Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Tư, 01/01/2014, 16:07 (GMT+7)
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người không chỉ là nhà chính trị, quân sự có tầm nhìn chiến lược, tư duy sắc sảo, mà còn là một cán bộ mẫu mực về phẩm chất, đạo đức cách mạng, tiêu biểu cho ý chí, truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
trao đổi tình hình chiến sự ở miền Nam,
ngày 05-7-1967 (Ảnh tư liệu
)

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao cho nhiều trọng trách: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Quân uỷ (1950 - 1960); Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam (1965 - 1967). Đối với lực lượng vũ trang, Quân đội, Đại tướng đã có những đóng góp to lớn trên nhiều phương diện; đặc biệt là, xây dựng nền nếp, chế độ công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT), bảo đảm cho nó thực sự là “linh hồn”, “mạch sống” trong xây dựng, chiến đấu của Quân đội ta. Trên các cương vị công tác, Đại tướng luôn nêu cao tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần tạo nên giá trị cao đẹp phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; xứng đáng với sự tôn vinh của nhân dân và các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CB,CS); đó là: “Đại tướng của nhân dân”, “Người Chính ủy của Quân đội nhân dân Việt Nam”.  

Trong những năm tháng lớn lên cùng phong trào cách mạng, theo cương vị, trọng trách được giao, Đại tướng đã kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, coi trọng công tác tổng kết kinh nghiệm, lấy thực tiễn làm sâu sắc hơn lý luận, tổng kết lý luận có sức thuyết phục, làm cho tư tưởng, đường lối chính trị - quân sự của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh được quán triệt sâu sắc và thực hiện thành công. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trải qua các cương vị, chức trách quan trọng, nhưng sự đóng góp to lớn và sâu sắc của Đại tướng đối với Quân đội là ở cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - “Người Chính ủy của Quân đội nhân dân Việt Nam”; góp phần xây dựng và phát triển bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội. Đại tướng vừa là người tích cực truyền bá tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Quân đội, vừa là người gương mẫu thực hiện các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức cách mạng, tiêu biểu cho sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, lời nói đi đôi với việc làm, nêu tấm gương mẫu mực để toàn dân, toàn quân học tập và noi theo.

Tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thấm đẫm tư tưởng Hồ Chí Minh, được biểu hiện trên những nét tiêu biểu sau:

Một là, lòng trung thành vô hạn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và tinh thần chiến đấu không mệt mỏi để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ Quân đội. Trên cương vị là người chủ trì về mặt chính trị, xây dựng Đảng, xây dựng con người trong lực lượng vũ trang, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn thể hiện là một chiến sĩ cộng sản trung kiên, tận trung với nước, tận hiếu với dân, trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Đó là phẩm chất cao quý, đạo đức cách mạng của người quân nhân cách mạng. Dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, Đại tướng cũng luôn nêu cao tinh thần “dĩ công vi thượng”, đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng, của nhân dân lên trên, lên trước hết; khi cần, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng, kể cả tính mạng vì lợi ích chung của Quốc gia, dân tộc. Lòng trung thành vô hạn của Đại tướng với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc được biểu hiện sinh động và phát huy hiệu quả trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chiến lược mà Đảng, Bác Hồ và Quân đội giao phó.

Trong nhiều bài nói, bài viết về Quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn nhấn mạnh: phải tăng cường giáo dục nâng cao bản chất cách mạng của Đảng đối với Quân đội nhân dân, bởi đây là vấn đề cốt lõi nhất của đạo đức cách mạng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng căn dặn: “Đạo đức cao quý nhất của người cộng sản là hy sinh phấn đấu, hy sinh là hy sinh cá nhân, phấn đấu là phấn đấu vì cách mạng”[1]. Thông qua hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn xây dựng Quân đội về chính trị, Đại tướng luôn dồn tâm sức cho việc tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với Quân đội và khẳng định: “…Quân đội phải luôn nhằm vào mục tiêu chính trị của Đảng để phấn đấu thực hiện. Ngoài mục tiêu đó ra, Quân đội không còn mục tiêu chính trị nào khác”[2]. Theo Đại tướng, việc nâng cao giác ngộ giai cấp, giác ngộ dân tộc của mỗi CB,CS là nhằm phát huy lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Đại tướng thường xuyên nhắc nhở các cấp lãnh đạo, chỉ huy phải chú trọng giáo dục CB,CS nhận rõ bản chất và mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam; phải chỉ rõ, Quân đội “Chiến đấu cho ai? Vì ai mà phục vụ? Chống kẻ thù nào? Chiến đấu cho độc lập dân tộc có quan hệ gì đến quyền lợi giai cấp, quyền lợi gia đình và bản thân mình?”[3]. Trong chỉ đạo việc biên soạn Tổng kết CTĐ,CTCT trong kháng chiến chống Pháp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trực tiếp viết phần kết luận, rút ra những bài học kinh nghiệm có tính nguyên tắc; trong đó khẳng định: sự lãnh đạo của Đảng là linh hồn, CTĐ,CTCT là mạch sống của Quân đội nhân dân. Nếu xa rời sự lãnh đạo hoặc hạ thấp sự lãnh đạo của Đảng thì Quân đội sẽ rơi vào nguy cơ biến chất. Vì vậy, “Phải ra sức tăng cường và củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò công tác chính trị. Đó là bài học lớn nhất, vứt bỏ kinh nghiệm đó, vi phạm nguyên tắc đó bất cứ lúc nào, trong điều kiện nào, đều là sai lầm và dẫn đến thất bại"[4]… Những tư tưởng, quan điểm và sự chỉ đạo thực tiễn trên đây của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những cống hiến có giá trị to lớn, lâu dài đối với việc xây dựng nền tảng chính trị - tinh thần cho Quân đội ta. Qua đó, càng làm nổi bật tấm gương mẫu mực của Đại tướng về lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, về lập trường giai cấp kiên định, tinh thần cách mạng triệt để, không lùi bước trước bất kỳ hiểm nguy, khó khăn nào, luôn nêu cao khí phách kiên cường của người chiến sĩ cộng sản để bảo vệ Đảng, bảo vệ chân lý, góp phần giành thắng lợi vẻ vang cho Quân đội, cho cách mạng.

Hai là, tấm gương mẫu mực về “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, khi bị địch bắt tù đày cũng như những năm tháng giữ các trọng trách của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Đại tướng luôn tôn trọng nguyên tắc tính đảng, nêu gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để có tâm trong sáng, cao thượng, thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tận tâm, tận lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đại tướng là người luôn thẳng thắn đấu tranh với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, không thỏa hiệp, đầu hàng. Theo Đại tướng, chỉ có kiên quyết đấu tranh loại trừ triệt để chủ nghĩa cá nhân mới góp phần nâng cao đạo đức cách mạng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội ta. Đại tướng có những bài viết rất sắc sảo về chống chủ nghĩa cá nhân, tiêu biểu là bài: “Nâng cao tư tưởng XHCN, khắc phục chủ nghĩa cá nhân” (5-1957), được giới thiệu tại lớp học cán bộ cao cấp toàn quân do Tổng Quân ủy tổ chức. Trong bài viết, Đại tướng tập trung làm rõ bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của Quân đội; phê phán những ảnh hưởng của tư tưởng hòa bình chủ nghĩa, lơi lỏng ý chí chiến đấu, suy tính cá nhân, công thần kiêu ngạo. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng chỉ ra tác hại của chủ nghĩa cá nhân, xem đó là một vật chướng ngại, phá hoại từng bộ phận của sự nghiệp CNXH. Trong kháng chiến chống xâm lược, chủ nghĩa cá nhân biểu hiện trước hết là tư tưởng công thần, kèn cựa, địa vị. Trong hòa bình, xây dựng đất nước, chủ nghĩa cá nhân tồn tại và phát triển ở mức tinh vi, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, một bộ phận cán bộ bị thoái hóa, biến chất, hành động phi pháp, tham nhũng. Đại tướng phân tích, chủ nghĩa cá nhân tác oai, tác quái trong các cơ quan công quyền của Nhà nước và trong Quân đội, “bóng ma của chủ nghĩa cá nhân đã xuất hiện và đã bắt đầu có sức ám ảnh, chi phối”5. Đồng thời cũng khẳng định: “Bóng ma đó thực đáng ghét nhưng không có gì đáng sợ. Vì chúng ta đã có sẵn lá bùa linh thiêng để trừ khử nó - đó là chủ nghĩa Mác - Lê-nin; vì chúng ta đã có một pháp bảo thần diệu để trừ khử nó - đó là phê bình và tự phê bình”[6].

Trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại xuất hiện ở những năm 60 của thế kỷ XX trong hệ thống XHCN, trên cơ sở quán triệt sâu sắc tư tưởng, quan điểm của Đảng và Hồ Chủ tịch, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã phát động phong trào rèn luyện tư tưởng, đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa xét lại. Đại tướng đã trực tiếp nói chuyện tại Trường Chính trị trung cao cấp (nay là Học viện Chính trị) với cán bộ, giảng viên, học viên và đại biểu một số đơn vị quân đội về hai chủ đề: “Xây dựng chủ nghĩa tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân” và “Bảo vệ sự trong sáng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chống chủ nghĩa xét lại hiện đại”. Bằng lối diễn đạt truyền cảm, lập luận sắc sảo, Đại tướng đã phân tích, chỉ rõ thực chất “Chủ trương ba hòa” của chủ nghĩa xét lại hiện đại, nhằm điều hòa với chủ nghĩa đế quốc, ngăn cản thực hiện mục tiêu chung của phong trào cách mạng thế giới là “Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH”. Những bài nói, bài viết về chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa xét lại hiện đại của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn bám sát thực tiễn, có ý nghĩa định hướng tư tưởng, lý luận cho Quân đội và động viên sức mạnh chính trị - tinh thần của bộ đội trong giai đoạn mới của cách mạng. Sự mẫu mực về đạo đức cách mạng của Đại tướng, cùng với lập trường chính trị kiên định, niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng, của CNXH trong bối cảnh tình hình phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có sự chia rẽ sâu sắc, diễn biến rất phức tạp lúc bấy giờ đã thực sự trở thành dấu ấn không phai mờ trong lịch sử CTĐ,CTCT của Quân đội ta; đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự nghiệp xây dựng Quân đội về chính trị.

Ba là, tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng “nói đi đôi với làm”, luôn quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đội ngũ chính ủy, chính trị viên. Từ thực tiễn cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có thể khẳng định, sự thống nhất giữa lý tưởng chính trị và lý tưởng đạo đức cách mạng trong con người của Đại tướng là những giá trị đạo đức có sức cảm hóa rất lớn tới các thế hệ CB,CS Quân đội và nhận được sự quý trọng của nhân dân. Tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng, “lời nói đi đôi với việc làm” của Đại tướng có giá trị định hướng toàn quân phấn đấu vươn lên giành nhiều thắng lợi mới, góp phần thúc đẩy xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rất coi trọng rèn luyện đạo đức, lối sống và tác phong công tác của người chính ủy, chính trị viên. Đại tướng căn dặn đội ngũ cán bộ chính trị Quân đội: phải chống tác phong ba hoa, sáo rỗng, đại khái, chung chung, quan liêu, bàn giấy, lề mề, vô trách nhiệm; đồng thời, xây dựng tác phong làm việc thực tế, cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo, sâu sát, nghiêm túc, chính xác, khẩn trương[7]. Đại tướng đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện, động viên đội ngũ chính ủy, chính trị viên tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất của người cán bộ lãnh đạo, cán bộ chính trị; nhắc nhở chính ủy, chính trị viên phải có quan điểm quần chúng, phát huy tốt dân chủ, đoàn kết và kỷ luật, thật sự bình đẳng về chính trị với chiến sĩ, hết lòng thương yêu, dìu dắt, giúp đỡ đồng chí, đồng đội cùng tiến bộ, trưởng thành. Bản thân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn là một tấm gương mẫu mực về nếp sống giản dị, khiêm tốn, gần gũi, chân thành với đồng chí, đồng đội; trọn vẹn về lòng nhân ái, vị tha, hết mực vì con người; nhưng với bản thân, luôn giữ đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, không đòi hỏi sự ưu đãi, hưởng thụ cho riêng mình[8]. Đại tướng thực sự tiêu biểu cho phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, là khuôn mẫu về tác phong công tác của người chính ủy, chính trị viên, xứng đáng được các thế hệ CB,CS Quân đội tôn vinh.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, những hình ảnh và sự cống hiến to lớn của Đại tướng với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc và Quân đội vẫn mãi mãi sống trong ký ức của nhân dân và các thế hệ CB,CS Quân đội nhân dân Việt Nam. “Người Chính ủy của Quân đội” vẫn đồng hành cùng công cuộc xây dựng Quân đội nhân dân “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN trong tình hình mới./.

 

Đại tá, ThS. NGUYỄN ĐỨC THẮNG

Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự/BQP

 

___________

1 - Nguyễn Chí Thanh - Những bài chọn lọc về quân sự, Nxb QĐND, H. 1977, tr. 135.

2 - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong quân đội, Nxb QĐND, H. 1997, tr. 286.

3 - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 265.

4 - Tổng cục Chính trị - Tổng kết CTĐ,CTCT của Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, H. 1960, tr. 264.

5 - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong Quân đội, Nxb QĐND, H. 1997, tr. 109.

6 - Sđd, tr. 109.

7 - Nguyễn Chí Thanh - Những bài chọn lọc về quân sự, Nxb QĐND, H. 1977, tr. 302 - 327.

8 - Xem: Những mẩu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Website NetCoDo ngày  01-01-2006.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.