Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:42 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Friedrich Engels là một trong những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học, được nhân loại tôn vinh là nhà bác học “bách khoa”, nhất là lĩnh vực khoa học quân sự. Ông cùng với Karl Marx tạo nên bước ngoặt cách mạng vĩ đại, đặt nền tảng thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho lý luận về chiến tranh và xây dựng quân đội của giai cấp vô sản, về phương thức bảo vệ thành quả của cách mạng.
Sinh thời, Friedrich Engels đã dày công nghiên cứu và công bố hàng trăm bài phóng sự về các vấn đề quân sự; xuất bản nhiều tác phẩm quân sự có giá trị, tiêu biểu, như: “Tiểu luận về chiến tranh”, “Chiến tranh nông dân ở Đức”, “Quân đội”, “Chống Duhrinh”, “Châu Âu có thể giải trừ quân bị được không”... Các tác phẩm quân sự của ông hàm chứa những khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật của phép biện chứng duy vật, được vận dụng trong xem xét những vấn đề về chiến tranh và hòa bình; quân sự, quốc phòng và xây dựng quân đội; khởi nghĩa vũ trang và đấu tranh cách mạng; trong đó có vấn đề xây dựng tiềm lực kinh tế quân sự để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Lý luận quân sự của Friedrich Engels đã chỉ ra mối liên hệ phụ thuộc giữa chiến tranh và kinh tế, mối quan hệ biện chứng giữa trang bị kỹ thuật, vũ khí và con người trong chiến tranh; vạch ra tính quy luật của sự phát triển các ngành quân sự phục vụ chiến tranh; chỉ ra sự lệ thuộc các phương thức tiến hành chiến tranh vào cơ sở kinh tế của xã hội, vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, từ đó nêu ra sự cần thiết phải chăm lo xây dựng và tăng cường tiềm lực kinh tế quân sự của nhà nước vô sản. Friedrich Engels viết: “Không có gì lại phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế tiên quyết hơn là chính ngay quân đội và hạm đội. Vũ trang, biên chế, tổ chức, chiến thuật, chiến lược phụ thuộc trước hết vào trình độ sản xuất đạt được trong một thời điểm nhất định và vào phương tiện giao thông”1.
Theo luận điểm của Friedrich Engels, tiềm lực kinh tế quân sự là một bộ phận đặc biệt của tiềm lực kinh tế đất nước, trực tiếp cung cấp trang bị, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất cho tiềm lực quân sự để tạo nên sức mạnh quân sự. Tiềm lực kinh tế quân sự bao gồm bộ phận đang phục vụ thường xuyên cho nhu cầu quân sự và bộ phận ở dạng tiềm năng của nền kinh tế quốc dân có thể huy động sử dụng cho nhu cầu tăng cường sức mạnh quân sự của nhà nước khi cần thiết. Quy mô phát triển của tiềm lực kinh tế quân sự chịu sự tác động, chi phối của nhiều yếu tố, nhưng trước hết và trực tiếp là sự phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế của đất nước. Tiềm lực kinh tế quân sự nếu được nhà nước chăm lo xây dựng, phát triển sẽ có tác động tích cực đến xây dựng, phát triển tiềm lực quân sự, tiềm lực chính trị-tinh thần của đất nước. Có tiềm lực kinh tế quân sự mạnh, quân đội và nhân dân sẽ càng tin tưởng vững chắc vào khả năng nhà nước của giai cấp vô sản sẽ đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược, cả trong chiến tranh thông thường và chiến tranh hiện đại để bảo vệ những thành quả của cách mạng.
Nghiên cứu các cuộc chiến tranh trên thế giới, Friedrich Engels chỉ rõ nhân tố hậu phương vững chắc của cuộc chiến tranh có vai trò quan trọng tạo nên tiềm lực kinh tế quân sự, là một yếu tố thường xuyên quyết định sự thành bại của chiến tranh. Friedrich Engels cho rằng, hậu phương là nơi xây dựng và dự trữ tiềm lực của chiến tranh cả về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật…; là nơi chi viện nhân lực, vật lực và là chỗ dựa chính trị-tinh thần cho các lực lượng ở tiền tuyến. Tiền tuyến muốn đánh thắng địch thì phải có hậu phương vững mạnh về mọi mặt, trong đó có tiềm lực kinh tế quân sự được xây dựng và tăng cường từ thời bình. Đây là một trong những vấn đề có tính chiến lược và quyết định sống còn đối với thắng lợi của toàn bộ cuộc chiến tranh cách mạng. Vì vậy, Friedrich Engels đã khẳng định: “… toàn bộ việc tổ chức và phương thức chiến đấu của quân đội, và do đó thắng lợi hay thất bại rõ ràng là phụ thuộc vào các điều kiện vật chất, nghĩa là điều kiện kinh tế, vào nhân lực và vũ khí, nghĩa là vào số lượng và chất lượng của dân cư và của kỹ thuật nữa”2. Ngoài ra, Friedrich Engels còn đề cập đến vấn đề phải đẩy mạnh trí tuệ hóa lực lượng quân đội cách mạng để tiến hành hiện đại hóa nền quốc phòng và quân đội; chú trọng sử dụng những kỹ sư dân sự nhằm tăng tính năng động, hiệu quả hoạt động của việc tăng cường tiềm lực kinh tế quân sự…
Vladimir I.Lenin đã vận dụng và phát triển sáng tạo những quan điểm, tư tưởng lý luận của Friedrich Engels về vấn đề xây dựng tiềm lực kinh tế quân sự để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN). Người nêu rõ: “Trong chiến tranh hiện đại, tổ chức kinh tế có một ý nghĩa quyết định”3; để chuẩn bị quốc phòng, ngăn chặn chiến tranh, phải “bắt đầu phát triển kinh tế”. Thực tiễn trong những năm là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Xô-viết, Vladimir I.Lenin đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tăng cường tiềm lực kinh tế quân sự của đất nước, góp phần quyết định đập tan mưu đồ xâm lược, thôn tính của chủ nghĩa đế quốc đối với nước Nga Xô-viết, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN đầu tiên trên thế giới.
Đảng ta trong hơn 88 năm qua luôn trung thành và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề chiến tranh và quân đội, đặc biệt vấn đề xây dựng, tăng cường tiềm lực kinh tế quân sự. Đảng và Nhà nước ta đã giải quyết một cách biện chứng mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế từ trong thời bình và khi có chiến tranh xảy ra, góp phần tạo nên sức mạnh quốc phòng, quân sự của đất nước để đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay đã tạo những cơ hội, điều kiện thuận lợi để tăng cường tiềm lực kinh tế quân sự, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức mới. Trong khi đó các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta, nhằm mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng ta, xóa bỏ chế độ XHCN và những thành quả cách mạng. Nếu có thời cơ, chúng sẽ không từ bỏ tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta với mọi quy mô. Vì vậy, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm đến xây dựng, tăng cường tiềm lực kinh tế quân sự, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Đó là cơ sở để Quân đội ta tăng cường khả năng “giữ nước từ khi nước chưa nguy” và ngăn ngừa có hiệu quả “các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”4 theo quan điểm Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra; bảo đảm cho đất nước không bị động, bất ngờ, sẵn sàng ứng phó thắng lợi với mọi tình huống trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá, ThS. NGUYỄN ĐỨC THẮNG ______________
1 - Karl Marx và Friedrich Engels - Toàn tập, Tập20, Nxb CTQG, Hà Nội, 1994, tr.235.
2 - Karl Marx và Friedrich Engels - Toàn tập, Tập 20, Nxb CTQG, Hà Nội, 1994, tr.241.
3 - V.I.Lenin - Toàn tập, Tập 34, Nxb Tiến Bộ, Moscow, 1976, tr.260.
4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.149.
Nguồn: qdnd.vn
Ngày sinh Ăng-ghen
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội