Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 16/11/2020, 08:01 (GMT+7)
Đoàn kết dân tộc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các dân tộc

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, với khoảng 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 13,8% dân số cả nước. Các dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn rộng, thuộc 51 tỉnh, 463 huyện, 5.453 xã (chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, Tây Nam Bộ), trên chiều dài gần 5.000 km đường biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia là “phên dậu” có ý nghĩa quan trọng đối với quốc phòng, an ninh của đất nước. Lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh, sự đoàn kết thống nhất là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Khi nào nhân dân đoàn kết, “trên dưới một lòng” thì đất nước hưng thịnh, khi nào “lòng người ly tán, chia rẽ và loạn ly” là lúc dân tộc suy vong, thù trong giặc ngoài, có nguy cơ mất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn xác định sứ mệnh kế thừa và phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước đã hình thành quan hệ dân tộc xã hội chủ nghĩa, với chính sách dân tộc nhất quán là “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển” và đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; khối đại đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng bền chặt. Tuy nhiên, vấn đề dân tộc và giải quyết vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc đòi hỏi phải có thời gian lâu dài, không thể nóng vội do vấn đề lịch sử, sự khác nhau giữa các dân tộc được hình thành trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, bản sắc văn hóa, v.v. Đồng thời, còn bị tác động, ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố từ bên ngoài nhân tố dân tộc, tôn giáo trong môi trường quốc tế hóa ngày càng tăng. Đó là các trào lưu tư tưởng “đấu tranh vì nhân quyền”, “quyền tự quyết của các dân tộc” và chủ nghĩa ly khai dân tộc, dân tộc hẹp hòi,… ngày càng sôi động ở một số khu vực trên thế giới. Vấn đề này đã tạo điều kiện để các thế lực ly khai, cực đoan tôn giáo, khủng bố, bạo lực cấu kết và lợi dụng, càng làm cho nhân tố dân tộc, vấn đề dân tộc, mâu thuẫn dân tộc xuất hiện vấn đề mới, cục diện ngày càng phức tạp.

Những năm gần đây, ở nhiều quốc gia, khu vực trên khắp các châu lục đã xảy ra nhiều cuộc xung đột sắc tộc cướp đi hàng triệu người. Xét trên bình diện chung, những xung đột dân tộc nảy sinh là do xung đột về lợi ích trong một quốc gia đa dân tộc. Có quốc gia, xung đột lợi ích xảy ra do các dân tộc lớn thông qua các đại biểu của mình thường giữ vị trí thống trị trong cơ cấu quyền lực, dẫn đến chi phối nhất định đối với những quyết định trong phân phối của cải vật chất và ban hành các quy chế pháp lý có lợi cho mình, làm cho các dân tộc thiểu số bị thiệt thòi buộc họ phải vùng lên đấu tranh đòi lại quyền lợi của mình. Ở nhiều quốc gia xung đột giữa các dân tộc xảy ra còn do những vấn đề về lịch sử, cộng thêm âm mưu chống phá của chủ nghĩa đế quốc. Với học thuyết “một quốc gia, một dân tộc”, họ gây ra chia rẽ, xung đột, kích động chủ nghĩa ly khai giữa các dân tộc, giữa các quốc gia, mục đích tạo ra các cuộc chiến tranh để được hưởng lợi ích từ những xung đột, mâu thuẫn đó.

Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ cộng đồng các dân tộc, nhất là chia rẽ đồng bào dân tộc thiểu số với đồng bào Kinh, kích động ly khai, tự trị; chia rẽ các dân tộc với Đảng, Nhà nước và chế độ. Để thực hiện âm mưu đó, chúng đã và đang tiến hành  nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, với những hoạt động lén lút, núp dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”, vừa bí mật, vừa “công khai hóa, quốc tế hóa”, kêu gọi bên ngoài can thiệp khi bị xử lý; gắn vấn đề dân tộc với vấn đề nhân quyền và tôn giáo; tăng cường phát triển tôn giáo ở các vùng dân tộc thiểu số để tập hợp quần chúng tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở những vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Ý đồ của chúng là kết hợp tổ chức lực lượng từ bên ngoài với tạo dựng lực lượng ở bên trong gây ảnh hưởng trong các vùng dân tộc, với âm mưu “quốc tế hóa” các sự kiện, “tôn giáo hóa” vấn đề dân tộc, kích động và bóp méo vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” của Việt Nam; khi có thời cơ, thì kích động bạo loạn, lật đổ. Thực tế các “điểm nóng” về chính trị - xã hội xảy ra ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ những năm gần đây cho thấy, sự chỉ đạo, hậu thuẫn trực tiếp của các đối tượng bên ngoài là một yếu tố thúc đẩy bọn phản động trong nước gieo rắc tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai, tự trị; kích động đồng bào phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện âm mưu quốc tế hóa vấn đề dân tộc bằng nhiều thủ đoạn. Chúng lợi dụng những khó khăn về đời sống và khuyết điểm, thiếu sót trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc để tuyên truyền, kích động chống đối, thổi phồng những khác biệt giữa các dân tộc thành các mâu thuẫn, xung đột, nhằm kích động sự chống đối trong người dân tộc thiểu số với người Kinh. Lợi dụng chính sách đổi mới, tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng, Nhà nước; triệt để sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội để đẩy mạnh hoạt động chống phá, kích động chia rẽ dân tộc, xuyên tạc, vu cáo, đả kích chế độ, tuyên truyền đạo trái pháp luật núp bóng các hoạt động từ thiện, du lịch, hợp tác, tài trợ cho con em những người theo đạo, v.v.

Thực hiện nhất quán quan điểm chiến lược Đại đoàn kết toàn dân tộc, giải quyết hài hòa lợi ích giữa các dân tộc luôn là công tác quan trọng trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta. Với mối quan hệ biện chứng giữa công tác dân tộc với công tác tôn giáo và tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thế nào để xử lý một cách đúng đắn mối quan hệ dân tộc trong một quốc gia đa dân tộc, các dân tộc cùng đoàn kết, phát triển; chống lại âm mưu đòi ly khai, tự trị đòi hỏi phải có chiến lược trong việc thực hiện chính sách dân tộc bao gồm tất cả các lĩnh vực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đây là vấn đề rất quan trọng của quốc gia, liên quan đến sự sống còn của chế độ. Giải quyết hài hòa lợi ích mối quan hệ đó chúng ta mới tập hợp, đoàn kết được các dân tộc, thúc đẩy xã hội phát triển hài hòa, duy trì thống nhất đất nước và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Trên cơ sở thực hiện nhất quán và kiên trì chính sách bình đẳng dân tộc, tăng cường đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy giúp đỡ nhau giữa các dân tộc để cùng bình đẳng, đoàn kết, phát triển phồn vinh, vấn đề căn bản nhất là nhận thức và xử lý đúng đắn mối quan hệ lợi ích các dân tộc; trong đó, cần tập trung trên các lĩnh vực sau:

Về chính trị: đảm bảo quyền làm chủ của các dân tộc; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ người dân tộc thiểu số, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng có khả năng gánh vác nhiều hơn công việc của địa phương. Xây dựng cơ cấu các dân tộc có đủ thành phần tham gia trong Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp. Chính phủ phải có chính sách để từng dân tộc thiểu số dần tự quản lý mọi công việc của dân tộc mình với sự hỗ trợ của các dân tộc anh em khác, nhằm thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở, bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Xóa bỏ những quy định mang tính bất bình đẳng giữa các dân tộc; tẩy trừ thành kiến giữa các dân tộc do lịch sử để lại. Các dân tộc được tự do bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của mình bằng nhiều hình thức, “kênh” kết nối đa dạng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể để kiến nghị với Đảng, Nhà nước.

Về kinh tế: Nhà nước cần xây dựng các chính sách phù hợp với từng vùng, miền, từng dân tộc trên cơ sở tăng cường ưu tiên các nguồn lực để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường vận động, khuyến khích đồng bào các dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có, nét đặc sắc, đặc sản văn hóa. Tổ chức định canh, định cư gắn với nghiên cứu phát triển sinh kế bền vững theo quy hoạch cụ thể từng vùng, từng tiểu vùng cho phù hợp với phát triển nông nghiệp; phát triển chăn nuôi, nghề rừng, trồng cây lương thực và cây công nghiệp, v.v. Nhà nước cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc bao gồm hệ thống “điện, đường, trường, trạm”, tăng cường cho đồng bào tiếp cận với khoa học kỹ thuật, v.v.

Về văn hóa - xã hội: có chính sách bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số; đối xử đúng sự khác nhau giữa các dân tộc, xử lý thỏa đáng mâu thuẫn và vấn đề ảnh hưởng tới quan hệ dân tộc. Tăng cường công tác quản lý và phục vụ, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các dân tộc theo pháp luật. Chú trọng nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài các dân tộc thiểu số; phát triển loại hình trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm; xóa bỏ các hủ tục; nâng cao chất lượng hệ thống y tế ở cơ sở, đẩy mạnh vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe đồng bào.

Về đoàn kết các dân tộc: tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức đại đoàn kết các dân tộc, phát huy tinh thần dân tộc, lấy chủ nghĩa yêu nước là hạt nhân, làm cho tư tưởng dân tộc đa số và dân tộc thiểu số không tách rời nhau, ngày càng đoàn kết, gắn bó sâu sắc; tuyên truyền vận động đồng bào đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ, ly khai, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc của các thế lực thù địch.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, những cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, các hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai,… liên tục diễn ra ở nhiều nơi. Ở trong nước, các thế lực thù địch đã và đang tìm mọi cách khoét sâu và lợi dụng những khó khăn của đồng bào các dân tộc thiểu số để xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Điều đó đòi hỏi hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến cơ sở cần phải tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giải quyết tốt vấn đề dân tộc gắn với vấn đề tôn giáo và lợi ích giữa các dân tộc.

TS. NGUYỄN HỮU DŨNG, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.