Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Bảy, 30/08/2014, 17:52 (GMT+7)
Hội thảo khoa học 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận. (Ảnh: Đức Ánh/TTXVN)

Ngày 27-8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khẳng định tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn của Di chúc trong thực tiễn đổi mới đất nước

Phát biểu đề dẫn hội thảo, giáo sư, tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất. 

Công lao to lớn và sự nghiệp vĩ đại của Người gắn liền với lịch sử vinh quang của Đảng, với những trang sử oanh liệt trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân Việt Nam. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người để lại cho Đảng, nhân dân bản Di chúc lịch sử vô cùng quý giá, kết tinh trong đó tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại.

Theo thời gian, Di chúc thiêng liêng của Người trở thành nguồn động viên, cổ vũ hết sức to lớn, là sự chỉ dẫn quan trọng để quân và dân Việt Nam tiến lên giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo.

Hội thảo là dịp để chúng ta nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn những nội dung trong bản Di chúc của Người đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đồng thời, Hội thảo là dịp để đánh giá lại những kết quả qua chặng đường 45 năm thực hiện Di chúc của Người, nhằm tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa những căn dặn của Người đối với Đảng và nhân dân Việt Nam.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã tập trung làm rõ một số nội dung quan trọng trong Di chúc của Người về xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh; Thực hiện chính sách xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, phát huy nguồn lực con người, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; Kiên định mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới; Tăng cường đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần thúc đẩy sự nghiệp cách mạng thế giới.

Tiếp tục được đổi mới và chú trọng hơn công tác xây dựng Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú của mình, Người luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng. Trong Di chúc, Người khẳng định “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng.”

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, 45 năm qua, Đảng hết sức coi trọng và luôn xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, là điều kiện có tính quyết định bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa đã ra nhiều Nghị quyết về xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. 

Trên cơ sở triển khai, thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để các nghị quyết, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, yếu kém. Tình hình đó đặt ra cho công tác xây dựng Đảng phải tiếp tục được đổi mới và chú trọng hơn nữa, để có sự chuyển biến đưa lại hiệu quả tích cực, để Đảng ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, theo đúng với mong muốn của Bác Hồ.

Nghiên cứu giá trị thực tiễn của Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới, phó giáo sư, tiến sỹ Lại Quốc Khánh (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) nhấn mạnh vấn đề đoàn kết trong Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách toàn diện, sâu sắc. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng thể hiện trong Di chúc với tư cách là sự kết tinh tư tưởng của người về vấn đề này, vốn được hình thành và phát triển suốt trong toàn bộ quá trình người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, thực sự là những chỉ dẫn lý luận có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với thực tiễn xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng mà một phần quan trọng thể hiện trong Di chúc đã đi vào thực tiễn xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam một cách sinh động, qua đó đã chứng minh giá trị thực tiễn của nó. Di chúc của Người đã đi vào thực tiễn sự nghiệp cách mạnh của dân tộc một cách mạnh mẽ, sâu sắc. 

Trong thời kỳ đổi mới, trên phương diện xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng đã thể hiện giá trị một cách đậm nét. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề đoàn kết trong Đảng luôn được Đảng quan tâm, đặc biệt là trong giai đoạn có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng, khi phải đứng trước những thời cơ và cả những khó khăn thách thức lớn. Đó là một bằng chứng mạnh mẽ khẳng định giá trị thực tiễn của Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước

Các tham luận nêu rõ suốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, Hồ Chí Minh "chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được họ hành." Người chỉ rõ: “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.” Trong thực hiện chính sách con người, phát huy nguồn lực con người, Người đã đề cập công việc cụ thể, đến từng đối tượng, từng cảnh ngộ, từng thân phận.

Thực hiện Di nguyện của Người, Đảng đã đề ra và lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công công cuộc đổi mới, đưa nước ta từng bước ra khỏi khủng hoảng, ổn định nâng cao đời sống nhân dân. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. 

Chính sách miễn giảm thuế cho nông dân theo tinh thần Di chúc của Bác từng bước được thực hiện, góp phần khoan thư sức dân, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội mở rộng sản xuất. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Các đối tượng chính sách được Đảng và Nhà nước và xã hội hết sức quan tâm, tạo điều kiện về việc làm, ổn định đời sống sinh hoạt. 

Trên đà phát triển của kinh tế-văn hóa, mức hưởng thụ đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Thông qua thực tiễn lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản.

Trong tham luận về nội dung “Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lo cho dân có cơm ăn, áo mặc,” phó giáo sư, tiến sỹ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ trong những năm qua, học tập và làm theo lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, biện pháp phát triển kinh tế xã hội để làm cho dân ta ngày một ấm no, hạnh phúc. Nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. 

Lo cơm ăn, áo mặc cho dân không chỉ dừng lại ở ăn no, mặc ấm mà phải ăn ngon, mặc đẹp, chất lượng cuộc sống của người dân phải không ngừng tăng lên cả về vật chất và tinh thần. Dân ta phải giầu, nước ta phải mạnh là tâm nguyện ngàn đời nay của ông cha ta. 

Làm theo lời Bác, chúng ta cần nỗ lực không ngừng để làm cho dân Việt Nam ngày càng giàu hơn, càng hạnh phúc, sung sướng hơn. Đây chính là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Để có một tương lai tươi sáng, đòi hỏi phải có sự nỗ lực không ngừng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.

Chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ

Hồ Chí Minh là người hết sức coi trọng vai trò, vị trí của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng. Bằng sự quan tâm và tình cảm đặc biệt với thế hệ trẻ, Người đã cùng với Trung ương Đảng chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo ra nhiều thế hệ cán bộ cách mạng ưu tú, trưởng thành từ thanh, thiếu niên. Trong Di chúc, Người nhấn mạnh bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.

Các tham luận tại Hội thảo khẳng định thực hiện Di huấn của Người, Đảng luôn coi lực lượng thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng.

Vấn đề thanh niên luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Thực hiện chủ trương trên, trong những năm qua, Trung ương Đoàn, các cơ quan chức năng và cấp ủy đã tổ chức quán triệt quan điểm của Đảng đối với đoàn viên, thanh, thiếu niên; tăng cường công tác giáo dục chính trị, giáo dục đạo đức trong Nhà trường, cơ quan, đơn vị, xí nghiệp; tăng cường công tác đào tạo, hướng nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên. Nhiều phong trào do thanh niên phát động đã thu được kết quả khả quan và mang lại hiệu ứng lan tỏa, tích cực trong xã hội. Tuy vậy vẫn còn một số khó khăn trong công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ hiện nay.

Các đại biểu nhấn mạnh thực hiện Di chúc của Bác Hồ, cần phải tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác giáo dục về mọi mặt cho thế hệ trẻ, đào tạo họ thành những chiến sỹ trung kiên của Đảng, của cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Tăng cường đoàn kết quốc tế

Các tham luận tại hội thảo cũng nhấn mạnh thực hiện Di chúc của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân đã thực thi đường lối đối ngoại đoàn kết, mở rộng trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng. 

Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Đảng xác định củng cố sự đoàn kết với phong trào cách mạng các nước, đồng thời nắm vững phương châm ngoại giao linh hoạt, có nguyên tắc trên tinh thần Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển; nhất quán coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, tiếp tục đoàn kết, ủng hộ các phong trào cách mạng, các xu hướng và trào lưu tiến bộ của thời đại vì các mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; nêu cao nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, phát huy sức mạnh dân tộc, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, trên cơ sở sức mạnh bên trong mà tranh thủ và tận dụng sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của các lực lượng bên ngoài.

Thực thi đường lối đối ngoại đúng đắn theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong những năm gần đây, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Việt Nam đã có quan hệ đối ngoại ở nhiều cấp độ khác nhau với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng là thành viên cùa 63 tổ chức quốc tế và có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ trên thế giới. Việt Nam đã tham gia và hoạt động tích cực với vai trò ngày càng tăng tại các tổ chức của Liên hợp quốc, được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an nhiệm kỳ 2008-2009, thành viên Hội đồng Nhân quyền, nhiệm kỳ 2014-2016. 

Việt Nam còn là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế và khu vực: Phong trào không liên kết, WTO, ASEAN, APEC. Ngoài ra, hoạt động ngoại giao nhân dân cũng có nhiều khởi sắc, góp phần tăng cường sự hiểu biết, giao lưu kinh tế, văn hóa giữa nhân dân các nước, đóng góp vào thành tựu chung của hoạt động đối ngoại.

Các tham luận tại hội thảo một lần nữa khẳng định: cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và sẽ mãi là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta học tập, noi theo. 

Những điều căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Di chúc thật giản dị nhưng rất đỗi thiêng liêng và thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả. Bản Di chúc của Người trở thành tác phẩm bất hủ, còn Người trở thành nhà tư tưởng lớn của thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ sống mãi với dân tộc Việt Nam, với sự trân trọng, cảm phục của bạn bè quốc tế./.

 

Nguồn: Vietnam+/TTXVN

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.