Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:51 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Đại tướng Chu Huy Mân là vị tướng song toàn của Quân đội ta, vừa có tài thao lược trên chiến trường, vừa là nhà chính trị sắc sảo, nhìn xa trông rộng, được đồng chí, đồng đội tin tưởng, mến phục và gọi bằng cái tên thân thương: anh “Hai Mạnh”, nghĩa là mạnh cả về quân sự và chính trị. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy trọng yếu, gắn bó với nhiều địa phương, đơn vị, nhiều chiến trường, từ quê hương Khu 4 đến Tây Bắc, Quảng Đông - Quảng Tây (Trung Quốc), chiến trường Lào và Khu 5, Tây Nguyên. Với Khu 5, Đại tướng có hai giai đoạn gắn bó trực tiếp với nhiều dấu ấn sâu sắc về cả chính trị và quân sự: là người trực tiếp tham gia lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân Khu 5 lập nên nhiều chiến công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và những năm đầu thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là vùng đất sâu nặng nghĩa tình, được Đại tướng coi như “quê hương thứ hai” của mình.
1. Tham gia lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh giành và giữ chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Nam
Đại tướng Chu Huy Mân đến với vùng đất Khu 5 lần đầu (vào tháng 5/1940) khi Đồng chí bị thực dân Pháp giam ở các nhà ngục Đăk Glei, Đăk Tô (Kon Tum). Ở đây, kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn cực hình, mua chuộc, dụ dỗ, nhưng Đồng chí luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, bền bỉ đấu tranh, nung nấu quyết tâm tìm thời cơ để trở về với cách mạng. Tháng 3/1943, sau khi vượt ngục thành công và trải qua nhiều tháng tự hoạt động ở nhiều địa phương Trung Bộ, Đồng chí đã kết nối được với cách mạng, tham gia Ủy ban Mặt trận Việt Minh Tỉnh và Tỉnh ủy Quảng Nam. Tại đây, trước sự chuyển biến mau lẹ của tình thế cách mạng, nhất là sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (3/1945), Đồng chí cùng những đảng viên nòng cốt, kiên trung của Quảng Nam tích cực triển khai các biện pháp xây dựng, chuẩn bị thực lực cách mạng, chờ thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Với lòng nhiệt huyết và sự đóng góp tích cực của Đồng chí, chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống cơ quan lãnh đạo khởi nghĩa từ cấp xã, tổng đến phủ, huyện, tỉnh đã được thành lập, củng cố, kiện toàn. Lực lượng khởi nghĩa cũng phát triển mạnh mẽ; quần chúng được tập hợp đông đảo dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh; các đội du kích, tự vệ được thành lập với số lượng đội viên tăng nhanh.
Tháng 8/1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định phát động toàn dân nổi dậy giành chính quyền, Đồng chí Chu Huy Mân được giao trực tiếp chỉ huy lực lượng tự vệ hỗ trợ quần chúng nổi dậy và nhanh chóng giành thắng lợi ở tỉnh lỵ Hội An, làm tiền đề cho thắng lợi của các phủ, huyện khác. Nhờ đó, Quảng Nam là một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.
Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, với cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chính trị viên Tỉnh đội, Đồng chí đặc biệt quan tâm và đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang Tỉnh về chính trị, như: tăng cường cán bộ, đảng viên ưu tú sang Chi đội Giải phóng quân để làm nòng cốt cho các đại đội; thành lập chi bộ của Chi đội, Ban Công tác chính trị để làm hạt nhân lãnh đạo, tiến hành các mặt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị, v.v. Dù còn rất non trẻ, song cách thức tổ chức, hoạt động của Chi đội Giải phóng quân tỉnh Quảng Nam lúc đó đã thể hiện những nét cơ bản theo nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Do yêu cầu nhiệm vụ, cuối năm 1945, Xứ ủy Trung Kỳ quyết định điều đồng chí Chu Huy Mân ra Huế nhận nhiệm vụ mới. Cuộc chia tay với mảnh đất Khu 5, đặc biệt là Quảng Nam để lại nhiều cảm xúc như chính tâm sự của Đại tướng: “Tôi sống và hoạt động trên quê hương thứ hai này, thời gian chưa nhiều nhưng nghĩa tình sâu sắc,... Trong sâu thẳm, tôi thầm tự hứa nhất định sẽ có ngày trở lại vùng đất quê hương thứ hai này, với những con người đầy nghĩa khí cách mạng hào hùng và tình yêu thương vô hạn”1.
2. Lãnh đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang Quân khu 5 “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Tháng 4/1964, đồng chí Chu Huy Mân được Trung ương tin tưởng điều động trở lại chiến trường Khu 5. Trải qua các cương vị: Phó Bí thư Khu ủy, Bí thư Quân khu ủy, Chính ủy Quân khu 5 (4/1964 - 8/1965); Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên (9/1965 - 7/1967); Phó Bí thư Khu ủy 5, Phó Bí thư Quân khu ủy, Tư lệnh Quân khu 5 (8/1967 - 11/1975), Đồng chí trực tiếp cùng Khu ủy 5, Mặt trận Tây Nguyên lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp; trên cơ sở đó, tích cực, chủ động đánh địch để tìm ra cách đánh tối ưu,... tạo khí thế và xung lực mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường nóng bỏng này.
Về lại chiến trường Khu 5 giữa lúc Mỹ, ngụy bắt đầu triển khai kế hoạch Johnson - Mc.Namara đầy tham vọng, với nhãn quan chính trị và tư duy quân sự nhạy bén, Đồng chí nhận định: bộ đội chủ lực không thể đánh theo lối phân tán, đánh nhỏ, đánh tiêu hao địch, mà phải tác chiến tập trung với quy mô thích hợp để tiêu diệt từng đơn vị địch, đáp ứng yêu cầu phát triển của chiến tranh. Để thực hiện điều đó, Đồng chí hết sức coi trọng tăng cường giáo dục chính trị, lãnh đạo, tư tưởng, quán triệt sâu sắc tư tưởng tiến công địch, thấm nhuần nguyên tắc đánh tiêu diệt; nghiêm khắc với hiện tượng đánh xua, đánh đuổi. Đồng thời, nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng cơ động chiến đấu, trình độ kỹ thuật, chiến thuật cho bộ đội, nhất là các đơn vị chủ lực; nghiên cứu đánh bại các thủ đoạn chiến thuật của địch, trước mắt đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” của Mỹ, ngụy. Trên cơ sở đó, Đồng chí chỉ đạo, triển khai tổ chức các trận chiến đấu, chiến dịch tác chiến hiệp đồng giữa bộ đội chủ lực Quân khu và bộ đội địa phương, dân quân du kích các tỉnh, lập nhiều chiến công ghi dấu ấn nghệ thuật dùng binh của Đại tướng. Mở đầu là trận Kỳ Sanh - Quảng Nam (8/1964), lần đầu tiên chiến thuật “thiết xa vận” của địch bị đánh bại trên chiến trường Khu 5; Chiến thắng An Lão - Bình Định (12/1964), lần đầu tiên Khu 5 mở chiến dịch tiến công với quy mô cấp trung đoàn, giải phóng một chi khu quận lỵ; Chiến thắng Ba Gia - Quảng Ngãi (5/1965), lần đầu tiên ta diệt gọn một chiến đoàn quân ngụy, với lực lượng “một chọi một”, trong thời gian ngắn (42 giờ),… góp phần làm cho chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, ngụy phá sản hoàn toàn và khẳng định sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang Quân khu 5, đủ sức mở các chiến dịch hiệp đồng tác chiến quy mô cấp trung đoàn, đánh bại các trung đoàn, chiến đoàn chủ lực ngụy.
Năm 1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Ngay khi địch đặt chân lên Đà Nẵng, Đồng chí cùng Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 triệu tập Hội nghị cán bộ trung, cao cấp bàn chuyên đề đánh Mỹ. Hội nghị chủ trương: ra sức xây dựng củng cố thế trận chiến tranh nhân dân địa phương, xây dựng “vành đai diệt Mỹ” bao quanh các căn cứ quân sự Mỹ, khẩn trương chuẩn bị tổ chức đánh những trận phủ đầu quân Mỹ; nhanh chóng xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân. Phát huy phong trào thi đua thực hiện “ba bám” (bám đất, bám dân, bám địch), quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược trong toàn Khu. Tiếp đến, Đồng chí chủ trì Hội nghị “Du kích chiến tranh” để bàn kế hoạch xây dựng củng cố dân quân du kích, xây dựng làng xã chiến đấu và kế hoạch xây dựng “vành đai diệt Mỹ”, phát động phong trào thi đua giành danh hiệu “Thiện xạ diệt Mỹ” (sau đổi thành “Dũng sĩ diệt Mỹ”). Đồng thời, chỉ đạo mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Khu nhằm xác định tư tưởng, xây dựng quyết tâm đánh Mỹ cho bộ đội và nhân dân. Trên cơ sở đó, các “vành đai diệt Mỹ” ở Hòa Vang (Đà Nẵng), Chu Lai (Quảng Nam), An Khê (Gia Lai),…nhanh chóng hình thành, trở thành nỗi khiếp sợ của quân Mỹ và là nét độc đáo, sáng tạo trong nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân và dân Khu 5.
Tài thao lược của Đại tướng Chu Huy Mân còn được thể hiện rõ nét khi Đồng chí cùng Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định tổ chức những trận đánh phủ đầu quân Mỹ. Mở đầu là trận Núi Thành (ngày 26/5/1965), lần đầu tiên bộ đội địa phương tỉnh diệt gần hết một đại đội quân Mỹ phòng thủ trong công sự; qua đó, “khẳng định mạnh mẽ khả năng thắng Mỹ của quân - dân Quân khu 5 nói riêng, của quân - dân toàn miền Nam nói chung; là sự kiện mở đầu Phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, lùng ngụy mà diệt” trên khắp các chiến trường”2. Tiếp đó là Chiến thắng Vạn Tường (8/1965), đập tan cuộc hành quân càn quét của Mỹ, ngụy, chứng minh khả năng đánh bại quân đội Mỹ trong điều kiện chúng có ưu thế hơn về binh khí và hỏa lực.
Trước tình thế cách mạng ở Mặt trận Tây Nguyên gặp khó khăn, tháng 8/1965, Đồng chí được Đảng tin tưởng phân công đảm nhiệm cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên. Trên cương vị mới, Đồng chí đã cùng với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên phân tích, đánh giá sát đúng tình hình, đề xuất nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, tập trung lãnh đạo, chỉ huy thắng lợi nhiều trận đánh, chiến dịch, nhất là Chiến dịch Plâyme - Ia Đrăng (tháng 10 - 11/1965) và Chiến dịch Sa Thầy (tháng 10 - 12/1966). Qua đó, khẳng định khả năng mở chiến dịch tiến công tiêu diệt tiểu đoàn quân Mỹ bằng tác chiến vận động ở địa hình rừng núi, phát triển nghệ thuật khêu ngòi, nghi binh dụ địch vào thế trận đã chuẩn bị sẵn để tiêu diệt, làm thất bại kế hoạch phản công của địch. Thời gian này, bộ đội Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bảo đảm đời sống và duy trì hoạt động, có nguy cơ bị giải thể, song với nhãn quan chính trị sâu sắc, Đồng chí cùng Thường vụ Đảng ủy Mặt trận thống nhất kiến nghị lên trên quyết định giữ lại toàn bộ lực lượng B3; đồng thời, đề xuất nhiều biện pháp phù hợp, sáng tạo để giải quyết khó khăn trước mắt. Chính quyết định sáng suốt trên đã góp phần quan trọng giữ vững thực lực cách mạng ở Tây Nguyên, làm cơ sở cho các thắng lợi to lớn về sau.
Tháng 7/1967, đồng chí Chu Huy Mân về lại Quân khu 5 đảm nhiệm cương vị Tư lệnh Quân khu cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước3. Tại đây, trước sự biến chuyển của tình thế cách mạng, Đồng chí cùng Thường vụ Khu ủy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung củng cố, phát triển lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân địa phương, đẩy mạnh “hai chân, ba mũi, ba vùng”, lần lượt đánh bại các âm mưu, thủ đoạn của địch trong “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đồng chí trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Chiến dịch Cấm Dơi - Quế Sơn (tháng 7 - 8/1972), mở ra một vùng giải phóng rộng lớn phía Tây tỉnh Quảng Nam nối liền với căn cứ Khu ủy 5; Tư lệnh Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức (tháng 7 - 8/1974), mở toang cánh cửa tiến vào thành phố Đà Nẵng từ hướng Tây; Chính ủy Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, trực tiếp chỉ huy cánh quân phía Nam tiến công vào giải phóng Thành phố (ngày 29/3/1975); chỉ đạo, tổ chức tăng cường lực lượng, vũ khí trang bị cho các cánh quân hành quân thần tốc tham gia giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
3. Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố thế trận phòng thủ trên địa bàn Quân khu, xây dựng lực lượng vũ trang những năm đầu giải phóng.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, theo chỉ thị của Bộ Chính trị, cuối năm 1975, Khu 5 giải thể; sáp nhập Quân khu 6 và Mặt trận Tây Nguyên vào Quân khu 5. Đồng chí được phân công đảm nhiệm cương vị Bí thư Quân khu ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu. Trước bộn bề công việc của những ngày đầu giải phóng, Đồng chí cùng Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu triển khai cùng lúc nhiều nhiệm vụ quan trọng, như: quân quản, tham gia xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng; truy quét tàn quân địch và bọn phản động, nhất là FULRO; tăng cường phòng thủ bảo vệ địa bàn; tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, phá gỡ bom mìn, giúp nhân dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, v.v.
Đối với lực lượng vũ trang Quân khu, bên cạnh việc điều chỉnh biên chế, tổ chức lực lượng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của bộ đội thường trực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Đồng chí hết sức quan tâm xây dựng, phát triển, củng cố lực lượng vũ trang cơ sở nhằm phát huy nội lực các địa phương trong xây dựng, quản lý, bảo vệ địa bàn. Ngay đầu tháng 5/1975, Đồng chí đã ra chỉ thị về tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang cơ sở, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: “Tích cực xây dựng, phát triển bảo đảm có số lượng cần thiết, có chất lượng vững chắc, chủ yếu là chất lượng, phát triển đến đâu kịp thời củng cố đến đấy, trên cơ sở đó mà tiếp tục phát triển thêm”4. Điều này thể hiện tư duy chiến lược, tầm nhìn xa, trông rộng của Đồng chí trong công tác quốc phòng, quân sự địa phương, tạo nền tảng củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Những năm tháng gắn bó với mảnh đất Khu 5 đã tôi luyện nên một vị tướng tài năng, đức độ và những hy sinh, cống hiến của Đại tướng Chu Huy Mân, trở thành một phần quan trọng trong lịch sử hào hùng của vùng đất kiên trung này.
ThS. NGUYỄN NGỌC HOÀNG VINH, Cục Chính trị, Quân khu 5 ____________
1 - Chu Huy Mân - Thời sôi động, Nxb QĐND, H.2004, tr.60.
2 - Bộ Tư lệnh Quân khu 5 - Lịch sử lực lượng vũ trang Quân khu 5, Tập I - Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), Nxb QĐND, H.2020, tr.215.
3 - Trong thời gian này, đồng chí Chu Huy Mân được đổi bí danh từ Hồ Thạch Châu sang “Hai Mạnh” sau cuộc gặp gỡ, trò chuyện với Bác Hồ vào tháng 6/1967.
4 - Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 - Công tác đảng, công tác chính trị lực lượng vũ trang Quân khu 5 (1945-2010), Biên niên, Tập 3, Quyển 1 (1975-1989), Nxb QĐND, H.2003, tr.10.
Đại tướng Chu Huy Mân,vùng đất Khu 5
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội