Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Ba, 06/09/2022, 14:06 (GMT+7)
Kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2022)
Đẩy mạnh quan hệ đặc biệt giữa quân đội hai nước Việt Nam - Lào lên tầm cao mới

Quan hệ Việt Nam - Lào có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của cách mạng hai nước. Trong đó, quan hệ, hợp tác quốc phòng giữa Quân đội hai nước là lĩnh vực then chốt, cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng lên tầm cao mới, góp phần tăng cường, vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai nhà nước và hai dân tộc trong tình hình mới.

Ngày 05/9/1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một trang mới và cũng là bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, trên thực tế, quan hệ giữa Quân đội hai nước đã được hình thành, phát triển từ rất sớm trên cơ sở Liên minh chiến đấu Lào - Việt trong công cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung trên chiến trường Đông Dương.

Quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Quân đội ta đã chủ động giúp đỡ Lào xây dựng cơ sở chính trị, mở rộng căn cứ cách mạng, phát triển lực lượng vũ trang, phối hợp với Quân đội nhân dân Lào mở nhiều chiến dịch, mặt trận và chiến đấu giành thắng lợi từ Thượng Lào đến Trung, Hạ Lào; giải phóng, làm chủ các tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phông Xa Lỳ, v.v. Kết quả chiến đấu của Liên minh Việt - Lào, đặc biệt là thắng lợi trên Mặt trận Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (1954), chấm dứt chiến tranh, công nhận hòa bình của ba nước Đông Dương. Phát huy truyền thống đoàn kết liên minh chiến đấu đó, Quân đội hai nước tiếp tục kề vai, sát cánh, cùng nhau kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Theo đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã cử hàng vạn cán bộ, chiến sĩ sang phối hợp, giúp đỡ, sát cánh chiến đấu cùng Quân đội và Nhân dân Lào. Cũng với tình cảm đặc biệt, Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân Lào đã hết lòng, hết sức hỗ trợ, “nhường cơm, sẻ áo”, tạo lập thế trận, địa bàn, phối hợp chặt chẽ cùng Quân tình nguyện Việt Nam trong chống kẻ thù chung. Sự giúp đỡ lẫn nhau vô cùng to lớn và cao đẹp đó đã tạo nên sức mạnh vĩ đại, đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của mỗi nước đi đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975. Có thể nói, trong những năm tháng khó khăn, gian khổ ác liệt nhất, Quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã dành cho nhau sự chia sẻ sâu sắc và to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, viết nên bản anh hùng ca bất tử về tình đoàn kết liên minh chiến đấu giữa hai quân đội, hai dân tộc.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội hai nước Việt Nam - Lào không ngừng được vun đắp, phát triển. Năm 1976, Việt Nam đặt Cơ quan Tùy viên quân sự tại Lào và năm 1977, Lào đặt Cơ quan Tùy viên quân sự tại Việt Nam. Tháng 7/1977, Việt Nam - Lào ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác, nâng quan hệ hai nước lên thành “Quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt”. Từ đó đến nay, quan hệ quốc phòng giữa hai nước ngày càng phát triển, thu được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: trao đổi đoàn, trao đổi thông tin; xây dựng lực lượng; quản lý, bảo vệ đường biên giới; đào tạo nguồn nhân lực; hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng; hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng,... góp phần củng cố, tăng cường, nâng tầm quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt hai nước lên tầm cao mới: “Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện” (năm 2017); đánh dấu bước trưởng thành, phát triển vượt bậc trong quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Quân đội hai nước.

Đại tướng Phan Văn Giang và Đại tướng Chansamone Chanyalath tại cột mốc 605 thuộc cửa khẩu Lao Bảo. Ảnh: TTXVN

Suốt chặng chặng đường lịch sử hào hùng 60 năm qua, Việt Nam và Lào luôn tự hào về mối quan hệ đặc biệt, vừa là đồng chí, vừa là anh em. Đó còn là mối quan hệ thủy chung, trong sáng giữa hai Đảng và hai nước đã trở thành mối quan hệ mẫu mực, “có một không hai” trên thế giới.

Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đã, đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó dự báo, Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân hai nước đặt ưu tiên cao nhất cùng phấn đấu nâng quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào lên tầm cao mới, góp phần giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, tạo môi trường thuận lợi để mỗi nước phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, hợp tác chặt chẽ trên lĩnh vực quốc phòng giữa Quân đội hai nước đã, đang và sẽ tạo nên sức mạnh to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước; góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Để làm được điều đó, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị trong toàn quân ta phải thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp, tạo những bước phát triển đột phá, ở tầm cao mới trong lĩnh vực hợp tác quan trọng này; tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng trong quan hệ, hợp tác quốc phòng với Lào, nhằm giữ vững định hướng chính trị, đưa quan hệ hữu nghị, truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước nói chung, quan hệ quốc phòng song phương nói riêng ngày càng phát triển bền vững. Theo đó, các cơ quan, đơn vị Quân đội, nhất là lực lượng đối ngoại quốc phòng chuyên trách cần thấm nhuần, phát huy cao độ những giá trị văn hóa, truyền thống đoàn kết liên minh chiến đấu trong lịch sử - tinh thần “quốc tế vô sản” trong sáng, thủy chung, chí nghĩa, chí tình giữa Quân đội và nhân dân hai nước; chú trọng quán triệt, vận dụng sáng tạo, hiệu quả quan điểm “giúp bạn là tự giúp mình” của Đảng, các nghị quyết, chiến lược, kết luận, đề án về hợp tác với Lào. Đồng thời, triển khai các nội dung quan hệ quốc phòng với Lào trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ mỗi nước, tin cậy, bình đẳng, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng phát triển; coi trọng lợi ích chiến lược tổng thể, dựa trên nền tảng tin cậy về chính trị và kết quả hợp tác các lĩnh vực khác để tăng cường hợp tác quốc phòng; ưu tiên và xác định hợp tác quốc phòng là một trong những lĩnh vực then chốt để củng cố quan hệ chính trị giữa hai nước.

Hai là, tiếp tục mở rộng và nâng tầm các nội dung hợp tác quốc phòng với Bạn trong tình hình mới. Các cơ quan, đơn vị toàn quân, nhất là các lực lượng làm công tác đối ngoại quốc phòng chuyên trách và các đơn vị địa bàn biên giới tập trung tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương chủ trương, giải pháp nâng tầm hiệu quả hợp tác quốc phòng theo hướng toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, cần hướng vào hợp tác, giải quyết những vấn đề có tính chiến lược trên từng hướng, khu vực có liên quan giữa hai nước; trong huấn luyện, đào tạo cán bộ, nhất là đối với nguồn nhân lực chất lượng cao về quốc phòng; đồng thời, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động. Mục tiêu cao nhất của hợp tác là phải gia tăng sức mạnh quốc phòng mỗi nước; tăng cường lòng tin chiến lược; củng cố tính vững chắc, bền chặt, đưa quan hệ quốc phòng hai nước lên tầm cao mới, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực. Yêu cầu trong hợp tác phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất; phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp, có kế hoạch, lộ trình khoa học, phù hợp; triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt; kết hợp triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận, hiệp định đã ký kết với nghiên cứu, phát triển, ký kết các thỏa thuận, hiệp định mới.

Trong quá trình triển khai, hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, chú trọng các hoạt động gặp gỡ cấp cao của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, phát huy hiệu quả cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng, chia sẻ kinh nghiệm hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng; triển khai hợp tác của các quân khu, các tỉnh có chung đường biên giới, Bộ đội Biên phòng v.v. Thúc đẩy các dự án kinh tế kết hợp quốc phòng, tăng cường phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào; nâng cao hiệu quả hoạt động giao lưu, kết nghĩa, hợp tác quản lý, bảo vệ đường biên giới theo quy chế, hiệp định hợp tác biên giới hai bên, chống lấn chiếm, vi phạm biên giới. Phát huy kết quả hợp tác các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa,... nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc phòng, góp phần đưa quan hệ hai nước ngày càng bền chặt, lên tầm cao mới.

Ba là, tăng cường phối hợp với Bạn trong tham vấn tại các diễn đàn đa phương, tích cực hợp tác với quân đội các nước ASEAN và các nước ngoài khu vực trong việc đảm bảo an ninh, đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là trong phòng, chống thảm họa thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn các loại tội phạm, khủng bố, v.v. Quân đội nhân dân Việt Nam cùng Quân đội nhân dân Lào cần chủ động, tích cực tham gia, có trách nhiệm vào các diễn đàn, cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương khu vực và quốc tế. Trong quá trình thực hiện, cần tiếp tục đẩy mạnh sự tham vấn, tạo sự đồng thuận, thống nhất lẫn nhau đối với những vấn đề có tính nguyên tắc, ở tầm chiến lược của mỗi bên và hai bên. Trên cơ sở đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương, nhất là các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ARF, ADMM+ và tăng cường tham vấn để đồng thuận quan điểm trong các vấn đề của khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Bốn là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chỉnh sách, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi nâng cao hiệu quả hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam - Lào. Cục Đối ngoại tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, quy chế trong quan hệ, hợp tác quốc phòng với Lào; chú trọng bổ sung cơ chế phối hợp xử lý các tình huống phát sinh trên tuyến biên giới chung hai nước. Tiếp tục nghiên cứu, phát triển, bổ sung cơ chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương liên quan, tạo sự thống nhất cao trong nắm thông tin, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoạch định, triển khai quan hệ hợp tác với Lào nói chung, hợp tác quốc phòng nói riêng; không để các thế lực thù địch lợi dụng phá hoại mối quan hệ truyền thống, đoàn kết đặc biệt mà hai nước đã dày công vun đắp. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm tài chính, cơ chế huy động các nguồn lực xã hội cho triển khai các đề án, kế hoạch, chương trình hợp tác quốc phòng hai bên; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, trùng lặp, lãng phí; ưu tiên các chương trình, dự án trọng điểm, hoạt động giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò của Cơ quan Tùy viên Quốc phòng mỗi nước và nhóm công tác chung để trực tiếp trao đổi, báo cáo Bộ Quốc phòng nắm chắc tình hình, giải quyết chính xác, kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động hợp tác quốc phòng; chú trọng tổng kết, rút kinh nghiệm kết quả hợp tác hàng năm và giai đoạn, làm cơ sở điều chỉnh nội dung, chương trình, kế hoạch, đề án hợp tác, phát triển lý luận về đối ngoại quốc phòng và hoàn thiện các văn bản pháp lý bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc phòng hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, bền vững.

Đại tá VŨ THÀNH VĂN, Cục trưởng Cục Đối ngoại

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.