Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Ba, 02/05/2017, 20:11 (GMT+7)
Đại tướng Văn Tiến Dũng với sự phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát huy sáng tạo truyền thống quân sự của ông cha và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa quân sự thế giới, không ngừng phát triển, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; trong đó, có sự đóng góp to lớn của Đại tướng Văn Tiến Dũng - vị tướng xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng để lại những dấu ấn sâu đậm cả về lý luận và thực tiễn phát triển nền nghệ thuật quân sự nước nhà.

1. Góp phần làm sâu sắc bản chất cách mạng, nền tảng phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Ngay từ những năm 1966 - 1967, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã có bài viết “Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”, đề cập toàn diện, hệ thống các vấn đề cơ bản nhất, từ chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch đến chiến thuật của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đại tướng khái quát bản chất của nghệ thuật quân sự Việt Nam: “Nghệ thuật quân sự của ta lấy việc hoàn thành các nhiệm vụ chiến đấu mà Đảng giao làm mục đích, lấy bản chất kiên quyết, tích cực, triệt để cách mạng của giai cấp công nhân làm nền tảng tư tưởng, lấy chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm phương pháp luận, lấy tính chất, đặc điểm và điều kiện lịch sử của cuộc chiến tranh mà nhân dân ta phải tiến hành làm căn cứ1. Đó là cội nguồn, cơ sở khoa học để lý giải sức mạnh to lớn, sự phát triển không ngừng của nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Từ lý luận về chiến tranh, nghệ thuật quân sự và thực tiễn chỉ huy, điều hành tác chiến chiến lược, Đại tướng đã đúc kết thành các luận điểm có giá trị về nghệ thuật quân sự: (1) Đường lối chính trị, quân sự và sự lãnh đạo của Đảng là nguồn sức mạnh, phát triển không ngừng của nghệ thuật quân sự Việt Nam. (2) Kế thừa và phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất chống xâm lược của dân tộc. (3) Chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa là cơ sở sức mạnh tất thắng của nghệ thuật quân sự Việt Nam. (4) Trí thông minh, sáng tạo của quân và dân ta là cội nguồn phát triển, sáng tạo và hoàn thiện nghệ thuật quân sự Việt Nam. (5) Quá trình đấu tranh lâu dài, bền bỉ và phong phú là cơ sở thực tiễn thúc đẩy nghệ thuật quân sự Việt Nam phát triển nhanh và đúng đắn2. Trong đó, đường lối chính trị, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định nhất đến sự phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chính vì thế, chính trị trong chiến tranh nhân dân Việt Nam là chính trị quân sự, còn quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam là quân sự chính trị.

2. Phát triển lý luận chỉ đạo, điều hành tác chiến chiến lược.

Từ quan điểm “sức dân mạnh như nước” của tổ tiên, Đảng ta phát triển thành sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Để làm rõ luận điểm này, Đại tướng phân tích: “Chiến tranh là sự tổng hợp các mặt đấu tranh của hai bên đối chiến. Các mặt đấu tranh đó đều liên quan, ảnh hưởng mật thiết với nhau, mặt này tạo điều kiện và thúc đẩy mặt kia,... trong đó, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh có vai trò kết hợp chặt chẽ giữa các mặt đấu tranh của chiến tranh. Nghệ thuật quân sự là một bộ phận hết sức quan trọng của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh. Nó chỉ đạo các hoạt động đấu tranh vũ trang của chiến tranh”3. Đó là cơ sở để nghệ thuật quân sự kết hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao,… phát triển đến trình độ cao trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của ta là tập trung giành thắng lợi trên mặt trận quân sự, chính trị, làm cơ sở để tạo thế, tạo lực đấu tranh ngoại giao, làm thất bại ý đồ đàm phán trên thế mạnh của Mỹ, ngụy; đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế rộng rãi.

Theo Đại tướng, chiến lược quân sự là lĩnh vực cao nhất của nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh vũ trang. Nghệ thuật chiến dịch là bộ phận trong thể thống nhất và hoàn chỉnh của nghệ thuật quân sự, bộ phận trung gian nối liền chiến lược với chiến thuật và các biện pháp tác chiến để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược. Chiến thuật là một bộ phận của nghệ thuật quân sự, chịu sự chỉ đạo của nghệ thuật chiến dịch, nhưng có những đặc trưng riêng, luôn giữ vị trí quan trọng trong đấu tranh vũ trang. Các ý định chiến lược quân sự và chiến dịch đều phải thông qua các trận chiến đấu mới biến thành kết quả hiện thực trên chiến trường.

Trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng đã quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, vận dụng sáng tạo lý luận trong lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành Bộ Tổng Tham mưu, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền. Đại tướng giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, như: lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy tác chiến; tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang ba thứ quân, lực lượng chính trị, xây dựng thế trận, phương pháp tác chiến, công tác bảo đảm, v.v. Chiến lược đề ra mục tiêu, phương hướng cho từng giai đoạn tác chiến, phối hợp giữa hậu phương với chiến trường, kết hợp các hướng chiến lược, các mặt đấu tranh, tạo thế và lực có lợi cho chiến dịch, chiến thuật. Trong các trận đánh, chiến dịch, chiến dịch chiến lược tạo ra đột biến trên chiến trường, thời cơ chiến lược, tiến đến giành thắng lợi cuối cùng. Điều đó được minh chứng sinh động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là ba đòn chiến lược (1968, 1972, 1975); ba đòn tiến công chiến dịch có ý nghĩa chiến lược (Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng) được tiến hành liên tiếp trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lập nên kỳ tích và điều phi thường của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Đồng chí Văn Tiến Dũng thông qua quyết tâm chiến đấu của Sư đoàn Bộ binh 10 trong Chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh tư liệu)

3. Sáng tạo nghệ thuật lập thế, tạo thế, chuyển hóa thế trận, chớp thời cơ đánh thắng địch.

Kế thừa truyền thống quân sự của dân tộc, Đại tướng đã phát triển nghệ thuật kết hợp chặt chẽ giữa “thế, lực, thời, mưu” trong chiến tranh nhân dân chống quân xâm lược có tiềm lực quân sự, kinh tế hơn hẳn. Theo Đại tướng, thế ở phạm vi quốc gia là sự tổng hợp của thế chính trị, kinh tế, ngoại giao và quân sự. Trong lĩnh vực quân sự, thế thể hiện trạng thái, khả năng và xu thế vận động của lực; phản ánh kết quả nỗ lực chủ quan của hai bên trong chỉ đạo và sử dụng, điều động lực lượng tác chiến, tạo thế có lợi cho mình, bất lợi cho đối phương4. Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa thế và lực, Đại tướng chỉ rõ, lực là cơ sở của thế, thế là phản ánh của lực; sức mạnh tổng hợp là sự tổng hòa của lực và thế trong mối quan hệ biện chứng. Dùng lực để tạo thế, tạo thế có lợi để sử dụng lực nhỏ mà giành thắng lợi to, đồng thời tạo ra lực mới, v.v.

Qua thực tiễn chiến tranh, Đại tướng bổ sung, phát triển nhiều nội dung có giá trị chỉ đạo chiến lược: xây dựng thế chiến lược lúc mở đầu chiến tranh, tạo lập, củng cố và chuyển hóa thế trận trong quá trình chiến tranh, làm chủ các địa bàn chiến lược quan trọng, bố trí lực lượng hợp lý trên chiến trường, tạo thế trận tiến công có lợi, coi như “đã thắng được một nửa”. Đại tướng còn vận dụng sáng tạo nghệ thuật “lập thế, tạo thế, cài thế” trong chỉ đạo, điều hành các chiến dịch, chiến dịch có ý nghĩa chiến lược. Điển hình là trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, dựa trên địa hình núi rừng và cao nguyên, ta thiết lập được thế trận chiến dịch - chiến lược tập trung mạnh hơn địch ở những khu vực trọng điểm, đánh cả phía trước, phía sau và bên sườn, đồng thời sẵn sàng chuyển hóa, phát triển đánh địch phản kích, rút chạy. Từ thực tiễn đó, Đại tướng rút ra bài học kinh nghiệm quan trọng: “Chính chúng ta đã đưa địch đến sai lầm đó, biết tạo và nắm thời cơ, thúc đẩy nhanh quá trình thất bại của địch, tạo ra bước ngoặt của chiến tranh. Ta nhanh hơn lên, quyết đoán hơn lên, táo bạo hơn lên, chủ động hơn lên, thừa thắng xông lên thì chắc chắn là ta thắng cuộc”5.

Đặc biệt, những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng đã cùng với Trung ương Cục, Quân ủy Miền, Bộ Tư lệnh Miền, nhất là Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo, linh hoạt nghệ thuật lập thế, tạo thế và chuyển hóa thế trận, chớp thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch quyết chiến chiến lược. Thắng lợi liên tiếp của hai đòn tiến công: Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng đã tạo thế và thời cơ chiến lược mới. Đây là cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975 bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thực hiện kế hoạch này, các binh đoàn chủ lực, trong đó có binh đoàn đang làm nhiệm vụ ở miền Bắc đã cơ động thần tốc hàng nghìn ki-lô-mét vào chiếm lĩnh các địa bàn có lợi, áp sát mục tiêu, cùng với các binh đoàn tác chiến tại chỗ hình thành thế trận bao vây tiến công Sài Gòn trên 5 hướng, vừa tạo thế kìm giữ, phân tán lực lượng địch, không cho chúng co cụm về cố thủ Sài Gòn, vừa tạo thế liên kết giữa tiến công và nổi dậy, giữa các đường hành lang vận tải với đường cơ động chiến lược, v.v. Đây là thế trận tiến công tổng hợp chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam - thế trận vững chắc, hiểm hóc, liên hoàn, linh hoạt, sáng tạo không gì có thể cản phá nổi. Thực tiễn là minh chứng sinh động cho đánh giá của Đại tướng: tập trung lực lượng chiến lược mạnh, thế trận hiểm, vững chắc, tạo và chớp thời cơ là yếu tố cơ bản có vị trí cực kỳ quan trọng, quyết định sự toàn thắng của chiến dịch giải phóng Sài Gòn; giảm thiểu tổn thất lực lượng của cả hai bên, tài sản, tính mạng của nhân dân và sự tàn phá thành phố.

4. Phát triển nhiều cách đánh sáng tạo, giành thắng lợi quyết định.

Là vị tướng trực tiếp chỉ huy, điều hành chiến dịch, chiến dịch chiến lược ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã có những đóng góp làm phong phú nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là nghệ thuật tổ chức các chiến dịch, chiến dịch có ý nghĩa chiến lược đồng thời, kế tiếp, vừa theo kế hoạch, vừa phát triển khi thời cơ xuất hiện nhằm đánh nhanh, giải quyết nhanh, thậm chí đánh tiêu diệt lớn, thúc đẩy sự tan rã lực lượng địch, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Một là, lần lượt tiêu diệt từng sư đoàn, đánh chiếm từng mục tiêu chiến dịch, tiến tới tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ quân địch, giải phóng toàn bộ không gian chiến dịch, như: Chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, v.v. Chiến dịch Tây Nguyên là mẫu mực về lựa chọn hướng và mục tiêu tiến công, điểm đúng huyệt, làm rung chuyển và rối loạn toàn bộ thế bố trí của địch; điển hình của tinh thần tích cực tranh thủ thời gian, vận dụng cách đánh thích hợp, tiêu diệt lực lượng địch rút lui chiến lược, không cho chúng co cụm về giữ đồng bằng. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng là chiến dịch tiến công trong hành tiến của các binh đoàn chủ lực, chủ động, linh hoạt, chớp thời cơ, đánh vào đội hình địch đang rối loạn, thúc đẩy thêm một bước sự sụp đổ của chúng. Hai là, đồng loạt tiêu diệt các sư đoàn vòng ngoài; đồng thời thọc sâu, đánh chiếm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ tập đoàn phòng ngự chiến dịch, chiến lược của địch, giải phóng không gian chiến dịch, chiến lược trong thời gian ngắn, như chiến dịch quyết chiến chiến lược - Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng, Tư lệnh Chiến dịch nhận định: lúc này, sự bất ngờ về hướng tiến công, lực lượng tiến công tuy có giảm đi, nhưng ta phải tạo ra những bất ngờ khác, quan trọng hơn là cách đánh và thời gian đánh. Trên cơ sở phân tích thế, lực giữa ta và địch, cách thức phòng thủ Sài Gòn của địch, Đại tướng cùng với Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định sử dụng lực lượng thích hợp, đủ sức bao vây, chia cắt, chặn giữ, không cho chúng rút về Sài Gòn; tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn phòng ngự vòng ngoài. Tập trung lực lượng lớn, tinh nhuệ, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn cơ giới đột kích, đánh thẳng vào 5 mục tiêu quan trọng nhất - 5 “tử huyệt” của ngụy quân Sài Gòn; làm rung chuyển không chỉ riêng Sài Gòn, mà cả Oa-sinh-tơn, sụp đổ chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Phương pháp tác chiến đó đã thực hiện xuất sắc tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thắng nhanh nhất, hạn chế thấp nhất tổn thất.

Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, Đại tướng đã cùng với Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu và các Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ đạo vận dụng linh hoạt nhiều cách đánh, nhiều hình thức chiến thuật đạt đến trình độ cao về tổ chức, sử dụng lực lượng, hiệp đồng tác chiến giữa các hướng, các binh chủng; tranh thủ thời gian, tận dụng thời cơ phát triển chiến dịch, chiến đấu. Nét đặc sắc của sự phát triển nghệ thuật quân sự trong Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 là kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiến công như vũ bão của các binh đoàn chủ lực với nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng nhân dân ở cả nông thôn và đô thị; kết hợp chặt chẽ giữa tiêu diệt địch với giành quyền làm chủ, giành quyền làm chủ và tiêu diệt địch. Đó là kết quả tất yếu của quá trình phát triển, kết hợp giữa hình thức đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa phương thức tiến hành chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích. Nghệ thuật quân sự Việt Nam phát triển cao về cơ động thần tốc lực lượng chiến lược; tạo lập thế trận tiến công hiểm hóc, liên hoàn và linh hoạt; vận dụng sáng tạo phương pháp tác chiến táo bạo, bất ngờ, chắc thắng đã kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hiện nay, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện thời cơ, thách thức đan xen, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam mà Đại tướng đã dày công đóng góp xây dựng và hoàn thiện. Qua đó, cũng là thể hiện sự tri ân, thực hiện tâm nguyện của Đại tướng: “… mọi người cần tiếp tục phát huy mọi phẩm chất tốt đẹp vốn có trước đây trong kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với một chất lượng mới và tầm cao mới phù hợp với yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới”6.

Trung tướng, PGS, TS. NGUYỄN ĐỨC HẢI, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng

_________________

1 - Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tuyển tập, Nxb QĐND, H. 2007, tr. 764.

2, 3, 4, 5,6 - Sđd, tr. 910, 761, 256, 645, 580.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.