Thứ Sáu, 22/11/2024, 20:12 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Đại tướng Lê Trọng Tấn (thứ hai, từ trái sang) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ trao đổi công việc. (Ảnh tư liệu)
Gần nửa thế kỷ tham gia cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đại tướng Lê Trọng Tấn là một trong những vị tướng “dũng cảm và sáng tạo, mưu lược và quyết đoán”. Ở Đại tướng, những phẩm chất này đã ngấm sâu, hòa với tấm lòng trung thành với Đảng, với dân tộc thành nét riêng của Ông. Tên tuổi của Đại tướng gắn liền với các chiến thắng Việt Bắc, Sông Thao, Biên Giới, Trung Du, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử trong kháng chiến chống thực dân Pháp; gắn liền với chiến thắng Bình Giã, Đồng Xoài, Ba Gia, Bàu Bàng - Dầu Tiếng, Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Đường 9 - Nam Lào, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ, với thắng lợi của hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc (BVTQ).
Lê Trọng Tấn là một vị tướng luôn suy nghĩ và hành động dựa trên niềm tin khoa học vững chắc. Với Đại tướng Lê Trọng Tấn thì đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng là ý chí và nguyện vọng của nhân dân, dân tộc; là kim chỉ nam dẫn đường cho nhận thức và mọi hoạt động của Ông. Trong cuộc đời cách mạng của mình, dù phải sống và hoạt động ở những điều kiện cực kỳ khó khăn, gian khổ của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp hay trong những năm ở chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước,… Đại tướng luôn có một niềm tin vững chắc vào sự dẫn dắt của Đảng, Bác Hồ và sự thành công của cách mạng. Ông từng khẳng định: “bí quyết giúp chúng tôi thành công là lòng tin không gì lay chuyển nổi vào sự lãnh đạo kháng chiến của Trung ương Đảng, Bác Hồ tin tưởng vào sự tất thắng của cách mạng”1. Nhờ đó, Ông phát huy được sức mạnh tổng hợp, đoàn kết được Nhân dân và cán bộ, chiến sĩ để tạo nên động lực, sức mạnh chiến thắng kẻ thù: “những nghị quyết của Đảng là những cột mốc trên chặng đường mình đi”2.
Thông qua thực tiễn kháng chiến, với nhãn quan chính trị, quân sự sắc sảo, với tầm nhìn xa trông rộng nhưng cũng rất cụ thể, Ông đã tổng kết các trận đánh, chiến dịch, hoạt động quân sự, từng bước tích lũy kinh nghiệm và dùng kinh nghiệm ấy để chỉ đạo lại thực tiễn “những kinh nghiệm của từng trận đánh trên chiến trường”3, “đúc kết thành những nguyên tắc”4. Nhờ đó, Ông có những đóng góp to lớn trong việc bổ sung, phát triển đường lối, lý luận quân sự của Đảng, đặc biệt là lý luận về xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT), Quân đội; phát triển đường lối chiến tranh nhân dân; chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội toàn diện cả về phẩm chất, năng lực và tư duy quân sự, v.v. Khi đứng trước những kẻ thù có tiềm lực quân sự, kinh tế mạnh hơn ta gấp nhiều lần, lại vô cùng thâm độc như thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Ông đã cùng lãnh đạo, chỉ huy các cấp kịp thời đề ra phương hướng, phương châm, giải pháp, cách đánh độc đáo, sáng tạo; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng ý chí, quyết tâm và thực lực cách mạng, tạo nên sức mạnh đánh thắng kẻ thù và tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng đất nước.
Đại tướng là người luôn nắm vững những vấn đề cơ bản của đường lối chiến tranh, nghệ thuật quân sự của Đảng để vận dụng vào thực tiễn kháng chiến. Mặc dù không qua một trường lớp nào, nhưng Đại tướng Lê Trọng Tấn là người luôn tự nghiên cứu để nắm vững, dựa chắc vào đường lối, chủ trương của Đảng soi rọi vào thực tiễn. Ông đặc biệt xông xáo trong công cuộc xây dựng LLVT, Quân đội, tăng cường quốc phòng; trong tác chiến, huấn luyện, xây dựng quyết tâm, tìm cách đánh và thắng địch. Ở bất cứ đâu, với bất cứ việc gì, ông đều quan sát, lắng nghe, trăn trở, suy ngẫm cùng Đảng, Quân đội tìm ra lời giải về những vấn đề mà đồng bào, đồng chí và thực tiễn kháng chiến đang đặt ra. Ông sớm phát hiện những vấn đề đặt ra của cuộc chiến tranh, những điểm mạnh và điểm yếu của cả ta và địch; dự báo chính xác tình hình để đưa ra những ý tưởng, giải pháp cho chỉ đạo và tổ chức xây dựng, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, lực lượng cách mạng; hình thành nghệ thuật quân sự, cách đánh giặc và khơi dậy, phát huy mạnh mẽ phong trào thi đua diệt giặc bằng mọi hình thức, phương pháp, phương tiện có trong tay, ở tất cả các chiến trường, v.v. Ông đã góp phần làm cho các lực lượng kháng chiến của dân tộc ta có được ý chí, quyết tâm và nâng cao sức mạnh tổng hợp; có những quả đấm thép, những đòn quyết định đánh thắng các cuộc tiến công, phản công của địch, tạo nên bước ngoặt đưa các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược của dân tộc đến toàn thắng.
Tổ quốc thống nhất, những khó khăn, gian khổ trong chiến tranh chưa lùi xa thì những khó khăn, thách thức trong thời kỳ cả nước cùng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và BVTQ lại ập đến. Cả dân tộc Việt Nam tưởng như sẽ được hoà bình xây dựng, nhưng tập đoàn phản động Pôn Pốt cùng các thế lực bành trướng, bá quyền nước lớn đã gây ra cuộc chiến tranh ở hai đầu đất nước. Là người lãnh đạo, chỉ huy cao cấp của Đảng và Quân đội, Đại tướng Lê Trọng Tấn cùng tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách quân sự, quốc phòng; chỉ đạo và tổ chức toàn quân điều chỉnh thế bố trí chiến lược, xây dựng Quân đội vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu chống xâm lược, làm tròn nhiệm vụ BVTQ; giúp nhân dân Cam-pu-chia hồi sinh sau họa diệt chủng Pôn Pốt. Đồng thời, là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân; tham gia tiến công địch trên tất cả các mặt trận và thực hiện xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của một đội quân chiến đấu, sản xuất và công tác, làm tròn nhiệm vụ quốc tế.
Đồng chí Lê Trọng Tấn là một nhà chính trị, quân sự kiên định nhưng không giáo điều. Các đồng chí, đồng đội, cấp dưới của Ông luôn nhớ về Ông là một người lãnh đạo, chỉ huy nắm bắt và hiểu thấu đáo mọi vấn đề nhưng không tư duy theo “đường mòn”, “lối cũ” mà luôn độc lập, hết sức năng động trên cơ sở nghiên cứu và xem xét, phân tích kỹ địch, ta trong so sánh lực lượng. Ông không chỉ phong phú về kinh nghiệm, bài bản và linh hoạt trong xây dựng, tổ chức lực lượng, mà còn rất giỏi về chiến thuật và nghệ thuật chiến dịch, chiến lược. Luôn nghiên cứu hiểu rõ tình hình, chủ động nắm bắt các tình huống, kể cả những tình huống có lợi cũng như khó khăn làm cơ sở cho xác định quyết tâm, tìm cách đánh và thắng địch. Có tác phong sâu sát chiến trường, xuống tận đơn vị cơ sở để nắm tình hình, dân chủ lắng nghe mọi ý kiến nhằm phát huy cao độ sáng kiến và khơi dậy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong xây dựng phương án tác chiến, phát động quần chúng đấu tranh, khắc phục kịp thời những khó khăn nảy sinh. Theo Đại tướng, “Cán bộ chỉ huy quân sự phải có khả năng thiết kế được các phương án tác chiến trên mọi địa hình khác nhau, trước mọi tình huống quân địch cũng như thời tiết khác nhau”5. Những đóng góp của Đại tướng cho Đảng, Nhà nước và Quân đội, những quyết định của Đại tướng trong chiến tranh giải phóng hay trong xây dựng, BVTQ đều dựa chắc trên sự phân tích chặt chẽ, khoa học, toàn diện về chính trị, kinh tế, quân sự, con người và vũ khí trang bị, địa hình, môi trường và những tác động của địch khi bị “điểm đúng huyệt”, v.v.
Chính vì vậy, Đại tướng đã vận dụng sáng tạo mô hình, hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vào tổ chức, xây dựng, hoạt động của đội vũ trang tuyên truyền, vũ trang xung kích, đại đội và tiểu đoàn tập trung ở Sơn La trong những ngày đầu chống thực dân Pháp; thực hiện phân tán trung đoàn tập trung để phát động nhân dân kháng chiến. Khắc phục điều “khó nhất” trong xây dựng đơn vị là “khâu cán bộ” khi Đại tướng “tự tổ chức lấy trường quân chính của mình”6 lúc Ông là chỉ huy Trung đoàn Sơn La (năm 1947). Đó còn là sự thận trọng, chu đáo, tỉ mỉ, đầy sáng tạo của Đại tướng trong chuẩn bị chiến trường và tổ chức lực lượng; vận dụng các yếu tố thế, thời, mưu; sử dụng tập trung sức mạnh của Trung đoàn, Đại đoàn do Ông chỉ huy đánh vào những nơi hiểm yếu của địch, hình thành và chuyển hóa, phát triển thế trận, lực lượng tạo nên ưu thế để ta càng đánh càng mạnh, địch càng đánh càng thất bại, góp phần làm nên thắng lợi của các chiến dịch Sông Thao, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Biên Giới, Trung Du. Chuyên đề “Tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm” do Đại tướng cùng với đồng chí Cao Văn Khánh chỉ đạo hoàn thành dựa trên những nghiên cứu kinh nghiệm thành công và chưa thành công của bộ đội ta khi tiến công tập đoàn cứ điểm Nà Sản, cách bố trí của địch ở thị xã Hòa Bình trong Chiến dịch Hòa Bình, tham khảo kinh nghiệm của Giải phóng quân Trung Quốc và Hồng quân Liên Xô đã là cơ sở cho thắng lợi của ta: đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch mạnh nhất ở Đông Dương, gây chấn động địa cầu.
Đặc biệt, những chỉ đạo sát sao, biến hóa của Đại tướng trong xây dựng lực lượng và thế trận ở cả miền Tây và miền Đông Nam Bộ; biến chủ trương của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về thành lập các sư đoàn chủ lực cơ động tại chiến trường Nam Bộ thành hiện thực; những chủ trương, giải pháp, cách thức tổ chức lực lượng, tổ chức biên chế, huấn luyện và nhất là phương cách tiến hành tác chiến của các chiến dịch,... trong thời điểm những năm 60 của thế kỷ XX đã góp phần đưa cách mạng miền Nam phát triển, đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ. Vai trò to lớn của Đại tướng còn được thể hiện rõ trong sứ mệnh Tư lệnh các chiến dịch ở khắp các chiến trường miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đặc biệt, khi Ông là Tổ trưởng Tổ Trung tâm nghiên cứu đề xuất “Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam” thông qua Bộ Chính trị vào đầu năm 1975 cùng những nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng của Đại tướng khi chủ động đề xuất tổ chức đòn đánh tiêu diệt địch ở Đà Nẵng không để chúng có cơ hội rút lui về cố thủ tại trung tâm đầu não chính quyền Việt Nam Cộng hòa; thành lập cánh quân duyên hải theo Đường 1 ở hướng Đông tiến vào Sài Gòn và cho cánh quân này nổ súng trước giờ G; chỉ huy mặt trận hướng Đông tập trung hỏa lực khống chế Sài Gòn và cùng các bộ phận đập tan chính quyền Trung ương Việt Nam Cộng hòa,... góp phần quan trọng đưa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đến toàn thắng, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH.
Những năm sau này, Đại tướng đã cùng Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân đội hoàn thiện đường lối, chủ trương, chiến lược, sách lược, kế hoạch BVTQ; điều chỉnh thế bố trí chiến lược và phòng thủ đất nước; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và LLVT nhân dân; xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng các đơn vị chủ lực, các quân, binh chủng; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng; phát triển đối ngoại quân sự, quốc phòng và khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam; về công tác nhà trường quân đội, v.v. Đồng thời, Ông đã cùng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thành hiện thực các vấn đề đó trên thực tiễn.
Dày dạn kinh nghiệm trận mạc, Đại tướng còn là một nhà lý luận quân sự xuất sắc, luôn khiêm tốn và cầu thị. Đại tướng đã để lại nhiều công trình nghiên cứu, tổng kết về hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc ta. Những công trình “Mấy vấn đề chỉ đạo và chỉ huy tác chiến”; “Chiến cuộc Đông-Xuân 1953 - 1954 - Một bước phát triển sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam”; “Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975”; “Xây dựng mỗi huyện thành một pháo đài quân sự”,... được tổng kết từ chính cuộc đời của Đại tướng về những thành công và chưa thành công trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh; về công tác chính trị và tác chiến chiến thuật, chiến dịch, chiến lược; xây dựng LLVT ba thứ quân; xây dựng các đơn vị chủ lực, các quân binh chủng và cơ quan tham mưu các cấp; phát triển nền khoa học và nghệ thuật quân sự cách mạng; về xây dựng hậu phương và công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật; về công tác nhà trường và huấn luyện cán bộ chỉ huy tham mưu, v.v. Đó thật sự là những công trình lý luận quân sự đầy sáng tạo và giàu tính thực tiễn, trở thành tài sản quý báu cho Quân đội và nhân dân ta.
Suốt cuộc đời tham gia cách mạng, có mặt trên khắp các chiến trường, Ông luôn lấy thực tiễn kháng chiến, kinh nghiệm từ đồng chí, đồng đội, nhân dân để học tập, rèn luyện; đề cao tính kỷ luật và khả năng tư duy của chính mình, v.v. Với Đại tướng, thắng địch đã khó nhưng thắng chính mình còn khó hơn. Ông cho rằng: “Dũng cảm nhìn thẳng vào khuyết điểm của bản thân mình cũng khó khăn không kém trong chiến đấu”7; “Chính lòng trung thành và sự dũng cảm đẻ ra sự thông minh và sự thông minh của những người trực tiếp cầm súng đã đưa đơn vị tiến lên,...”8. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đại tướng cũng kiên định với con đường đã chọn; dám đương đầu với những khó khăn, thử thách, đối diện với sự thật dù đó là thành công hay thất bại; luôn quyết tâm, gắng sức, bền bỉ; hiểu rõ tình hình, nhiệm vụ, nắm vững ý định của trên; ra sức học tập nắm vững nguyên tắc, phương châm của Đảng. Ông biết cách nắm và hiểu sâu về địch; đặt sự vật hiện tượng quân sự trong toàn cục để đánh giá đúng và có kế sách xử lý; sâu sát thực tiễn, giữ nghiêm kỷ luật, không rơi vào chủ quan, tự kiêu, tự mãn. Theo Đại tướng, thành công chỉ đến khi có quyết tâm và kiên quyết thực hiện bằng được quyết tâm đó, “coi quyết tâm của cấp trên đưa xuống là quyết tâm của mình mà kiên quyết thực hiện”, “cấp dưới là phải tìm mọi sáng kiến thực hiện bằng được quyết tâm”, v.v.
Nhớ về Đại tướng Lê Trọng Tấn, chúng ta cần học tập ở Ông sự năng động, sáng tạo trong suy nghĩ và hành động, nhất quán giữa nói và làm, lý luận gắn với thực tiễn; dân chủ, chân tình, cởi mở, sâu sát cơ sở, sâu sát thực tiễn, chú ý lắng nghe ý kiến của quần chúng nhưng cũng rất độc lập suy nghĩ, không theo đuôi quần chúng. Ông là tấm gương sáng trong của người cộng sản, người thực hiện xuất sắc những ý đồ chiến lược quân sự của Đảng và Bác Hồ, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định: “Đại tướng Lê Trọng Tấn là người chỉ huy dũng cảm và sáng tạo, mưu lược và quyết đoán, có ý thức trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật rất cao, trong hoàn cảnh gay go, phức tạp thế nào, Đồng chí cũng tìm cách khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”9.
Thượng tướng NGUYỄN THÀNH CUNG, Ủy viên BCHTƯ Đảng, Ủy viên Thường vụ QUTƯ
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ____________
1 - Đại tướng Lê Trọng Tấn - Tổng tập. Nxb QĐND, H. 2007, tr. 69.
2, 3, 4 - Sđd - tr. 80 - 81.
5 - Đại tướng Lê Trọng Tấn - nhà quân sự tài giỏi, đức độ, Nxb QĐND, H. 2010, tr. 81.
6 - Đại tướng Lê Trọng Tấn - Tổng tập, Nxb QĐND, H. 2007, tr. 58.
7, 8 - Đại tướng Lê Trọng Tấn - Tổng tập, Nxb QĐND, H. 2007, tr. 125, 128.
9 - Đại tướng Lê Trọng Tấn - nhà quân sự tài giỏi, đức độ, Nxb QĐND, H. 2010, tr. 11.
Lê Trọng Tấn,chỉ huy dũng cảm,mưu lược
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội