Thứ Bảy, 23/11/2024, 18:49 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Cách đây đúng 100 năm (05-6-1911), người thanh niên Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc đã rời bến Nhà Rồng ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đã đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tìm thấy ở đó con đường giải phóng cho dân tộc: độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH. Đi theo con đường đó, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Bôn ba qua 4 châu lục, 3 đại dương, gần 30 nước, với hành trang là lòng yêu nước và khát vọng giành độc lập cho dân tộc, Nguyễn Ái Quốc vừa lao động, vừa học tập và nghiên cứu lý luận, vừa trực tiếp tham gia các phong trào đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân và lao động nhiều nước, trong đó có những nước là trung tâm của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa thực dân. Người đã nghiên cứu các cuộc cách mạng tư sản, đặc biệt là cách mạng tư sản Pháp và cách mạng tư sản Mỹ, để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của giai cấp tư sản và tại sao đó vẫn là những cuộc cách mạng “không đến nơi”. Qua đó, Người nhìn thấy sức mạnh tiềm ẩn, to lớn của các dân tộc thuộc địa và những hạn chế cơ bản chưa cho phép biến sức mạnh đó của họ thành hiện thực, mà nổi bật nhất là: họ chưa có đường lối đúng đắn, chưa có tổ chức và chưa biết tổ chức. Khi được tiếp xúc với “Luận cương” của V.I.Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, nghiên cứu nguyên nhân thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga và những bài học quý mà cuộc cách mạng này đem lại cho phong trào cách mạng thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã có bước ngoặt quyết định trong việc tìm ra con đường cách mạng giải phóng cho dân tộc mình. Người khẳng định rằng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”2. Từ đây, con đường cách mạng giải phóng cho dân tộc mà Nguyễn Ái Quốc xác định là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Theo đó, con đường giải phóng dân tộc của Việt Nam được đặt trong quỹ đạo của cách mạng vô sản và là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới; vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người. Bởi thế, khi trả lời phỏng vấn của một nhà báo trong nước về đề tài thường được lựa chọn để viết báo, Người đã trả lời ngay rằng: “…tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và CNXH”3.
Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trở thành điểm khác biệt căn bản giữa con đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc so với con đường giải phóng dân tộc của phong trào Cần Vương, của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học…; bởi nó đã đáp ứng được nhu cầu giải quyết các mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, đã tập hợp được sức mạnh của cả dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, đã giải quyết chính xác các vấn đề về: mục tiêu cách mạng, lực lượng cách mạng, phương pháp cách mạng phù hợp với thực tiễn của đất nước và xu thế của thời đại. Với con đường cách mạng của Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là quy luật phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam. Vì thế, Chánh cương vắn tắt (1930) của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Người soạn thảo, đã chỉ rõ 2 giai đoạn của cách mạng Việt Nam: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”4. Hai giai đoạn ấy không có bức tường ngăn cách, mà gắn bó chặt chẽ với nhau: độc lập dân tộc là điều kiện tiền đề để tiến lên CNXH và CNXH là con đường bảo vệ và phát triển thành quả của độc lập dân tộc. Người đã khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”5; vì vậy, giành được độc lập rồi, phải tiến lên CNXH, bởi: “Chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”6. Để cuộc cách mạng đó đi đến thắng lợi hoàn toàn, điều kiện tiên quyết, theo Hồ Chí Minh, là phải có một đảng cách mạng theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin lãnh đạo; đồng thời, phải dựa vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy liên minh công – nông làm nòng cốt; phải kết hợp được sức mạnh của dân tộc với sự giúp đỡ của quốc tế, trong đó, sức mạnh bên trong, sức mạnh của dân tộc, là nhân tố quyết định.
Kiên định với con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời mình cho việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng đó. Người đã dành nhiều công sức cho việc xây dựng, giáo dục và rèn luyện chính đảng cách mạng – Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm đảm bảo cho Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng với vai trò là người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là người đại biểu cho quyền lợi của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam; đảm bảo cho Đảng không chỉ thể hiện bản chất giai cấp công nhân mà còn gắn bó máu thịt với dân tộc, không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, mà đồng thời cũng là Đảng của dân tộc Việt Nam7. Bên cạnh việc chăm lo xây dựng Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng hết sức chăm lo xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xem đó là nhân tố quan trọng nhất bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người luôn khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”8 và đoàn kết là nguyên nhân của mọi thành công. Người xem đoàn kết thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết toàn dân và để thực hiện đại đoàn kết quốc tế. Sự đoàn kết trong Đảng càng được củng cố thì đoàn kết của dân tộc càng được tăng cường. Đó là sức mạnh bên trong để cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy được nội lực và tranh thủ được sự giúp đỡ của quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng mọi kẻ thù. Vì vậy, Người luôn đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên của Đảng phải bảo đảm sự đoàn kết như bảo vệ con ngươi của mắt mình. Để biến tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc trở thành hiện thực, Người hết sức quan tâm xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất dựa trên nền tảng liên minh công – nông – trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng; lấy việc thống nhất lợi ích tối cao của dân tộc với lợi ích của các tầng lớp nhân dân làm cơ sở để củng cố và không ngừng mở rộng Mặt trận theo tinh thần: “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”9.
Đi theo con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH do lãnh tụ Hồ Chí Minh đã vạch ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên Nhà nước công-nông đầu tiên ở Đông Nam Á; tiếp đến là đánh thắng 2 tên đế quốc to là Pháp và Mỹ, giành độc lập, tự do cho dân tộc, đưa cả nước đi lên CNXH. Những thắng lợi vĩ đại đó của dân tộc có nguyên nhân rất cơ bản là Đảng ta luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp trong các thời kỳ cách mạng; nhờ đó, đã phát huy được sức mạnh của cả dân tộc kết hợp với sự giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế, để tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh bại các kẻ thù xâm lược.
Bước vào thời kỳ cả nước xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, do những khó khăn vốn có của nền kinh tế chậm phát triển, lại phải trải qua mấy chục năm chiến tranh tàn phá và sự bao vây, cấm vận của chủ nghĩa đế quốc, cùng những sai lầm chủ quan, duy ý chí với mong muốn sớm có CNXH, kinh tế-xã hội nước ta đã lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng trì trệ, kém hiệu quả của mô hình CNXH “kiểu xô viết”, để thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng về kinh tế-xã hội lúc bấy giờ, Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới, bắt đầu từ sự đổi mới tư duy về kinh tế theo hướng: từ bỏ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, chuyển hẳn sang mô hình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với sự có mặt của nhiều thành phần kinh tế, dựa trên các hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất khác nhau; đồng thời, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, kết hợp xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”. Công cuộc đổi mới theo tư duy đó, được Đảng ta khẳng định ngay từ đầu và trong suốt quá trình thực hiện, không phải là sự từ bỏ mục tiêu xây dựng CNXH, như các thế lực thù địch thường xuyên tạc; mà ngược lại, đó chỉ là từ bỏ cách làm duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan để thực hiện những bước đi đúng quy luật, nhằm tiến tới các mục tiêu của CNXH một cách bền vững. Điều đó thể hiện rõ ở chỗ: những đặc trưng của mô hình xã hội XHCN, cùng các chủ trương, phương hướng cơ bản để thực hiện các đặc trưng đó (mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH - cả Cương lĩnh 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 - xác định), vừa quán triệt được những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH, vừa phản ánh những tư duy đổi mới con đường đi lên CNXH phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta. Trải qua 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Chúng ta đã thực hiện thành công chặng đường đầu của công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân có nhiều thay đổi tích cực, sức mạnh quốc gia về mọi mặt được tăng cường, độc lập, tự chủ và chế độ XHCN được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong giai đoạn mới”10. Đại hội cũng chỉ ra bài học hàng đầu trong năm bài học kinh nghiệm lớn từ thực tiễn phong phú của cách mạng nước ta là: phải luôn “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH”11 trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng là nguyên nhân hàng đầu quyết định thành công của quá trình đổi mới mà tất cả 5 đại hội của Đảng (VII, VIII, IX, X và XI) đều xác định. Điều đó cũng có nghĩa là trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập quốc tế, tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH của Hồ Chí Minh vẫn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng nước ta.
NGUYỄN NGỌC HỒI
1 - Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb ST, H. 1986, tr. 14.
2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 314.
3 - Sđd, Tập 9, tr. 419.
4 - Sđd, Tập 3, H. 1995, tr. 1.
5 - Sđd, Tập 4, tr. 56.
6 - Sđd, Tập 10, tr. 128.
7 - Xem:Sđd, Tập 6, H.2002, tr. 175 và Tập 10, H. 1996, tr. 467.
8 - Sđd, Tập 7, H. 1996, tr. 392 và Tập 10, tr. 350.
9 - Sđd, Tập 7, tr. 438.
10, 11 - ĐCSVN- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb CTQG, H.2011, tr. 9 và 65.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội