Thứ Hai, 28/04/2025, 13:58 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ có nhiều đóng góp quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Một trong những đóng góp ấy là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, cùng nhìn lại đóng góp ấy của Ông.
Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (Bí danh Ba Nghĩa), sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức tại Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, phủ Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Từ khi 11 tuổi (năm 1921), Nguyễn Hữu Thọ sang du học tại Pháp, tốt nghiệp cử nhân luật loại xuất sắc tháng 9/1932. Năm sau đó, Ông về nước, làm việc tại một văn phòng của luật sư người Pháp, rồi mở văn phòng luật sư riêng. Đây là thời điểm phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh chống thực dân Pháp do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo bị khủng bố trắng, nhiều chiến sĩ yêu nước bị bắt bớ, tù đày, giết hại. Trực tiếp chứng kiến nhiều phiên tòa đại hình ở Sài Gòn, với các bản tuyên án vô cùng tàn bạo, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhận thấy luật pháp của chính quyền thực dân chỉ là trò mị dân, thực chất chánh án tại các phiên tòa là những tên đao phủ, phạm nhân là những người lương dân yêu nước, vô tội. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, giành thắng lợi đã thức tỉnh Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đến với cách mạng. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ông là Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng cố vấn (Quốc hội) Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Sau khi đất nước thống nhất (năm 1975), đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 6/1976), Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 4/1980) và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 7/1981), v.v. Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1981-1987), đồng thời trên cương vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1989 - 1994), cho tới những năm cuối đời, với kiến thức luật học uyên bác, tinh thần trách nhiệm cao với Tổ quốc và Nhân dân, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã hoạt động không mệt mỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó, đóng góp to lớn vào xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thể hiện trên một số vấn đề sau:
Luôn lo lắng là làm sao cho nhân dân “được ăn no, mặc ấm, được học hành” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ nhận thấy đất nước vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh chống xâm lược lâu dài và gian khổ, nhưng lại phải đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới: đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới của Tổ quốc, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đều giảm sút, lạm phát gia tăng, làm cho đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế đó, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã đi khảo sát ở cơ sở, nhận thấy rằng, cung cách điều hành, quản lý trì trệ, cơ chế làm việc quan liêu, bảo thủ kéo dài, chậm được cải tiến, đổi mới là một nguyên nhân cản trở phát triển sản xuất, gây khó khăn cho đời sống nhân dân. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã có những quan điểm, đề xuất quan trọng về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý đất nước bằng luật pháp.
Đặc biệt quan tâm đến đổi mới hoạt động của Quốc hội. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ luôn suy nghĩ nhiều làm thế nào để Quốc hội thực sự là cơ quan lập pháp duy nhất, đồng thời là cơ quan giám sát tối cao đối với việc quản lý, điều hành các mặt hoạt động đời sống xã hội của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Trong thời gian chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa VIII, Đồng chí đã tập trung phân tích những mặt yếu kém, tồn tại của Quốc hội khóa VII và đưa ra một số phương hướng khắc phục. Để Quốc hội thực sự đảm đương vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất, Đồng chí đã làm rõ mối quan hệ Đảng lãnh đạo Quốc hội và Nhà nước, trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Quan điểm này khẳng định tính dân chủ, khoa học trong khoa học lãnh đạo và thể hiện tính đảng, tính giai cấp đúng đắn. Không chỉ có vậy, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ còn làm rõ Quốc hội khác Mặt trận Tổ quốc; hoạt động của các đại biểu Quốc hội, nội dung và phương thức điều hành một kỳ họp Quốc hội, v.v.
Cùng với đó, Đồng chí dành nhiều thời gian, công sức vào việc chỉ đạo hoạt động của các ủy ban của Quốc hội, nhất là Ủy ban Pháp luật. Đồng chí cho rằng, Ủy ban Pháp luật phải được nhanh chóng kiện toàn, phải thêm một số tiểu ban để soạn thảo các bộ luật cần thiết nhưng lại chưa có hoặc không còn phù hợp. Quản lý, điều hành mọi mặt của xã hội bằng các luật là phương thức bảo đảm dân chủ nhất và phải bắt đầu từ Hiến pháp. Vì vậy, Đồng chí đã cùng Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh tổ chức xây dựng dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Với uy tín và kiến thức luật học uyên bác của mình, Đồng chí đã cùng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tập hợp được các luật gia có danh tiếng tham gia soạn thảo bản Hiến pháp sửa đổi. Trong các cuộc họp của Ban dự thảo Hiến pháp, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã có những ý kiến rất thiết thực, góp phần hình thành bản Hiến pháp mới trình Quốc hội năm 1980. Khi được Quốc hội cử làm Quyền Chủ tịch nước (ngày 05/4/1980), đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã ký lệnh Công bố bản Hiến pháp năm 1980. Bản Hiến pháp này đã thể chế hóa đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước Việt Nam, khẳng định rõ quyền hạn và nghĩa vụ của công dân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.
Vấn đề dân chủ, thực hiện dân chủ và xây dựng pháp luật là nội dung được đồng chí Nguyễn Hữu Thọ quan tâm. Từ những năm 1980-1981, Đồng chí đã đề cập đến vấn đề soạn thảo và ban hành Bộ luật Dân sự. Đây là bộ luật lớn, quan trọng nhất sau Hiến pháp. Bộ luật Dân sự, quy định dân chủ về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân sẽ được cụ thể hóa theo cơ chế dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, hệ thống pháp luật, các bộ luật cũng như nền dân chủ của một quốc gia được xây dựng, phải qua thực tiễn kiểm nghiệm, sàng lọc và bổ sung dần để hoàn chỉnh; nền dân chủ của một đất nước phải gắn với thể chế chính trị, quyền lợi của đất nước, đặc điểm riêng của quốc gia - dân tộc đó. Đồng thời, rất chú trọng đến thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đồng chí đã nhìn thấy những yếu kém trong hoạt động của bộ máy nhà nước, đưa ra những vấn đề có tính chỉ đạo phải tập trung giải quyết để Hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực của nhân dân ở cơ sở, là công cụ làm chủ của nhân dân lao động.
Những cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đối với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không chỉ có giá trị về lý luận, mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, mang tính thời sự đối với việc xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân hiện nay.
NGUYỄN MAI LINH
Nguyễn Hữu Thọ,xây dựng Nhà nước pháp quyền
Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng nhân tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Dân quân tự vệ 10/04/2025
Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ cả nước 28/03/2025
Tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò lực lượng dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng 27/03/2025
Xứng đáng là cơ quan đầu ngành toàn quân về tham mưu, chỉ đạo công tác dân quân tự vệ 26/03/2025
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, ngang tầm nhiệm vụ 26/03/2025
Họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học “Chiến thắng Tây Nguyên 1975 và nửa thế kỷ xây dựng, phát triển Đắk Lắk” 27/02/2025
Đại tướng Phan Văn Giang dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Không quân nhân dân Việt Nam 27/02/2025
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết thăm và chúc mừng Học viện Quân y 27/02/2025
Gặp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 26/02/2025
Thư của Đại tướng Phan Văn Giang chúc mừng cán bộ, nhân viên, học viên, chiến sĩ Quân y toàn quân 25/02/2025
Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng nhân tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Dân quân tự vệ