Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 10/07/2017, 14:13 (GMT+7)
Hưng Yên chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách hậu phương Quân đội

Thấm nhuần sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đối tượng thụ hưởng chính sách, bồi đắp, xây dựng niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tỉnh Hưng Yên có truyền thống văn hiến và cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Hưng Yên đã động viên hàng chục vạn thanh niên lên đường chiến đấu, tham gia thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến,… trên khắp các chiến trường. Hiện nay, Tỉnh có trên 22.000 liệt sĩ, 2.115 Mẹ Việt Nam anh hùng, 16.000 thương binh, bệnh binh, gần 3.000 người bị nhiễm chất độc da cam/diôxin và là một trong số địa phương có số lượng lớn về đối tượng thụ hưởng chính sách của Quân khu 3 và cả nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song cấp ủy, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Tỉnh luôn xác định: cùng với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh, một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên là thực hiện tốt công tác chính sách với người có công, chính sách hậu phương Quân đội, tích cực giải quyết tốt tồn đọng sau chiến tranh, tạo sự đồng thuận trong toàn dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, xã hội.

Đồng chí Nguyễn Văn Phóng trao Bằng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho thân nhân các mẹ, ngày 18-10-2016. (Ảnh: baohungyen.vn)

Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng về công tác chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, chính sách hậu phương Quân đội, thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị nhằm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt vấn đề này. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 20-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn; Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Chương trình hành động với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ sở tổ chức thực hiện. Để việc thực hiện đạt kết quả cao, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; kiện toàn hệ thống tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách ở các cấp vững mạnh. Đồng thời, coi trọng phát huy dân chủ, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”,… huy động mọi nguồn lực của xã hội phục vụ cho công tác này.

Nhờ có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, vai trò tham mưu của Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công và chính sách hậu phương Quân đội của Tỉnh đạt kết quả tích cực. Đến nay, Tỉnh đã hoàn thành cơ bản việc giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh, thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách hậu phương Quân đội. Từ năm 1997 đến nay, Tỉnh đã quy tập được 32 hài cốt liệt sĩ là con em của quê hương hy sinh ở chiến trường Lào và Cam-pu-chia về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ thuộc địa phương; hoàn thành cơ bản việc giải quyết thương binh, bệnh binh, báo tử liệt sĩ và các trường hợp quân nhân mất tin, mất tích trong các cuộc chiến tranh (giải quyết chế độ cho 1.255 thương binh, báo tử liệt sĩ 81 trường hợp). Hoàn thành việc khen thưởng thành tích của tập thể, cá nhân trong kháng chiến còn tồn đọng1. Gần đây, Tỉnh triển khai thực hiện tốt chế độ, chính sách cho các đối tượng dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cùng với đó, các hoạt động tri ân, “Đền ơn đáp nghĩa” được các cơ quan, địa phương trong Tỉnh đẩy mạnh, trở thành phong trào sâu rộng. Tỉnh đã vận động xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” được hơn 40 tỷ đồng; tặng 17.000 sổ tiết kiệm, trị giá hàng chục tỷ đồng; xây dựng 2.903 Nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. Các cấp, các ngành cũng có nhiều hoạt động thiết thực trong thực hiện chính sách hậu phương Quân đội, như: thăm hỏi, động viên gia đình có con em làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo; quân nhân xuất ngũ, phục viên, về hưu được các địa phương đón tiếp chu đáo, tận tình và được hỗ trợ, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định đời sống. Việc chăm lo, tu sửa các công trình ghi công liệt sĩ được các cấp, các ngành, đoàn thể thường xuyên quan tâm thực hiện. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm, Tỉnh đã hỗ trợ các địa phương hơn 03 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các công trình ghi công liệt sĩ. Năm 2012, Tỉnh hoàn thành việc nâng cấp, tu sửa công trình ghi công liệt sĩ của Tỉnh tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Việc đỡ đầu con thương binh, con liệt sĩ đã được các cơ sở giáo dục, đào tạo hết sức quan tâm. Công tác tuyển sinh, tuyển dụng, tuyển lao động đã chú trọng ưu tiên các đối tượng chính sách. Đến nay, hàng chục ngàn quân nhân phục viên được đào tạo nghề, hướng nghiệp và tạo điều kiện có việc làm. Tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương đón thương binh nặng về địa phương, gia đình chăm sóc, v.v. Từ sự quan tâm, tri ân, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng, nhiều thương binh, bệnh binh, quân nhân phục viên đã vươn lên trở thành các chủ doanh nghiệp làm ăn chân chính, có thu nhập cao, nêu tấm gương sáng về gia đình cách mạng gương mẫu, người công dân kiểu mẫu trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đến nay, trên địa bàn Tỉnh cơ bản không còn đối tượng người có công với cánh mạng mà không được chăm sóc, không còn hộ gia đình chính sách, ngưòi có công phải ở nhà tranh tre, vách đất; đại bộ phận gia đình người có công trong Tỉnh đều có mức sống bằng hoặc cao hơn so với cộng đồng khu dân cư.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác chính sách của Tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công chưa phát triển đồng đều ở các địa phương; một số nơi thực hiện chưa thường xuyên, chủ yếu chỉ tập trung trong dịp 27-7 hoặc ngày lễ, Tết. Công tác đền ơn đáp nghĩa ở một số nơi chưa gắn với việc giáo dục truyền thống mà còn nặng về hoạt động quyên góp, giúp đỡ vật chất. Một số địa phương triển khai thực hiện chính sách đối với người có công còn chậm, công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương trong thực hiện chính sách có lúc, có nơi còn chưa nhịp nhàng, thống nhất,... ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ cho người có công và thân nhân.

Thực tiễn thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và chính sách hậu phương Quân đội ở tỉnh Hưng Yên cho thấy, công tác chính sách là một vấn đề rộng lớn và hết sức nhạy cảm, tác động trực tiếp đến tình cảm, ý thức trách nhiệm của mọi người dân. Do đó, để công tác này đạt hiệu quả cao, đòi hỏi phải có biện pháp đồng bộ, phương thức linh hoạt, huy động được sức mạnh của toàn dân, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng chăm lo”. Trước hết, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và chính sách hậu phương Quân đội, tạo bước phát triển mới về chất lượng cuộc sống cho các đối tượng chính sách, phát triển sâu rộng các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” ở các địa phương, cơ sở. Song song với đó, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng, mà nòng cốt là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan quân sự các cấp tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước về ưu đãi người có công; trong đó, chú trọng các nội dung: củng cố tổ chức và nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ chính sách; tăng tính chuyên nghiệp trong thực hiện chính sách; cải cách hành chính theo hướng gọn nhẹ, đơn giản, chính xác, chống phiền hà, chống tiêu cực; giải quyết kịp thời những bức xúc, điểm nóng trong thực hiện chế độ, chính sách với người có công. Để đảm bảo chính sách ưu đãi đến đúng người và đúng chính sách, Tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chính sách người có công; đồng thời có giải pháp phòng ngừa, không để các đối tượng lợi dụng chế độ, chính sách. Bên cạnh đó, Tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định 1237/QĐ-TTg, ngày 27 - 7 - 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn Tỉnh; tích cực huy động các nguồn lực để hoàn thiện xây dựng Trung tâm Điều dưỡng người có công của Tỉnh; thực hiện chu đáo chế độ điều dưỡng nguời có công; đầu tư xây dựng, sửa chữa, tôn tạo và nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ, Di tích lịch sử quốc gia “Cây đa và Đền La Tiến”,… góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Để công tác chính sách đạt hiệu quả thiết thực, bền vững, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường giúp đỡ vốn, kiến thức sản xuất, kinh doanh cho các đối tượng chính sách; chăm lo toàn diện công tác chính sách hậu phương Quân đội; đẩy mạnh triển khai các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để tham gia công tác chăm sóc người có công. Ngoài ra, Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương duy trì nền nếp công tác sơ kết, tổng kết, nhân rộng các điển hình tiên tiến, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện công tác chính sách người có công.

Thực hiện tốt công tác chính sách là thể hiện đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, lòng quý trọng và biết ơn của thế hệ hôm nay đối với lớp người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, là yêu cầu của sự nghiệp giáo dục công dân về lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm của mình, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân tỉnh Hưng Yên phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa công tác chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, chính sách hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

NGUYỄN VĂN PHÓNG, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh

_______________

1 - Đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 30 tập thể, cá nhân; tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng” cho 2.115 Mẹ; xét đề nghị khen thưởng 100.167 huân, huy chương các loại, giải quyết trợ cấp cho 6.974 quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.