Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Năm, 06/04/2017, 08:16 (GMT+7)
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07-4-1907 – 07-4-2017)
Đồng chí Lê Duẩn, người góp phần quan trọng làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Đồng chí Lê Duẩn trưởng thành từ thực tiễn của phong trào đấu tranh cách mạng ở Nam Bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, Đồng chí đảm đương các cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, có nhiều cống hiến to lớn đối với sự phát triển của cách mạng miền Nam. Trên cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Đồng chí đã có những đóng góp to lớn vào chủ trương, đường lối cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân và phương pháp đấu tranh cho cách mạng miền Nam; cùng với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đánh bại tên đế quốc sừng sỏ và bè lũ tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Một trong những đóng góp mang nét đặc trưng về chỉ đạo chiến lược của Đồng chí, đó là nghệ thuật làm thay đổi từng bước tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (lực lượng của ta ngày một lớn mạnh hơn, lực lượng địch ngày một suy yếu đi), cuối cùng kết thúc thắng lợi bằng trận quyết chiến chiến lược - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Đồng chí Lê Duẩn trên Đoàn Chủ tịch tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, tháng 9-1960. (Ảnh tư liệu)

Trước hết, quan điểm đánh giá so sánh lực lượng một cách sâu sắc, toàn diện của Đồng chí đã góp phần xây dựng niềm tin và định ra phương hướng tiến hành chiến tranh đúng đắn, sáng tạo. Vấn đề này, được Đồng chí tổng kết: “Thành bại của một cuộc cách mạng, nói cho cùng, là do lực lượng so sánh quyết định. Trong chiến tranh kẻ nào mạnh thì thắng, kẻ nào yếu thì thua. Song nói mạnh, yếu là nói theo quan điểm cách mạng, quan điểm phát triển, là căn cứ vào sự đánh giá tổng hợp cả quân sự và chính trị, cả thế, lực và thời cơ, cả điều kiện khách quan và nghệ thuật lãnh đạo, là xem xét các yếu tố ấy trong quá trình vận động, trong không và thời gian nhất định. Không thể chỉ lấy số lượng quân đội, đơn vị, đồn bốt, số lượng vũ khí, trang bị và phương tiện chiến tranh để so sánh và đánh giá mạnh yếu”1. Đó chính là quan điểm biện chứng về so sánh lực lượng và thế trận, cũng là cơ sở để Đồng chí nhận định về lực lượng Mỹ - ngụy: “Kẻ thù tuy đông về số lượng, mạnh về phương tiện kỹ thuật, song có những mặt yếu rất cơ bản không thể nào khắc phục được. Trái lại, quân và dân miền Nam, bên cạnh những mặt yếu lại có những mặt mạnh rất cơ bản”2. Mặt yếu rất cơ bản của địch là về lực lượng chính trị và thế trận, nói cách khác là nhân tố chính trị - tinh thần và nghệ thuật cầm quân; còn ta mạnh vì thế trận chiến tranh nhân dân, biết sử dụng nghệ thuật quân sự lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít thắng nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, biết hạn chế cái mạnh của địch trên chiến trường. Để từ đó, ta càng đánh càng mạnh, địch càng đánh càng yếu và sẽ thắng chúng trong một cuộc chiến đấu lâu dài; nếu ta biết “kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị là hai mũi tiến công rất lợi hại, tạo nên sức mạnh tổng hợp hết sức to lớn, làm cho lực lượng của 14 triệu đồng bào miền Nam được nhân lên gấp bội, đủ sức bẻ gãy mọi âm mưu và hành động quân sự, chính trị của Mỹ - ngụy, do đó làm lung lay và tiến tới đè bẹp ý chí xâm lược của giặc Mỹ”3.

Hai là, đề ra nhiều giải pháp quan trọng chuẩn bị lực lượng cho cách mạng miền Nam trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (20-7-1954), đất nước tạm thời chia cắt thành 2 miền, nhiều cán bộ ra Bắc tập kết, Đồng chí được Trung ương Đảng phân công trở lại Nam Bộ hoạt động. Trước khi rời Liên khu 5, với kinh nghiệm dạn dày của người chiến sĩ cộng sản, hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc, Đồng chí đã căn dặn các cán bộ Liên khu V: Phải chôn giấu vũ khí, đưa người và vũ khí lên xây dựng một số căn cứ ở Tây Nguyên, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến đấu mới. Với tinh thần đó, tại đây có nhiều đồng chí đã ở lại bám đất, bám dân để duy trì lực lượng và gây dựng phong trào, sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới. Sự cài cắm lực lượng và giấu vũ khí chuẩn bị chiến trường ngay từ ngày đầu thể hiện tư duy vượt trước rất sáng suốt của Đồng chí, giúp cho cách mạng miền Nam đứng vững trong những thời khắc vô cùng khó khăn; đây là nền tảng quan trọng để chuẩn bị về thế và lực của cách mạng miền Nam.

Tháng 10-1954, tại căn cứ Chắc Băng trong rừng U Minh, Vĩnh Thuận, tỉnh Cà Mau, Hội nghị thành lập Xứ uỷ Nam Bộ được tiến hành dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Duẩn. Hội nghị đã đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy đảng ở Nam Bộ, trong đó có vấn đề chuẩn bị lực lượng: “Phải khôn khéo, không chủ quan khinh địch, tránh địch khiêu khích, đề phòng mật thám, luôn luôn giữ gìn và củng cố lực lượng. Ta chuyển hình thức đấu tranh từ quân sự sang đấu tranh chính trị, vì vậy phải củng cố phát triển cơ sở nông thôn, đẩy mạnh công tác đô thị, phối hợp chặt chẽ công tác đô thị với nông thôn”4. Đồng thời, chuẩn bị về tư tưởng, chủ trương và biện pháp chuyển hướng hoạt động của Đảng bộ Nam Bộ rút vào bí mật và tập trung giải quyết hàng loạt công việc phải làm. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy, những cán bộ chưa bị lộ được phân công ở lại, nhanh chóng chuyển vào hoạt động bí mật. Vũ khí đạn dược được công khai chuyển lên tàu để đưa ra miền Bắc rồi đêm đến lại được bí mật chuyển xuống xuồng nhỏ đưa vào bờ rồi phân tán và chôn giấu các nơi. Nhiều đồng chí trở lại thành phố tìm cách luồn sâu vào các cơ quan chính quyền của địch và “không ít những cán bộ chiến sĩ an ninh, tình báo bí mật chuyển từ Bắc vào Nam để luồn sâu vào hậu phương quân địch chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài”5.

Sau khi đã củng cố được thế lực, chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm công khai xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ và tiến hành o ép quần chúng vào những khu dinh điền, mở hàng loạt chiến dịch “diệt cộng" với những tội ác rùng rợn, như: cắt tai, móc mắt, mổ bụng, moi tim gan những người cộng sản, gây nên cảnh hoảng loạn trong xã hội. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Duẩn vừa có mặt khắp nơi để động viên, khích lệ quần chúng và chỉ đạo phong trào, vừa trăn trở suy nghĩ đến những bước đi lâu dài của cách mạng miền Nam. Sau nhiều ngày trăn trở, tháng 8-1956, đồng chí Lê Duẩn đã hoàn thành cơ bản văn kiện Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam (gọi tắt là Đề cương cách mạng miền Nam). Trong đó, xác định phương pháp cách mạng miền Nam là vừa phải sử dụng đấu tranh hòa bình, vừa chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang khi tình hình thay đổi và đề ra chủ trương xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất để tập hợp lực lượng. Trong điều kiện lúc bấy giờ, bản Đề cương đã tạo bước đột phá cho cách mạng miền Nam, định hướng để các đảng bộ chuẩn bị lực lượng và khả năng vũ trang cách mạng; làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng đi theo cách mạng, sẵn sàng cho Phong trào Đồng khởi. Đề cương còn là một văn kiện quan trọng góp phần chuẩn bị cơ sở lý luận và tư tưởng chính trị để hình thành Nghị quyết Trung ương 15 năm 1959.

Hồ Chủ tịch và đồng chí Lê Duẩn tại Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (tháng 01-1959), xác định con đường đấu tranh cách mạng ở miền Nam. (Ảnh tư liệu)

Ba là, trong chỉ đạo chiến lược, Đồng chí thường xuyên chú trọng đến việc xây dựng lực lượng gắn với tạo thế để luôn chiếm ưu thế trước quân địch trong mọi không gian và thời gian. Đây là vấn đề cơ bản của nghệ thuật chỉ đạo chiến lược được Đồng chí thực hiện trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: “Trong quá trình chỉ đạo kháng chiến, chúng ta đã dần dần nắm được quy luật của chiến tranh, đã đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa ta và địch, thấy rõ chỗ mạnh chỗ yếu của đôi bên, luôn luôn chú trọng xây dựng thế và lực của ta ngày càng vững mạnh, lại biết nắm vững thời cơ và tạo được bất ngờ”6. Thực vậy, thời kỳ Chiến tranh một phía, Đồng chí đánh giá: “cuối năm 1959 đầu năm 1960, chế độ thống trị ở miền Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy ở thành thị, địch còn tương đối mạnh, nhưng trong nhiều vùng nông thôn rộng lớn, địch không thể cai trị nhân dân một cách bình thường được nữa; bộ máy ngụy quyền ở cơ sở từng phần đã suy yếu và bất lực”. Vì vậy, Đồng chí chỉ đạo, phải kiên trì phương hướng dựa vào lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị để tiến tới tổng khởi nghĩa, từ đó dẫn tới Phong trào Đồng khởi. Thời kỳ “Chiến tranh đặc biệt”, trong thư gửi đồng chí Nguyễn Văn Linh, Đồng chí cho rằng: “Xét cho cùng, cách mạng là do tương quan lực lượng quyết định; trong tương quan đó, lực lượng của ta gồm có lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Hiện nay về lực lượng chính trị có thể nói ta chiếm ưu thế tuyệt đối so với Mỹ - Diệm, nhưng về lực lượng vũ trang thì ta kém hơn địch nhiều”7, và yêu cầu: “Ta phải phát động quần chúng đấu tranh chính trị, phát triển lực lượng chính trị, xây dựng căn cứ địa, xây dựng lực lượng vũ trang, đánh địch cả về chính trị và quân sự”8. Với chủ trương đó, ta đã đánh bại âm mưu của địch bằng những trận như Ấp Bắc, Bình Giã,… và làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.

Đến thời kỳ “Chiến tranh cục bộ”, mặc dù Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, nhưng Đồng chí có sự đánh giá rất lạc quan: “Mỹ đưa quân sang trong lúc chúng ta đã triển khai lực lượng khắp cả miền Nam, ba thứ quân đã được hình thành; ba vùng chiến lược đã được xây dựng và củng cố. Dân quân du kích, bộ đội địa phương tỉnh, huyện đã đứng chân vững ở khắp nơi; bộ đội chủ lực đang được xây dựng thành những quả đấm mạnh và đã chiếm lĩnh các vị trí chiến lược trọng yếu…”9; đồng thời cho rằng, Mỹ yếu, mặc dù tiềm lực về kinh tế, quân sự mạnh hơn ta rất nhiều, bởi: “Nói đến mạnh, yếu là nói về lực lượng so sánh cụ thể, trong thời gian và không gian nhất định, chứ không phải là làm một bài tính đơn giản, máy móc. Chúng ta nhận định rằng hiện nay ở Việt Nam, Mỹ yếu cả về chính trị lẫn quân sự”10. Từ đó khẳng định, ta đã sẵn sàng cho cuộc chiến lâu dài, quân Mỹ nhất định sẽ chuốc lấy thất bại. Để thực hiện mục tiêu đó, theo Đồng chí, ta phải xây dựng lực lượng từ nhỏ đến lớn, ở từng vùng và trên toàn chiến trường; phải từ đánh du kích lẻ tẻ đến đánh vận động quy mô lớn, tiêu hao, tiêu diệt địch từ ít đến nhiều; phải xây dựng lực lượng dự bị chiến thuật lẫn lực lượng dự bị chiến lược ngày càng hùng hậu. Đồng thời chỉ đạo: “Phải tăng cường lực lượng và trình độ tác chiến của bộ đội địa phương; phát triển thật mạnh, thật rộng mạng lưới du kích xây dựng làng, xã chiến đấu, trang bị thêm cho du kích những vũ khí thông thường....”11; chăm lo củng cố, phát triển đội quân chính trị của quần chúng, phát động các tầng lớp nhân dân đứng lên làm chủ thôn, xã; gấp rút xây dựng bộ đội chủ lực thành những quả đấm mạnh, gồm những binh đoàn gọn, nhẹ; chú trọng xây dựng lực lượng dự bị cho cả quân chủ lực và quân du kích. Với chủ trương đó, ta đã chuẩn bị đủ lực lượng đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, tạo sự thay đổi thế và lực trên chiến trường, tạo sức mạnh tổng hợp làm cho “Chiến tranh cục bộ” hoàn toàn bị phá sản.

Thời kỳ “Việt Nam hóa chiến tranh”, Mỹ cho rằng ta không đủ sức đánh lâu dài thêm nữa và muốn có lợi cho việc đàm phán, nên với tiềm lực dồi dào chúng triển khai chính sách dùng người Việt đánh người Việt. Đồng chí thẳng thắn đánh giá, địch đã tiến hành một kiểu chiến tranh toàn diện chống lại cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện của ta, làm cho ta không mạnh lên, mà bị mất đất, mất dân, mất thế làm chủ, lực lượng bị hao mòn không bổ sung được; còn lực lượng địch vẫn mạnh, triển khai được thế kìm kẹp ở hầu khắp vùng đồng bằng. Tuy nhiên: “Có thể nói rằng, quân chủ lực ta, kể cả lực lượng dự bị chiến lược miền Bắc, chưa lúc nào hùng mạnh và sung sức như hiện nay”12. Trên cơ sở đó, Đồng chí chỉ đạo: “phải nhanh chóng tăng cường hơn nữa bộ đội địa phương tỉnh, huyện; dưới phải hết sức cố gắng xây dựng, bổ sung đồng thời trên cũng phải tăng cường lực lượng cho dưới đúng mức, nhất là phải làm kịp thời việc đưa lực lượng về các vùng trọng yếu để làm thay đổi so sánh lực lượng tại chỗ, tạo điều kiện cho dưới đủ sức đánh bại lực lượng quân sự địa phương của địch”13, v.v. Để rồi làm sụp đổ hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pa-ri ngày 27-01-1973, chấm dứt các hoạt động quân sự và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

Tư tưởng về làm thay đổi so sánh lực lượng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của đồng chí Lê Duẩn đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bởi vậy, cần phải nghiên cứu, tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm, vận dụng vào thực tiễn xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

PGS, TS. LÊ QUỐC LÝ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
______________________
_____________

1 - Lê Duẩn - Thư vào Nam, Nxb CTQG, H. 2015, tr. 402

2 - Lê Duẩn - Dưới lá cờ vẻ vang, Nxb Tổng hợp TPHCM. 2013, tr. 72

3- Sđd, tr. 65.

4 - Lê Duẩn Tiểu sử, Nxb CTQG, 2007, tr.198.

5 - Sđd, tr.203.

6 - Lê Duẩn - Thư vào Nam, Nxb CTQG, H. 2015, tr. 228

7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 - Sđd, tr. 11-12, 13, 92, 71, 103, 236, 241.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.