Thứ Bảy, 23/11/2024, 08:14 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh không chỉ là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà lãnh đạo chính trị, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà báo và nhà thơ nổi tiếng, mà còn là nhà lý luận chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã để lại nhiều tác phẩm lý luận có giá trị soi sáng con đường cách mạng Việt Nam.
1. Trường Chinh - Chân dung một nhà lý luận lớn
Đồng chí được biết đến là một tác giả nổi tiếng với những tác phẩm mang đậm tính chiến đấu và tính lý luận, như: “Chống chủ nghĩa cải lương” (1935); “Vấn đề dân cày” (viết chung với đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1937-1938); “Chính sách mới của Đảng” (1941); Đề cương văn hóa Việt Nam (1943);“Cách mạng Tháng Tám”(1946); “Kháng chiến nhất định thắng lợi” (1947); “Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam” (1948); “Bàn về cách mạng Việt Nam” (1951); “Nắm vững ba bài học lớn để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược” (1986), v.v. Thông qua những tác phẩm này, Đồng chí đã làm rõ những vấn đề lý luận căn bản nhất của cách mạng: Một là, lý luận về việc vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước, đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp với cách mạng Việt Nam; hai là, làm rõ lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, góp phần làm phong phú hơn kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam.
Thông qua các bài viết, các tác phẩm của mình, Đồng chí xác định rằng, cách mạng tư tưởng và văn hóa là một bộ phận hữu cơ của toàn bộ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và cuộc cách mạng này có ba nhiệm vụ chủ yếu là: xây dựng tư tưởng mới, xây dựng nền văn hóa mới và xây dựng con người mới.
Theo Đồng chí, xây dựng tư tưởng mới, trước hết cần tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đường lối, chính sách của Đảng chiếm ưu thế tuyệt đối trong đời sống chính trị và tinh thần của nhân dân ta, làm cho đường lối, chính sách của Đảng thấu suốt trong cán bộ, đảng viên và quần chúng. Bởi, thực tiễn chỉ ra rằng, mọi sai lầm, lệch lạc trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên đều xuất phát từ việc không học tập đầy đủ chủ nghĩa Mác - Lê-nin và không thấm nhuần chủ trương, đường lối của Đảng. Vì vậy, cần giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về thời kỳ quá độ, về cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa; đồng thời, kiên quyết chống mọi thủ đoạn phá hoại về tư tưởng, văn hóa của chủ nghĩa đế quốc và bọn bành trướng, chống mọi tư tưởng phi vô sản khác (điều mà hiện nay ta gọi là biểu hiện “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” nội bộ). Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ rõ những biểu hiện cụ thể, đó là: “… nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, phát luật của Nhà nước”1.
Để xây dựng nền văn hóa mới - nền văn hóa dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, phải làm cho hoạt động của các ngành giáo dục, khoa học và kỹ thuật, văn học, nghệ thuật, y tế, thể dục, thể thao,... có những biến đổi sâu sắc hơn, toàn diện hơn; phải đưa văn hóa thâm nhập vào cuộc sống hằng ngày của nhân dân, xây dựng nếp sống mới, nếp sống xã hội chủ nghĩa; đồng thời, phải kiên quyết đấu tranh xóa bỏ những hủ tục của xã hội cũ, v.v. Nền văn hóa đó phải lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đường lối của Đảng làm kim chỉ nam cho hành động.
Xây dựng con người mới, con người có tư tưởng đúng và tình cảm đẹp, có trí tuệ và tài năng phát triển, có đạo đức và phẩm chất trong sáng, con người phát triển toàn diện. Đó là một quá trình gắn liền với cải tạo xã hội, cải tạo thiên nhiên và được tiến hành đồng thời với ba cuộc cách mạng. Qua đấu tranh cách mạng, hoạt động thực tiễn và lao động sáng tạo, con người mới từng bước được hình thành.
Những quan điểm đó đã góp phần quan trọng vào việc hình thành và hoàn thiện hệ thống quan điểm hoàn chỉnh, đúng đắn, sắc bén và sáng tạo của Đảng ta trong việc vận dụng linh hoạt chủ nghĩa Mác-Lê-nin vào việc xây dựng nền văn hóa của Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đồng chí đã phân tích và phát triển quan điểm kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ của Đảng. Trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, trình bày một cách súc tích, sáng tạo những vấn đề lý luận cốt lõi về các chặng đường của cuộc kháng chiến, góp phần củng cố niềm tin và nâng cao ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Những chủ trương này cùng với thực tiễn cách mạng sinh động đã góp phần mang lại thắng lợi cho dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Bác Hồ là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng đề ra đường lối cụ thể, chỉ đạo cụ thể về lý luận với cuốn Kháng chiến nhất định thắng lợi, là do anh Trường Chinh”2.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Trường Chinh đã cùng tập thể Bộ Chính trị có những đóng góp lớn vào việc chuẩn bị và đưa ra những quyết sách chiến lược đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Là một nhà lý luận sắc sảo, Đồng chí đã nhìn ra những vấn đề bất cập trong đường lối phát triển đất nước, nhận thức rõ xu thế tất yếu của thời đại trong những năm thập kỷ 80 (thế kỷ XX). Vì vậy, ở cương vị Tổng Bí thư, Đồng chí đã đề xuất chủ trương đổi mới đất nước và coi đây là vấn đề bức thiết có tầm quan trọng “sống còn”, được coi là người khởi nguồn cho sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam; tạo bước ngoặt lớn trong tư duy lý luận của Đồng chí nói riêng và của Đảng ta nói chung.
2. Quan điểm của đồng chí Trường Chinh về công tác giáo dục lý luận chính trị
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lý luận: “là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”3 và “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế” và “không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm”4, … làm cơ sở để đồng chí Trường Chinh đề ra lý luận chính trị của Đảng. Lý luận được Đồng chí nhắc đến trong các tác phẩm của mình chính là lý luận trong công tác của Đảng, cụ thể là: lý luận chính trị, lý luận cách mạng, lý luận về con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đoàn kết dân tộc; lý luận về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, v.v.
Giáo dục lý luận chính trị là giải thích, tuyên truyền những vấn đề thuộc lý luận chính trị, bằng việc đi sâu giải thích các sự vật hiện tượng diễn ra trong tự nhiên, xã hội, trên cơ sở đó xây dựng cơ sở khoa học cho nhận thức và niềm tin của con người để đi đến hành động đúng đắn. Công tác giáo dục lý luận chính trị là hoạt động có chủ đích của Đảng Cộng sản nhằm xác lập thế giới quan khoa học trên cơ sở hệ tư tưởng, lập trường của giai cấp công nhân, đó là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
* Về nội dung và mục đích giáo dục lý luận chính trị
Với đồng chí Trường Chinh, công tác giáo dục lý luận chính trị chính là “chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về thời kỳ quá độ, về cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa”5, đồng thời phải “kiên quyết chống lại mọi thủ đoạn phá hoại về tư tưởng văn hóa” của các thế lực thù địch và những tàn tích của chế độ cũ.
Trong tác phẩm “Bàn về cách mạng Việt Nam” (1951), đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh những nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng, trong đó phải kể đến công tác giáo dục lý luận chính trị. Bởi lẽ, hoạt động lý luận của người cán bộ là phải đáp ứng yêu cầu của người cách mạng, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và huấn luyện đảng viên: “Tổ chức việc giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đường lối, chính sách của Đảng và kiến thức văn hóa phổ thông cho cán bộ, công tác cán bộ cốt làm cho người học biết vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đường lối, chính sách của Đảng vào hoàn cảnh của mình, biết xuất phát từ những điều cụ thể và những đặc điểm của phong trào mỗi lúc, mỗi nơi, không phạm phải chủ nghĩa cơ hội, không giáo điều, máy móc”6. Mỗi cán bộ, đảng viên: “cần ra sức học tập, tránh tự mãn…; cần phải luôn luôn nghiên cứu chính trị, học tập chính sách của Đảng và Chính phủ, học tập văn hóa và chuyên môn, học tập quần chúng nhân dân nước ta và học tập kinh nghiệm của nhân dân các nước bạn”7.
Theo Đồng chí, công tác giáo dục lý luận chính trị phải luôn tuân thủ phương châm lý luận phải gắn liền với thực tiễn - một nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; lý luận phải đem ra thực hành, thống nhất với thực tiễn “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”8. Đường lối, chính sách của Đảng không phải là sự sao chép trong các tác phẩm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin hoặc trong nghị quyết, chỉ thị của các đảng anh em mà phải do Đảng vận dụng đúng đắn và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện cụ thể của nước ta mà đề ra. Và đường lối, chính sách của Đảng cũng không thể một lần định ra là hoàn chỉnh xong xuôi mà cần được điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thi hành sao cho đúng đắn và phù hợp.
Từ thực tiễn hoạt động chiến đấu và lãnh đạo của mình, Đồng chí đã chứng minh rằng, xây dựng đường lối, chính sách, chủ trương, biện pháp, kế hoạch phải xuất phát từ thực tiễn, từ những đòi hỏi bức thiết của thực tiễn cách mạng, lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn chân lý, làm nguồn cung cấp cứ liệu và kinh nghiệm sinh động cho hoạt động nghiên cứu lý luận và cho việc đề xuất lý luận.
* Về hình thức và phương pháp giáo dục lý luận chính trị
Thông qua các tác phẩm lý luận của mình, đồng chí cũng đã chỉ ra các hình thức và phương pháp giáo dục lý luận chính trị, như: học tập ở trường lớp, sách vở học tập giữa những người đồng chí, học ở nhân dân. Bên cạnh đó, đồng chí còn đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học lý luận thông qua hệ thống đào tạo và bồi dưỡng của Nhà nước.
Trong các giai đoạn, 1956 - 1957 và 1961 - 1966, Đồng chí được Bộ Chính trị phân công phụ trách Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng cho công tác giáo dục lý luận của Đảng; định ra chế độ học tập đối với ủy viên Trung ương Đảng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; đề xuất về chương trình, giáo trình giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên lý luận. v.v.
Ngày 29 - 01 - 1962, trong cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về công tác giáo dục lý luận, đồng chí Trường Chinh đã nêu và bổ sung một số đề nghị đối với việc học tập của các cán bộ trong Trung ương Đảng với nhiều chương trình, hình thức đào tạo: dài hạn, tập huấn, tại chức; gắn đào tạo với kiểm tra; quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên để thay thế chuyên gia nước ngoài. Cũng tại hội nghị này, Đồng chí đã cho ý kiến về chương trình của Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc và đặt mục tiêu đến giữa kế hoạch 5 năm (1961-1965) đội ngũ giảng viên Việt Nam phải đảm nhiệm được 70% công tác giảng dạy lý luận.
Công tác giáo dục lý luận chính trị còn được đồng chí Trường Chinh chú trọng và đề cập trong nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, như: cuộc họp ngày 24-12-1962, bàn về công tác cải tiến học tại chức và cải tiến giáo dục ở trường Đảng sơ cấp và cơ sở, Đồng chí chỉ rõ cần kế hoạch hóa việc bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, đa dạng hóa các hình thức học tập và chú trọng tính thực tế của việc học. Đồng thời, đề nghị Bộ Chính trị nên có một hội đồng để giải đáp được một số vấn đề lý luận mà ngay cả Bộ Chính trị cũng chưa nhất trí. Đây là một sáng kiến của đồng chí Trường Chinh để tiến tới thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương.
Việc giáo dục lý luận chính trị một cách chính xác, kịp thời có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhận thức đúng đắn chiều hướng và quy luật phát triển của xã hội cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân; định hướng mục tiêu và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam trong mọi thời điểm.
3. Ý nghĩa công tác giáo dục lý luận chính trị trong tình hình hiện nay
Do yêu cầu của sự nghiệp đổi mới có những vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho công tác lý luận cần phải giải quyết và để đảm bảo cho công tác này bắt kịp với sự biến đổi của tình hình, một trong những yêu cầu cần quan tâm là nghiên cứu sâu sắc và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn.
Những năm qua, công tác tư tưởng nói chung, công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng đã có sự tác động sâu sắc đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Một khi công tác giảng dạy lý luận chính trị được tổ chức có hiệu quả thì đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ thấm nhuần các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngược lại, nếu công tác giáo dục lý luận chính trị không được quan tâm đúng mức thì sẽ không tránh khỏi những nhận thức sai lầm, khuyết điểm trong hoạt động thực tiễn. Vì thế, công tác giáo dục lý luận chính trị phải tạo sự đồng thuận trong nội bộ Đảng cũng như trong toàn thể nhân dân; bảo đảm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, mà trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy chính quyền các cấp vững về tư tưởng chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức, năng lực hoạt động thực tiễn, gắn bó với nhân dân.
Việc nghiên cứu quan điểm của đồng chí Trường Chinh về công tác giáo dục lý luận chính trị hiện nay có ý nghĩa hơn bao giờ hết, đặc biệt đối với việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trường Chinh, noi gương nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, chúng ta nguyện phấn đấu học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, trình độ trí tuệ và lý luận chính trị, phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
PGS, TS. HOÀNG PHÚC LÂM, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ________________________
1- Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr. 28.
2 - Võ Nguyên Giáp - Đồng chí Trường Chinh - Người Cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng nước ta, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 08-02-2007.
3 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 497.
4 - Sđd, Tập 7, tr.231.
5 - Trường Chinh - Về cách mạng tư tưởng văn hóa, Nxb Sự thật, H. 1984.
6 - Trường Chinh - Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Tập 1, Nxb Sự thật, H. 1974, tr. 177.
7 - Sđd, Tập 2, tr. 303.
8 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 8, tr. 497.
Trường Chinh,110 năm ngày sinh
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội