợi.
Kỷ niệm 40 năm giải phóng Trị - Thiên - Huế (1975 - 2015) là dịp để chúng ta ôn lại trang sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc; đồng thời, cũng là dịp thích hợp để tiếp tục khẳng định sự thành công xuất sắc về nghệ thuật nắm bắt thời cơ, tận dụng thời cơ và thúc đẩy sự phát triển thời cơ để tạo lập thế trận tiến công giành thắng lợi. Đây là sự vận dụng linh hoạt và phát triển sáng tạo nghệ thuật chiến dịch của chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hiện nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu rất cao, song bài học kinh nghiệm về nghệ thuật nắm bắt, vận dụng thời cơ trong Chiến dịch Trị - Thiên (năm 1975) vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, phát triển và vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong thực tiễn.
Đại tá, TS. NGUYỄN HUY THỤC ______________
1 - Sư đoàn 1 bộ binh, Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, các Liên đoàn 14 và 15 biệt động quân, Lữ đoàn 1 kỵ binh thiết giáp, 03 thiết đoàn, 08 tiểu đoàn pháo binh, 15 tiểu đoàn và 21 tiểu đội bảo an, 319 trung đội dân vệ, 7.000 cảnh sát, cùng các đơn vị bảo đảm và toàn bộ hệ thống chính quyền cơ sở.
Chiến dịch Trị-Thiên 1975
Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng nhân tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Dân quân tự vệ 10/04/2025
Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ cả nước 28/03/2025
Tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò lực lượng dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng 27/03/2025
Xứng đáng là cơ quan đầu ngành toàn quân về tham mưu, chỉ đạo công tác dân quân tự vệ 26/03/2025
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, ngang tầm nhiệm vụ 26/03/2025
Họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học “Chiến thắng Tây Nguyên 1975 và nửa thế kỷ xây dựng, phát triển Đắk Lắk” 27/02/2025
Đại tướng Phan Văn Giang dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Không quân nhân dân Việt Nam 27/02/2025
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết thăm và chúc mừng Học viện Quân y 27/02/2025
Gặp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 26/02/2025
Thư của Đại tướng Phan Văn Giang chúc mừng cán bộ, nhân viên, học viên, chiến sĩ Quân y toàn quân 25/02/2025
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, ngang tầm nhiệm vụ
Xứng đáng là cơ quan đầu ngành toàn quân về tham mưu, chỉ đạo công tác dân quân tự vệ
Tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò lực lượng dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng
Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ cả nước
Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng nhân tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Dân quân tự vệ