Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Sáu, 15/03/2013, 15:59 (GMT+7)
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân
Đại tướng Chu Huy Mân – nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Đảng và Quân đội

Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam là nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Gần 60 năm hoạt động cách mạng đầy sôi nổi, trải qua nhiều cương vị công tác, Đồng chí luôn đem hết tinh thần, nghị lực và trí tuệ của người cộng sản cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

         

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghệ An giàu truyền thống cách mạng, được lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, đồng chí Chu Huy Mân sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1930 (khi mới 17 tuổi), Đồng chí đã đứng trong hàng ngũ của Đảng với lời thề: “nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng”. Kể từ đây, cuộc đời của đồng chí Chu Huy Mân gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; luôn hoàn thành mọi trọng trách mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó; có nhiều cống hiến xuất sắc cho cách mạng Việt Nam. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào, từ Đội phó Đội Tự vệ Đỏ trong Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh đến Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí Chu Huy Mân luôn kiên định mục tiêu lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Lễ cắt băng khánh thành Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân. (Nguồn: qdnd.vn)

Trong Cách mạng Tháng 8-1945, Đồng chí tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Quảng Nam, làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, rồi Chủ tịch Ủy ban quân chính Khu C (gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Quảng Nam). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với các cương vị Chính ủy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 72, 74; Chính ủy Đại đoàn 316, Đồng chí đã lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Chu Huy Mân được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, ở những thời điểm chiến lược, trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Khu 5 đầy gian khổ, ác liệt. Đồng chí đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, nghệ thuật quân sự Việt Nam vào thực tiễn chiến trường; coi trọng công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng niềm tin, ý chí, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược cho lực lượng vũ trang (LLVT) ba thứ quân. Trên cương vị Chính ủy kiêm Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Quân khu 5, Đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh lãnh đạo quân và dân trên địa bàn trực tiếp đương đầu với quân Mỹ, lập nên nhiều chiến công vang dội (Kỳ Sanh, An Lão, Núi Thành, Ba Gia, Plây-me – Ia-đrăng…), góp phần cùng quân, dân cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH, đồng chí Chu Huy Mân được phân công đảm nhiệm những trọng trách, cương vị cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Với tầm nhìn, tư duy chiến lược và khả năng phân tích thực tiễn sâu sắc cùng những kinh nghiệm dạn dày cả về chính trị và quân sự, Đồng chí đã chủ động đề xuất nhiều vấn đề về chính trị, quân sự, quốc phòng và đối ngoại ở tầm chiến lược, nhất là vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.

Với những cống hiến to lớn đối với cách mạng Việt Nam, đồng chí Chu Huy Mân đã được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý nhất: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Quân công hạng Nhất.

Đại tướng Chu Huy Mân là người cộng sản kiên trung, mẫu mực. Bước vào cuộc đấu tranh cách mạng, Đồng chí đã sớm xác định cho mình những khó khăn, thử thách phải vượt qua. Ngay từ những năm tháng hoạt động ở quê nhà đến thời gian bị giam cầm trong lao tù của thực dân, Đồng chí luôn là biểu tượng ngời sáng của tinh thần gang thép, niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo và trở thành tấm gương tiêu biểu cho ý chí bất khuất của người cộng sản trước sự tra tấn tàn bạo của kẻ thù. Sau khi thoát khỏi ngục tù, trong suốt hai cuộc trường chinh của dân tộc và trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Chu Huy Mân luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng lên trên lợi ích cá nhân; nguyện suốt đời cống hiến vì sự nghiệp cách mạng, suốt đời “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trên nhiều cương vị công tác, Đồng chí luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng; có tác phong lãnh đạo, chỉ huy kiên quyết, mưu lược, sáng tạo, tôn trọng nguyên tắc, phát huy dân chủ và giữ nghiêm kỷ luật; đồng thời, luôn chân tình, gần gũi thương yêu đồng chí, đồng đội. Đồng chí thường căn dặn cán bộ cấp dưới: xương máu của chiến sĩ là vốn quý giá của dân tộc, của Quân đội và của mỗi gia đình quân nhân; hạn chế tổn thất trong chiến đấu là trách nhiệm lớn của người chỉ huy. Không chỉ là vị tướng mẫu mực của Quân đội ta, đồng chí Chu Huy Mân còn có nhiều cống hiến có giá trị cho sự nghiệp quốc tế cao cả của Đảng. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “giúp bạn là tự giúp mình”, Đồng chí đã cùng Trung đoàn 74 tham gia giúp cách mạng Trung Quốc tiêu diệt quân Tưởng Giới Thạch, mở rộng căn cứ địa Hoa Nam (năm 1948) và sát cánh cùng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (năm 1949). Từ năm 1954, Đồng chí nhiều lần được Đảng, Bác Hồ cử sang giúp cách mạng Lào. Với cương vị Đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Đoàn 100 chuyên gia quân sự Lào, Tổng cố vấn Việt Nam cho Chính phủ Lào, Đồng chí đã tổ chức, giáo dục, động viên anh em trong Đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó. Dấu ấn đặc biệt quan trọng của Đồng chí là giúp cho quân đội Pa-thét Lào có bước phát triển mạnh mẽ; góp phần quan trọng xây dựng cơ quan Bộ Quốc phòng và các LLVT Lào, củng cố Chính phủ liên hiệp Lào và giúp Bạn tổ chức những trận đánh lớn, được cán bộ, nhân dân các bộ tộc Lào tin tưởng, kính trọng và đánh giá cao.

          Đại tướng Chu Huy Mân là vị tướng văn võ song toàn, mạnh cả về chính trị và quân sự. “Anh Hai Mạnh” là cách gọi đầy ngưỡng mộ mà đồng chí, đồng đội dành cho đồng chí Chu Huy Mân - vị tướng dạn dày trận mạc, nhiều năm chiến đấu, công tác ở những chiến trường trọng điểm gian khó, ác liệt và đảm nhiệm nhiều trọng trách cả về chính trị và quân sự. Với tầm nhìn xa, trông rộng, phương pháp tư duy khoa học, sáng tạo, đồng chí Chu Huy Mân luôn chủ động phân tích, đánh giá, dự báo sát đúng những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn để tìm ra phương pháp giải quyết đúng đắn, phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ làm Chính ủy kiêm Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Quân khu 5, Đồng chí chủ trương tổ chức lại chiến trường trên cơ sở quán triệt tư tưởng xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân của Đảng; thực hiện phương châm “có dân là có tất cả”; luôn dựa vào sức mạnh tinh thần yêu nước, đoàn kết của toàn dân; phát huy những yếu tố về thiên thời, địa lợi, nhân hòa để xây dựng thế trận toàn dân đánh giặc, lấy LLVT nhân dân làm nòng cốt. Trong chỉ đạo tác chiến, Đồng chí luôn quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần tư tưởng chiến lược tiến công; phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp đánh địch bằng “hai chân, ba mũi” trên cả ba vùng chiến lược, giành thắng lợi cả về chính trị và quân sự, giữ vững thế chủ động chiến lược. Đặc biệt, khi đế quốc Mỹ đổ quân vào chiến trường miền Nam, tham chiến ở Tây Nguyên, trong nội bộ ta có một số người xuất hiện tư tưởng “sợ Mỹ”, “ngại đương đầu với quân Mỹ”, Đồng chí đã nêu quyết tâm trước Đảng ủy Mặt trận: “trước hết phải dám đánh Mỹ, cứ đánh thắng khắc tìm ra cách đánh”1 và phương châm: “vừa học, vừa làm, vừa chiến đấu, vừa rèn luyện”2. Trong điều kiện phải lấy ít địch nhiều, yếu chống mạnh, Đồng chí yêu cầu các đơn vị không chỉ có ý chí quyết tâm chiến đấu cao mà phải đánh địch bằng mưu, kế, thế trận, buộc địch tuy có quân đông, trang bị hiện đại nhưng phải đánh theo cách đánh của ta. Cách đánh “vây điểm, diệt viện, nghi binh, lừa địch” được Đồng chí vận dụng rất sáng tạo, mang lại hiệu suất chiến đấu cao. Những quyết định sáng suốt, quyết đoán của Đại tướng Chu Huy Mân và tập thể Đảng ủy Mặt trận, Quân khu đã góp phần quan trọng vào xác định cách đánh, xây dựng lòng tin, quyết tâm “dám đánh, biết đánh và biết thắng” cho quân và dân ta. Nhờ đó, thế trận chiến tranh nhân dân trên chiến trường Tây Nguyên, Khu 5 ngày càng được củng cố, phát triển, là cơ sở quan trọng để quân và dân ta thực hiện chiến lược cách mạng tiến công, lần lượt đánh bại các biện pháp chiến thuật của địch.

          Đại tướng Chu Huy Mân có cống hiến quan trọng trong xây dựng LLVT nhân dân, QĐND vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; có trình độ chiến thuật, kỹ thuật, hậu cần và trang bị ngày càng hiện đại. Suốt cuộc đời cách mạng, Đồng chí đặc biệt coi trọng xây dựng QĐND vững mạnh về chính trị, coi đó là nền tảng để nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT nhân dân. Để làm được điều đó, Đồng chí yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải đẩy mạnh công tác Đảng, công tác chính trị trong đơn vị, nhất là làm tốt việc bồi dưỡng, động viên ý chí, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ; kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện ngại khó khăn, sợ ác liệt, hy sinh hoặc tư tưởng chủ quan, khinh địch. Theo Đồng chí, để nhân lên sức mạnh chiến đấu, việc xây dựng quyết tâm chiến đấu cho bộ đội phải được cán bộ các cấp tiến hành thường xuyên, liên tục, từ lúc chuẩn bị và trong suốt quá trình tác chiến; làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của trận đánh, chiến dịch; từ đó nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, tinh thần đoàn kết hiệp đồng để tạo sức mạnh tổng hợp; đồng thời, phải thực hiện tốt dân chủ quân sự và chăm lo bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Đồng chí rất coi trọng gắn việc xây dựng tổ chức với xây dựng con người; trong đó, đặc biệt chăm lo củng cố, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong LLVT nhân dân; xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tường và tổ chức; xây dựng cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp vững mạnh, bảo đảm giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt”.

Là người chỉ huy xuất sắc, thao lược trên chiến trường trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc; nhà lãnh đạo và tổ chức hoạt động thực tiễn tài năng của Đảng và Quân đội cả trong chiến tranh và hòa bình, Đại tướng Chu Huy Mân là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho các thế hệ hôm nay học tập, noi theo. Học tập đồng chí Chu Huy Mân, chúng ta nguyện noi theo tấm gương suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân; học tập tinh thần cách mạng tiến công, bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ cộng sản trước mọi khó khăn, thử thách không hề lùi bước; tác phong và phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát, tỉ mỷ; luôn bám sát và nắm chắc thực tiễn để sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và lối sống trong sạch, lành mạnh, gần gũi yêu thương đồng bào, đồng đội.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, việc tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân (17-3-1913 – 17-3-2013) là dịp để chúng ta khẳng định và tôn vinh một nhà chính trị, quân sự tài ba, đức độ của Đảng và Quân đội, có nhiều cống hiến xuất sắc vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Chu Huy Mân là tấm gương sáng luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay hãy nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; ra sức học tập, lao động sáng tạo, đoàn kết thống nhất, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là sự thể hiện lòng tôn kính thiết thực nhất, có ý nghĩa nhất đối với đồng chí Chu Huy Mân và các bậc tiền bối cách mạng.

 

Thượng tướng NGUYỄN THÀNH CUNG

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Ủy viên Thường vụ QUTƯ

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

 

______________

1, 2 – Đại tướng Chu Huy Mân – Thời sôi động, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 420.

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.