Thứ Bảy, 23/11/2024, 15:36 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là một trang sử chói lọi của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Tròn 45 năm đã trôi qua, song sự kiện lịch sử này vẫn có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với công tác ngoại giao, đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổ chức đàm phán, ký kết Hiệp định Pa-ri bắt đầu từ ngày 13-5-1968, kết thúc ngày 27-01-1973, song không thể không đề cập đến những yếu tố diễn ra trước cuộc đàm phán lịch sử này. Tháng 2-1965, đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc; tháng 3-1965, ồ ạt đưa quân vào chiến trường miền Nam Việt Nam, bắt đầu cuộc “Chiến tranh cục bộ”. Để che đậy bản chất phi nghĩa và tính chất tàn bạo của chiến tranh, Mỹ tung đòn ngoại giao bằng cách ra Sách trắng “Vì đâu có vấn đề Việt Nam” nhằm đổ lỗi cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đồng thời, thông báo cho Liên hợp quốc rằng, Mỹ sẵn sàng rút hết lực lượng quân sự của họ trong trường hợp “Bắc Việt Nam chấm dứt xâm lược Nam Việt Nam”.
Trước bối cảnh trên, Hội nghị Trung ương 12 (khóa III), tháng 12-1965, chỉ rõ “ta phải giữ vững quyết tâm chiến lược, đồng thời áp dụng sách lược đấu tranh chính trị và ngoại giao khôn khéo để phối hợp với đấu tranh quân sự, chủ động tiến công địch”1. Một năm sau, trước những thắng lợi của quân và dân hai miền, Nghị quyết Trung ương 13, tháng 01-1967 quyết định “đẩy mạnh chiến đấu trên cả hai miền, đồng thời đề ra chủ trương đấu tranh ngoại giao”2 để tạo cục diện vừa đánh vừa đàm và kéo Mỹ xuống thang chiến tranh. Thực hiện chủ trương đấu tranh ngoại giao mới, ta đưa ra khẩu hiệu mang tính sách lược “chỉ sau khi Hoa Kỳ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Mỹ có thể nói chuyện được”3.
Song song với đòn ngoại giao, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên quân và dân cả nước đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, kết hợp chiến tranh du kích khắp nơi với những đòn đánh quyết định của quân chủ lực và nổi dậy của đông đảo quần chúng nhân dân; kết hợp quân sự, chính trị và ngoại giao; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Còn trên các chiến trường, Đảng đề ra phương châm: kéo địch ra khỏi hang ổ mà đánh, căng địch ra mà đánh, luồn sâu vào hậu phương địch mà đánh, v.v. Vì thế, ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng dồn Mỹ - ngụy vào thế bị động đối phó, khiến chúng lần lượt thất bại cả hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967 ở miền Nam và thất bại trong cuộc leo thang phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc. Để tạo ra đòn có tính chất quyết định, tháng 01-1968, Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết “…tình hình cho phép ta chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy, giành thắng lợi quyết định”4. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra tại 4 thành phố lớn, 44 thị xã, quận lỵ và hàng trăm thị trấn ở miền Nam, loại khỏi vòng chiến đấu trên 630.000 tên địch. Thắng lợi của ta làm đảo lộn thế trận của quân Mỹ - ngụy ở chiến trường miền Nam, làm rung chuyển nước Mỹ, đánh bại ý chí giành chiến thắng bằng quân sự của giới cầm quyền Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam; buộc chúng phải ngừng ném bom miền Bắc, trừ khu phi quân sự; ngồi vào bàn đàm phán ở Pa-ri về Việt Nam vào ngày 13-5-1968.
Đầu năm 1969, sau khi thắng cử tổng thống, R.Ních-xơn đưa ra “Học thuyết Ních-xơn” và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; đồng thời, cải thiện quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc hòng cô lập cuộc kháng chiến của nhân dân ta, nhằm tạo thế mạnh cho Mỹ trong việc mặc cả với ta trên bàn đàm phán. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Đảng ta đề ra nhiệm vụ chủ yếu là “Đẩy địch xuống thang một bước trên chiến trường chính, ép Hoa Kỳ đơn phương rút một bộ phận quân Mỹ”5. Suốt quá trình đàm phán, Mỹ luôn đòi “hai bên cùng rút quân” nhưng không được ta chấp nhận, nên ngày 10-11-1971, Mỹ phải gác yêu sách phi lý này. Sau ba năm kiên trì đấu tranh, kết hợp vừa đánh vừa đàm, ta buộc Mỹ đơn phương rút gần 40 vạn quân. Về phía ta, những thắng lợi trong mùa khô 1969 - 1970 và 1970 - 1971 tạo điều kiện cho ta mở cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972, khiến Mỹ - ngụy hoàn toàn bất ngờ, sụp đổ từng mảng, đặc biệt ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, khu vực Bắc Kon Tum và thị trấn Lộc Ninh ở miền Đông Nam Bộ, tạo thời cơ, điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao, đưa đàm phán Pa-ri đi vào bước mới từ tháng 7-1972.
Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, tráo trở và hy vọng giành thế chủ động trên bàn đàm phán để có thể rút quân trong thế thắng, từ ngày 18 đến ngày 30-12-1972, chính quyền Ních-xơn tung “át chủ bài - pháo đài bay B-52” điên cuồng đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương miền Bắc. Song chúng đã nhầm. Nhờ được Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo từ trước, ta đã có sự chủ động về chiến lược nên quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, hạ gục uy thế của “không lực Hoa Kỳ”, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chấn động nước Mỹ và thế giới, buộc Mỹ phải nối lại đàm phán và ngày 27-01-1973 đã ký kết Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Như vậy, sau gần 5 năm đàm phán với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, cuộc đàm phán Hiệp định Pa-ri đã kết thúc với chiến thắng thuộc về nhân dân Việt Nam. Khi nhìn lại cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, nhiều nhà bình luận quốc tế đánh giá: Hội nghị Pa-ri là bức tranh hùng hồn nhất của cuộc đụng đầu lịch sử giữa một bên là lực lượng cách mạng nhất với một bên là thế lực hiếu chiến, tàn bạo nhất và Hiệp định Pa-ri là “huyền thoại của thế kỷ XX”. Thắng lợi vĩ đại này không chỉ là kết quả của gần 5 năm đàm phán mà còn là kết quả của 18 năm kiên trì chiến đấu, vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ của đồng bào, chiến sĩ cả nước; là đòn “đánh cho Mỹ cút”, tạo tiền đề có tính chiến lược, tiên quyết để quân và dân ta thực hiện đòn cuối cùng “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Thắng lợi của Hiệp định Pa-ri để lại cho cách mạng Việt Nam, nền ngoại giao Việt Nam nhiều bài học vô cùng quý giá. Đó là bài học kiên định đường lối độc lập, tự chủ gắn liền với đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh của toàn dân tộc với sức mạnh của thời đại; bài học quán triệt sâu sắc tư tưởng ngoại giao “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh, biết nhân nhượng có nguyên tắc, kiên trì nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, chủ động tạo thời cơ, nắm bắt thời cơ, biết giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng. Đó còn là bài học phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, đánh giá đúng kẻ thù, vận dụng tài tình nghệ thuật đánh - đàm; luôn quán triệt thế công cả trên chiến trường và trên bàn hội nghị, tận dụng thế thắng trên chiến trường cho thế công trong đàm phán và ngược lại, tận dụng triệt để các chiều hướng có lợi thông qua đàm phán để thúc đẩy các hoạt động quân sự trên chiến trường, làm cho chiến trường và đàm phán, hai mặt trận hòa làm một, không thể tách rời.
Ngày nay, đất nước ta đang hội nhập ngày càng sâu, rộng vào đời sống kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Chúng ta đã có quan hệ, hợp tác về kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ,… với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng về quốc phòng, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng thực chất với nhiều nước và tổ chức quốc tế, trong đó có tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đó là thuận lợi lớn để chúng ta thúc đẩy quan hệ, hợp tác, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhất là tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song bên cạnh đó, chúng ta cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thử thách mới. Nhìn từ góc độ quốc phòng, an ninh, với vị trí nằm bên bờ Thái Bình Dương và hạ nguồn sông Mê Kông, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất trước vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và vấn đề an ninh hàng hải, an ninh nguồn nước. Trong khi đó, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá ta trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có sự chống phá, xuyên tạc đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta.
Là bộ phận đối ngoại quan trọng của Đảng, Nhà nước, đối ngoại quốc phòng đã và đang thể hiện vai trò to lớn trong việc xây dựng, củng cố lòng tin, ngăn ngừa nguy cơ xung đột và chiến tranh; tăng cường nguồn lực để xây dựng Quân đội, củng cố sức mạnh quốc phòng của đất nước. Tuy nhiên, tình hình khu vực, quốc tế đang diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến công tác đối ngoại quốc phòng cả về hoạch định chính sách và hoạt động thực tiễn. Vì vậy, để tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định Pa-ri sống mãi, đòi hỏi chúng ta phải biết vận dụng các bài học của quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định vào hoàn cảnh mới một cách linh hoạt, sáng tạo, trên cơ sở quán triệt tốt một số vấn đề chủ yếu sau đây:
1. Luôn kiên định đường lối độc lập, tự chủ trong hoạch định chủ trương, chính sách cũng như trong toàn bộ hoạt động đối ngoại quốc phòng, trên cơ sở thấu triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”6.
2. Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Tỉnh táo, kiên định những vấn đề mang tính nguyên tắc (dĩ bất biến), nhưng khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt trong ứng xử, xử lý các quan hệ (ứng vạn biến). Khi giải quyết một vấn đề cụ thể, cán bộ đối ngoại phải học tập Hồ Chí Minh, đó là: “vừa nhìn thấy cây, vừa nhìn thấy rừng”, “làm gì cũng vì lợi ích dân tộc mà làm”,tránh việc chỉ thấy lợi ích trước mắt, không thấy lợi ích lâu dài, chỉ thấy cái lợi, mà không thấy cái hại.
3. Coi trọng công tác tham mưu chiến lược, nghiên cứu kỹ tình hình quốc tế, khu vực, nắm chắc vai trò quốc tế của các cường quốc; thấy được sự tác động, chi phối của các cường quốc, các trung tâm quyền lực lớn đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam, từ đó đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng những chủ trương, đối sách đúng đắn về đối ngoại quốc phòng.
4. Trong lãnh đạo, tổ chức các hoạt động đối ngoại quốc phòng, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải coi Việt Nam là một bộ phận của thế giới, theo trào lưu chung của thế giới, biết tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại để đảm bảo mang lại lợi ích cao nhất cho quốc gia, dân tộc.
5. Phát triển và vận dụng sáng tạo bài học “vừa đánh vừa đàm” trong toàn bộ tiến trình đàm phán, ký kết Hiệp định Pa-ri vào thực tiễn “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” trong công tác đối ngoại quốc phòng, qua đó khẳng định đối ngoại quốc phòng là kênh quan trọng trong ngoại giao phòng ngừa và là phương thức bảo vệ Tổ quốc bằng biện pháp hòa bình, góp phần cùng mặt trận ngoại giao, đối ngoại chung của cả nước đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trung tướng VŨ CHIẾN THẮNG, Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng _______________
1 - Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh - Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 1954 - 1975, Tập 2, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 310.
2 - Bộ Ngoại giao - Ngoại giao Việt Nam 1945 - 2000, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 217.
3 - Sđd, tr. 218.
4 - Học viện Quan hệ quốc tế - Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp giành độc lập, tự do (1945 - 1975), Nxb CTQG, H. 2001, tr. 275.
5 - Bộ Ngoại giao - Ngoại giao Việt Nam 1945 - 2000, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 236.
6 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 162.
Hiệp định Pa-ri,hoạt động ngoại giao,đối ngoại quốc phòng
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội