Thứ Sáu, 22/11/2024, 12:49 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Tiến công và nổi dậy - “cặp phạm trù” của nghệ thuật tác chiến chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đánh Mỹ, diệt ngụy. Đây là nét nghệ thuật quân sự đặc sắc được đúc kết từ thực tiễn phong trào Đồng khởi (năm 1960); trong đó, chiến thắng trận Tua Hai là một minh chứng tiêu biểu.
Quán triệt sâu sắc chủ trương chuyển chiến lược phát triển cách mạng Việt Nam ở miền Nam của Trung ương Đảng từ đấu tranh chính trị, tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, Xứ ủy Nam Bộ đã chỉ thị cho Ban Quân sự Liên tỉnh miền Đông Nam Bộ tập trung lực lượng đánh cho được một trận lớn làm “thôi động” toàn Miền, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng phát triển; đồng thời, lấy vũ khí địch trang bị cho các đơn vị vũ trang ta. Trên thực tiễn do được xây dựng từ khá sớm1, nên lực lượng vũ trang miền Đông có nhiều khả năng đánh chiếm được một số mục tiêu địch đóng quân trên địa bàn, nhưng để theo yêu cầu của Xứ ủy phải tạo ra được một “quả đấm quân sự” có sức nặng hiệu triệu khởi nghĩa trong toàn Miền, thì lựa chọn mục tiêu tiến công là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau một thời gian tập trung nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tình hình mọi mặt, nhất là đặc điểm cụ thể về địch trên từng địa bàn và tổng thể toàn Miền, Ban Quân sự Liên tỉnh miền Đông quyết định lựa chọn căn cứ Tua Hai là mục tiêu tiến công.
Đánh Tua Hai là đánh vào chỗ mạnh của địch, nơi có 01 trung đoàn chủ lực đóng quân (Trung đoàn 32 ngụy). Ngoài tường thành cao 2m bao quanh và hệ thống tháp canh bố trí cách nhau khoảng 50m một tháp, duy trì canh gác suốt ngày, đêm để bảo vệ căn cứ; địch còn sử dụng 01 tiểu đoàn ứng chiến, trang bị vũ khí đầy đủ, 01 đại đội thám báo đêm đêm ra đóng ngoài xóm, hoặc bìa rừng quanh căn cứ và 01 đại đội thám báo chìm, sống lẩn khuất trong dân và cả binh sĩ của chúng để nắm tình hình. Bên cạnh đó, chúng còn bố trí một đơn vị thiết giáp, ngày thường là những tháp canh di động tuần tra bảo vệ căn cứ; khi bị tiến công sẽ là những lô cốt cơ động làm chỗ dựa cho bộ binh phản kích. Tuy nhiên, điểm yếu cốt lõi của địch ở đây là chúng rất chủ quan, khi cho rằng ta không đủ khả năng tiến công một căn cứ mạnh như Tua Hai, nên chế độ canh gác và duy trì nhiệm vụ ứng chiến của chúng có phần lơi lỏng; đặc biệt, với việc tạo được một cơ sở nội tuyến mạnh trong căn cứ Tua Hai, ta không những nắm khá chắc mọi tình hình địch về cả thực lực quân số, vũ khí trang bị, bố trí trận địa... cũng như mọi quy luật hoạt động của chúng để xác định chính xác phương án tiến công, tạo bất ngờ cho địch; mà còn, vận động hiệu quả một số lượng lớn binh sĩ ngụy bỏ về nhà vào dịp lễ tết không xin phép chỉ huy... làm thiếu hụt về lực lượng, giảm khả năng bảo vệ căn cứ, gây tâm lý dao động, hoang mang cho lực lượng địch còn lại trong căn cứ khi bị ta tiến công.
Thực tiễn diễn biến trận đánh cho thấy, vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 26-01-1960, từ ba hướng (Bắc, Đông và Nam), 04 mũi tiến công của quân ta đồng loạt đánh vào các mục tiêu của địch ở căn cứ Tua Hai. Trước sự tiến công bất ngờ và khả năng tổ chức hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa lực lượng đặc công và cơ sở nội tuyến đánh địch trong căn cứ với các mũi tiến công của lực lượng bộ binh từ ngoài vào; giữa quân chủ lực Miền với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương,... chỉ sau hơn 03 giờ tiến công mãnh liệt, căn cứ Tua Hai đã hoàn toàn thất thủ. Kết quả, ta đã tiêu diệt và bắt sống gần 500 tên địch, đánh thiệt hại và làm tan rã 02 tiểu đoàn, thu hơn 1.000 súng các loại, phá huỷ nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh. Hệ thống phòng thủ của địch trên toàn địa bàn bị rung chuyển, nhiều đồn bốt trên Đường 22 từ Tây Ninh đến biên giới Cam-pu-chia, Đường 13 và Đường 14 quân địch bỏ chạy, tạo điều kiện cho nhân dân nhiều nơi trong Tỉnh vùng lên lấy đồn, giải phóng xã, ấp giành quyền làm chủ. Có những nơi chỉ một tổ dân quân mang súng đến chụp bọn tề, mà không gặp bất cứ sự kháng cự nào; hay, bà con đến giả xin giấy tờ, rồi cướp luôn chính quyền địch. Khuếch trương chiến thắng căn cứ Tua Hai, quân, dân Tây Ninh đã kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và binh vận gỡ được 30 đồn, bốt địch, giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng cơ bản 19 xã, căn cứ địa và vùng giải phóng được mở rộng.
Như vậy, bằng việc nghiên cứu đánh giá chính xác tình hình, táo bạo lựa chọn đúng mục tiêu tiến công, khả năng hiệp đồng tác chiến chặt chẽ,… lực lượng vũ trang miền Đông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Xứ ủy Nam Bộ giao. Chiến thắng của trận Tua Hai đã mang lại một ý nghĩa chính trị to lớn, đây được coi là “phát súng lệnh” mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam Bộ diễn ra mạnh mẽ sau đó. Dưới góc độ nghệ thuật quân sự, chiến thắng Tua Hai không chỉ đánh dấu bước phát triển mới về trình độ tổ chức, chỉ huy hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang miền Nam; mà còn trở thành một minh chứng tiêu biểu nhất cùng với phong trào Đồng khởi (năm 1960) đúc kết nên phương pháp cách mạng tiến công và nổi dậy - nét nghệ thuật tác chiến đặc sắc của chiến tranh nhân dân Việt Nam và trở thành bài học kinh nghiệm xuyên suốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ nhất, kết hợp tiến công và nổi dậy trong cao trào phá ấp chiến lược của địch (1964-1965). Phong trào Đồng khởi vĩ đại năm 1960 giành thắng lợi, quân và dân ta ở miền Nam đã giáng một đòn thích đáng, làm lay chuyển lớn hệ thống chính quyền tay sai của địch ở cơ sở, góp phần quan trọng đánh bại cuộc chiến tranh đơn phương của Mỹ, đẩy chế độ độc tài phát xít Ngô Đình Diệm đến nguy cơ sụp đổ. Để xoay chuyển tình thế, giới hiếu chiến Lầu Năm Góc quyết định tiến hành chiến lược quân sự toàn cầu “phản ứng linh hoạt”, thực thi vào miền Nam Việt Nam kiểu chiến tranh hạn chế; trong đó, loại hình thứ nhất của kiểu chiến tranh này là chiến tranh đặc biệt, mà xương sống của nó là dồn dân lập ấp chiến lược nhằm bình định miền Nam và hoạt động phá hoại miền Bắc, để áp đặt lâu dài chế độ thực dân mới trên đất nước ta.
Trước âm mưu thâm độc của chiến lược quân sự mới của địch, Đảng ta vẫn luôn giữ vững ngọn cờ cách mạng, nhất quán chủ trương thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ những thành công của đường lối chỉ đạo kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ của phong trào Đồng Khởi, cùng thực tiễn sự phát triển của cách mạng Việt Nam, Bộ Chính trị thống nhất đi đến quyết định “Đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tấn công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự”2. Thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng, Trung ương Cục miền Nam đã tập trung chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh phát triển lực lượng vũ trang cách mạng trên toàn Miền. Giữa tháng 02-1961, các lực lượng vũ trang miền Nam được thống nhất lại thành Quân giải phóng miền Nam. Hệ thống chỉ huy quân sự từ xã đến Miền được củng cố về tổ chức, gồm: Ban quân sự Miền, 05 Bộ Tư lệnh quân khu, Ban quân sự các tỉnh, huyện và các xã đội. Lực lượng vũ trang địa phương được phát triển mạnh mẽ. Mỗi tỉnh có 01 đến 02 tiểu đoàn, mỗi huyện có 01 đến 02 đại đội, hầu hết các xã đều có dân quân, du kích; ở các vùng đô thị có các cơ sở bí mật, các tổ biệt động, đội tuyên truyền vũ trang. Đặc biệt, với việc các trung đoàn bộ đội chủ lực Miền (B2) và Khu 5 lần lượt được thành lập và hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang tại chỗ đẩy mạnh hoạt động tác chiến đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét và chủ động tổ chức tiến hành các trận đánh, các chiến dịch tiến công tiêu diệt các đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn địch; phối hợp với các hoạt động đấu tranh chính trị, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá vỡ từng mảng lớn hệ thống ấp chiến lược, giành quyền làm chủ ở nhiều mức độ khác nhau.
Tại Long An, một trọng điểm bình định của địch, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các đơn vị chủ lực và lực lượng du kích liên tiếp bẻ gãy nhiều cuộc càn lớn của Sư đoàn 25 ngụy; đồng thời tiến công tiêu diệt và bức rút 60 đồn bốt, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá rã hầu hết các ấp chiến lược, làm cho Quốc sách ấp chiến lược của địch cơ bản bị thất bại ở Long An. Trên địa bàn Bà Rịa - Long Khánh, từ tháng 3-1964, phong trào phá ấp chiến lược phát triển mạnh. Ta giải phóng Bình Lộc, Bảo Chánh, Bảo Vinh, Suối Cát; mở rộng vùng giải phóng ra vùng lộ 2, Châu Thành, Long Đất. Ở tỉnh Biên Hòa, các đơn vị Đại đội 240, 245 và đại đội công binh tiến công diệt Tua Đầm Giá, đồn Đại An, đồn Cá Trê,... tạo đà cho phong trào chống địch gom dân, lập ấp chiến lược của Tỉnh phát triển. Tại Cần Thơ, bộ đội Tỉnh cùng bộ đội huyện Phụng Hiệp diệt bốn đồn, phá banh hệ thống ấp chiến lược ở vùng giáp ranh ba huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, Kế Sách. Tỉnh Sóc Trăng; trong đó, Tiểu đoàn Phú Lợi hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá dứt điểm 93 ấp chiến lược, phá banh 91 ấp, giải phóng 12 xã với 136.000 dân. Tỉnh Trà Vinh, phá dứt điểm 298 ấp chiến lược, phá banh 186 ấp, gỡ 198 đồn, giải phóng trên 130.000 dân. v.v. Cùng thời gian này, trên địa bàn Khu 5, chiến tranh du kích phát triển rộng khắp cả ở đồng bằng và rừng núi. Ở đồng bằng, du kích cùng nhân dân nổi dậy phá cầu, phá đường, bao vây đồn địch. Được sự hỗ trợ của đòn tiến công quân sự, ở nhiều địa phương, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân phát triển mạnh mẽ. Đến hết tháng 7-1964, quân, dân Khu 5 đã phá 1.080 ấp chiến lược ở đồng bằng và hàng trăm ấp chiến lược ở rừng núi, giải phóng nhiều vùng nông thôn.
Cho đến Đông Xuân 1964 - 1965, thế chiến lược chiến tranh nhân dân miền Nam phát triển đến mức cao. Phương châm kết hợp giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, tiến công và nổi dậy, tiêu diệt địch và làm chủ; sự kết hợp ba mũi tiến công quân sự, chính trị và binh vận phát triển cao chưa từng thấy trên cả ba vùng chiến lược. Những trận đánh tiêu diệt từng đơn vị, đồn bốt... của địch trong các đợt hoạt động quân sự và các chiến dịch tiến công của lực lượng vũ trang giải phóng, như: Bình Giã, Dương Liễu - Đèo Nhông - An Lão... đã làm cho quân đội Việt Nam Cộng hòa giảm sút ý chí, tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân nổi dậy phá ấp, giành dân, giành quyền làm chủ, từng bước đẩy chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, ngụy lún sâu vào thế bị động không phương cứu vãn. Kế hoạch bình định miền Nam 18 tháng, rồi đến kế hoạch “Giôn-xơn – Mác Na-ma-na” lần lượt bị phá sản.
Thứ hai, cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 - đòn tiến công chiến lược quyết định đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Để cứu vãn những thất bại thảm hại liên tục trên chiến trường Việt Nam, tháng 7-1965, tổng thống Mỹ Giôn- xơn thông qua kế hoạch đưa quân chiến đấu Mỹ vào chiến trường miền Nam. Bằng việc ồ ạt đưa lực lượng lớn quân viễn chinh Mỹ và quân đội các nước chư hầu, cùng một khối lượng khổng lồ vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất vào trực tiếp tham chiến, đế quốc Mỹ không ngừng đẩy cuộc chiến tranh ở Việt Nam lên quy mô và cường độ chưa từng có. Theo tính toán của giới chức hiếu chiến phản động Mỹ với việc thực thi biện pháp chiến lược hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” của chiến lược “chiến tranh cục bộ”, cách mạng miền Nam sẽ nhanh chóng tiêu diệt trong vòng 18 tháng; đồng thời, đây cũng là đòn răn đe đối với các cuộc cách mạng trên thế giới: “cuộc khởi nghĩa nào cũng bị tiêu diệt”.
Tuy nhiên, thực tiễn không diễn tiến như hy vọng của địch, cùng với những chiến thắng giòn giã trên miền Bắc - hậu phương lớn trước sự đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, nhằm ngăn chặn chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam3, Quân, dân miền Nam đã liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn trong hai mùa khô 1965 - 1966 và mùa khô 1966 - 1967, góp phần đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ và đẩy chúng vào thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược. Quân viễn chinh Mỹ, quân đội Sài Gòn và quân các nước phụ thuộc Mỹ không những thực hiện hiệu quả nhiệm vụ “tìm diệt” và “bình định”, mà còn bị vây hãm, sa lầy trong thế trận chiến tranh nhân dân của ta. Thế chiến lược của địch bị đảo lộn và vỡ từng mảng; tinh thần, ý chí của binh lính sa sút nghiêm trọng. Đến những tháng cuối năm 1967, hầu hết các lực lượng quân Mỹ và quân chủ lực Sài Gòn phải co lại chuyển vào phòng ngự bị động chống đỡ trên hai hướng chính: xung quanh Sài Gòn - Gia Định và Trị - Thiên.
Trước sự phát triển của tình thế có lợi cho cách mạng, “Chúng ta đang đứng trước triển vọng và thời cơ chiến lược lớn”4, Bộ Chính trị quyết định “chuyển cuộc cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới”5 và xác định “dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”6. Như vậy, để đánh bại ý chí và dã tâm xâm lược của đế quốc Mỹ, một lần nữa Đảng ta tiếp tục kế thừa bài học kinh nghiệm về sự kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, nhưng đã được phát triển sáng tạo thành tổng công kích và tổng khởi nghĩa (tổng tiến công và nổi dậy), đánh thẳng vào sào huyệt của địch trong các thành phố, thị xã... nơi quân địch không bao giờ ngờ tới.
Thực hiện quyết sách chiến lược lịch sử đó, đúng vào giao thừa Tết Mậu Thân 1968, các lực lượng vũ trang và nhân dân ta ở miền Nam đồng loạt tổng tiến công và nổi dậy đánh trúng hầu hết các cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn từ Trung ương đến địa phương. Đây là cuộc tiến công chiến lược quy mô rộng lớn nhất, cường độ mãnh liệt nhất, đều khắp nhất từ trước đến nay; trong đó, bằng các đòn tiến công quân sự táo bạo, bất ngờ quân và dân ta đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều địch, phá huỷ, phá hỏng nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh, làm rối loạn hậu phương, hậu cứ an toàn của địch, buộc quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải tập trung lực lượng ở các nơi về cứu nguy cho đô thị. Một vùng nông thôn rộng lớn bị bỏ ngỏ, tạo thời cơ để lực lượng vũ trang tại chỗ đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nhân dân nổi dậy giáng một đòn nặng nề vào hệ thống chính quyền địch ở cơ sở7. Theo Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Uy-lơ thú nhận: “Trên một phạm vi rộng lớn, hiện nay, Việt Cộng nắm quyền kiểm soát nông thôn”8; còn Văn phòng hệ thống phân tích tình hình thuộc Lầu Năm Góc thì đánh giá: Cuộc tiến công (Tết) hình như đã vĩnh viễn giết chết chương trình (bình định).
Không dừng lại ở đó, để đánh sập ý chí và dã tâm xâm lược của đế quốc Mỹ, ngay sau đòn tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân làm rung chuyển nước Mỹ, gây hoang mang lớn về tư tưởng của địch, nhất là quân viễn chinh Mỹ và quân Chư hầu trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, quân và dân miền Nam tiếp tục “đánh bồi” bằng liên tiếp mở thêm hai đợt Tổng tiến công và nổi dậy Hè - Thu 1968, làm cho địch chưa kịp “hoàn hồn” lại phải “căng mình” đối phó. Theo thông báo của Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, kết quả một năm Tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên địch; tiêu diệt và đánh thiệt hại 01 lữ đoàn, 07 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn thiết giáp, 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu xuồng, 700 kho đạn, diệt bức hàng, bứt rút 15.000 đồn bốt, chi khu. Thắng lợi này đã tạo ra một bước ngoặt quyết định của chiến tranh, đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Hoa Kỳ phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện việc ném bom và hành động chiến tranh khác chống Việt Nam dân chủ cộng hòa, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri bàn về việc rút quân khỏi miền Nam, kết thúc chiến tranh.
Thứ ba, Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26 đến ngày 30-4-1975) - đỉnh cao về sự kế thừa và phát triển sáng tạo kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy. Trước thắng lợi rực rỡ của một tổng thể gồm các chiến dịch, các đợt hoạt động tác chiến phối hợp với hành động nổi dậy của quần chúng ở các địa phương dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, đã mở ra một cục diện mới, làm xuất hiện thời cơ lịch sử có một không hai để Đảng lãnh đạo toàn quân và dân ta tiến hành trận quyết chiến lịch sử đánh thẳng vào Sài Gòn, tiêu diệt toàn bộ ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị họp và chính thức hạ quyết tâm mở chiến dịch lịch sử có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Tiếp đó, ngày 22-4-1975, đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị, Trung ương Đảng gửi điện cho Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi... Cần chỉ thị ngay cho các hướng hành động kịp thời, chú trọng kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng. Sự hiệp đồng giữa các hướng cũng như giữa tiến công và nổi dậy sẽ thực hiện trong quá trình hành động”9.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng của Đảng, trong phương pháp tác chiến Chiến dịch Bộ Tư lệnh xác định rõ: Tiến hành sử dụng các đòn tiến công quân sự của lực lượng vũ trang ba thứ quân, sự phối hợp hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các binh đoàn cơ động chủ lực của Bộ và lực lượng vũ trang tại chỗ để bao vây, chia cắt, bịt đường địch rút ra biển, cũng không cho chúng từ vành ngoài rút lui về Sài Gòn, chặn giữ quân địch lại, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh chủ lực địch phòng thủ vòng ngoài; đồng thời, dùng lực lượng lớn nhanh chóng đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới hóa mạnh tiến nhanh theo các trục đường lớn, thọc sâu đánh thẳng vào 05 mục tiêu đã lựa chọn trong nội thành giành thắng lợi quyết định. Đồng thời, tổ chức soạn thảo riêng một kế hoạch nổi dậy của quần chúng nhằm phát động đông đảo quần chúng nổi dậy diệt tề điệp, trừ gian cướp chính quyền giành thắng lợi hoàn toàn. Kế hoạch này đã được khẩn trương và bí mật phổ biến đến các cơ sở chính trị, binh vận, hướng dẫn hình thức nổi dậy, thời điểm nổi dậy thích hợp để huy động được lực lượng quần chúng phối hợp kịp thời với cuộc tổng công kích vào Sài Gòn để giành thắng lợi nhanh chóng nhất, trọn vẹn nhất cho Chiến dịch.
Thực tiễn Chiến dịch Hồ Chính Minh cho thấy, cùng với những đòn đột phá nhanh và mạnh của 05 binh đoàn chiến dịch trên 04 hướng tiến công dũng mãnh tiến đánh thẳng 05 mục tiêu chiến lược của địch, lực lượng vũ trang tại chỗ cùng với nhân dân trong nội thành cũng đẩy mạnh các hoạt động nổi dậy giành quyền làm chủ ở cơ sở phường, khóm, đường phố. Chỉ tính riêng ở khu vực Sài Gòn - Gia Định, trong ngày 29-4-1975, có 107 điểm nổi dậy của quần chúng (gồm: 31 điểm ngoại thành, 76 điểm nội thành); đêm 29-4-1975, có 75 điểm nổi dậy và sáng 30-4-1975 có 32 điểm nổi dậy của quần chúng nhân dân. Theo thống kê các địa phương ở ngoại thành Sài Gòn - Gia Định đã có đến 90% các ấp nổi dậy giành chính quyền bằng bạo lực của quần chúng tại chỗ, nòng cốt là lực lượng vũ trang địa phương.
Như vậy, từ tư tưởng chỉ đạo của Đảng, đến quyết tâm của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đều toát lên nét nghệ thuật tiêu biểu kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy. Cũng chính từ sự xác định đúng đắn đó, đã tạo thành sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi trong suốt quá trình Chiến dịch. Mỗi chiến thắng của các trận chiến đấu do lực lượng vũ trang thực hiện, luôn kèm theo đó sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng đánh đổ ngụy quyền giải phóng cơ sở. Bài học kinh nghiệm tiến công và nổi dậy đã được Đảng, quân đội ta kế thừa và phát triển sáng tạo đến đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần quan trọng đặc biệt vào thắng lợi rực rỡ của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thiếu tướng, TS. ĐỖ HỐNG LÂM, Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân _________________________
1 - Ngoài lực lượng vũ trang của các tỉnh, Bộ Tư lệnh miền Đông đã lập được 04 đại đội (03 đại đội bộ binh và 01 đại đội đặc công).
2 – ĐCSVN – Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 22, Nxb CTQG, H. 2002, tr.158.
3 - Chỉ tính riêng 6 tháng cuối năm 1967, quân, dân miền Bắc đã bắn rơi 631 máy bay Mỹ, nâng tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi trong năm lên đến 1067 chiếc, bắt nhiều giặc lái.
4 - ĐCSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2014, tr. 29.
5 - ĐCSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 50.
6 - ĐCSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 50
7 - Trong đợt Tết, phối hợp với đòn tiến công quân sự đánh vào các đô thị, ta đã nổi dậy giải phóng thêm 1.600.000 dân, 100 xã, hơn 600 ấp chiến lược, dinh điền.
8 - Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ về chiến tranh Việt Nam, Tập 2, tr. 267.
9 - Viện lịch sử Quân sự, Nghệ thuật chiến dịch Việt Nam 1945 - 1975, Nxb. QĐND, H. 1995. Tr. 511.
tiến công và nổi dậy,chiến thắng Tua Hai
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội