Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Sáu, 03/01/2014, 13:36 (GMT+7)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo chiến tranh nhân dân trên chiến trường miền Nam

Sau phong trào Đồng Khởi, cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ, đẩy Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ rơi vào thế phá sản hoàn toàn. Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược, sử dụng không quân và hải quân đánh phá các tỉnh từ Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa đến Quảng Ninh; đồng thời, tích cực xây dựng căn cứ: sân bay, quân cảng, đường giao thông, cơ sở hậu cần, kỹ thuật,... chuẩn bị đưa quân vào tham chiến ở chiến trường miền Nam Việt Nam. Biết trước âm mưu của Mỹ, Bộ Chính trị quyết định điều Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương vào chiến trường làm Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam, nhằm xây dựng lực lượng, tổ chức tác chiến tập trung, phát động chiến tranh nhân dân trên toàn miền Nam.

Vừa đặt chân tới Trung ương Cục, thấu triệt tư tưởng tích cực tiến công tiêu diệt địch của Đảng, với tính năng động, sáng tạo của vị Đại tướng nổi tiếng về phát động phong trào cách mạng trên các lĩnh vực đã nhanh chóng nắm tình hình, chỉ đạo mở chiến dịch tiến công ấp chiến lược Bình Giã từ ngày 02-12-1964 – 03-01-1965 với phương thức “tác chiến tập trung” đầu tiên trên chiến trường, sử dụng lực lượng tương đối lớn: 2 trung đoàn chủ lực của Miền, 4 tiểu đoàn pháo phối hợp với 3 tiểu đoàn của Quân khu 7 và Quân khu 6, đánh bại cuộc hành quân giải tỏa của quân đội Sài gòn, diệt gọn 2 tiểu đoàn “dự bị chiến lược” và chi đoàn M113, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn và nhiều đại đội, bắn rơi 56 trực thăng, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 1.700 tên địch (có hàng chục cố vấn Mỹ), bắt gần 300 tên, giải phóng huyện Hoài Đức, Phó Trì ven biển Hàm Tân, góp phần đánh bại chiến thuật “Trực thăng vận, thiết xa vận”, báo hiệu sự phá sản của Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.

Phát huy chiến thắng Bình Giã và những thắng lợi chống càn quy mô nhỏ của lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương trên toàn Miền, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chủ động mở chiến dịch Ba Gia từ ngày 28-5 – 20-7-1965, sử dụng Trung đoàn 1 chủ lực Quân khu cùng lực lượng các binh chủng trực thuộc phối hợp với LLVT địa phương Quảng Ngãi, tiến công Trung đoàn 51 thuộc Sư đoàn 25 ngụy cùng 3 tiểu đoàn biệt động, lính thủy đánh bộ, bảo an, 1 chi đoàn thiết giáp, khoảng 15 đại đội ở vùng Sơn Tịnh, Bình Sơn, Trà Bồng, tập kích đồn Phước Lộc và đồn Ba Gia. Với nghệ thuật đánh điểm diệt viện, buộc địch phải điều quân đến giải tỏa, ta đã phát huy sở trưởng đánh địch ngoài công sự, diệt gọn 2 tiểu đoàn và 1 chiến đoàn, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 tên, phá hủy 15 xe quân sự, bắn rơi 18 trực thăng, giải phóng 29 xã thuộc 6 huyện của tỉnh Quảng Ngãi.

Khí thế tiến công tiêu diệt địch đang phát triển ngày càng cao, ở khắp các địa phương đã buộc Mỹ ồ ạt đưa quân, vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại vào miền Nam, trực tiếp tham chiến nhằm cứu vãn tình thế. Trước tình hình đó, trên chiến trường xuất hiện một số quan điểm “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu”, “di chuyển căn cứ và Sở chỉ huy Miền tới nơi an toàn hơn”, thực hiện “tiến công quân ngụy ở chiến trường rừng núi để kéo quân Mỹ ra xa mà đánh”,... đáng chú ý hơn là đề xuất của hai nước bạn lớn (Trung Quốc và Liên Xô thời đó) đang giúp ta cả về vật chất và tinh thần lại có ý khác với chủ trương của ta. Với tầm nhìn chiến lược và tư duy quân sự sắc sảo, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phân tích đánh giá thấu đáo tình hình: nếu ta di chuyển căn cứ thì Mỹ sẽ cho quân đánh thẳng vào đội hình đang di chuyển, gây cho ta thiệt hại lớn; còn đánh ngụy trên rừng núi xa thì có đưa võng “mời” quân Mỹ cũng chẳng lên. Do vậy, Đại tướng kiên quyết bảo lưu quan điểm đánh thẳng vào những nơi chúng hành quân, trú quân, bám thắt lưng chúng mà đánh nhằm vô hiệu hóa vũ khí, trang bị, kỹ thuật hiện đại. Những quan điểm chỉ đạo của Đại tướng, Bí thư Trung ương Cục, được Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (3-1965), 12 (12-1965) hoàn toàn nhất trí. Nghị quyết đã phân tích toàn diện, sâu sắc chiến lược mới của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và đề ra chủ trương đối phó đúng đắn, chủ động và sáng tạo.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 11, 12 và thấm nhuần lời kêu gọi (20-7-1965) đánh Mỹ cho đến thắng lợi cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính ủy Nguyễn Chí Thanh đã chỉ đạo tổ chức Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua các LLVT giải phóng miền Nam lần thứ nhất từ ngày 02 đến ngày 06-5-1965 tại chiến khu Dương Minh Châu, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước và ý chí giải phóng quê hương miền Nam. Đại hội đã hội tụ 150 chiến sĩ thi đua của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ xác định: “Đây là đại hội của tinh thần quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược,... là cái mốc đánh dấu sự trưởng thành của các LLVT giải phóng”. Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định đọc quyết định tuyên dương 23 Anh hùng Quân giải phóng. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nêu khẩu hiệu: “Cứ tìm Mỹ mà đánh sẽ tìm ra cách đánh thắng!”. Từ đây, trên toàn chiến trường miền Nam đã lấy khẩu hiệu “Tìm Mỹ mà đánh!”, “Bám thắt lưng Mỹ mà diệt!” làm hành động. Để khích lệ tinh thần đánh Mỹ, diệt Mỹ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đề xuất với Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Miền phát động phong trào thi đua giành danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và “Đơn vị Anh hùng diệt Mỹ”.

Khí thế Đại hội đã lan tỏa, thôi thúc các đơn vị, địa phương thi đua mở chiến dịch, các đợt hoạt động tác chiến diệt địch. Tiêu biểu là, Bộ Tư lệnh Miền đã chủ động mở các chiến dịch: Đồng Xoài, Plây-me, Bầu Bàng – Dầu Tiếng và Đồng Dương và chỉ đạo các đơn vị, lực lượng mở liên tiếp các trận: Núi Thành, Vạn Tường, Đất Cuốc,... Các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đặt mìn hẹn giờ trong khách sạn Mê-tờ-rô-pôn diệt và làm bị thương 200 sĩ quan và nhân viên kỹ thuật Mỹ. Từ thực tiễn trên, ngày 07-02-1966, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài gòn - Gia Định tổng kết kinh nghiệm chiến tranh nhân dân tại Củ Chi, rút ra 10 bài học đánh Mỹ: “1/ Ai cũng đánh được Mỹ. 2/ Vũ khí gì cũng đánh được Mỹ. 3/ Nhiều cũng đánh, ít cũng đánh, 1 người, 1 tổ cũng đánh và đều đánh thắng. 4/ Ở đâu cũng đánh được Mỹ, đánh ở rừng, ở xóm, ở ấp chiến lược, ở đầm lầy. Chỉ cần tích cực bám địch, tìm địch mà đánh là được. 5/ Ngày cũng đánh, đêm cũng đánh được Mỹ, vì cả ngày và đêm Mỹ đều có sơ sở, nhược điểm. 6/ Đánh địch phản công là cơ hội tốt để ta diệt chúng. 7/ Đánh ở cả tiền tuyến, đánh cả ở hậu phương địch, đánh đều khắp, càng làm cho giặc Mỹ bối rối, bị động, ta diệt địch cũng dễ dàng hơn. 8/ Đánh cả ở trong xã, ấp chiến đấu và ngoài xã, ấp chiến đấu chỉ cần nêu cao quyết tâm tìm Mỹ mà đánh, tìm Mỹ mà diệt. 9/ Có khả năng đánh thắng các loại binh chủng Mỹ, cả bộ binh, máy bay, xe tăng, biệt kích. 10/ Đánh bằng vũ khí, đánh bằng chính trị, đánh bằng binh vận”[1]. Từ đó, vành đai diệt Mỹ đã xuất hiện ở nhiều nơi từ Củ Chi, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn và bất cứ nơi nào có quân Mỹ.

Các bài học trên là cơ sở để quân, dân trên toàn Miền tổ chức nhiều trận đánh, thậm chí còn mở nhiều chiến dịch vừa và nhỏ đánh thẳng vào (các đơn vị) nơi đồn trú của quân Mỹ (tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ ở điểm cao 62 và 2 đại đội Lính thủy đánh bộ Mỹ ở Đồi Chùa, phía Tây Sơn Tịnh). Từ tháng 01 đến tháng 4 năm 1966, quân và dân miền Nam đã đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất (gồm 450 cuộc hành quân càn quét, trong đó có 20 cuộc hành quân lớn) của 20 vạn quân Mỹ và 50 vạn quân ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu gần 7 vạn tên địch (có 3 vạn lính Mỹ), đánh thiệt hại 15 tiểu đoàn (có 9 tiểu đoàn Mỹ), bắn rơi, phá hủy 940 máy bay, bắn cháy và phá hủy khoảng 6.000 xe quân sự (có 300 xe tăng và xe bọc thép) v.v. Chỉ trong thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Trung ương Cục miền Nam, ta giải phóng khoảng 47.680 người dân. Những thắng lợi đó của quân, dân miền Nam đã khiến cho Đại sứ Mỹ Ca-bôt-lốt báo cáo về Mỹ (tháng 5-1966) rằng: “Mỹ không tìm được đơn vị chính quy nào của Việt Cộng, không ngăn chặn được du kích phát triển, lực lượng Mỹ không khắc phục được tình hình ngày càng xấu đi và quân đội Sài gòn giảm chất lượng nhanh và vẫn bị động”[2].

Bị thua đau trên chiến trường, quân Mỹ càng điên cuồng tổ chức nhiều cuộc hành quân, như: Át-tơn-bo-rơ của 3 lữ đoàn Mỹ vào chiến khu Dương Minh Châu; Xê-đa Phôn vào Củ Chi, Bến Cát, Bến Xúc và cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty với quy mô lớn nhất của quân viễn chinh Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam khoảng 45.000 quân đánh vào chiến khu Dương Minh Châu hòng tiêu diệt toàn bộ quân chủ lực Miền. Chúng càng điên cuồng hành quân tìm diệt chủ lực ta thì chúng càng sa lầy, mắc vào “mưu, kế, thế, trận” đã bày sẵn ở khắp mọi nơi từ thành thị, đồng bằng nông thôn, nhất là vùng rừng núi. Ở đây địch gặp rất nhiều khó khăn: không thông thuộc địa hình, không phát huy được tính năng của vũ khí, khí tài hiện đại, xa hậu phương, nguồn cung cấp không đáp ứng đủ theo yêu cầu, phải đánh theo cách đánh của ta,... Đây là điểm yếu chí mạng của chúng, ngược lại ta phát huy được sở trường, thế mạnh. Vì thế, các LLVT của ta đã tiến hành một loạt trận phục kích, vận động tiến công, tập kích hỏa lực, loại khỏi vòng chiến đấu 1 tiểu đoàn và 8 đại đội Mỹ, 5 đại đội ngụy, phá 25 khẩu pháo, bắn rơi 20 máy bay,... thực hiện đúng yêu cầu kéo Mỹ ra mà đánh.

Tháng 10-1966, Bộ chỉ huy Miền mở Hội nghị chiến tranh du kích toàn miền Nam lần thứ 3 đã tổng kết thành 12 khả năng của chiến tranh du kích, vạch rõ những yếu tố cơ bản quyết định sự thành công, phát triển mạnh mẽ phong trào chiến tranh du kích, quyết tâm đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.

Đến tháng 4-1967, thực tiễn chiến trường đã cho phép ta rút ra kết luận: quân và dân miền Nam đã đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của hơn 1 triệu quân địch, trong đó có hơn 40 vạn quân Mỹ và quân chư hầu. Trong hơn 6 tháng (10-1966 – 4-1967), các LLVT ta đánh trả 895 cuộc hành quân lớn nhỏ, trong đó, có 3 cuộc hành quân nổi tiếng, đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 175.000 quân địch (khoảng 85.000 quân Mỹ và chư hầu), diệt và đánh thiệt hại nặng 8 tiểu đoàn bộ binh Mỹ, 5 tiểu đoàn pháo, 15 chi đoàn xe bọc thép, bắn rơi và phá hủy 1.800 máy bay, 1.786 xe quân sự, 340 khẩu pháo, 100 tàu xuồng trên sông.

Đổ quân Mỹ vào miền Nam từ năm 1965, mục tiêu của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ là đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25-30 tháng (giữa năm 1965 đến năm 1967) với kế hoạch 3 giai đoạn; giai đoạn 1: phá kế hoạch mùa mưa, chặn “chiều hướng thua” của quân đội Sài gòn, triển khai nhanh quân viễn chinh Mỹ; giai đoạn 2: mở các cuộc phản công chiến lược tìm diệt chủ lực ta và kiểm soát vùng nông thôn; giai đoạn 3: hoàn thành tiêu diệt khối chủ lực ta, tiếp tục bình định miền Nam, rút quân Mỹ về vào cuối 1967 đã căn bản phá sản. Qua 2 cuộc phản công chiến lược quy mô lớn, kể cả cuộc hành quân lớn chưa từng có trên chiến trường, đánh thẳng vào căn cứ địa của đối phương mà cục diện chiến tranh vẫn không chuyển biến theo ý đồ của Mỹ.

Ngày 15-02-1967, Sư đoàn bộ binh 2 (Quân khu 5) tiến công tiểu đoàn lính thủy đánh bộ thuộc lữ Rồng Xanh của Nam Triều Tiên ở Quang Thanh, Sơn Tịnh, diệt 420 tên; đêm 27-02, Tiểu đoàn 99 pháo hỏa tiễn A12 tập kích hỏa lực vào sân bay Đà Nẵng phá hủy 94 máy bay, 200 xe quân sự, diệt nhiều phi công và nhân viên kỹ thuật Mỹ; ngày 28-02, Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ (Trung đoàn 84/Sư đoàn 324) gồm 10 chiến sĩ đánh lui 15 đợt tiến công của 200 lính thủy đánh bộ  Mỹ ở Tây Quảng Trị; 20-3-1967, Sư đoàn 9 chủ lực Miền tiến công cụm quân Mỹ ở Đồng Rùm, diệt và làm bị thương 1.270 tên, phá hủy 87 xe tăng và xe bọc thép, bắn rơi 12 máy bay v.v.

Trên chiến trường, Mỹ đã thua to nhưng vẫn chưa chịu từ bỏ âm mưu tiếp tục chiến tranh xâm lược miền Nam, chúng còn chuẩn bị mở cuộc phản công chiến lược lần thứ ba với lực lượng lớn. Trước tình thế đó, Hội nghị Bộ Chính trị nửa cuối năm 1967 đã nghĩ đến một phương thức tác chiến “tạo nên một chuyển biến lớn có thể chuyển cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới”,... Ý tưởng đó được hoàn chỉnh trong Hội nghị Bộ chính trị tháng 12-1967, được Hội nghị Trung ương 14 (01-1968) thông qua. Đó là sự kiện Tết Mậu Thân 1968.

Trước khi về Trung ương báo cáo, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nêu ý liến mở “Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các LLVT nhân dân giải phóng miền Nam lần thứ hai” vào trung tuần tháng 9-1967. Rất tiếc! ngày 06-7-1967 Đồng chí đã từ trần sau một cơn đau tim, thọ 53 tuổi, không kịp chứng kiến “Đại hội mừng công”, được Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ tuyên dương “xứng đáng với danh hiệu Quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ”. Ở Đại hội này, số Anh hùng LLVT nhân dân đã tăng lên hơn gấp đôi so với Đại hội lần thứ nhất (47/23). Thành công đó, có một phần công lao của vị Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy Quân giải phóng trong gần 3 năm góp phần chỉ đạo chiến tranh nhân dân trên chiến trường miền Nam một cách năng động và sáng tạo./.

 

Thiếu tướng, GS. BÙI PHAN KỲ

 

______________

[1] - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 -1975), Tập 1, Nxb Sự thật, H. 1990, tr. 224.

2 - Tài liệu mật – Lầu Năm góc.

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.