Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Tư, 29/04/2015, 09:54 (GMT+7)
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Hoàng Văn Thái (01-5-1915 - 01-5-2015)
Đại tướng Hoàng Văn Thái bàn về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng

Đại tướng Hoàng Văn Thái vị Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội ta, một cán bộ lãnh đạo tài năng, đức độ và xuất sắc của Đảng, học trò mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là tấm gương sáng về niềm tin và ý chí cách mạng để cho các thế hệ mai sau noi gương học tập.

Đại tướng Hoàng Văn Thái (thứ 4 từ trái sang) bàn kế hoạch tác chiến với các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam năm 1967. (Ảnh tư liệu)

Cuộc đời cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thái là hành trình hiện thân của một thế hệ cách mạng tài trí, kiên cường, bất khuất, trung kiên; trưởng thành từ thực tiễn ở cơ sở trong đấu tranh cách mạng. Đồng chí là một thanh niên yêu nước giàu nhiệt huyết, 18 tuổi đã tham gia hoạt động chính trị trong các tổ chức xã hội, 23 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Chỉ mấy ngày sau khi Bác Hồ ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Đồng chí là người “thiết kế” và chỉ huy hai trận đầu tiên, tiêu diệt đồn Phai Khắt, Nà Ngần giành thắng lợi. Sau đó, đồng chí Hoàng Văn Thái đã được cử làm Hiệu trưởng Trường Quân chính kháng Nhật Tân Trào. Ngày 07 tháng 9 năm 1945, đồng chí Hoàng Văn Thái được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 30 tuổi.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), đồng chí Hoàng Văn Thái đã giữ nhiều chức vụ chỉ huy cao cấp quan trọng trong quân đội. Ở bất cứ cương vị nào, Ông đều tỏ rõ là một vị tướng mưu lược, có bản lĩnh vững vàng, quyết đoán, với tư duy chiến lược sắc sảo, nhất là tư duy nhận thức của Đại tướng Hoàng Văn Thái bàn về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta, đã thể hiện nhiều vấn đề mang tính nghệ thuật trở thành những bài học kinh nghiệm có giá trị vận dụng, phát triển cao trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay:

Trước hết, để chỉ đạo chiến tranh giành thắng lợi, cần có đường lối chỉ đạo chiến tranh đúng, đó là: đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, bằng cách mạng bạo lực, với lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, phát động đấu tranh giai cấp, huy động toàn thể nhân dân đứng lên đấu tranh tự giải phóng; dựa vào sức mạnh và tinh thần yêu nước quật cường của toàn dân để đương đầu với bộ máy thống trị, đương đầu với máy bay, đại bác và quân đội nhà nghề của kẻ thù; bằng chiến tranh toàn dân, toàn diện được kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương thức tiến hành chiến tranh du kích chiến với phương thức chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực. Có chủ trương, đường lối và quyết tâm như vậy mới theo kịp và mới chỉ huy nổi cuộc chiến tranh trường kỳ, gian khổ đó.

Xuất phát từ thực tiễn chiến tranh ở Việt Nam, với tư duy quân sự sắc sảo, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã hiểu thấu quá trình vận động chuyển hóa, phát triển giữa hai bên địch, ta một cách khách quan, trong từng giai đoạn, từng thời kỳ, từng trận đánh. Đó là sự đánh giá đúng về địch, về ta để đề ra một phương châm, phương thức tác chiến phù hợp trong quá trình tổ chức, điều hành chiến tranh.

Chỉ thị của Trung ương Đảng ngày 15 tháng 10 năm 1947 đã chỉ rõ “quy luật chiến tranh là phép tắc mà bất cứ một cuộc chiến tranh nào cũng phải theo”1. Tuy nhiên, bàn về những quy luật chỉ đạo chiến tranh của Đảng, Đại tướng Hoàng Văn Thái cho rằng: chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam xuất phát từ thực tiễn khách quan trong những điều kiện hoàn cảnh quốc tế, quốc gia, giữa ta và địch. Vì vậy, quy luật tiến triển của nó cũng có những đặc điểm không giống với những cuộc chiến tranh của các nước khác trên thế giới. Lịch sử hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta đã chứng minh quan điểm trên của Đại tướng là hoàn toàn đúng đắn:

Một là, có Đảng Mác-xít Lê-nin-nít lãnh đạo, có đường lối chính trị đúng đắn phù hợp với lợi ích cơ bản của quần chúng thì mới phát động được toàn dân đứng lên tiến hành chiến tranh nhân dân;

Hai là, có hậu phương vững chắc về mọi mặt;

Ba là, có tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng gồm ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc;

Bốn là, có nghệ thuật quân sự độc đáo của chiến tranh nhân dân;

Năm là, biết kết hợp chặt chẽ và khéo léo giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang;

Sáu là, chiến đấu lâu dài, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, trước hết phải giải phóng nông thôn, lấy nông thôn làm căn cứ bao vây thành thị tiến đến giải phóng thành thị.

Những vấn đề chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Đảng ta đã được đúc rút từ thực tiễn, không ngẫu nhiên có, không có sẵn trong một “học thuyết” nào. Đây là quá trình vận dụng sáng tạo nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, được đúc kết thành những bài học kinh nghiệm quý. Tuy nhiên, việc vận dụng sáng tạo những nguyên lý đó vào thực tiễn cũng không tự có, mà phải tổ chức, xây dựng. Đây là một nhận thức rất lô-gíc trong tư duy của Đại tướng Hoàng Văn Thái khi bàn về đường lối, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng, đó là: Khi mục tiêu độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày là động lực thúc đẩy nhân dân ta một lòng quyết chiến, quyết thắng đế quốc Pháp đã đạt được. Khi tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cần có sự bổ sung, điều chỉnh phát triển mới, phù hợp với nhiệm vụ mới. Khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nguồn gốc sức mạnh vô tận cổ vũ toàn dân ta kiên quyết giết giặc, cứu nước, cuối cùng chúng ta đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Về xây dựng lực lượng: Đại tướng Hoàng Văn Thái rất coi trọng con người, mà trong con người rất coi trọng nhân tố chính trị - tinh thần, thường xuyên được quán xuyến trong mọi lĩnh vực chỉ đạo hoạt động của Đại tướng. Trong xây dựng lực lượng vũ trang, Đại tướng Hoàng Văn Thái rất coi trọng xây dựng về chính trị, tư tưởng và xây dựng đội ngũ cán bộ; lấy xây dựng đội ngũ cán bộ làm trung tâm, xây dựng về chính trị là số một. Đặc biệt coi trọng về chính trị và tinh thần nhưng không bị xơ cứng, một chiều, không sa vào duy ý chí. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh, cũng như cán bộ chiến sỹ kính mến đồng chí Hoàng Văn Thái không chỉ vì tài năng mà còn vì quan điểm chính trị, đức độ và tác phong sâu sát, gần gũi của đồng chí.

Đại tướng Hoàng Văn Thái là một trong những người có công đầu tiên trong xây dựng lực lượng, xây dựng nên hệ thống cơ quan tham mưu của quân đội, từ Bộ Tổng Tham mưu cho đến cơ quan tham mưu các cấp trong toàn quân. Vấn đề huấn luyện đã được đồng chí đặt thành nhiệm vụ trung tâm trong công tác xây dựng lực lượng vũ trang, chỉ đạo việc biên soạn tài liệu, điều lệnh, xây dựng và củng cố các trường quân sự; coi trọng tổng kết kinh nghiệm, để lại những bộ “sách đỏ” với nội dung là những mệnh lệnh, chỉ thị, những kinh nghiệm lớn của Đảng trong quá trình chỉ đạo chiến tranh cách mạng. Không những vậy, đồng chí đã đi sâu tìm hiểu thực tiễn của chiến tranh toàn dân, coi trọng tác chiến của chủ lực và chiến tranh du kích, đi sâu nghiên cứu khoa học quân sự, góp phần xây dựng đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta về chỉ đạo chiến tranh.

Về tư tưởng, lý luận quân sự: Nhận thức đúng những quy luật của chiến tranh nhân dân Việt Nam, xác định đúng các nhân tố quyết định quá trình và kết cục của chiến tranh nhân dân, Đảng ta đã có những cơ sở vững chắc để xây dựng niềm tin cho cả dân tộc nhận thức sâu thêm về tư tưởng quân sự cũng như giải quyết đúng những yêu cầu mới, cao hơn về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân. Đây chính là một trong những tư duy khoa học, thể hiện sự kế thừa, vận dụng, phát triển một cách sáng tạo vào thực tiễn chỉ đạo, điều hành chiến tranh của Đảng.

Một trong những vấn đề thuộc phạm vi về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã làm rõ và khẳng định những nội dung về tư tưởng quân sự cũng như lý luận quân sự của Đảng ta là: “chỗ sáng tạo của lý luận quân sự của chúng ta trong thời kỳ kháng chiến là đã khẳng định các nhân tố thắng lợi trong điều kiện chiến tranh nhân dân Việt Nam chống kẻ địch mạnh hơn về vật chất. Chúng ta đã khẳng định nhân tố chính trị tinh thần và nhân tố Đảng lãnh đạo tuyệt đối đã trở thành nhân tố có tác dụng quyết định nhất đối với quá trình và kết cục chiến tranh ở nước ta; hậu phương vững chắc đối với ta chủ yếu là ở trong lòng dân”2.

Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trước tình hình mới, những nhân tố này vẫn giữ nguyên giá trị, là những động lực nòng cốt và đã trở thành một quy luật tất yếu, một “tài sản” vô giá không chỉ của lịch sử mà của cả hiện thực và tương lai trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam.

Bàn về quá trình phát triển và hoàn chỉnh nghệ thuật quân sự Việt Nam, Đại tướng Hoàng Văn Thái khẳng định: Đây là một quá trình luôn gắn liền với toàn bộ sự phát triển của chiến tranh giải phóng, không đi ra ngoài những quy luật của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành chiến tranh của Đảng ta là quá trình giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa con người với vũ khí; giữa chính trị với kỹ thuật. Sự vượt trội để giành chiến thắng trong chiến tranh đã thuộc về dân tộc Việt Nam, dân tộc có ý chí, niềm tin và khát vọng độc lập, tự do. Đây chính là nhân tố quyết định cho sự hình thành, phát triển và sáng tạo nên nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã xác định những hình thức tác chiến thích hợp. Những hình thức đó tùy thuộc vào mục đích tác chiến trên từng địa bàn chiến lược, trong những giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, trên mặt trận đấu tranh vũ trang cũng không thoát ra khỏi hai hình thức tác chiến cơ bản của mọi cuộc chiến tranh là tiến công và phòng ngự. Trong thực tiễn chiến tranh ở nước ta, trong tiến công cũng như phòng ngự đã hình thành ba hình thức tác chiến phù hợp với tư tưởng chiến tranh nhân dân, đó là: đánh du kích, đánh vận động và đánh trận địa. Những hình thức tác chiến này đã được vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình cụ thể trên mỗi chiến trường, chính là sự vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng tiến công trong các hoạt động tác chiến. Nhờ đó, chúng ta mới diệt được địch, giữ được mình, vừa đánh, vừa bồi dưỡng phát triển lực lượng, càng đánh, càng mạnh.

Thực tiễn hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã chứng minh: không chỉ lấy điều kiện trang bị vũ khí, quy mô sử dụng lực lượng, phạm vi hình thành làm tiêu chuẩn để xác định lý luận nghệ thuật quân sự, mà cuộc chiến tranh của dân tộc ta là cuộc chiến toàn dân, toàn diện, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, việc trưởng thành đến trình độ nhất định của các lực lượng vũ trang, việc kết hợp các hình thức tác chiến, chính là điều kiện quyết định để chúng ta tiến hành những hoạt động tác chiến tiến công hoặc phòng ngự.

Trong quá trình kháng chiến, nghệ thuật quân sự của ta còn phát triển, hoàn chỉnh và nâng cao những nguyên tắc chỉ đạo tác chiến lên một bước, làm phương hướng tư tưởng cho mọi hành động chiến đấu, làm cho chiến tranh nhân dân của ta hoàn chỉnh và phát triển rất nhanh. Trên cơ sở chiến tranh toàn dân, Đảng ta luôn chỉ đạo sự kết hợp chặt chẽ ba hình thức tác chiến đó, nhân dân và các lực lượng vũ trang đã sáng tạo nên nhiều hình thức, thủ đoạn chiến đấu độc đáo, với các quy mô khác nhau, góp phần phát triển nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Đại tướng Hoàng Văn Thái khẳng định: Đảng ta đã giải quyết thành công các vấn đề về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, tư tưởng chỉ đạo tác chiến để đánh thắng kẻ thù có trang bị vũ khí hiện đại hơn ta và đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa con người với vũ khí, chính trị với kỹ thuật phù hợp quy luật đấu tranh vũ trang ở Việt Nam.

Chiến tranh cách mạng của nhân dân ta chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp đã kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới, giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, chống chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam. Từ ngày 13 đến ngày 21 tháng 01 năm 1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ con đường đấu tranh của cách mạng miền Nam đi đến thống nhất Tổ quốc là con đường bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc, phong kiến.

Bàn về sự kết hợp các hình thức đấu tranh ở miền Nam, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã phân tích, làm rõ những đặc điểm nổi bật của chiến tranh cách mạng toàn dân, toàn diện ở miền Nam đang phát triển dưới hình thái của một cuộc đấu tranh cách mạng hết sức khốc liệt. Hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang đang song song kết hợp, trong đó vai trò đấu tranh vũ trang đã và đang từng bước được nâng cao, phát triển toàn diện cả về quy mô, tính chất trên các địa bàn chiến trường. Nhưng nhìn chung, cả hai hình thức đấu tranh này là cơ bản, quyết định; không được xem nhẹ hoặc coi trọng bất cứ hình thức nào. Tuy nhiên, mỗi thời điểm sự kết hợp hai hình thức đó, hình thức đấu tranh quân sự có vai trò động lực, quyết định thúc đẩy sự phát triển của hình thức đấu tranh chính trị. Từ sự phân tích đó, Đại tướng Hoàng Văn Thái khẳng định: Đây chính là sự sáng tạo, tư duy chiến lược hết sức khoa học, đã trở thành một trong những nội dung nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta. Đồng thời, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai hình thức đấu tranh này là nét độc đáo của cách mạng miền Nam. Phản ánh và nhận thức điều đó, bằng sự vận dụng chỉ đạo những hoạt động thực tiễn giành thắng lợi là một bước phát triển mới về tư tưởng, quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Phương châm kết hợp này, đã được quán triệt sâu sắc cả trong chỉ đạo chiến lược, chiến dịch và chiến thuật của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân.

Để tổ chức thực hiện hai nhiệm vụ đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, chúng ta đã hình thành và rèn luyện được một lực lượng chính trị hết sức hùng hậu của quần chúng cách mạng và một lực lượng vũ trang cách mạng ngày càng mạnh. Đây cũng là quá trình phát triển tất yếu về tổ chức xây dựng lực lượng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển này cũng có những đặc điểm không hoàn toàn giống trước đó. Trong đấu tranh chính trị đã xuất hiện những đội quân chính trị gồm đông đảo quần chúng nhân dân vừa có khả năng đấu tranh chính trị, vừa có khả năng đấu tranh quân sự trực tiếp với địch. “Đội quân chính trị ra đời với khả năng hoạt động mạnh mẽ là sự phát triển mới về đấu tranh chính trị và về hình thức tổ chức lực lượng của chiến tranh nhân dân ở nước ta, ghi thêm một nét mới trong lý luận quân sự của chúng ta”3.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Đại tướng Hoàng Văn Thái đã làm đúng lời dạy của Bác Hồ, đem hết tinh thần và nghị lực suốt đời phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, phục vụ Đảng, không hề có suy tính cá nhân. Anh đã làm việc quên mình, chiến đấu kiên quyết, sống vì đại nghĩa, vì lý tưởng độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội…”4. Thấm hiểu sâu sắc tư duy của Đại tướng Hoàng Văn Thái khi bàn về những vấn đề nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, không ngừng bổ sung, phát triển Nghệ thuật Quân sự Việt Nam trong tình hình mới./.

Thượng tướng, PGS, TS. VÕ TIẾN TRUNG, Uỷ viên Trung ương Đảng,Giám đốc Học viện Quốc phòng
______________________

1 - Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Nxb QĐND, H. 1999, tr. 315.

2 - Sđd, tr. 316.

3 - Sđd, tr. 331.

4 - Sđd, tr. 21.

(Trích tham luận tại Hội thảo khoa học Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Hoàng Văn Thái)

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.