Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:52 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
70 năm đã trôi qua (11-6-1948 – 11-6-2018), với biết bao sự biến thiên của lịch sử đất nước, nhưng Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang tính lý luận, thời sự nóng hổi. Lời kêu gọi ấy đang tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt lên mọi thách thức, xây lực, tạo thế, thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
1. Đất nước luôn cần thêm sức mạnh
Từ sau cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ (đêm ngày 19-12-1946) đến tháng 01-1950, cách mạng Việt Nam khó khăn chồng chất. Mặc dù, nhân dân trở thành người làm chủ đất nước; Đảng ta đã trở thành một Đảng cầm quyền; sức mạnh tinh thần của đất nước đã được nâng lên,… nhưng vào thời điểm này, đất nước đang bị các thế lực thực dân, đế quốc bao vây, phong tỏa. Trong khi đó, nước ta lại chưa thiết lập được quan hệ quốc tế với các Đảng Cộng sản và nhà nước dân chủ, xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Hậu quả do chế độ thuộc địa - phát xít - phong kiến và chiến tranh để lại rất nặng nề, hủy hoại nhiều giá trị; tiềm lực thúc đẩy sự phát triển của dân tộc Việt Nam bị tổn hại nghiêm trọng, v.v. Năng lực quản lý, điều hành xã hội của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ còn hạn chế; cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta hoàn toàn tự lực cánh sinh trong điều kiện tiềm lực kinh tế, quốc phòng quá nhỏ bé, tương quan lực lượng giữa ta và địch như là “châu chấu đá voi”, v.v. Đây là một thử thách cực kỳ nghiệt ngã. Đất nước luôn cần thêm sức mạnh. Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược càng cần như vậy. Với bản lĩnh chính trị, tầm nhìn cao, xa và rộng, để khơi dậy “lòng yêu nước và chí quật cường”, “lực lượng vô tận của dân tộc ta”, “lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và Quân đội ta”1 phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc thắng lợi, tháng 6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Với ngôn ngữ giản dị, văn phong sáng sủa, gắn gọn, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc đã chỉ rõ mục đích, lực lượng, cách thức, nghĩa vụ của mỗi tổ chức, cá nhân trong thực hiện và khẳng định giá trị hiện thực của Thi đua ái quốc.
Về mục đích, là để cho: “Kháng chiến nhất định thắng lợi. Kiến quốc nhất định thành công”2 và “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”. Đồng thời, Người khẳng định giá trị hiện thực của Thi đua ái quốc là: “Toàn dân đủ ăn đủ mặc, toàn dân biết đọc biết viết, toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm”. Về lực lượng, đó là: “sĩ, nông, công, thương, binh, gái, trai, già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia”, “mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”. Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng cụ thể thi đua là cả hệ thống chính trị, tập thể, cá nhân trong xã hội Việt Nam đều thi đua theo cách của mình. Đó là: “Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc, Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn, Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp, đồng bào công nông thi đua sản xuất, đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh, Nhân viên chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân, Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng”. Về cách thức, là: “Làm cho mau; Làm cho tốt; Làm cho nhiều”; dựa vào “Lực lượng của dân, tinh thần của dân”, làm cho phong trào Thi đua ái quốc “ăn sâu, rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”3.
Như vậy, toàn bộ Cuộc vận động Thi đua yêu nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong cái nền đường lối kháng chiến kiến quốc toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh của Đảng ta. Từ Lời kêu gọi đó của Người, cả nước đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi và hiệu quả. Ở trên khắp các mặt trận, từ tiền tuyến, đến hậu phương và vùng đang tạm bị địch chiếm; trên khắp các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa, xã hội, giáo dục; ở tất cả mọi lứa tuổi, các giới, các ngành, các cấp,… đều sôi nổi Thi đua yêu nước. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: ngày ngày thi đua, ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua; yêu nước là phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất; mỗi việc tốt, mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc càng phát triển thì mức độ, quy mô, chất lượng của các hoạt động càng có yêu cầu cao hơn. Nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến cần nhiều hơn; bộ đội cần thêm sức mạnh, nhất là về lương thực, trang bị, vũ khí, quân nhu; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cần được cải thiện hơn. Cho nên, Người lưu ý việc cần đẩy mạnh Thi đua yêu nước “tiến lên một bước mạnh hơn”. Kết quả đầu tiên của phong trào Thi đua ái quốc theo Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện tập trung nhất là tại Đại hội toàn quốc các Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu4. Phong trào Thi đua yêu nước đã tiếp thêm sức mạnh cho toàn bộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta, đặc biệt là trong cuộc Tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, với đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu (ngày 07-5-1954)5. Cuộc Thi đua ái quốc (1948 - 1954) đã đạt được những kết quả thật đáng ghi nhận. Sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã được khơi dậy; ý chí quật cường, với cường năng lớn của toàn dân tộc đã trở thành xung lực vĩ đại, vô biên, nhấn chìm tất cả lũ cướp nước và lũ bán nước, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp. Phong trào Thi đua yêu nước đã làm cho nguồn lực của đất nước ta lúc đầu mới chỉ là “châu chấu đá voi”, trở thành sức mạnh vĩ đại để đi đến cuối cùng là “voi (thực dân Pháp - TG) đã bị lòi ruột ra” như Người đã dự báo. Sau này, nước ta còn tổ chức nhiều lần Đại hội Thi đua yêu nước để ghi nhận và tôn vinh những “người tốt, việc tốt”, làm vẻ vang sự nghiệp cách mạng của nhân dân.
2. Giá trị cho ngày nay
Giá trị của phong trào Thi đua ái quốc do Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, lãnh đạo không chỉ to lớn đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc trong đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mà còn có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng Việt Nam. Ngày nay, Thi đua ái quốc có mục đích và sự tác động, ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 - 1975), cũng như thời kỳ cả nước thống nhất, hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau ngày toàn thắng 30-4-1975, các phong trào Thi đua ái quốc đã tiếp nối tinh thần: thi đua là đoàn kết, là yêu nước, là tinh thần quốc tế, là góp sức giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới; Thi đua ái quốc chính là cải tạo, phát triển những giá trị cao đẹp của dân tộc, của con người Việt Nam.
Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, phấn đấu đến năm 2030 về cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thực hiện một bước quan trọng của mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thì tinh thần Thi đua ái quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh càng phải được nâng lên tầm cao mới; cần chú ý những điểm sau:
Trước hết, cần bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả của các phong trào thi đua. Muốn thế, phong trào Thi đua yêu nước ở tất cả các lĩnh vực, các cấp phải được hướng vào thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đây chính là sự bảo đảm tính hướng đích, bảo đảm cho mọi sức mạnh, các véc-tơ lực hướng vào thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển mà đường lối của Đảng đã nêu. Cùng với đó, cần chú ý việc tạo ra sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam, nghĩa là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; trong đó, phải chú trọng biến ngoại lực thành nội lực, và nội lực luôn có tính quyết định, ngoại lực là quan trọng. Kiên quyết phòng và chống bệnh hình thức, khắc phục tình trạng thi đua không thực chất, làm cho có, làm theo kiểu “trên bảo sao dưới làm vậy”, “phát mà không động”; “bệnh thành tích”; không duy trì thường xuyên, liên tục, không thực chất, cạnh tranh không lành mạnh (kèn cựa, níu kéo nhau, sử dụng “vũ khí” tự phê bình và phê bình không phù hợp); thưởng - phạt không đúng, không kịp thời, hoặc tràn lan (thưởng không tương xứng giá trị thành tích thi đua, chứng nhận danh hiệu thi đua không đúng thực chất, hồ sơ thi đua không được kiểm soát đúng đắn, dẫn đến có những hồ sơ gian dối), v.v. Từ đó, làm mất đi động lực tốt trong thi đua.
Thứ hai, cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ chủ trì, chủ chốt trong hệ thống chính trị cần phải gương mẫu đi tiên phong trong các phong trào thi đua. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một gương sáng trong phong trào Thi đua ái quốc. Tấm gương của Người luôn nhắc nhở chúng ta rằng, nói và làm phải đi đôi với nhau, nói ít, làm nhiều, đã làm là phải làm thực chất, làm đến đâu hiệu quả đến đó; đồng thời, phải kiên quyết tránh tình trạng: nói thì nhiều nhưng làm thì ít; nói thì hay nhưng làm thì dở; nói nhưng không làm; nói một đằng nhưng làm một nẻo. Hiện nay, để tránh trình trạng trên, người đứng đầu tổ chức có vai trò cực kỳ quan trọng trong các phong trào thi đua. Do vậy, hãy bắt đầu từ những cán bộ chủ trì, chủ chốt - những người đầu tàu, người tiên phong kéo theo cả phong trào. Vì thế, họ phải là những gương sáng, không bụi mờ, tiêu biểu cho khí thế, bản lĩnh chính trị cũng như ý chí, trí tuệ, đức và tài, tiêu biểu cho sức mạnh của một tập thể. Nếu khác đi, phong trào thi đua sẽ không thể đi vào thực chất.
Thứ ba, cần chú ý tạo và nhân điển hình tiên tiến. Để phong trào Thi đua ái quốc có sức lan tỏa sâu rộng, một vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm, đó là xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”. Muốn vậy, các cấp cần thực hiên tốt ba khâu: phát hiện, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”, hướng vào những tập thể, cá nhân trực tiếp lao động sản xuất, chiến đấu và công tác ở cơ sở trên khắp mọi miền đất nước. Các điển hình tiên tiến, gương người tốt phải là những tập thể, cá nhân thực sự xuất sắc, có nhiều đóng góp để đơn vị tháo gỡ những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ, có uy tín trong tập thể. Đặc biệt, khi đã được tổ chức và nhân dân suy tôn, các điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt” phải thực sự khiêm tốn, tiếp tục rèn đức, luyện tài, đóng góp nhiều hơn nữa cho tập thể, đất nước, tránh tự cao, tự đại, dừng lại, tự đánh mất mình, v.v. Cùng với đó, cần kiên quyết loại trừ hiện tượng “ép” danh hiệu thi đua, tiên tiến, nhằm “đánh bóng” tập thể, cá nhân vì lợi ích ích kỷ, cục bộ.
Thứ tư, cần sự lãnh đạo đúng đắn đối với phong trào Thi đua ái quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta khởi xướng phong trào Thi đua ái quốc; các tổ chức đảng và tổ chức chính trị - xã hội đã làm tròn vai trò lãnh đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua. Trong quá trình thực hiện, Người luôn theo dõi, chỉ đạo, khuyến khích gương “người tốt, việc tốt”, động viên mọi người tham gia, uốn nắn kịp thời những lệch lạc. Nhờ đó, phong trào Thi đua ái quốc dâng lên mạnh mẽ, tạo ra động lực thúc đẩy cách mạng phát triển; đồng thời, tạo nên những hình thức thi đua phong phú, rộng khắp, duy trì có nền nếp và có hiệu quả. Lịch sử phát triển của cách mạng thời kỳ chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vẫn còn in đậm những hình ảnh tuyệt đẹp của các phong trào: “Ba xây, ba chống”, “Xây dựng chi bộ, đảng bộ, đảng viên bốn tốt” trong Đảng; “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong” trong ngành nông nghiệp; “Chắc tay búa, tay súng” trong ngành công nghiệp; “Ba sẵn sàng” trong Thanh niên; “Ba đảm đang” của Phụ nữ; “Thiếu nhi làm nghìn việc tốt”, “Hai tốt: Dạy tốt và học tốt” trong ngành giáo dục; “Thi đua Quyết thắng” trong lực lượng vũ trang, v.v. Có được điều đó là bởi các tổ chức và cán bộ lãnh đạo luôn làm tròn trách nhiệm, chăm lo tới sự hướng đích, lớn mạnh của phong trào thi đua. Ngày nay, trong hoàn cảnh mới, yêu cầu đặt ra ngày càng cao cho các phong trào thi đua, thì trách nhiệm lãnh đạo của các tổ chức, cán bộ trong hệ thống chính trị - xã hội càng cần phải được chú trọng hơn. Sự lãnh đạo này phải bảo đảm cho tất cả phong trào thi đua có mục tiêu đúng, hình thức phong phú, phương pháp phù hợp và hiệu quả, cùng hướng đến mục tiêu mà Đảng đã đề ra trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát triển qua bao bước thăng trầm của thời cuộc, sự nghiệp cách mạng của đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Đó là sự cố gắng vươn lên của mọi cấp, mọi ngành, mọi người. Do vậy, phong trào thi đua là một biện pháp chiến lược để phát triển. Đó cũng là thông điệp quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trong Lời kêu gọi Thi đua ái quốc cách đây 70 năm.
GS,TS. MẠCH QUANG THẮNG
_____________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 558.
2, 3 - Sđd, tr. 513, 556 - 557.
4 - Họp từ ngày 01 đến ngày 06-5-1952 với 154 chiến sĩ tiêu biểu cho các ngành công, nông, binh và lao động trí óc toàn quốc. Đại hội đã tuyên dương 07 Anh hùng, Chiến sĩ thi đua: Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu, Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm, Nguyễn Thị Chiên, Hoàng Hanh.
5 - Trong Chiến dịch này, ta đã huy động được 25.155 dân công, 13.512 tấn lương thực, thực phẩm (gạo, thịt, thức ăn khô, đường, muối) từ nhiều nơi, có những nơi cách xa chiến trường 500 km đến 700 km để phục vụ.
Lời kêu gọi,Thi đua ái quốc,giá trị lịch sử
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội