Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Bảy, 26/09/2020, 08:45 (GMT+7)
Cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn với cách mạng Việt Nam

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ địa phương, nhân dân các dân tộc Bắc Sơn đã chớp thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của quân và dân các dân tộc Bắc Sơn tạo sức mạnh to lớn, thế và lực mới cho cách mạng cơ sở, nền tảng để Đảng ta tổ chức tổng khởi nghĩa giành  chính quyền trên phạm vi cả nước. Mặc dù, Khởi nghĩa Bắc Sơn diễn ra trong thời gian ngắn (27/9/1940 đến 29/10/1940), không gian hẹp, không vang dội như Khởi nghĩa Nam Kỳ, nhưng nó có ý nghĩa lịch sử trên nhiều phương diện, là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Bắc Sơn và lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng thời kỳ 1930 - 1945. Có thể nhận thấy một số ý nghĩa cơ bản cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn để lại:

Một là, tinh thần chủ động, nhạy bén của tổ chức đảng địa phương - cơ sở quan trọng để Trung ương Đảng bổ sung, hoàn thiện đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), một số thanh niên yêu nước ở Bắc Sơn đã sớm giác ngộ cách mạng, chủ động liên lạc với các chiến sĩ cộng sản; các tổ chức yêu nước, cách mạng, trong đó Nông hội đỏ lần lượt thành lập ở các xã: Vũ Lăng, Hữu Vĩnh và Bắc Sơn. Trước sự đòi hỏi cấp thiết của phong trào cách mạng trong Huyện, ngày 25/9/1936, tại thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương), huyện Bắc Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã lựa chọn một số thanh niên yêu nước, có ý chí căm thù giặc sâu sắc và quyết tâm đánh đuổi thực dân, lật đổ phong kiên kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Bắc Sơn. Chi bộ gồm 04 đảng viên do đồng chí Đường Văn Thông làm Bí thư. Ngay sau khi thành lập, chi bộ Đảng non trẻ ở Bắc Sơn đã tích cực tổ chức, vận động nhân dân đứng lên đấu tranh chống ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Từ đó, phong trào cách mạng ở Bắc Sơn phát triển mạnh mẽ; được sự chỉ đạo của Trung ương, năm 1938, Châu ủy Bắc Sơn ra đời. Trước tình hình an ninh chính trị thế giới diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến Việt Nam, phát xít Nhật vào Đông Dương thế chân Pháp. Sáng 27/9/1940, Châu ủy Bắc Sơn quyết định phát động và lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa. Để thực hiện chủ trương này, Bắc Sơn lãnh đạo, chỉ đạo thành lập Ban Chỉ huy khởi nghĩa; xác định rõ mục tiêu tiến công là đồn Mỏ Nhài và châu lỵ Bắc Sơn; huy động lực lượng khoảng 600 tự vệ và quần chúng cách mạng, gồm đủ các dân tộc: Tày, Dao, Nùng, Kinh, Hoa ở khắp các địa phương; trang bị các loại vũ khí thô sơ, tự tạo. Lực lượng được chia thành ba bộ phận tiến theo 03 hướng đánh thẳng vào hai mục tiêu. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, được tổ chức chặt chẽ, địch chống lại yếu ớt khoảng 15 - 20 phút rồi bỏ chạy. Thay mặt Ban Chỉ huy cuộc khởi nghĩa, đồng chí Hoàng Văn Hán tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, trật tự trị an do nhân dân tự đảm nhiệm; lập lại an ninh trật tự. Đó là nền tảng cơ sở để Đảng ta tổ chức Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi.

          Hai là, gây chấn động lớn ở vùng thượng du Bắc Kỳ, trực tiếp đe dọa ách cai trị của thực dân Pháp, cảnh báo đanh thép phát xít Nhật. Trong gần một thế kỷ (1858 – 1940) đặt ách đô hộ trên đất nước ta, thực dân Pháp đã câu kết chặt chẽ với các thế lực phong kiến thối nát bóc lột nhân dân ta dã man, tàn ác. Nhân dân ta phải chịu một cổ hai tròng, hết đời này, đến đời kia chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời lao động khổ sai, nhưng không được thụ hưởng thành quả. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các địa phương trên phạm vi cả nước đã vùng lên đấu tranh giành chính quyền, tiêu biểu là Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Đô Lương, Khởi nghĩa Bắc Sơn đại diện cho các địa phương Bắc Kỳ. Các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta diễn ra ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam là tiếng chuông cảnh báo đối với chính quyền thực dân tay sai, sớm muộn sẽ bị lật đổ, trao lại chính quyền cho nhân dân. Xâu chuỗi các sự kiện đó làm cho phát xít Nhật, vừa đặt chân lên đất nước ta đã vô cùng khiếp sợ, trước sự chứng kiến tinh thần quật khởi của cả dân tộc Việt Nam, tinh thần đó được hun đúc bởi lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhất là phong trào chống ách cai trị của thực dân Pháp ngay từ những ngày đầu nổ súng xâm lược Việt Nam. Xứ ủy Bắc Kỳ khẳng định: mặc dù còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng “Tinh thần của các chiến sĩ có thừa”1. Phát xít Nhật không phải là đối tượng trực tiếp của cuộc khởi nghĩa, nhưng đó là sự cảnh báo đanh thép nhất với các thế lực ngoại bang có dã tâm xâm lược Việt Nam.

Ba là, xây dựng được một trong những lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên, đóng góp quan trọng vào sự ra đời và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam; cung cấp những luận cứ khoa học về xây dựng căn cứ địa cách mạng. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn khai sinh Đội du kích Bắc Sơn, một trong những lực lượng vũ trang đầu tiên của Đảng. Sau khi Đội du kích Bắc Sơn thành lập đã nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của nhân dân địa phương. Với sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp là đồng chí Trần Đăng Ninh, Đội du kích Bắc Sơn ngày càng lớn mạnh, tích cực kêu gọi nhân dân ủng hộ bộ đội, du kích, đẩy mạnh chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Tính đến cuối tháng 10/1940, quân số du kích Bắc Sơn lên tới gần 200 người, biên chế thành nhiều tiểu đội, mỗi tiểu đội gồm 10 chiến sĩ, trang bị súng trường và súng kíp2. Đây là đội du kích đầu tiên do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập và chỉ huy. Trên cơ sở Đội du kích Bắc Sơn, lực lượng vũ trang của Đảng ngày càng lớn mạnh, là cơ sở hình thành, phát triển thành các đội Cứu quốc quân 1, 2 và 3 - một trong những đội quân tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Từ cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn, Trung ương Đảng quyết định thành lập căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai, sau đó mở rộng ra 07 huyện, góp phần quan trọng cho việc xây dựng, mở rộng địa bàn hoạt động căn cứ địa cách mạng của Đảng trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Sự ra đời Đội du kích Bắc Sơn và căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai là cơ sở khoa học trong việc củng cố và phát triển phong trào cách mạng cả nước, yếu tố quan trọng góp phần giành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, trường kỳ kháng chiến sau này.

Bốn là, Khởi nghĩa Bắc Sơn báo hiệu một giai đoạn cách mạng mới - cao trào cách mạng giải phóng dân tộc. Từ khi Đảng ra đời, phong trào cách mạng Việt Nam phát triển sôi động, đó là cao trào cách mạng giai đoạn 1930 - 1931 mà tiêu biểu là Xô viết Nghệ - Tĩnh. Sau đó, phong trào bị đàn áp khốc liệt tạm thời lắng xuống. Những năm 1936 - 1939, trước những thuận lợi do Mặt trận bình dân Pháp đem lại, phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi. Khi Chiến tranh thế giới thứ Hai nổ ra, thực dân Pháp ở Đông Dương siết chặt các quyền tự do, dân chủ, Đảng vào hoạt động bí mật, phong trào tạm lắng xuống. Không lâu sau đó, Khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra, đúng vào thời điểm Đảng ta chủ trương “thay đổi chiến lược”, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Cùng với cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và binh biến Đô Lương, Khởi nghĩa Bắc Sơn mở đầu cho cao trào cách mạng quyết định giành độc lập, tự do cho dân tộc với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhìn lại 80 năm ngày khởi nghĩa mở đầu cao trào cách mạng mới, Khởi nghĩa Bắc Sơn vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và củng cố chính quyền địa phương. Phát huy tinh thần đó, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện lãnh đạo, chỉ đạo quân, dân huyện Bắc Sơn tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, nhất là quốc phòng, an ninh,… giữ vững truyền thống lịch sử vẻ vang của quê hương cách mạng.

PGS, TS. VŨ QUANG VINH, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
______________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 199, 542.

2 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn  - Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn 1930 - 1945, 1998, tr. 62.

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.