Thứ Bảy, 23/11/2024, 20:04 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thái gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đặc biệt là quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Hoàng Văn Thái sinh ngày 01-5-1915, tại Thái Bình, tham gia hoạt động cách mạng khi mới 18 tuổi. Năm 1938, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi 23 tuổi, từng bị địch bắt giam. Những dấu mốc đầu tiên đáng nhớ và gắn cuộc đời của Hoàng Văn Thái với lĩnh vực quân sự, quân đội - Đội trưởng Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn và cũng là người trực tiếp thành lập Đội (cuối năm 1940) và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, (năm 1944), Hiệu trưởng Trường Quân chính kháng Nhật,… có lẽ là tiền đề để trở thành vị tướng tài ba, nhà lý luận quân sự của Đảng. Hoạt động trong Quân đội, trưởng thành, phát triển cùng Quân đội, đồng chí Hoàng Văn Thái được giao nhiều trọng trách, cương vị khác nhau: Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa III, IV, V, Đại biểu Quốc hội khóa VII. Mấy chục năm trong Quân đội, Đồng chí đã phụ trách công tác: tình báo, tham mưu, tác chiến, nhà trường, huấn luyện,… và ở cương vị nào, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc. Nhưng trong đó, mặt công tác mà đồng chí gắn bó nhất, tham gia lâu nhất, để lại dấu ấn sâu đậm nhất là công tác tham mưu, tác chiến. Đại tướng Hoàng Văn Thái là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (07-9-1945) khi mới 30 tuổi và cũng là người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giới thiệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Bộ Tổng Tham mưu.
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhất là trong lĩnh vực quân sự, Quân đội, nổi bật với tư cách: vị tướng trận mạc, nhà lý luận quân sự của Đảng ta.
Vị tướng trận mạc dày dạn
Đó là cách nói hình ảnh về Đại tướng Hoàng Văn Thái, nhưng hoàn toàn đúng theo nghĩa đen. Bởi, Đồng chí là một trong số tướng lĩnh của Quân đội dày dạn thực tiễn chiến trường qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Không những thế, đồng chí còn trực tiếp tham gia với cương vị chỉ huy tham mưu, tác chiến ở hầu hết các chiến dịch lớn, chiến dịch có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong chiến tranh, lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân giữ vai trò nòng cốt. Và, để giành thắng lợi thì một trong những mặt công tác quan trọng nhất cần phải làm tốt đối với Quân đội là tham mưu, tác chiến. Trong đó, Bộ Tổng tham mưu là cơ quan chiến lược trọng yếu chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện công tác này. Cũng vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bộ Tổng tham mưu là cơ quan quân sự cơ mật của đoàn thể, là cơ quan quan trọng của quân đội, có nhiệm vụ tổ chức, huấn luyện quân sự cho giỏi; tổ chức nắm địch, nắm ta cho rõ ràng, bầy mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thống nhất, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác, để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng”1. Nêu như vậy để thấy rõ vai trò và những đóng góp to lớn của Đại tướng Hoàng Văn Thái đối với Quân đội, trực tiếp là Bộ Tổng tham mưu, đặc biệt là khi thành lập và trong giai đoạn Đồng chí là Tổng Tham mưu trưởng (1945 - 1953). Việc xây dựng Bộ Tổng Tham mưu chỉ sau thời gian ngắn thành lập Quân đội và ít ngày sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để xứng đáng với niềm tin của Đảng, bằng những kiến thức cơ bản được trang bị qua đào tạo ở nước ngoài, cùng kinh nghiệm thực tiễn được tích lũy, đồng chí Hoàng Văn Thái đã cùng một số cán bộ quân đội dốc sức xây dựng, tổ chức Bộ Tổng tham mưu, hệ thống cơ quan tham mưu toàn quân hoạt động nền nếp, từng bước phát triển, hoàn thiện, giúp cho Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng triển khai, chỉ đạo tác chiến và xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, nhất là quân đội nhân dân ngày càng trưởng thành vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngoài trọng trách là Tổng Tham mưu trưởng, Đồng chí còn trực tiếp làm Tham mưu trưởng, Đảng ủy viên các chiến dịch lớn, như: Chiến dịch Biên Giới, Trung Du, Đường 18, Hà - Nam -Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc và Chiến dịch Thượng Lào. Đặc biệt, trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, Đồng chí không những có đóng góp quan trọng vào việc hoạch định kế hoạch tác chiến chiến lược, làm phá sản Kế hoạch Na-va (trọng tâm là ý định tập trung lực lượng cơ động chiến lược ở đồng bằng Bắc Bộ của thực dân Pháp), mà còn trực tiếp chỉ huy tham mưu, tác chiến và giúp Đảng ủy, Bộ Tư lệnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy tại mặt trận Điện Biên Phủ, tạo thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Hoàng Văn Thái có mặt tại chiến trường miền Nam từ đầu năm 1966, được giao nhiều nhiệm vụ, giữ nhiều trọng trách. Từ năm 1966 - 1972, Đồng chí được chỉ định làm quyền Bí thư Khu ủy Khu 5, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5; Phó Bí thư Trung ương Cục, Phó Bí thư Quân ủy Miền, Tư lệnh Bộ chỉ huy Miền. Với cương vị đó, Đồng chí đã trực tiếp tham gia lãnh đạo, chỉ đạo các đợt hoạt động tác chiến trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) và các chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Toàn thắng (01-1971), Chen la 1, Chen la 2 của địch và góp phần giành thắng lợi của ta trong Chiến dịch Nguyễn Huệ, Chiến dịch Tiến công tổng hợp năm 1972.
Sau Hiệp định Pa-ri được ký kết (27-01-1973), đồng chí Hoàng Văn Thái từ chiến trường miền Nam ra Bắc và trở lại công tác tại Bộ Tổng tham mưu, với cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng thứ Nhất, phụ trách tác chiến và chi viện chiến trường. Đóng góp nổi bật của Đồng chí trong thời gian này là đã cùng với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo cơ quan xây dựng Kế hoạch tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam (1975 - 1976) theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Và tiếp đó, giúp Bộ thống soái tối cao chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch, từ công tác chuẩn bị các mặt, nhất là các binh đoàn chủ lực đến việc tạo thế và lực, nắm thời cơ lịch sử để tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Khái quát những dấu mốc quan trọng trên chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc suốt mấy chục năm ròng, thông qua những trọng trách mà đồng chí Hoàng Văn Thái được giao, những cương vị từng đảm nhiệm, những chiến dịch lớn đã tham gia, chúng ta càng thấy rõ những cống hiến to lớn và chân dung của một vị tướng trận mạc dày dạn của Quân đội ta.
Nhà lý luận quân sự sắc sảo
Lý luận và thực tiễn có mối quan hệ biện chứng. Vai trò của lý luận là chỉ đạo thực tiễn; nhưng, lý luận lại xuất phát từ thực tiễn, nghiên cứu thực tiễn mà khát quát lý luận, bổ sung và hoàn thiện lý luận để tiếp tục chỉ đạo thực tiễn đạt những thành tựu mới. Đối với cách mạng vô sản, nguyên lý chủ nghĩa Mác – Lê-nin chỉ ra rằng: không có thực tiễn cách mạng thì không có lý luận cách mạng. Thực tiễn cách mạng Việt Nam vô cùng phong phú và đầy khắc nghiệt qua mấy mươi năm đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập dân tộc, do đó lý luận cách mạng của Đảng ta mà biểu hiện tập trung ở đường lối, quan điểm hết sức đúng đắn, sáng tạo, không ngừng phát triển hoàn thiện và đó là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.
Nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Hoàng Văn Thái có thể thấy Đồng chí là hiện thân, là minh chứng của mối quan hệ: lý luận - thực tiễn, thực tiễn - lý luận. Trước hết, Đồng chí là con người của thực tiễn, hơn thế còn là thực tiễn quân sự, thực tiễn chiến tranh - môi trường khắc nghiệt nhất, cam go nhất. Và chính điều đó, và từ điều đó, từ một vị tướng trận mạc dày dạn hình thành nên nhà lý luận quân sự Hoàng Văn Thái. Có thể khẳng định như vậy qua những tác phẩm quân sự có giá trị lý luận cao mà ông đã để lại cho Quân đội, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Trong suốt mấy mươi năm hoạt động cách mạng, lặn lội thực tiễn chiến trường trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đầy cam go, quyết liệt của dân tộc ta, với phẩm chất và tư cách của một cán bộ quân sự, vị tướng trận mạc, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã viết hơn mười tác phẩm và hồi ký, hàng trăm bài nghiên cứu có giá trị lý luận, chỉ đạo thực tiễn đăng trên các báo, tạp chí lý luận như: Quân sự Tập san, Quân chính Tập san, Tạp chí Quân đội nhân dân, Tạp chí Học tập, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Công tác Nhà trường v.v.
Hầu hết những tác tác phẩm, bài viết trên đề cập về chiến tranh, quốc phòng, quân sự, về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, về khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự, về công tác chỉ huy tham mưu, tác chiến, v.v. Đó thực sự là những tác phẩm quân sự, công trình nghiên cứu khoa học quân sự có giá trị lý luận, thực tiễn. Trong cuốn “Tổng tập của Đại tướng Hoàng Văn Thái” dày 900 trang, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân biên soạn, ấn hành năm 2007 đã đăng 02 tác phẩm hồi ký (Điện Biên Phủ - Chiến dịch lịch sử và Những năm tháng quyết định), 02 tác phẩm quân sự (Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 và Mấy vấn đề về chỉ huy tham mưu), cùng phụ lục gồm danh mục 17 tác phẩm đã xuất bản, 80 bài đăng tạp chí và 39 bài đăng Báo Quân đội nhân dân trong giai đoạn từ năm 1948 - 1979.
Điều rất đáng quan tâm là, Đại tướng Hoàng Văn Thái có những bài viết về quân sự từ khá sớm (năm 1948) và những bài viết, những tác phẩm đó thể hiện sâu sắc tầm nhìn chiến lược, tư duy quân sự sắc sảo và nó không chỉ giàu tính lý luận, mà còn luôn mang hơi thở thực tiễn, chỉ đạo thực tiễn. Thiết nghĩ, với chừng đó những tác phẩm, hồi ký, bài viết đủ khẳng định, khắc họa chân dung nhà lý luận quân sự Hoàng Văn Thái.
Trong những ngày này, các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Hoàng Văn Thái (01-5-1915 – 01-5-2015) đang diễn ra sôi nổi trong toàn quân. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại, với lòng biết ơn, niềm tự hào sâu sắc về Đại tướng Hoàng Văn Thái - vị tướng trận mạc, nhà lý luận quân sự, Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
NGUYỄN HÀ ANH _______
1 - Bộ Tổng Tham mưu, 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1945 - 1995), Nxb QĐND, H. 1995, tr. 5.
Hoàng Văn Thái,vị tướng trận mạc
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội