Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Sáu, 15/05/2015, 09:42 (GMT+7)
Hồ Chí Minh ‒ Người tạo dựng vị thế vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 02-9-1945
 

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, có nhiều bậc vĩ nhân đã tạo nên vị thế vẻ vang của dân tộc, góp phần quyết định sự phát triển của đất nước. Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt 1.117 năm Bắc thuộc đen tối, mở ra thời đại độc lập của dân tộc. Lý Thường Kiệt với thắng lợi huy hoàng của cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của nước Đại Việt (năm 1077) và xướng lên Tuyên ngôn bất hủ ‒ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Trần Hưng Đạo đã làm nên chiến công oanh liệt, đánh bại đế quốc mạnh nhất thế kỷ XIII. Dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và Nguyễn Trãi, dân tộc ta đã giành lại độc lập sau 20 năm bị nước ngoài cai trị (năm 1427) và ra đời bản Tuyên ngôn lịch sử: Bình Ngô đại cáo. Quang Trung - Nguyễn Huệ (năm 1789) đã đánh tan quân xâm lược để chúng biết nước Nam là có chủ. Sang thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã cùng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn dân tộc chiến thắng những thế lực đế quốc, thực dân, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, đưa Việt Nam phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Cần phải nhìn lại lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ngày 01-9-1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Năm 1884, Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp. Để chống lại cuộc xâm lược và chế độ cai trị thuộc địa của người Pháp, các phong trào yêu nước liên tiếp nổ ra cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Thế nhưng, do thiếu đường lối, phương pháp thích hợp, nên các phong trào yêu nước, chống Pháp từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, đều lần lượt thất bại. Tình hình đất nước, vận mệnh dân tộc đen tối như không có đường ra. Trong hoàn cảnh đó, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) đã ra đi tìm đường cứu nước với ý tưởng và phương pháp đấu tranh mới để giải phóng dân tộc Người đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác – Lê-nin con đường cứu nước đúng đắn, chân chính, kết hợp chặt chẽ giải phóng dân tộc với giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc luôn nêu cao mục tiêu, khát vọng đấu tranh giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho đất nước và đồng bào mình. Người nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”1.

Có thể nói, trong những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã thấy rõ vai trò rất to lớn của cách mạng giải phóng các thuộc địa trong việc thúc đẩy sự phát triển thế giới. Người thấy rõ tính chất phản động tệ hại của chủ nghĩa thực dân, một vết nhơ trong lịch sử nhân loại và đã viết Bản án chế độ thực dân Pháp. Nhận thức rõ: thuộc địa là khâu yếu của chủ nghĩa đế quốc; đồng thời đánh giá đúng sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, Người khẳng định: sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa có thể giành thắng lợi trước cách mạng ở chính quốc, không phụ thuộc vào việc cách mạng có nổ ra ở các nước tư bản chính quốc hay không. Tư tưởng cách mạng đó của Nguyễn Ái Quốc được các dân tộc phương Đông đang bị thực dân phương Tây cai trị tán đồng và được những nhà yêu nước nổi tiếng của Việt Nam khi đó đặt niềm tin. Cụ Phan Châu Trinh, trong thư gửi Nguyễn Ái Quốc, ngày 18-02-1922, ở Pa-ri, đã thấy rõ Nguyễn Ái Quốc như “cây đương lộc”, “nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông” và mong muốn Người trở về nước “hô hào quốc dân đồng bào đồng tâm hiệp lực đánh đổ cường quyền áp chế”2. Trong thư gửi Nguyễn Ái Quốc, ngày 14-02-1925, ở Quảng Châu (Trung Quốc), cụ Phan Bội Châu thật sự vui mừng vì đã có người đủ khả năng gánh vác trách nhiệm với đất nước, “Việc gây dựng lại giang sơn, ngoài cháu có ai để nhờ ủy thác, gánh vác trách nhiệm thay mình”3.

Mùa Xuân 1930, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh của Đảng đề ra mục tiêu rõ ràng: làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập để tiến tới xã hội cộng sản. Ngày 28-01-1941, Người trở về nước và cùng với Trung ương Đảng phát triển hoàn thiện đường lối giải phóng dân tộc, tập hợp lực lượng trong Mặt trận Việt Minh làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám với ý chí đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Cuộc Cách mạng đó, đã làm biến đổi thân phận của cả một dân tộc từ một nước thuộc địa, kiếp sống nô lệ khẳng định quyền tự quyết của mình. Trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh trong khi khẳng định tư tưởng bất hủ về quyền con người trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp, đã nâng lên tầm cao về quyền của các dân tộc: “…Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”4. Đồng thời, khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”5.

Sự thật lịch sử mà ai cũng biết là mới độc lập được ba tuần lễ, ngày 23-9-1945, Việt Nam bị thực dân Pháp quay lại xâm lược lần thứ hai với việc đánh chiếm Nam Bộ. Đồng bào nơi đây đã anh dũng kháng chiến chống xâm lược, thực hiện lời thề giữ vững độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam độc lập. Trong khi thực hiện sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, Hồ Chí Minh luôn nêu cao ngọn cờ hòa bình, hữu nghị với nước Pháp và các nước khác trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, chủ động, chân thành đàm phán hòa bình với phía Pháp và đã ký Hiệp định sơ bộ với Pháp ngày 06-3-1946. Điều đó, thể hiện thiện chí hòa bình và quyết tâm rất cao của Việt Nam, mong muốn giải quyết cuộc chiến tranh bằng giải pháp hòa bình. Khi dã tâm xâm lược của thực dân Pháp bộc lộ hoàn toàn, khả năng thương lượng không còn, thì dân tộc Việt Nam buộc phải tiến hành cuộc kháng chiến trên cả nước bằng tất cả “tinh thần và lực lượng” để bảo vệ nền độc lập.

Hồ Chí Minh quyết tâm giành và bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho đồng bào mình, coi đó là giá trị thiêng liêng, cao quý nhất và không ngừng phấn đấu cho tình hữu nghị, hợp tác với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Trong khi phải chống lại hành động xâm lược của thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đề cao tình hữu nghị với nước Pháp và nhân dân Pháp, mong muốn có sự quan hệ thành thực, vì sự thành thực sẽ san phẳng được mọi trở ngại. Người tuyên bố, nước Pháp là ưu tiên hàng đầu về lợi ích kinh tế, văn hóa ở Việt Nam. Người đã thẳng thắn nói rõ với Chính phủ Pháp (năm 1946): nước Pháp đã từng bị nước ngoài xâm chiếm, dân tộc Pháp đã phải chống xâm lược để bảo vệ độc lập, tự do, thì không lẽ gì lại đi xâm lược nước khác. Hồ Chí Minh nhắc đến nguyên tắc: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân, nghĩa là điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Điều đó, cần trở thành nguyên tắc ứng xử giữa các quốc gia trên thế giới. Nước nào, dù lớn hay nhỏ cũng quyết gìn giữ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và vùng trời của nước mình, thì không có lý do gì đi xâm phạm chủ quyền của nước khác.

Ngay sau khi giành độc lập cho Tổ quốc, Hồ Chí Minh tuyên bố chính sách ngoại giao hòa bình, hữu nghị với các nước và mong muốn Việt Nam là bạn của các nước dân chủ, không gây thù oán với một ai. Người nhấn mạnh chính sách Hoa - Việt thân thiện trong quan hệ với Trung Quốc. Với Hoa Kỳ, Người nói: “… mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện”6. Trong Lời kêu gọi gửi Liên hợp quốc (tháng 12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và độc lập cho đất nước… Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực…”7.

Hồ Chí Minh đã cùng với dân tộc mình giành lại độc lập, khẳng định vị thế của đất nước và dân tộc. Và vị thế của Hồ Chí Minh trong lòng dân tộc đã được khẳng định từ chính những biến chuyển cách mạng do Đảng và Người lãnh đạo. Có mặt trong Ngày lễ Độc lập 02-9-1945 của Việt Nam, tại quảng trường Ba Đình, một học giả Mỹ viết: “Quần chúng được hướng dẫn của các đảng viên, lên tiếng hát và trong mấy phút liền hô vang “Độc lập”. Ông Hồ đứng yên mỉm cười, nhỏ nhắn trong tầm cỡ, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân Ông. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn”. “Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Quần chúng hô vang đáp lại: “Rõ”! Thực là một nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy. Từ lúc đó, quần chúng lắng nghe lấy từng lời. Chúng tôi không hiểu ông Hồ đã nói gì. Lê Xuân phải cố gắng lắm để dịch nhưng cũng rất khó khăn. Nhưng cứ nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật, và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi còn nghi ngờ gì nữa là Ông đã thấu tới quần chúng”8. Nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh, ông Patti đi đến nhận xét: “Nhưng trước hết tôi nhấn mạnh đến tính chất dân tộc chủ nghĩa của ông Hồ - cái điều trước tiên phải là một người Việt Nam yêu nước rồi thứ đến mới là người cộng sản”9.

Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954) là niềm tự hào và làm vẻ vang dân tộc Việt Nam. Bạn bè quốc tế ngưỡng mộ khi nhắc đến: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp. Chiến thắng đó, đã chấm dứt chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, dẫn tới ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (21-7-1954). Các nước công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền và hai năm sau nhà đương cục hai miền sẽ hiệp thương, tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Nhưng đế quốc Mỹ đã thay thế Pháp, dựng lên chính quyền tay sai để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, khủng bố, đàn áp những người kháng chiến, yêu nước. Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã kiên trì đấu tranh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ với ý chí độc lập, thống nhất và khát vọng hòa bình. Dù Mỹ ngoan cố đẩy mạnh và kéo dài chiến tranh xâm lược, nhưng cuối cùng đã phải chấp nhận thất bại, ký Hiệp định Pa-ri (27-01-1973), công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, rút hết quân đội Mỹ về nước. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng ngày 30-4-1975, đã thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập, thống nhất và hòa bình; là chiến thắng của chủ nghĩa anh hùng, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Hồ Chí Minh là tinh hoa, khí phách của dân tộc, là tiêu biểu của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để làm nên Chiến thắng.

Tạo dựng vị thế của đất nước và dân tộc không chỉ bằng chiến thắng vẻ vang, oanh liệt, mà Hồ Chí Minh còn đặc biệt chú trọng sự nghiệp kiến quốc, phát triển đất nước. Năm 1945, Người đặt ra yêu cầu làm sao nước ta, dân ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu trở thành một dân tộc văn minh, phú cường, sánh vai với các cường quốc năm châu. Người đề ra kế hoạch kiến quốc, để phát triển nông nghiệp, kỹ nghệ, trọng dụng nhân tài và bảo đảm cho mỗi người phát triển hết khả năng và tài năng của mình. Theo Người, xây dựng chủ nghĩa xã hội là làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người được tự do, ấm no, sung sướng, hạnh phúc, được học hành, chăm sóc sức khỏe, có nhà ở tử tế, trẻ con được nuôi dưỡng, giáo dục, người già được chăm sóc, người có cuộc sống khó khăn được giúp đỡ. Khi kháng chiến còn đang diễn ra ác liệt, Người đã nghĩ đến kế hoạch xây dựng lại đất nước sau chiến tranh đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Phải động viên toàn dân, dựa vào lực lượng, sáng kiến của toàn dân để xây dựng, phát triển đất nước, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Trong Di chúc, điều mong muốn cuối cùng của Hồ Chí Minh là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Thực hiện điều mong muốn của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân  ra sức phấn đấu xây dựng, phát triển đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ một nước phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, đói nghèo lại bị chủ nghĩa thực dân áp bức, chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã trở thành quốc gia độc lập, thống nhất, không ngừng phát triển về mọi mặt, sức mạnh vật chất tăng lên rất nhiều, có vị thế xứng đáng trong đời sống chính trị, kinh tế quốc tế. Đó là những biến đổi to lớn, sâu sắc, toàn diện mà ai cũng thấy rõ và không một người nào, một thế lực nào có thể phủ nhận. Đất nước và dân tộc Việt Nam đã sinh ra Hồ Chí Minh và chính Người đã làm rạng rỡ, vẻ vang dân tộc và đất nước Việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh trong sáng như ánh mặt trời, được cả dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế tôn vinh và kính yêu. Hồ Chí Minh là biểu tượng của những giá trị cao quý, niềm tin của nhân dân, của đất nước và dân tộc Việt Nam. Bất kỳ thế lực hay người nào đó, có những luận điệu, thủ đoạn xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đều không che đậy được âm mưu và ý đồ chính trị xấu, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc và là sự xúc phạm đến nhân dân và dân tộc Việt Nam.

Cần phải nhắc lại rằng, Nghị quyết 24C/18.65 của Đại hội đồng UNESCO khóa họp 24 tại Pa-ri, từ ngày 20-10 đến ngày 20-11-1987 vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng Giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Nghị quyết ghi rõ: “Nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”; “Nhận thấy những đóng góp quan trọng nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”10.

 

PGS, TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC

 

 


1- Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Tập 1, Nxb CTQG, H. 1993, tr. 94.

2- Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập 2, Nxb Giáo dục, H. 1999, tr. 252.

3- Hồ Chí Minh - Tiểu sử, Nxb Lý luận chính trị, H. 2006, tr. 161.

4- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 1.

5- Sđd, tr. 3.

6Sđd, tr. 204.

7- Sđd, tr. 522-523.

8- Archimedes L.A.Patti: Why Vietnam? Tại sao Việt Nam?, Nxb Đà Nẵng, 1995, tr. 257.

9- Sđd, tr. 383.

10- Báo Nhân dân cuối tuần, số 48 (1087), ngày 29-11-2009, tr. 2.

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.