Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Tư, 07/10/2020, 08:52 (GMT+7)
Hào khí Thăng Long - Hà Nội

Thăng Long - Hà Nội, một trong những Thủ đô lâu đời trên thế giới, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. Trải qua 1010 năm thăng trầm lịch sử, người dân Thủ đô sinh sống, lao động, đối phó với thiên tai, địch họa, hình thành nền văn hiến, hào khí Thăng Long - Hà Nội, tỏa chiếu mọi miền đất nước, sánh ngang cùng các thành phố, thủ đô, trung tâm văn hóa, chính trị cổ kính, hoa lệ trên thế giới.

Khát vọng hòa bình

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, các thế hệ ông, cha ta vẫn luôn khát khao một “Thăng Long phi chiến địa”, không đau thương, mất mát, chỉ có hòa bình, độc lập, tự do. Khi quân giặc lăm le xâm lược, dân tộc Việt Nam luôn tìm mọi cách trì hoãn, không để chiến tranh xảy ra, chỉ tiến hành chiến tranh khi không còn con đường nào khác.

Thăng Long - Hà Nội luôn là mục tiêu tiến công của quân xâm lược, đồng thời là nơi chứng kiến và ghi dấu những chiến công hiển hách của dân tộc Đại Việt trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Mỗi khi đất nước lâm nguy, tinh thần Thăng Long lại ngời sáng, người dân Kinh kỳ cùng nhân dân cả nước nhất tề nổi dậy, quyết chiến với kẻ thù, bảo vệ giang sơn, xã tắc. Quân giặc mạnh, ta chưa đủ sức chống trả thì chủ động rút lui bảo toàn lực lượng, nhường lại Kinh thành cho giặc tạm chiếm. Khi chuẩn bị đầy đủ mọi mặt thì trở về lấy lại Kinh thành, quét sạch quân xâm lược ra khỏi non sông, bờ cõi. Mỗi khi bị kẻ thù xâm lược, từ làng quê đến thành thị, từ thanh niên trai tráng đến các bô lão, từ trẻ em đến phụ nữ, người tay cày, tay gươm, người tay bút, tay súng, vừa lao động, vừa đánh giặc giữ nước. Người dân Thăng Long - Hà Nội luôn mong muốn được sống trong hòa bình, không phải trải qua cảnh binh đao, khói lửa “máu chảy, đầu rơi”, đó cũng là truyền thống yêu nước ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Thăng Long - Hà Nội dù nhỏ bé, luôn cùng đất nước trải qua các cuộc chiến tranh, nhưng không vì thế mà người Thăng Long chịu khuất phục trước những thế lực lớn mạnh. Thế kỷ thứ XI, khi phong kiến phương Bắc lăm le xâm lược nước ta, Thái úy Lý Thường Kiệt - người con của Kinh thành Thăng Long đã chủ động mang quân đánh thẳng vào thành Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu của giặc, sau đó lui về chỉ huy quân, dân nhà Lý lập phòng tuyến chặn giặc trên sông Như Nguyệt. Ông cho người bí mật đọc bài thơ “Nam quốc sơn hà” trước trại quân địch như một bản tuyên ngôn độc lập, khẳng định chủ quyền đất nước và hiệu triệu, khích lệ dân tộc Đại Việt đứng lên đánh giặc giữ nước. Sang thế kỷ XIII, khi quân Nguyên - Mông tiến hành xâm lược Đại Việt, trước thế giặc mạnh như vũ bão, để bảo toàn lực lượng, vua tôi nhà Trần chủ động rút lui, thực hiện Kế sách thanh dã - “vườn không, nhà trống”, chấp nhận cho giặc tạm chiếm Kinh thành, đồng thời bí mật chuẩn bị mọi mặt đợi thời cơ đến. Khi thời cơ chín muồi, vua tôi nhà Trần đồng lòng “anh em hòa mục”, cả nước góp sức tạo nên sức mạnh to lớn quét sạch quân giặc ra khỏi bờ cõi. Năm 1426, Nghĩa quân Lam Sơn dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và Nguyễn Trãi tiến ra bao vây thành Đông Quan, với phương châm “vừa đánh, vừa đàm”, “vây thành, diệt viện”, ta đã dập tắt mọi hy vọng của giặc Minh, buộc Vương Thông phải lên đàn thề, từ bỏ dã tâm xâm lược và xin rút quân về nước. Năm Kỷ Dậu (1789) vua Quang Trung thống lĩnh đại quân Tây Sơn hành quân thần tốc ra Bắc tiêu diệt đồn Ngọc Hồi, Khương Thượng, đánh thẳng vào kinh thành Thăng Long. Sau khi thắng giặc nhà Vua cho lập đàn chẩn tế, tu sửa chùa Bộc làm nơi quy y cho quân sĩ nhà Thanh. Những chiến thắng và hành động nhân văn đó đã thể hiện khát vọng hòa bình, truyền thống nhân nghĩa của người dân Thăng Long - Hà Nội và dân tộc Việt Nam.

Thế kỷ thứ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, người Hà Nội trung dũng, kiên cường, “sống chết với Hà Thành”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, làm cho quân Pháp “ăn không ngon, ngủ không yên”. Đến khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, người Hà Nội không ngại hy sinh, gian khổ, một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Thời cơ đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hà Nội nhất tề đứng lên giành chính quyền, thắng lợi của phong trào cách mạng tại Hà Nội đã cổ vũ nhân dân cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ phát xít Nhật. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, lãnh tụ Hồ Chí Minh long trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Bản Tuyên ngôn khẳng định với thế giới khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Đế quốc Mỹ sau khi đánh chiếm miền Nam Việt Nam, tiến hành leo thang đánh phá miền Bắc, dưới “mưa bom, bão đạn”, người Hà Nội bình tĩnh, ngoan cường cùng các lực lượng lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, đánh sập “uy thế không lực Hoa Kỳ”, buộc Đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris rút quân khỏi Việt Nam. Với ý chí chiến đấu bất khuất, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, người Thăng Long - Hà Nội khiến bạn bè quốc tế phải thán phục, đồng thời khẳng định “Hà Nội - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

Khát vọng vươn xa

Thăng Long - Hà Nội là nơi tụ hội người dân từ mọi miền Tổ quốc và không ít người nước ngoài đến sinh sống, học tập và làm việc, họ không chỉ mang theo tinh hoa văn hóa mà còn mang theo tập quán quê hương, tạo nên cho Thăng Long - Hà Nội như cái sàng, sàng lọc, gom nhặt những cái đẹp nhỏ bé của bốn phương để làm giàu cho mình, đồng thời cũng loại bỏ những gì không thích hợp để rồi ổn định, định hình, định tính, định vị cái thanh lịch và tán phát văn hóa Thăng Long đi muôn nơi. Nét đặc trưng văn hóa Thăng Long - Hà Nội là sự hòa hợp nếp sống người dân Thủ đô với người tứ chiếng, giữa người trong nước với người nước ngoài. Bên cạnh những nét riêng trong các yếu tố nhân chủng, thể chất, ngôn ngữ, người Hà Nội có một số tư chất, nội tâm, đường ăn nết ở tài hoa, thanh lịch. Cái tư chất người Thăng Long thời phong kiến là giữ được cái căn bản của nền văn minh lúa nước. Cái chất của người Hà Nội thời Pháp thuộc là tài hoa và khí phách cách mạng anh hùng.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, người Hà Nội phát huy tinh thần năng động, sáng tạo được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Người Thăng Long - Hà Nội tự hào về cái “thanh lịch” của mình, thể hiện trong giao tiếp, ứng xử luôn giữ gìn thuần phong mỹ tục truyền thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn minh, hiện đại của bốn phương; trong gia đình luôn coi trọng nền nếp, gia phong, lấy chữ “hiếu” làm đầu, v.v. Nhân cách, nét ứng xử đẹp của người Thăng Long - Hà Nội được xây dựng từ các giá trị văn hiến truyền thống và hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, đồng thời đó cũng là nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng để phát triển Thủ đô. Bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, người Hà Nội nâng cao phẩm chất trí tuệ, tài năng, tâm hồn, tình cảm, lý tưởng, ý chí vươn lên và hành động mang bản sắc Thăng Long - Hà Nội, mang dấu ấn văn hóa tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc, đó cũng là vinh dự, trách nhiệm của mỗi người dân Hà Nội và nhân dân cả nước.

Bước vào thời kỳ hội nhập, Hà Nội luôn tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, quan hệ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân, tăng cường quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị. Đến nay, Hà Nội đã thiết lập quan hệ hữu nghị với nhiều thủ đô, thành phố của các quốc gia, vùng lãnh thổ; luôn coi trọng và thúc đẩy quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất, nhất là củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác với các nước láng giềng truyền thống, các nước trong khối ASEAN, v.v. Trong khuôn khổ hợp tác đa phương, thường xuyên duy trì và phát huy vai trò tích cực, thành viên có trách nhiệm của các tổ chức: thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO); tổ chức Pháp ngữ quốc tế (OIF); mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ XXI (ANMC21), Hiệp hội các thành phố lớn trên thế giới (Metropolis), Mạng lưới các thành phố thông minh (ASCN), Mạng lưới các chính quyền địa phương về quản lý dân cư (Citynet), v.v. Ngoài ra, còn là trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, v.v. Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động giao lưu, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân Thủ đô với nhân dân nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều di sản văn hóa, danh hiệu cao quý của Thủ đô được UNESCO vinh danh, nổi bật là danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”.

Để tiếp tục giữ vững và khẳng định vị thế “Thủ đô ngàn năm văn hiến”, “Thành phố vì hòa bình”, hướng tới xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động tham gia và nắm bắt cơ hội của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế. Theo đó, Hà Nội phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước và khu vực; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tăng cường các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch để phát huy hơn nữa những giá trị của “Thành phố vì hòa bình”, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại xứng tầm “Thủ đô ngàn năm văn hiến”.

 “Thăng Long” tên gọi của Thủ đô hàng ngàn năm lịch sử mang theo khát vọng của một dân tộc luôn vươn lên bằng sự sáng tạo. Hà Nội, nơi gặp gỡ Đông - Tây, được coi là thành phố của sự đa dạng văn hóa, sáng tạo trên mọi lĩnh vực, nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy sự sáng tạo. Người Hà Nội luôn cởi mở và sẵn sàng đón nhận ý tưởng mới, là cơ sở quan trọng để kết nối với quốc tế. Với những đóng góp tích cực của “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội vinh dự trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Với “hào khí Thăng Long”, Hà Nội tích cực tham gia và phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong các hoạt động hợp tác quốc tế, để hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng sáng tạo từ ngàn năm trước.

Tiếp nối truyền thống ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình, xứng đáng với danh hiệu Thành phố sáng tạo, Hà Nội đoàn kết, thống nhất, đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị thế, vai trò gương mẫu của Thủ đô như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

TRẦN TOÀN

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.