Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 06/01/2014, 10:43 (GMT+7)
Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng Việt Nam – Cam-pu-chia lên tầm cao mới vì hòa bình, thịnh vượng và tình hữu nghị của hai dân tộc

Việt Nam và Cam-pu-chia là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông, có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tình hữu nghị của hai dân tộc ngày càng vững bền và phát triển. Trong đó, quan hệ về quốc phòng giữa hai nước đã và đang góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của mỗi quốc gia; đồng thời, là nhân tố quan trọng đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Vì vậy, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước nói chung, quan hệ hợp tác quốc phòng (HTQP) Việt Nam – Cam-pu-chia nói riêng lên tầm cao mới có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi nước và cả khu vực, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Nhìn lại lịch sử quan hệ hai nước cho thấy, hai dân tộc Việt Nam và Cam-pu-chia luôn gắn kết chặt chẽ, kề vai sát cánh bên nhau trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi bên. Đặc biệt, hai dân tộc lại có chung những năm tháng đau thương khi Pôn Pôt – Iêng-Xary chiếm quyền ở đất nước Chùa Tháp, xâm lấn biên giới Việt Nam và tiến hành hàng loạt cuộc thanh trừng nội bộ tàn bạo. Trong những năm tháng đó, trước nguy cơ cả dân tộc Cam-pu-chia bị họa diệt chủng; đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, tháng 01-1979, Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia mở cuộc phản công - tiến công chiến lược đánh đổ chế độ Pôn Pôt, cứu nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng. Đồng thời, theo yêu cầu của Hội đồng nhân dân cách mạng Cam-pu-chia, Việt Nam đã cử chuyên gia quân sự sang giúp Bạn bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng lại đất nước, đem lại đời sống hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân1. Sự giúp đỡ, hy sinh của Quân tình nguyện Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân Cam-pu-chia đánh giá cao và coi đó là biểu hiện rực rỡ nhất của tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc.

Ngày nay, mặc dù tình hình quốc tế, khu vực đã có nhiều thay đổi, nhưng tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Cam-pu-chia vẫn trường tồn với những giá trị mới. Đó là, hai nước có cùng quan điểm cơ bản về lợi ích quốc gia là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước; cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nhau; thực hiện giải quyết mọi bất đồng bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế. Sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau đó chính là bảo đảm quan trọng cho lợi ích quốc gia của mỗi nước, cũng như tình hữu nghị của hai dân tộc anh em. Bất kể lời nói, hành động nào đi trái những nguyên tắc trên đều không chỉ ảnh hưởng đến tình hữu nghị giữa hai dân tộc mà còn đi ngược lại chính lợi ích quốc gia của từng nước. Mặt khác, Việt Nam và Cam-pu-chia là hai nước cùng nằm trong cơ chế hợp tác ASEAN, luôn gắn kết với nhau và cùng chia sẻ những chuẩn mực, lợi ích to lớn trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Vì vậy, hợp tác của hai nước trong khuôn khổ ASEAN cũng nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định, phát triển, thịnh vượng trong khu vực và là một trong những nội dung quan trọng trong quan hệ hai nước hiện nay cũng như những năm tiếp theo. Hơn thế nữa, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cả hai nhà nước đều thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, tăng cường hợp tác với các quốc gia ngoài khu vực, nhất là đối với các cường quốc trên thế giới. Các mối quan hệ này sẽ mang lại nhiều thuận lợi, lợi ích cùng những thách thức đối với sự phát triển của từng bên. Song, cần khẳng định rằng, không có quan hệ nào khác có thể thay thế được quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam – Cam-pu-chia, bởi đây là quan hệ đặc biệt. Quan hệ Việt Nam – Cam-pu-chia không đơn thuần là quan hệ láng giềng mà là quan hệ anh em từ lâu đời; không chỉ “Tối lửa tắt đèn có nhau” mà là hai quốc gia đã cùng chia sẻ số phận với nhau trong nhiều thời khắc lịch sử quan trọng nhất. Nhân dân và Quân đội Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hai nước và sẽ đem hết sức mình cùng với nhân dân và Quân đội Cam-pu-chia tiếp tục giữ vững và phát huy các giá trị của tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc, đưa mối quan hệ này lên một tầm cao phù hợp với những giá trị mới, đáp ứng với những yêu cầu ngày càng to lớn của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai quốc gia anh em cũng như lợi ích, hòa bình, thịnh vượng trong khu vực.

Quan hệ quốc phòng (QHQP) Việt Nam – Cam-pu-chia cũng có truyền thống từ lâu. HTQP trong chiến tranh giải phóng dân tộc của hai nước là quy luật sinh tồn và là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp giành độc lập của mỗi dân tộc. Ngày nay, HTQP giữa hai nước lại chia sẻ với nhau những giá trị mới của tình hữu nghị và sự hợp tác của hai dân tộc, hai quốc gia có độc lập, chủ quyền trên các lĩnh vực, nhất là trong đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống, như: thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, tội phạm xuyên quốc gia cùng các thách thức đang nổi lên ở khu vực. Do đó, HTQP với Cam-pu-chia luôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhằm thực hiện chủ trương của lãnh đạo hai nước là xây dựng quan hệ Việt Nam – Cam-pu-chia thành quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” vì độc lập, tự do, sự thịnh vượng của mỗi nước; đồng thời, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển của khu vực.

Việt Nam chủ trương phát triển QHQP với Cam-pu-chia dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác cùng có lợi, không nhằm mục đích chống lại bên thứ ba. HTQP giữa hai nước nhằm vào các mục tiêu cụ thể là tăng cường khả năng quốc phòng của mỗi nước, hợp tác giải quyết hiệu quả các vấn đề an ninh phi truyền thống có liên quan đến quốc phòng của hai nước. Do vậy, thời gian tới, quan hệ HTQP Việt Nam – Cam-pu-chia cần được phát triển lên một tầm cao mới để xứng đáng với những giá trị mới trong quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước, góp phần củng cố và phát triển các mối quan hệ về quốc phòng trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác ngoài khu vực vì lợi ích chung của nhân dân hai nước và của toàn khu vực.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, hai bên cần coi trọng và tăng cường trao đổi ở tầm chiến lược; trong đó, việc trao đổi đoàn các cấp phải được tiến hành thường xuyên, nhất là các đoàn cấp cao của Bộ Quốc phòng hai nước. Qua đó, nâng cao hiểu biết về chính sách quốc phòng của nhau, củng cố lòng tin giữa quân đội và nhân dân hai nước; đồng thời, tạo ra các cơ chế hợp tác chiến lược giữa hai bên, nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác. Đây là cơ sở để hai bên cùng nhau thảo luận và đưa ra các quyết sách hợp tác phù hợp; tăng cường hỗ trợ lẫn nhau nâng cao khả năng quốc phòng của mỗi nước trong giải quyết tốt các vấn đề an ninh phi truyền thống có liên quan và đẩy mạnh hợp tác trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác. Gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng là cơ hội quan trọng để hai bên xem xét những bất đồng, trở ngại có liên quan đến HTQP giữa hai nước, nhằm nâng cao nhận thức chung và tìm ra cách thức tốt nhất để vượt qua khó khăn, đưa mối quan hệ hợp tác này ngày càng phát triển sâu, rộng.

Hai bên cần xây dựng kế hoạch phát triển QHQP dài hạn để làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác sẵn có; đồng thời, mở ra những lĩnh vực hợp tác mới. Trong đó, cần chú trọng đổi mới hình thức và biện pháp hợp tác phù hợp với nhu cầu, khả năng và tình hình cụ thể của mỗi bên, làm cơ sở để nâng cao hiệu quả hợp tác. Trước mắt, trên cơ sở nhận thức chung, hai bên sớm xúc tiến việc nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch và cách thức hợp tác cụ thể, bảo đảm hiệu quả cao, tránh lãng phí.

Bộ Quốc phòng hai nước cần thúc đẩy các hoạt động cụ thể theo hướng ưu tiên tăng cường năng lực quốc phòng và khả năng hợp tác, giải quyết có hiệu quả các vấn đề an ninh có liên quan đến cả hai nước. Trước hết, hai bên cần nghiên cứu, nâng cao hiệu quả hợp tác trong bảo đảm trang bị, phương tiện, vũ khí đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội, củng cố nền quốc phòng của mỗi nước. Trong lĩnh vực đào tạo, các nhà trường quân đội của Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác; đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực quốc phòng cho Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia. Đối với các vấn đề an ninh phi truyền thống liên quan đến hai nước, hai bên cần tích cực chia sẻ thông tin, tập trung vào những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của mỗi nước; đồng thời, duy trì và mở rộng các hình thức hợp tác hải quân, như: lập đường dây nóng, tiến hành tuần tra chung trên biển, góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp bảo vệ an ninh trên các vùng nước lịch sử và các khu vực giáp ranh. Trên tuyến biên giới đất liền, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác thực hiện thành công các thỏa thuận đã ký về phân giới, cắm mốc để có thể hoàn thành vào thời gian sớm nhất. Lực lượng chức năng của hai bên cần tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động tuần tra chung cả trên biển và trên bộ; nâng cao hiệu quả trong các hoạt động cứu hộ, cứu nạn; truy quét các loại tội phạm xuyên biên giới..., bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới hai nước, góp phần quan trọng vào xây dựng biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Cùng với đó, hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại, như: xử lý, rà phá bom mìn; tẩy trừ chất độc; cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam trên đất Cam-pu-chia,… tạo điều kiện phát triển kinh tế, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, nhất là ở các khu vực chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, góp phần xoa dịu, hàn gắn những mất mát cho nhân dân hai nước.

Để nâng cao hiệu quả HTQP hai nước, các cơ quan, đơn vị, nhất là các quân khu, tỉnh, thành phố và đơn vị có chung biên giới với nước Bạn, phải chủ động làm tốt việc quán triệt, thực hiện nghiêm túc, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta trong QHQP Việt Nam – Cam-pu-chia. Trên cơ sở đó, đề cao trách nhiệm của từng tổ chức, từng cấp ủy và của cán bộ, chiến sĩ trong khắc phục khó khăn, xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch HTQP giữa hai nước hướng tới các mục tiêu lâu dài và bền vững.

Hiện nay, trong xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế ngày càng sâu, rộng, những diễn biến của tình hình thế giới, khu vực cũng như những biến động về chính trị, kinh tế - xã hội ở mỗi nước có thể sẽ đem đến thuận lợi cùng những khó khăn, thách thức cho quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – Cam-pu-chia. Trong điều kiện đó, HTQP hai nước giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc củng cố và tăng cường tình hữu nghị và phục vụ các lợi ích chiến lược lâu dài của cả hai bên. Cùng chia sẻ những giá trị mới của tình hữu nghị và sự hợp tác giữa hai nước, quan hệ HTQP Việt Nam – Cam-pu-chia nhất định sẽ phát huy hiệu quả mặt thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; đồng thời, vun đắp cho tình hữu nghị của hai dân tộc ngày càng xanh tươi, đời đời bền vững.

Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH

Uỷ viên BCHTƯ Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
__________________

1 - Tháng 01-1989, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế và rút về nước.

Ý kiến bạn đọc (0)

Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ cả nước
Tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi những thành tích và sự tiến bộ, trưởng thành của Dân quân tự vệ trong 90 năm qua. Mong rằng, trong giai đoạn cách mạng mới, các đồng chí tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao;...