Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:34 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Con đường giải phóng dân tộc mà Nguyễn Tất Thành là người khởi xướng - với mốc đầu cuộc hành trình của Người: ngày 05-6-1911 - được dân tộc ta đón chào “như tia nắng ban mai”, không những đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân mà còn làm rạng rỡ non sông đất nước ta, bảo đảm sự trường tồn của dân tộc.
Trong những năm đầu của thế kỷ XX, trước cảnh đàn áp, bóc lột hết sức tàn nhẫn của thực dân Pháp, nhiều bậc tiền bối yêu nước dường như bế tắc về đường lối giải phóng dân tộc. Và, như một định mệnh lịch sử dân tộc giao phó, người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng (Sài Gòn) hướng tới Pháp và các nước phương Tây khác, với ý chí, khát vọng cháy bỏng là tìm ra phương hướng cứu nước; đến tháng 7-1920, Người tìm thấy con đường giải thoát dân tộc mình, đồng bào mình khỏi kiếp nô lệ. Một trăm năm sau nhìn lại, chúng ta nhận thấy ở người thanh niên đó có một trí tuệ mẫn tiệp, một tầm nhìn xa, rộng được biểu hiện rõ nét bằng những sự đột phá ngoạn mục trên hành trình tìm đường cứu nước ấy.
Trước khi rời bến Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã nói với bạn của mình rằng: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”1 Câu nói đó hàm chứa hướng đi trước hết là sang Pháp, sau đó là đến các nước khác. Vấn đề ở đây là tại sao phải sang Pháp, một đất nước cách xa hàng vạn dặm, mà thời đó phương tiện duy nhất nối nước ta với nước Pháp là bằng đường hàng hải phải mất hai tháng cả khứ hồi? Không khó lắm trong việc tìm lời giải cho điều đó. Trước hết, nước Pháp là nước đế quốc - “mẫu quốc” - xâm lược và đặt nền thống trị trên đất nước ta, là đối tượng cần phải tìm hiểu để đấu tranh. Thực dân Pháp là thủ phạm gây nên trong tâm trí của Người những tương phản gay gắt giữa văn minh và tàn bạo như một nghịch lý cần được khám phá, cần được lý giải. Thứ đến, đây là điểm quan trọng nhất, các phong trào chống thực dân phương Tây dưới những khuynh hướng tư tưởng khác nhau ở Việt Nam và các nước trong khu vực, mặc dù rất quyết liệt, nhưng cuối cùng đều thất bại. Khủng hoảng đường lối cứu nước đang diễn ra không chỉ ở nước ta, mà ở cả các nước trong khu vực, trong đó có những nước lớn như Trung Quốc, Nam Dương, Ấn Độ. Sự lựa chọn hướng đi sang Pháp, sang phương Tây của Nguyễn Tất Thành chính là điểm đột phá đầu tiên khác hẳn với các khuynh hướng trước đó. Cũng phải nói rõ thêm rằng, cho đến lúc bấy giờ, rất nhiều người Việt sang Pháp với mục đích khác nhau, trong đó chủ yếu là học tập, lao động, nhưng Anh là người Việt đầu tiên sang Pháp với mục đích tìm đường cứu nước.
Tiếp đó, khi tới Pháp, Người thay đổi điểm đến trong hành trình của mình. Người chưa ở lại Pháp, mà tìm mọi cơ hội để được tiếp xúc với các nền văn minh khác nhau, các châu lục khác nhau trên thế giới. Người đã theo tàu hàng của hãng Vận tải Hợp nhất đến các thuộc địa của Pháp ở Châu Phi, Mỹ la-tinh. Người dừng lại ở Hoa Kỳ, sau đó sang Vương quốc Anh trải nghiệm và cuối cùng mới trở lại nước Pháp để tìm hiểu thực tại thế nào? Trong thời gian đó, Người đã thực hiện một cuộc hành trình xuyên các đại dương. Tại sao ở Người lại có một hành trình vĩ đại như vậy? Có thể, bắt đầu từ một tư duy sâu sắc muốn giải thoát khỏi ách thống trị thực dân phải thấu hiểu bản chất của chúng. Hơn nữa, thời niên thiếu, Người được đắp đổi bằng những chuyến đi nối tiếp nhau, những chuyển dịch giữa các vùng văn hóa: hai chuyến theo gia đình từ quê hương Nghệ An vào Huế (cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX), một chuyến hầu tráp cha ra Bắc Hà (năm 1905) và cuối cùng chuyến chuyển dịch dần từ Huế đi Quy Nhơn, qua Phan Thiết và đến Sài Gòn (1909-1911). Thời đó, khó có một người trẻ tuổi Việt Nam nào lại có hành trình xuyên Việt như Người. Trong kho tục ngữ nước Việt đã từng đúc kết “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, huống chi là một hành trình xuyên Việt với nhiều tháng, nhiều năm có thể in đậm trong suy tư và nhân cách của Người nhiều thứ “cả màu hồng, lẫn màu xám”. Hoặc cũng có thể, qua đám thủy thủ dạn dày sóng gió, đầy ắp những hiểu biết về các vùng, miền khác nhau trên trái đất mách bảo và định hướng cho những chuyển dịch trên các đại dương, để rồi đến dừng chân một nơi nào đó. Rốt cuộc là có muôn vàn lý do dẫn dắt người thanh niên trẻ tuổi ham hiểu biết, giàu ý chí, lắm ước mơ, trong đó có một ước mơ cháy bỏng là đến những miền đất lạ để học tập và tìm ra đường hướng cứu dân tộc thoát khỏi khổ đau. Trong hành trình xuyên đại dương trên 9 năm (1911-1920) đó, Người đi qua nhiều bến cảng, nhiều đất nước, nhiều nền văn minh, nhiều châu lục, nhưng Người đã chọn ở lại 3 nước là Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Cộng hòa Pháp để được trải nghiệm. Chắc đó không phải là sự lựạ chọn có tính ngẫu nhiên, mà là có chủ đích. Hoa Kỳ thu hút Người bởi Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 và tượng Nữ thần Tự do (do nước Pháp trao tặng) đứng sừng sững trên Vịnh Niu Yooc mà tàu, thuyền vào cảng trong khoảng cách 10 km đã nhìn thấy. Người đã sống trên đất Mỹ từ cuối năm 1912 đến giữa năm 1913. Tại đây, Người đã từng lui tới khảo sát cộng đồng người da đen và người Hoa. Tiếp đó, Người đi Bô-stôn, làm việc trong Khách sạn Pác-kơ Hau-sơ. Rời Hoa Kỳ, Người sang Vương quốc Anh, đất nước giàu mạnh nhất thế giới, có nhiều thuộc địa trải rộng khắp trên mặt địa cầu thời đó, đúng như các thủy thủ mách bảo: Anh quốc là đất nước “mặt trời không bao giờ lặn”. Anh chưa hề biết, trước đó, các nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản, như C. Mác, Ph. Ăng-ghen đã sống ở Luân Đôn, lấy nước Anh làm nguyên mẫu nghiên cứu giai cấp tư sản và giai cấp công nhân và cũng tại đây, đã hình thành một hệ tư tưởng mới đối lập với hệ tư tưởng tư sản - chủ nghĩa cộng sản với cuốn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản năm 1848. Với tâm thế người dân thuộc địa, Người đã sống, lao động và tích cực hoạt động trên đất nước giàu có này. Tại Luân Đôn, Người đã gia nhập Hội những người lao động hải ngoại - một tổ chức bí mật của những người lao động châu Á trên đất Anh.
Sau nhiều tháng, năm trong hành trình xuyên đại dương, tiếp xúc với những nền văn minh khác nhau trên bốn châu lục, cuối cùng, Người trở lại với điểm đến quan trọng nhất là nước Pháp. Người chọn Pa-ri là bến đỗ, bởi Pa-ri không chỉ là Thủ đô nước Pháp, mà hơn nữa, còn là ngã tư của thế giới. Và ở đây đã có hai người Việt (bậc cha, chú) đang đợi Người. Đó là Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường.
Những hoạt động yêu nước buổi đầu ở Pa-ri của người thanh niên đầy nhiệt huyết được chỉ dẫn qua lăng kính: cá nhân nào, tổ chức chính trị nào, tổ chức chính trị-xã hội nào đứng về phía nhân dân Việt Nam trong công cuộc giải phóng là người bạn và chỗ dựa của Người.
Lúc mới về Pa-ri, Nguyễn Tất Thành đã được cụ Phan Châu Trinh trợ giúp về tài chính và truyền lại nghề sửa ảnh. Lúc này, Anh chưa thể gặp Phan Văn Trường vì ông đang ở trong quân ngũ, mãi đến tháng 4-1919, ông mới được xuất ngũ và từ Tu-lu-dơ trở lại Pa-ri. Trước khi ba người sống chung trong ngôi nhà số 6, phố Vi-la Đề-gô-bô-lanh, quận 13, Pa-ri (nhà của Phan Văn Trường), Nguyễn Tất Thành đã lăn lộn trong phong trào công nhân và lao động Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất (đầu năm 1919), gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Khi được hỏi vì sao vào Đảng Xã hội, anh đã trả lời: đây là tổ chức chính trị duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại Cách mạng Pháp: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”2.
Sự giúp đỡ của cụ Phan Châu Trinh (sinh hoạt) và Phan Văn Trường (nơi ở), đã tạo điều kiện thuận lợi để Nguyễn Tất Thành dốc sức vào hoạt động yêu nước trong Việt kiều tại Pháp. Việt kiều ở Pháp hình thành từ nhiều nguồn (học tập, lao động, lính thợ và lính chiến), mặc dù đông, nhưng phức tạp về tư tưởng. Họ đã bắt đầu được tổ chức lại dưới tên gọi Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp như một tổ chức xã hội mang tính chất tương tế. Nhà của Phan Văn Trường trở thành nơi đến, điểm hẹn của Việt kiều trên khắp nước Pháp. Với sự hoạt động năng nổ của tuổi trẻ, Nguyễn Tất Thành đã cách mạng hóa tổ chức yêu nước này bằng cách đưa thêm vào đó tính chất chính trị. Nhân dịp, các nước đế quốc thắng trận họp Hội nghị chia “quả thực” tại Véc-xây và Hoa Kỳ công bố Chính sách đối ngoại thời hậu chiến 14 điểm của Tổng thống U. Uyn-xơn, đoàn đại biểu các nước như Triều Tiên, Ai Cập, Trung Quốc và 57 đại biểu của chủng tộc da đen sống ở các thuộc địa Anh, Pháp, Mỹ đưa yêu sách đòi quyền tự quyết cho dân tộc mình, Người soạn thảo bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”, gồm 8 điểm, ký tên Nguyễn Ái Quốc. Cùng với việc cho đăng trên báo Nhân Đạo và Dân Chúng, Nguyễn Ái Quốc đến thẳng lâu đài Véc-xây trao bản Yêu sách cho Văn phòng Hội nghị và Ngoại trưởng các nước tham dự Hội nghị. Vì thực chất đây là Hội nghị chia lại thuộc địa và các vùng ảnh hưởng tước đoạt từ các nước đế quốc thất trận, nên yêu sách của các nước thuộc địa và lệ thuộc, trong đó có nước ta, không được để ý tới. Như phép thử phản ứng của chính phủ các nước lớn, đặc biệt là Chính phủ Pháp, Yêu sách 8 điểm của Nguyễn Ái Quốc và những người yêu nước Việt Nam, dù là hết sức khiêm tốn và mềm mỏng, đã bị đối phương khước từ. Điều đó có nghĩa là Chính phủ Pháp buộc các nhà yêu nước Việt Nam đi tìm giải pháp mới, cách mạng hơn. Giải pháp đó đã tới với Nguyễn Ái Quốc sau 13 tháng tìm kiếm. Điểm đột phá có tính quyết định, đó là lúc Người đọc Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I. Lê-nin đăng liền hai số ngày 16 và 17-7-1920 trên Báo Nhân Đạo, mà theo Người: “trong luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính”3. Đó chính là kết quả của một thời gian dài, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập và rèn luyện, Người đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc ta: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”4. Không chỉ dừng lại ở đó, trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình khách quan, khoa học, đầy sức thuyết phục, Nguyễn Ái Quốc phát triển luận điểm của V. I. Lê-nin, đặt cách mạng giải phóng dân tộc có vị trí ngang hàng với cách mạng vô sản ở chính quốc. Vì “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi bám vào giai cấp vô sản thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta đồng thời phải cắt cả hai vòi…”5; thuộc địa là nơi có không gian rộng, dân số đông, tiềm lực kinh tế lớn, nguồn lực dồi dào, vừa nuôi sống vừa bảo vệ chủ nghĩa đế quốc, nền tảng của lực lượng phản cách mạng. Do vậy, cách mạng giải phóng dân tộc có thể nổ ra, giành thắng lợi trước và trực tiếp tác động, thúc đẩy cách mạng vô sản ở chính quốc thắng lợi. Luận điểm này như bước ngoặt đột phá cho các nước thuộc địa.
Tháng 7-1920 đánh dấu thời điểm chuyển biến tư tưởng lớn lao, căn bản của Nguyễn Ái Quốc, con đường giải phóng dân tộc theo V.I. Lê-nin, theo Quốc tế Cộng sản, cũng có nghĩa là đặt cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam nằm trong quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới. Với niềm tin đó, Người tham dự Đại hội Tua và bỏ phiếu thành lập Đảng Cộng sản Pháp, hợp thức hóa chuyển biến tư tưởng của mình.
Tròn một thế kỷ đã trôi qua, những đột phá trên chặng đường đi “tìm hình của nước”, cho đến quyết định chọn con đường giải phóng dân tộc khỏi xiềng gông thực dân Pháp và tay sai, và việc Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho sự nghiệp của Đảng ta - là một di sản vĩnh hằng mà chúng ta cần phải tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ con Lạc cháu Hồng thêm tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
PGS, TS. PHẠM XANH
1 - Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Trẻ - Nxb CTQG, H. 2005, tr. 14.
2 - Hồ Chí Minh - Tiểu sử, Nxb CTQG, H. 2010, tr. 71-72.
3, 4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 127
5 - Sđd,Tập 2, tr. 120.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội