Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Ba, 23/04/2019, 16:14 (GMT+7)
Công tác kỹ thuật trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách đây 65 năm, ngày 07-5-1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm Đờ Ca-xtơ-ri, báo hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Thắng lợi của Chiến dịch là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác bảo đảm kỹ thuật.

Cùng với tổ chức bảo đảm tốt về hậu cần, kỹ thuật cho hoạt động tác chiến trên các chiến trường trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, ngay sau khi quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, ta đã chủ động chuẩn bị mọi mặt cho trận quyết chiến chiến lược. Tổng Quân ủy nhận định: “Để tiến hành chiến dịch rất lớn này, ta có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất vẫn là cung cấp, mà chủ yếu là về đường sá1. Bởi, Điện Biên Phủ ở xa hậu phương tới 600 km, địa hình chủ yếu là rừng núi hiểm trở, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, mưa nắng thất thường. Đặc biệt, chỉ có đường 41 từ Hòa Bình qua Mộc Châu, Sơn La, Tuần Giáo đến Lai Châu là đường cơ giới duy nhất lên Tây Bắc, nhưng lòng đường hẹp, cầu yếu, nhiều đoạn sụt lở và ngang qua những khu vực địa hình hiểm trở, núi cao, suối sâu. Trong khi đó, đây là chiến dịch tác chiến hiệp đồng binh chủng, có quy mô lớn nhất của bộ đội ta và lần đầu tiên ta sử dụng pháo xe kéo,... nên nhu cầu bảo đảm kỹ thuật rất lớn.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo “Toàn Đảng, toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến”. Về bảo đảm giao thông, nhờ sự vào cuộc của hàng vạn dân công, thanh niên xung phong và Bộ đội Công binh ngày đêm lao động khẩn trương, nên chỉ sau hơn ba tháng (12-1953 – 03-1954), ta đã hoàn thành việc tu sửa và mở mới các tuyến đường số 41, 13, đường Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ, tạo điều kiện cho xe cơ giới vào tới Điện Biên Phủ. Để huy động nguồn nhân lực, vật lực cho Chiến dịch, Trung ương đã chỉ đạo phân rõ chức năng, nhiệm vụ cho các hội đồng cung cấp. Đồng thời, tổ chức phân tuyến bảo đảm, hình thành tuyến hậu phương và tuyến chiến dịch để tạo thuận tiện cho việc vận chuyển vật chất vũ khí, trang bị kỹ thuật lên mặt trận. Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần), hội đồng cung cấp mặt trận các Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3 và 4 đảm nhiệm. Tuyến chiến dịch do Tổng cục Cung cấp tiền phương và Hội đồng Cung cấp mặt trận khu Tây Bắc phụ trách. Vũ khí, trang bị kỹ thuật vận chuyển từ Việt Bắc sang giao ở Ba Khe; từ Liên khu 3, Liên khu 4 lên giao tại Suối Rút. Tổng cục Cung cấp hậu phương chuyển vũ khí đạn đến Ba Khe, Suối Rút giao cho Tổng cục Cung cấp tiền phương vận chuyển tới mặt trận.

Để bảo đảm an toàn, thuận tiện trong việc tiếp nhận, cung cấp kịp thời vũ khí, đạn dược cho các lực lượng chiến đấu, Tổng cục Cung cấp đã bố trí hệ thống kho quân khí hợp lý, bí mật, hình thành thế trận kỹ thuật có chiều sâu. Ở Sơn La, ta đặt tổng kho vũ khí đạn Chiến dịch trong hang đá Bản Lầu; các kho trung tuyến đặt gần đường, tận dụng địa hình, đào hầm sâu vào vách núi, sườn đồi, ngụy trang chu đáo, có cửa chống bom, đạn và sắp xếp hợp lý, tiện bảo đảm cho tác chiến.

Do nhu cầu vận chuyển bảo đảm Chiến dịch rất lớn, nhất là khi ta chuyển phương châm tác chiến. Ban đầu, dự kiến nhu cầu đạn cho Chiến dịch là hơn 400 tấn, nhưng sau khi chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc” lên tới hơn một nghìn tấn. Khác với công tác bảo đảm hậu cần, công tác bảo đảm kỹ thuật không thể khai thác tại chỗ, mà phải đưa từ nơi khác tới. Bởi vậy, để đáp ứng nhu cầu đó, toàn bộ 16 đại đội ô tô vận tải với 534 xe và hơn 800 lái xe, trên 300 thợ sửa chữa của Tổng cục đã được sử dụng; có thời gian còn được tăng cường 94 xe của các các đơn vị pháo binh, phòng không. Hội đồng Cung cấp đã huy động 261.451 dân công và thanh niên xung phong, 20.000 xe đạp thồ, 17.000 ngựa thồ, trên 4.000 thuyền, mảng các loại, v.v. Nhà báo Giuyn Roa, nguyên đại tá Quân đội Pháp đã viết: “... không phải viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Na-va, mà đó là những chiếc xe đạp Pơgiô thồ 200-300 kg hàng, do những dân công ăn không no, ngủ trên những tấm ni lon trải ngay trên mặt đất. Tướng Nava bị đánh bại bởi trí thông minh và quyết tâm chiến thắng của đối phương”2.

Ý thức rõ vai trò của vận tải đối với công tác bảo đảm kỹ thuật, đặc biệt là vũ khí, đạn cho Chiến dịch, việc tổ chức sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô vận tải được tổ chức chu đáo. Ở hậu phương có Xưởng Tiền Phong và Xưởng Chiến Thắng; trên đường lên mặt trận có Xưởng AZ11 ở ngã ba Đông Lý (Yên Bái) và 02 đại đội sửa chữa bố trí trên đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ. Ngoài ra, ta còn có bố trí 02 đội sửa chữa cơ động trên đường 41 và đường số 1. Trong thời gian này, Đại đội 202 đã sửa được 09 xe hỏng nặng, 03 xe hỏng nhẹ; Đại đội 206 tự khắc phục được 04 xe bị gãy nhíp. Với tinh thần “Yêu xe như con, quý xăng như máu”, cán bộ, chiến sĩ ngành Xe đã khắc phục mọi khó khăn bảo đảm tốt kỹ thuật cho xe máy vận chuyển vật chất, kéo pháo vào trận địa đáp ứng kịp thời yêu cầu tác chiến.

Mặc dù bị địch đánh phá, ngăn chặn ác liệt, ngành Quân khí cùng với lực lượng vận tải, chuyển tất cả lượng đạn dự trữ tập trung bảo đảm tốt nhất cho Chiến dịch. Đồng thời, chủ động tổ chức lực lượng bảo đảm và khắc phục kịp thời hỏng hóc của vũ khí, trang bị kỹ thuật. Tổng cục Cung cấp đã thành lập Ban Quân khí tiền phương và tổ chức các tổ, đội quân khí tại các kho, phân kho ở trung tuyến và hỏa tuyến; tổ chức các đội sửa chữa vũ khí, thu hồi vũ khí chiến lợi phẩm và cử phái viên, nhân viên tăng cường cho các đơn vị.

Bằng nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, sau hơn một tháng, mọi công tác chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” đã hoàn tất. Đúng 17 giờ 05 phút ngày 13-3-1954, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ mở màn bằng trận đánh vào cứ điểm Him Lam. Hơn 40 khẩu pháo các loại, từ 75 mm - 120 mm đồng loạt khai hỏa vào các mục tiêu. Quá trình tác chiến, lực lượng kỹ thuật đã khắc phục mọi khó khăn, xử trí kịp thời các tình huống. Các chiến sĩ quân khí Tiểu đoàn 394 đã sửa tại chỗ được 3/7 khẩu pháo cao xạ do không quân địch đánh phá. Trạm quân khí Trung đoàn Pháo cao xạ 367 cùng cán bộ Cục Quân khí tăng cường đã sửa chữa, dồn lắp 03 khẩu pháo, kịp thời bảo đảm cho đợt 2 Chiến dịch. Ngoài ra, các trạm sửa chữa quân khí còn tích cực sản xuất cuốc, xẻng bảo đảm cho bộ đội sửa đường, đào đắp hầm hào công sự. Sau đợt 2 Chiến dịch, lượng đạn dự trữ còn rất ít, nhất là đạn pháo 105mm, Tổng cục Cung cấp đã cho chuyển gấp từ hậu phương lên 5.000 viên đạn pháo và chỉ đạo điều chỉnh giữa các đơn vị. Bộ chỉ huy Chiến dịch giao cho Trung đoàn Công binh 151 khơi luồng sông Nậm Na để dùng thuyền, mảng chuyển gạo và đạn từ Ba Nậm Cúm về thị xã Lai Châu, rồi chuyển bổ sung cho các đơn vị. Cùng với việc làm đó, việc đoạt dù tiếp tế của địch để cung cấp cho ta được các đơn vị tích cực thực hiện. Tháng 4-1954, Đại đoàn 316 đoạt được hàng trăm tấn hàng của địch; trong đó, có 4.500 viên đạn 105 mm; Đại đoàn 304 thu được 600 viên đạn 105 mm, 3.000 viên đạn cối 120 mm và 81 mm, v.v. Sau đó, lực lượng kỹ thuật đã tích cực phân loại, kiểm tra súng đạn chiến lợi phẩm cấp bổ sung cho đơn vị chiến đấu. Với nỗ lực to lớn của hậu phương và lực lượng hậu cần - kỹ thuật mặt trận, cuối tháng 4-1954, các đơn vị đã được bổ sung đủ vũ khí trang bị, đạn,... sẵn sàng bước vào đợt 3 - đợt tiến công cuối cùng của Chiến dịch.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu kiên cường, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị ta tiêu diệt. Hơn 16.200 tên địch bị tiêu diệt và bị bắt, 62 máy bay địch bị bắn rơi và phá huỷ. Ta thu 28 khẩu pháo lớn, 5.915 súng các loại, 64 ô tô, 20.000 lít xăng, 21.000 chiếc dù, 20 tấn thuốc và nhiều đạn dược, máy thông tin, quân trang quân dụng. Trong Chiến dịch, lực lượng hậu cần - kỹ thuật đã bảo đảm cho hơn 87.000 người, trong đó lực lượng chiến đấu là 53.830 người; bảo đảm hơn 20.000 tấn vật chất; trong đó, có 1.200 tấn đạn, gấp 03 lần so với dự kiến ban đầu.

Với tinh thần “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nỗ lực vượt bậc, giải quyết thành công vấn đề khó khăn nhất của Chiến dịch - vấn đề cung cấp mà chủ yếu là đường sá. Công tác kỹ thuật đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần rất quan trọng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Mặc dù còn non trẻ, song ngành Quân khí đã giải quyết thành công nhiều vấn đề về chỉ huy, tổ chức bảo đảm kỹ thuật, đặc biệt là bảo đảm vũ khí, đạn, để lại nhiều kinh nghiệm quý. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ, không kém tình hình chiến đấu,... quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch”3.

Đã 65 năm trôi qua, nhưng những bài học về công tác bảo đảm kỹ thuật Chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, kế thừa, phát triển phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều kiện mới, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Trung tá NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG, Trường Sĩ quan Chính trị
___________

1 - Tổng cục Hậu cần - Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1 (1944 - 1954), Nxb QĐND, H. 1993, tr. 270.

2 - Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1, Nxb. QĐND, H.1995, tr.281.

3 - Sđd, tr.292.

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.