Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Năm, 16/03/2023, 07:35 (GMT+7)
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đồng chí Chu Huy Mân (17/3/1913 – 17/3/2023)
Đại tướng Chu Huy Mân nhà quân sự, chính trị song toàn
Đại tướng Chu Huy Mân thăm cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên (tháng 3/1976). Ảnh: Tư liệu.

Đại tướng Chu Huy Mân (17/3/1913 - 01/7/2006) là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, trên nhiều cương vị, hoạt động ở nhiều nơi, chiến đấu ở những chiến trường trọng điểm và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, Đồng chí đã giữ trọn lời thề: “Nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng”1; luôn trung kiên, bất khuất, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, đem hết sức mình cống hiến cho Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân, cả cuộc đời Đại tướng gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Quân đội. Đại tướng là tấm gương tiêu biểu cho phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí, đồng đội và nhân dân yêu mến, tôn vinh là nhà quân sự, chính trị song toàn (như bí danh Hai Mạnh của Đồng chí ở chiến trường Khu 5).

Nhà quân sự tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam

Là vị tướng dạn dày trận mạc, nhiều năm trực tiếp chiến đấu, công tác ở những chiến trường gian khổ và ác liệt, đảm nhiệm nhiều trọng trách, luôn sâu sát thực tiễn chiến đấu, đồng chí Chu Huy Mân đã đúc rút, đề ra những phương châm, phương pháp tác chiến phù hợp với chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc và trở thành một nhà quân sự tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tài thao lược của Đồng chí gắn liền với nhiều chiến công vang dội của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, người cố vấn quân sự xuất sắc của cách mạng Lào.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với khí chất đã được tôi luyện, thử thách, trên các cương vị khác nhau, Đồng chí đã chỉ huy đơn vị chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Nổi bật là trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng do Đồng chí lãnh đạo, chỉ huy đã góp phần đánh tan quân viễn chinh Pháp ở Đông Khê, Thất Khê, làm chủ dải biên giới 750 km, mở rộng căn cứ địa Việt Bắc. Tới Chiến dịch Điện Biên Phủ, với chức vụ Chính ủy Đại đoàn 316, đồng chí Chu Huy Mân chỉ huy bộ đội đánh các trận: đồi C1, C2, đồi A1,… tiêu diệt cứ điểm Him Lam, tham gia trận đánh cuối cùng, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của nhân dân Việt Nam.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, với tài năng trên các lĩnh vực: quân sự, chính trị và xây dựng Quân đội, tháng 7/1954, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng cử đồng chí Chu Huy Mân làm Tổng cố vấn quân sự sang giúp nước bạn Lào với tinh thần: “lâu dài, gian khổ, tự lực cánh sinh là chính và nhất định thắng lợi”, “giúp bạn là mình tự giúp mình”2. Năm 1960 - 1961, Đồng chí làm Tổng cố vấn cho Chính phủ liên hiệp phái hữu do Hoàng thân Xuvănna Phuma làm Thủ tướng. Sự giúp đỡ vô tư, tận tình, chân thành, hiệu quả, tin cậy của đoàn chuyên gia và cán bộ Việt Nam, đứng đầu là đồng chí Chu Huy Mân đã góp phần xây dựng thành công các lực lượng vũ trang Bạn trong buổi đầu khó khăn, củng cố khu căn cứ hai tỉnh: Hủa Phăn, Phôngxalỳ và có đóng góp to lớn vào thắng lợi của cách mạng Lào. Hình ảnh vị cố vấn quân sự xuất sắc của Việt Nam được Bạn và nhân dân các bộ tộc Lào gọi với cái tên trìu mến, kính trọng là Tướng Thao Chăn, đã trở thành huyền thoại được lưu truyền trong Quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào qua các thế hệ.

Bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước tình hình chiến trường Khu 5 gặp nhiều khó khăn, năm 1963 đồng chí Chu Huy Mân được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ vào Tây Nguyên, nghiên cứu và chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu 5 chống lại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Năm 1964, Đồng chí đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5, Bí thư Khu ủy Liên khu 5. Là vị chỉ huy đầy mưu lược và quyết đoán chính xác trong từng vấn đề, Đồng chí luôn bám sát thực tế chiến trường để kịp thời chỉ thị, hướng dẫn cho các đơn vị, địa phương tăng cường sức mạnh chiến đấu. Trước mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch, Đồng chí thường tới các đơn vị trao đổi, bàn bạc dân chủ với cán bộ, chiến sĩ để tìm ra cách đánh phù hợp, hiệu quả. Trong điều kiện phải “lấy ít địch nhiều”, Đồng chí luôn coi trọng sự kết hợp chặt chẽ các yếu tố lực, thế, thời, mưu để đánh địch, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta. Cách đánh “vây điểm - diệt viện, nghi binh lừa địch” được Đồng chí vận dụng rất sáng tạo, mang lại hiệu quả cao. Đồng chí đã góp phần phát triển nghệ thuật quân sự, làm phong phú nghệ thuật chiến tranh nhân dân, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch tổng hợp gồm hai lực lượng: chính trị (đấu tranh chính trị, binh vận), quân sự (ba thứ quân) trở thành đỉnh cao chiến tranh nhân dân ở Khu 5, nơi Đồng chí là người lãnh đạo “đứng mũi chịu sào”. Khu 5 là địa phương “đi đầu diệt Mỹ” với những chiến công vang dội, như trận: Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me - Ia Đrăng. Khu 5 cũng là chiến trường được đồng chí Chu Huy Mân chỉ đạo xây dựng thành công “vành đai diệt Mỹ” - một hình thức đánh địch độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam; chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các chiến dịch tiến công tổng hợp: Ba Gia (1965), Sa Thầy (1966), Tết Mậu Thân (1968), Bắc Bình Định (1972), v.v. Trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đồng chí Chu Huy Mân là Chính ủy, trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và giành chiến thắng vang dội, thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong những năm 1976 - 1986, đồng chí Chu Huy Mân được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí đã đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương và quyết sách đúng đắn, chăm lo xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy và từng bước hiện đại”, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhà chính trị sắc sảo của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Dấu ấn nổi bật của Đại tướng Chu Huy Mân là tư duy chính trị và tư duy quân sự luôn gắn kết nhuần nhuyễn và thống nhất với nhau. Đồng chí luôn quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng chủ nghĩa anh hùng cách mạng đi đôi với xây dựng tư tưởng tích cực tiến công cho cán bộ, chiến sĩ; chú trọng xây dựng tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ của các lực lượng trong chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí đã đề ra nhiều biện pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả các mặt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, đặc biệt là công tác xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ trong Quân đội. Theo Đại tướng Chu Huy Mân, xây dựng tư tưởng, bản lĩnh của mỗi cán bộ, chiến sĩ trước mỗi trận đánh là nhân tố quan trọng, quyết định đến sự thành bại, vì vậy, công tác lãnh đạo tư tưởng phải trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Phải tổ chức sinh hoạt chính trị, học tập lý luận, thường xuyên rút kinh nghiệm về thành công cũng như hạn chế trong mỗi trận đánh, tạo sự thay đổi nhận thức tư tưởng và quyết tâm chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Nhận thức rõ vai trò đặc biệt của cán bộ, để có được đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, Đại tướng Chu Huy Mân luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách toàn diện cả về chính trị, quân sự; cả về trình độ văn hóa và những kiến thức, kỹ năng quân sự; trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục, bồi dưỡng về chính trị. Đồng chí khẳng định: “Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ phải lấy chính trị làm gốc. Trên cơ sở đó mới nâng cao trình độ, năng lực, văn hóa, nghiệp vụ”, “Cán bộ trưởng thành về chính trị là cơ sở để học tập, nắm vững và không ngừng sáng tạo nghệ thuật quân sự”3.

Để quy tụ và phát huy trí tuệ của từng cá nhân, tạo thành sức mạnh tập thể to lớn, Đại tướng Chu Huy Mân rất coi trọng việc xây dựng tổ chức gắn với xây dựng con người; trong đó, đặc biệt chăm lo củng cố, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong lực lượng vũ trang; xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ chính ủy, chính trị viên các cấp, bảo đảm giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đồng chí đã đề xuất, tham mưu với Đảng ủy Quân sự Trung ương trình Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 04/7/1985 “Về tiếp tục kiện toàn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam và sự nghiệp quốc phòng”. Qua đó, khôi phục lại một số vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc trong xây dựng Quân đội về chính trị, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, nâng cao sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Quân đội luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Luôn đề cao nhân cách, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Đại tướng Chu Huy Mân là người kiên quyết đấu tranh trước những biểu hiện tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Cho đến lúc nghỉ hưu, người đảng viên lão thành vẫn luôn trăn trở, băn khoăn, đóng góp những ý kiến sâu sắc, tâm huyết để xây dựng Đảng cầm quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần đấu tranh phòng, chống chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Đại tướng Chu Huy Mân đã sống gần trọn thế kỷ với hai phần ba cuộc đời hoạt động và cống hiến cho Đảng và cách mạng. Trải qua 76 năm tuổi Đảng, 61 năm đôi chân người lính đã in dấu trên nhiều ngả đường gian nan của đất nước, kinh qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, dù ở miền xuôi hay miền ngược, ở Việt Nam hay nước bạn Lào, lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi, Đồng chí luôn giữ vững lý tưởng Cộng sản, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu tấm gương sáng về một nhân cách lớn, một vị tướng tài ba, đức độ, nhà quân sự, chính trị song toàn của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân là dịp để tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc và Quân đội. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước nhiệt thành, thái độ làm việc tận tuỵ, ý chí, nghị lực, bản lĩnh chiến đấu, tinh thần cách mạng tiến công, khát vọng cống hiến, vươn lên cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

TS. LÊ THỊ THU HỒNG, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
____________________

1 - Đại tướng Chu Huy Mân – Thời sôi động, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 18.

2 - Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam – Chu Huy Mân Tiểu sử, Nxb CTQGST, H. 2020, tr. 169 - 171.

3 - Đại tướng Chu Huy Mân – Thời sôi động, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 186.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.