Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 04/03/2019, 10:29 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Công đoàn Quốc phòng

70 năm qua, Công đoàn Quốc phòng luôn được lãnh đạo, chỉ huy các cấp chăm lo xây dựng vững mạnh về tổ chức, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, trưởng thành, chiến đấu, chiến thắng của Quân đội. Phát huy truyền thống đó, Công đoàn Quốc phòng tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ngành Quân giới với lực lượng công nhân sản xuất vũ khí được hình thành và ngày càng phát triển, tham gia sinh hoạt tại các tổ chức công đoàn ở các xưởng sản xuất. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, theo quyết định của Ban Công vận Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trương thống nhất công đoàn trong các xưởng sản xuất vũ khí thành ngành dọc toàn quốc, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Vì vậy, Hội nghị thành lập Công đoàn Sản xuất vũ khí Việt Nam (tiền thân của Công đoàn Quốc phòng ngày nay) được tổ chức vào ngày 06-3-1949, tại bản Pắc San, xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Sự kiện đó đã trở thành ngày truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng1. Từ đó đến nay, đội ngũ đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, lao động quốc phòng và tổ chức công đoàn trong Quân đội luôn gắn bó, đồng hành với sự trưởng thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, dù trong gian khổ, mưa bom, bão đạn, vừa sản xuất, vừa tham gia chiến đấu, nhưng cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, lao động quốc phòng luôn nêu cao ý chí tiến công và sự say mê sáng tạo, cải tiến, tự thiết kế, chế tạo thành công nhiều vũ khí, phương tiện kỹ thuật, tham gia mở đường, góp phần to lớn vào chiến thắng của Quân đội. Từ cuộc sống, chiến đấu, lao động quên mình đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng, như: Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm, Cao Viết Bảo,... trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; các phong trào: “Làm việc tăng ca, hướng ra tiền tuyến”, “Giành 5 đỉnh cao”, “Thi đua Quyết thắng vì tiền tuyến anh hùng”,… trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và hàng nghìn chiến sĩ thi đua toàn quân, toàn quốc, v.v.

Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới, đội ngũ đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, lao động quốc phòng luôn đẩy mạnh các phong trào thi đua; tích cực nghiên cứu, cải tiến, chế tạo, sửa chữa, thay thế, phục hồi được nhiều loại vũ khí, trang bị mới cho Quân đội và sản xuất các mặt hàng dân sinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiết kiệm, làm lợi cho ngân sách Nhà nước, Quân đội hàng nghìn tỷ đồng. Với thành tích đó, Công đoàn Quốc phòng được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý2.

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội và phát triển công nghiệp quốc phòng đặt ra yêu cầu cao, đòi hỏi các tổ chức Công đoàn trong Quân đội phải quán triệt, thực hiện tốt nghị quyết của các cấp ủy đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, Chương trình hành động Công đoàn Quân đội 5 năm (2018 - 2023). Đồng thời, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là sự chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; trong đó, tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị các cấp đối với hoạt động của công đoàn. Trên cơ sở nắm vững các quan điểm của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân, công tác vận động quần chúng của Đảng, tầm quan trọng của công tác công đoàn, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tạo điều kiện để tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng, quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật và Quy chế công tác Công đoàn trong Quân đội. Hoạt động này cần được cụ thể hóa vào nghị quyết lãnh đạo hằng tháng, quý, năm của cấp ủy, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cần kịp thời nắm bắt những bất cập, khó khăn trong tổ chức và hoạt động của công đoàn để có giải pháp khắc phục, bảo đảm cho hoạt động công đoàn hiệu quả.

Hai làtiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục trong các tổ chức công đoàn cơ sở. Công đoàn cơ sở phải là nơi để đoàn viên, người lao động trải lòng, tin tưởng gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng; giúp họ giải quyết những thắc mắc, va chạm trong cuộc sống. Song, thực tiễn hoạt động tuyên truyền, giáo dục của công đoàn cơ sở còn dập khuôn, nhàm chán, chưa thực sự đi vào đời sống đoàn viên, người lao động. Vì vậy, các tổ chức công đoàn cần tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục; gắn, lồng ghép công tác này với công tác giáo dục chính trị, các hoạt động, phong trào thi đua, cuộc vận động của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức; phát huy hiệu quả hoạt động của tổ công nhân tự quản, “Tháng công nhân” hằng năm, tủ sách pháp luật, v.v. Về nội dung, cần tập trung tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội; nghị quyết, chương trình hành động của đại hội công đoàn các cấp; kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, yêu cầu về ý thức kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp, tác phong làm việc công nghiệp. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động quốc phòng có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nêu cao cảnh giác cách mạng, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch; phòng, chống hiệu quả biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Ba làtích cực đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động; đề cao vị trí, vai trò của công đoàn cơ sở, thu hút đông đảo cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên, người lao động gia nhập tổ chức công đoàn. Theo đó, các tổ chức công đoàn cơ sở cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết 6a/NQ-TLĐ, ngày 06-01-2011 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa X) về “Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở”; có hình thức, nội dung hoạt động phong phú, thiết thực, hướng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động quốc phòng. Các cấp cần chú trọng đổi mới việc tổ chức các phong trào thi đua phù hợp với từng loại hình cơ sở, thu hút đoàn viên, người lao động tích cực tham gia; trọng tâm là các phong trào: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”,... gắn với phong trào Thi đua Quyết thắng, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, đưa phong trào đi vào nền nếp, thực chất, có chiều sâu, phát triển rộng khắp ở công đoàn cơ sở trong toàn quân. Làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; coi trọng phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa và động lực mạnh mẽ cổ vũ, động viên, lôi cuốn đoàn viên, người lao động hăng hái thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bốn làkhông ngừng xây dựng đội ngũ cán bộ, tổ chức công đoàn vững mạnh - giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở. Vì thế, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn theo Nghị quyết 4a/NQ-TLĐ, ngày 04-3-2010, của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa X) về “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn giai đoạn 2010 - 2020”. Thực hiện tốt việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bảo đảm số lượng và chất lượng cao, nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn có năng lực, trình độ, uy tín, khả năng tham mưu “đúng và trúng”, giúp cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong Quân đội. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất kiện toàn, hoàn thiện mô hình tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp trong tiến trình sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp Quân đội. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên công đoàn; tăng cường tuyên truyền, vận động sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức, lao động quốc phòng tham gia tổ chức công đoàn, nhất là ở các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, bệnh viện,... góp phần nâng cao chất lượng tổ chức công đoàn.

Năm làthường xuyên chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Đây là một chức năng chủ yếu của tổ chức công đoàn, có làm tốt mới thu hút, tập hợp được lực lượng. Vì vậy, các cấp công đoàn cần nêu cao trách nhiệm trong bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động thông qua thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, hội nghị cán bộ, công nhân, viên chức, hội nghị người lao động, đại hội quân nhân,... để phát huy quyền làm chủ của họ trong sản xuất, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường đối thoại giữa công đoàn, người lao động với người sử dụng lao động, thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, làm cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, người lao động. Chú trọng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp theo Chỉ thị 22-CT/TW, ngày 05-6-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X). Tăng cường các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên, người lao động, nhất là chính sách về bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hộ lao động và tham gia giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Cần phát huy sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh các hoạt động xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao; thực hiện có hiệu quả các nguồn quỹ, chương trình, như: Quỹ trợ vốn Công đoàn Quốc phòng phát triển kinh tế gia đình; “Mái ấm công đoàn - Nghĩa tình đồng đội”,... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đoàn viên, người lao động.

Thực hiện tốt các giải pháp cơ bản trên sẽ góp phần nâng cao hiệu qủa hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở, phát huy truyền thống “Người lính thợ - Bộ đội Cụ Hồ” thi đua vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lời khen của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng: “Trung thành, trách nhiệm, sáng tạo, phát triển vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đại tá NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng Ban Công đoàn Quốc phòng
_______
___________

1 - Quyết định 1270/QĐ-BQP, ngày 26-6-2001 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về việc Công nhận ngày Truyền thống của Công đoàn Quốc phòng là ngày 06-3-1949”.

2 - 30 đoàn viên được tuyên dương Anh hùng. Ban Công đoàn Quốc phòng được tặng 2 Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, hạng Nhất. Công đoàn Quốc phòng được tặng nhiều cờ thưởng, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng luôn là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân tố hàng đầu quyết định ấy càng thể hiện rõ nét, trở thành bài học vô cùng quý báu.