Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:36 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Theo Báo QĐND - Sáng 25-1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), đã diễn ra Mít tinh trọng thể kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris (27-1-1973 – 27-1-2013).
Dự buổi lễ có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng ban tổ chức cấp Nhà nước kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris.
Dự lễ còn có các đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Các lãnh đạo ban, ngành đoàn thể Trung ương và Thủ đô Hà Nội, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí trực tiếp tham gia và phục vụ cho cuộc đàm phán; các vị Đại sứ, đại diện một số cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.
Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Hiệp định Paris là thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ 20, đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân ta sau hơn 19 năm đấu tranh kiên cường bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống đế quốc Mỹ.
“Ký kết Hiệp định Paris, Mỹ phải công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phải chấm dứt ném bom miền Bắc, rút toàn bộ lính Mỹ và chư hầu ra khỏi Việt Nam. Nhân dân ta đã thực hiện được mục tiêu chiến lược “đánh cho Mỹ cút” mà Bác Hồ kính yêu đã chỉ ra trước lúc Người đi xa”, Chủ tịch nước nói. Chủ tịch nước khẳng định, Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh; đó là cuộc đấu trí thể hiện bản lĩnh kiên cường, thông minh, sáng tạo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam với một nền ngoại giao nhà nghề, sừng sỏ.
Phát biểu tại buổi lễ, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, cho biết: Đoàn đàm phán đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, trong đấu tranh luôn luôn giữ vững lập trường, nguyên tắc; biết mềm dẻo và linh hoạt – tất cả là nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng: Mỹ phải rút đi hoàn toàn, quân ta vẫn ở tại chỗ, các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam phải được đảm bảo, Việt Nam là của người Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho đại diện hai Đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris
“Ở đây cuộc chiến đấu không dùng súng đạn, nhưng bằng đấu trí, đấu lý vô cùng khó khăn và gian khổ. Các cuộc họp đàm phán bí mật là những trận chiến đấu hết sức quyết liệt. Động lực chính giúp chúng tôi kiên trì đấu tranh và hoạt động tích cực đó là vì lợi ích tối cao của dân tộc, là niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến của nhân dân ta”, bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ.
Chia sẻ cảm xúc của mình tại buổi lễ, bà Hélène Luc, nguyên Thượng nghị sĩ, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp – Việt (AAFV) bày tỏ: Vào thời điểm này cách đây 40 năm, ngày 27-1-1973, nhân dân Việt Nam đang trải qua một trong ngày đẹp nhất trong lịch sử của mình, khi Hiệp định Paris được ký kết, dẫn đến đại thắng mùa xuân 30-4-1975 vì độc lập, thống nhất đất nước. Sau 120 năm, trên mảnh đất Việt Nam đã không còn bóng dáng ngoại bang. Nhân dân Pháp cũng như nhân dân các nước trên thế giới yêu chuộng công lý và hòa bình đã hân hoan đón nhận thắng lợi ấy. Điều đó cần và có ích không chỉ cho thế hệ trẻ Việt Nam mà còn cho toàn thế giới.
Nhắc lại kỷ niệm trong những ngày tham gia hoạt động hỗ trợ đoàn đàm phán Việt Nam tại Pháp, bà cho biết, Đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đến Pháp ngày 10-5-1968, đúng vào lúc ở Pháp đang sục sôi không khí phản đối chiến tranh. Dưới chân tháp Eiffeil, đông đảo công nhân và sinh viên cùng hô vang “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh”. Đó là tiếng hô đồng thanh chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược.
“Đối với một thế hệ, hình ảnh trên biểu trưng cho sự phản đối sức mạnh Mỹ, biểu trưng cho sự thay đổi xã hội triệt để. Nay đã là thế hệ thứ 4 kể từ sau chiến tranh, vẫn còn nhiều cháu sinh ra đang là nạn nhân của chất độc da cam/ dioxin. Chính phủ Mỹ và tập đoàn Mosanto vẫn chưa thừa nhận trách nhiệm của họ”, bà Hélène Luc nói.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho hai Đoàn đàm phán tại Paris.
kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội