Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Năm, 30/04/2015, 06:04 (GMT+7)
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Hoàng Văn Thái (01-5-1915 - 01-5-2015)
Đại tướng Hoàng Văn Thái với việc xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam
 Đại tướng Hoàng Văn Thái (người cầm cờ) trong Đội Việt Nam Tuyên truyền
Giải phóng quân. (Ảnh tư liệu)

Đại tướng Hoàng Văn Thái là một trong những cán bộ tiên phong về bồi dưỡng, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân trước thử thách chiến tranh vô cùng cam go, quyết liệt.

Tư tưởng, ý chí và hành động quyết chiến, quyết thắng của Đại tướng Hoàng Văn Thái sớm được hình thành và lan tỏa tới cán bộ, chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam bởi những yếu tố nổi bật, đó là: Thứ nhất, Đại tướng có một quá trình hoạt động cách mạng liên tục, lâu dài, trực tiếp được tôi luyện trong khó khăn quyết liệt của cuộc chiến đấu trong nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch, nhiều chiến trường và trên nhiều cương vị chỉ huy mà ở đó luôn đòi hỏi phải quyết chiến và quyết thắng kẻ thù. Môi trường đấu tranh khắc nghiệt ấy, đã rèn luyện, xây dựng nên bản lĩnh kiên cường, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thứ hai, Đại tướng có lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Quân ủy Trung ương trong việc chỉ đạo, điều hành chiến tranh; có niềm tin sâu sắc vào tinh thần yêu nước, sự đoàn kết, quyết tâm chiến đấu của toàn dân và toàn quân ta sẽ tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Thứ ba, Đại tướng hiểu rõ sức mạnh trong chiến tranh được tạo dựng bởi các yếu tố: vật chất, chính trị tinh thần, tính chính nghĩa của ta và phi nghĩa của địch, ý đồ tác chiến của địch và của ta,... Từ đó, đánh giá đúng chỗ yếu của địch, để xây dựng kế hoạch, phương chỉ đạo tác chiến đánh địch bảo đảm giành thắng lợi. Cùng với đó, Đại tướng còn có sự từng trải trong chiến đấu, vừa làm chỉ huy tham mưu vừa tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, luôn gần gũi, tin tưởng, thương yêu giúp đỡ cán bộ cấp dưới, biết động viên tinh thần bộ đội quyết tâm chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù.

Trưởng thành từ một đội viên trong đội quân chủ lực đầu tiên, qua nhiều cương vị chỉ huy để trở thành một vị tướng, Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của quân đội, Đại tướng Hoàng Văn Thái luôn tiên phong, năng nổ, cụ thể, tỷ mỷ, nghiêm túc, khoa học trong công việc. Đặc biệt, quá trình thực hiện nhiệm vụ của người chỉ huy tham mưu trong chiến tranh và trong công tác chỉ đạo tổng kết sau này, Đại tướng luôn suy nghĩ, tìm ra những vấn đề cốt lõi, đúc kết kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch tác chiến tốt nhất, tránh được thương vong lớn cho bộ đội trong chiến đấu, góp phần xây dựng lòng tin quyết chiến, quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ.

 Tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đại tướng luôn in đậm trong tư tưởng, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ. Tại buổi Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (22-12-1944), Ông được chọn cầm lá cờ Tổ quốc, để bắt đầu từ đây Quân đội nhân dân Việt Nam lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần tô thắm Quân kỳ quyết chiến, quyết thắng của Quân đội. Rồi vài ngày sau đó, trong trận Nà Ngần, Ông lại là người cắm cờ sau chiến thắng. Sự tiêu biểu về ý chí quyết chiến, quyết thắng ấy đã tác động, cổ vũ mạnh mẽ tới các đội viên ngay từ những buổi đầu khởi nghiệp. Với ý chí quyết tâm hăng hái đánh giặc và cổ vũ tinh thần quyết chiến quyết thắng, Ông đã sáng tác nhạc phẩm có tựa đề “Phất cờ Nam tiến”. Bằng ca từ và giai điệu hùng tráng, đã thôi thúc đội quân từ Việt Bắc tiến về xuôi giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám; thúc dục tinh thần cán bộ, chiến sĩ các chi đội Nam tiến chống thực dân Pháp xâm lược và tiếp tục cổ vũ mạnh mẽ ý chí quyết chiến, quyết thắng cho hàng vạn cán bộ, chiến sĩ miền Bắc hăng hái vào Nam chiến đấu chống Mỹ, cứu nước.

Là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội quốc gia Việt Nam khi mới 30 tuổi, Đại tướng Hoàng Văn Thái được Bác Hồ giao nhiệm vụ thành lập Bộ Tổng Tham mưu Quân đội quốc gia Việt Nam. Với ý chí quyết tâm cao, Ông đã sớm xây dựng được “Cơ quan Chiến lược trọng yếu” để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của nó trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trên cương vị chỉ huy tham mưu cao nhất, Ông đã trực tiếp Chỉ huy Mặt trận Hải Phòng chống thực dân Pháp xâm lược từ ngày 20 đến ngày 27-11-1946; cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt kế hoạch chiến đấu bảo vệ Hà Nội trong 60 ngày đêm mùa Đông năm 1946; Chỉ huy Chiến dịch Việt Bắc, Thu - Đông năm 1947… Trước những đợt tấn công ác liệt của địch, sự có mặt của Tổng Tham mưu trưởng đã cổ vũ mạnh mẽ ý chí quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi.

Giai đoạn 1950 - 1953, khi có điều kiện mở các chiến dịch tiến công địch, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn, như: Chiến dịch Trung Du (cuối năm 1950); Chiến dịch Đường 18; Chiến dịch Hà-Nam-Ninh (Xuân-Hè năm 1951); Chiến dịch Tây Bắc (cuối năm 1952); Chiến dịch Thượng Lào (Hè năm 1953)… Cả khi thắng lợi cũng như những lúc khó khăn, Ông luôn gần gũi, động viên, hướng dẫn, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực và quan tâm đời sống của bộ đội. Trong chiến dịch, Ông luôn suy nghĩ, tìm tòi, xây dựng kế hoạch tác chiến đúng đắn để giành thắng lợi lớn, góp phần củng cố, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội.

Trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, trên cương vị là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, kiêm Tham mưu trưởng Chiến dịch, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã dẫn đầu Đoàn cán bộ tham mưu lên Điện Biên Phủ, trực tiếp nghiên cứu chiến trường, chuẩn bị kế hoạch tác chiến đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bảo đảm phát huy tốt yếu tố chính trị tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng trong điều kiện chiến đấu ở địa bàn thung lũng, trống trải. Mặc dù là người ủng hộ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”, nhưng khi Đảng ủy Mặt trận quyết định và Tư lệnh Chiến dịch ra lệnh thay đổi phương án tác chiến thì Ông lại là người nghiêm túc thực hiện mệnh lệnh, khẩn trương chuẩn bị lại kế hoạch và chỉ huy các lực lượng tham gia Chiến dịch. Sự tiên phong, gương mẫu của Đại tướng Hoàng Văn Thái đã tác động mạnh mẽ tới ý chí, quyết tâm chiến đấu của bộ đội trong trận quyết chiến chiến lược lịch sử.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh và quân đồng minh vào tham chiến miền Nam Việt Nam (năm 1966), Đại tướng Hoàng Văn Thái đã được Đảng và Bác Hồ điều động vào làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5. Từ giữa năm 1967 đến năm 1973, Ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh, Phó Bí thư Quân ủy Quân Giải phóng miền Nam và Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Đại tướng đã nhanh chóng nắm chắc tình hình, tăng cường chỉ đạo phát huy nhân tố con người, trước hết là yếu tố chính trị tinh thần, bồi dưỡng, củng cố ý chí quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội trước những khó khăn, ác liệt phải trực tiếp đối đầu với quân đội Mỹ. Trong thời kỳ này, Ông đã chỉ huy các chiến dịch lớn, như: Chiến dịch Lộc Ninh (27-10 đến 10-12-1967), Tây Ninh (17-8 đến 28-9-1968), Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972.

Là Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam trong cuộc đấu trí, đấu lực giữa ta và địch, với những diễn biến phức tạp, mau lẹ, nhất là sau Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, khi Mỹ, ngụy chuyển sang “quét và giữ”, dồn sức bình định nông thôn, gây nhiều tổn thất cho ta, có nơi rất nghiêm trọng, đặc biệt là vùng ven và nông thôn. Thời điểm khó khăn này, trong nội bộ cán bộ ta có nảy sinh những vấn đề mới, phức tạp về tư tưởng. Bộ Tư lệnh Miền vừa phải chỉ đạo, điều hành hoạt động của các lực lượng cho phù hợp với tình hình, vừa phải nghiên cứu để báo cáo Bộ Chính trị về quyết sách cho cuộc kháng chiến. Trước yêu cầu nhiệm vụ đó, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã chú trọng giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu sâu đường lối của Đảng, hiểu cách đánh của ta trong chiến lược tổng hợp, sử dụng mọi hình thức đấu tranh, thực hiện phương châm “hai chân, ba mũi, ba vùng”, mối quan hệ giữa tiến công và nổi dậy, quan điểm biết thắng địch một cách bất ngờ và tranh thủ thời cơ... Qua đó tạo sự thống nhất, củng cố niềm tin vào chiến thắng cho cán bộ, chiến sĩ.

Sau năm 1975, quân và dân ta lại phải tiến hành chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, trong quân đội xuất hiện những hiện tượng tiêu cực mà trong kháng chiến chống Mỹ rất ít xảy ra. Trước tình hình đó, có ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do sự yếu kém ở khâu đại đội, nhưng Đại tướng Hoàng Văn Thái đã nhận định: từ khi quân đội được thành lập, cấp đại đội đều do những thanh niên hăng hái đảm nhiệm. Họ được đề bạt từ trong công tác và chiến đấu, mấy ai được đào tạo cơ bản, thế nhưng lại ít thấy những khuyết điểm xuất hiện trong quân đội như lúc này. Ông phân tích rõ, do tình hình đất nước phải trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ 30 năm, rất nhiều việc phải giải quyết sau chiến tranh, nay lại phải thực hiện chiến tranh ở hai đầu đất nước. Nền kinh tế ọp ẹp chưa được khôi phục, lại phải cung cấp, nuôi dưỡng một lực lượng quân đội quá đông. Quân đông, nên việc xây dựng, trang bị, huấn luyện, giáo dục... không đáp ứng được, chất lượng chiến đấu thấp lại phải dàn trải khắp đất nước, trong trạng thái căng như dây cung. Vì thế, để chống lại đội quân xâm lược đông người, cần phải học cách của ông cha ta “quân quý hồ tinh”, quân phải có chất lượng, phải đặc biệt tăng cường xây dựng, củng cố nâng cao ý chí quyết chiến, quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ mới giành được thắng lợi.

Những cống hiến to lớn của Đại tướng Hoàng Văn Thái trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội ghi nhận. Trong đó, việc xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là nội dung quan trọng có ý nghĩa xuyên suốt cho đến hôm nay và mai sau.

Đại tá, PGS.TS. NGUYỄN XUÂN TÚ, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.