Thứ Bảy, 23/11/2024, 17:51 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một nhân cách lớn, tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy, đức hy sinh, tinh thần anh dũng, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản kiên cường. Với hơn 60 năm hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi và đầy nhiệt huyết, trải qua nhiều cương vị trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, nhất là nhiều năm liền giữ cương vị cao cấp nhất của Nhà nước, Đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Sự cống hiến đặc biệt xuất sắc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với nước nhà được thể hiện ở nhiều mặt, lĩnh vực; trong đó, chăm lo xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về mọi mặt, làm nòng cốt cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là một trong những nét nổi bật trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đồng chí; được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:
Trước hết, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng mục tiêu, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Trung thành với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn đề cao vai trò của nhân tố chính trị, tinh thần - yếu tố quan trọng, quyết định sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Đồng chí cho rằng, sức mạnh chính nghĩa là cơ sở, đồng thời là động lực tinh thần quan trọng hàng đầu, cơ bản nhất giúp cán bộ, chiến sĩ củng cố và nâng cao quyết tâm chiến đấu, kiên quyết tiến công địch, hoàn thành nhiệm vụ. Với quan điểm, “Đấu tranh mà không có lý tưởng dẫn dắt thì hoặc là đấu tranh sai, hoặc là đấu tranh không bền bỉ, bỏ dở nửa đường”1, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã rất quan tâm và yêu cầu các cơ quan, đơn vị toàn quân phải làm thật tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, để không ngừng nâng cao giác ngộ chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, đảm bảo sự thống nhất về tư tưởng, hành động.
Suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn có niềm tin sắt đá vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của cách mạng cũng như tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc và của giai cấp vô sản. Gông xiềng, roi vọt, đọa đày, tra tấn của kẻ thù đã không dập tắt được ý chí chiến đấu, tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng Tôn Đức Thắng. Đồng chí kể lại: “Vào tù Côn Đảo và nhiều nhà tù khác, nhờ có lý tưởng, có chi bộ nhà tù nên mặc dầu khổ cực về vật chất, thiếu thốn về tình cảm gia đình, cuộc đời chúng tôi không phải là cuộc đời tẻ lạnh, trái lại là cuộc đời phấn đấu sôi nổi, nhằm một mục đích cao quý với một niềm tin vững vàng”2. Điều đó cho thấy, Chủ tịch Tôn Đức Thắng không chỉ là tấm gương mẫu mực về tinh thần đấu tranh kiên cường, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng để cán bộ, đảng viên, chiến sĩ noi theo, mà bằng thực tiễn cách mạng phong phú của mình, Đồng chí khẳng định phải đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, coi đó là cơ sở để xây dựng quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội.
Ở cương vị Chủ tịch Nước, Bác Tôn rất quan tâm đến các hoạt động xây dựng và chiến đấu của lực lượng vũ trang, trong đó có Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã dành nhiều thời gian đi thăm các đơn vị Quân đội, biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo và động viên cán bộ, chiến sĩ ra sức rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tốt. Sự quan tâm của Chủ tịch đã khơi dậy và cổ vũ tinh thần quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, truyền đến cán bộ, chiến sĩ ý chí chiến đấu mới, tạo sức mạnh to lớn vượt lên trên ưu thế về vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại của kẻ thù, góp phần đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi vẻ vang.
Hai là, luôn đề cao, xây dựng, phát huy trọng trách cao cả của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí cho rằng, người quân nhân có ý thức sâu sắc về trách nhiệm mới có dũng khí và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ; ngược lại, nếu lừng chừng, do dự thì khó hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí còn gây tổn thất cho cách mạng. Trong buổi gặp mặt và nói chuyện thân mật với cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Thông tin liên lạc sau Hiệp định Pa-ri, năm 1973, Chủ tịch Tôn Đức Thắng nêu rõ: “Hơn lúc nào hết, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân ta cần nhận rõ trách nhiệm trọng đại và vinh dự lớn lao của mình trong giai đoạn quyết liệt hiện nay của cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, là đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai. Các đồng chí hãy nỗ lực vượt bậc hoàn thành mọi nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, giành cho kỳ được những chiến công to lớn hơn nữa, xứng đáng với lòng tin cậy và sự mong mỏi của toàn Đảng và toàn dân ta”3. Để làm được điều đó, quan điểm của Bác Tôn là “làm cho mọi người nỗ lực, mỗi ngày mỗi nỗ lực, nỗ lực mãi mãi; mỗi người mỗi tin tưởng, mỗi ngày mỗi tin tưởng mạnh hơn”4.
Những lời căn dặn trên của Chủ tịch Tôn Đức Thắng thể hiện sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về nghĩa vụ và trách nhiệm của Quân đội đối với Tổ quốc, với nhân dân, trên lập trường cách mạng triệt để: Hễ còn một tên xâm lược nào trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi. Đó chính là quan điểm cơ bản của đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ Quân đội phải cố gắng học tập, nâng cao trình độ, không được thỏa mãn, dừng lại. Trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ Tám (4-1958), trong đó có việc xây dựng và thông qua Luật Quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Quân đội nhân Việt Nam. Đồng chí nhấn mạnh, Quân đội nhân dân Việt Nam muốn tiến lên không ngừng cần phải có những cán bộ có ý thức đầy đủ về nhiệm vụ, quyền hạn, vinh dự của người quân nhân cách mạng, lấy công tác quân sự làm nghề nghiệp của mình, được học tập, rèn luyện kỹ càng về nghiệp vụ qua thực tiễn chiến đấu và công tác cũng như qua các trường quân sự chính quy. Đó là những sĩ quan, những người chỉ huy trong Quân đội. Đối với bản thân cán bộ Quân đội, cần phải nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, xác nhận vinh dự và trách nhiệm đối với nhân dân, với Tổ quốc, nâng cao phẩm chất chính trị, khả năng chuyên môn và kỹ thuật đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân5. Đây là cơ sở để Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức xây dựng Quân đội tiến lên theo hướng chính quy, hiện đại và tăng cường lực lượng quốc phòng.
Trong những lần gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ phải phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao cho. Theo đồng chí, hoàn thành nhiệm vụ là mục đích, thước đo, tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ. Bác Tôn Đức Thắng đặc biệt đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Bởi vì, trong thời chiến cũng như thời bình, đội ngũ cán bộ luôn đóng vai trò quyết định, là “cái gốc” của mọi công việc. Mỗi cán bộ phải nêu cao tinh thần tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, tác phong công tác và thực hiện: nói đi đôi với làm, cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ làm gương cho chiến sĩ học tập, noi theo. Bác giáo dục cán bộ các cấp trong Quân đội: “Phải làm kiểu mẫu cần, kiệm, liêm chính”6, kể cả trong những việc nhỏ nhất, để góp phần xây dựng Quân đội chính quy, hiện đại.
Ba là, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng và thường xuyên chăm lo việc học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt của cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Đồng chí luôn quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ tinh thần: muốn đánh thắng quân địch, người quân nhân cách mạng không chỉ có ý chí, quyết tâm và trách nhiệm cao mà cần phải có kỹ thuật quân sự, phải giỏi sử dụng vũ khí, trang bị và biết làm tốt công tác vận động quần chúng. Do đó, cán bộ, chiến sĩ Quân đội phải tích cực học tập nâng cao giác ngộ về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, lý tưởng cách mạng, mục tiêu chiến đấu; thấm nhuần sâu sắc đường lối, phương châm, phương pháp cách mạng và phương thức tiến hành chiến tranh của Đảng, kết hợp công tác tư tưởng với công tác tổ chức và cơ sở vật chất kỹ thuật. Đây là những mặt cơ bản của việc xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện. Các yếu tố đó liên quan chặt chẽ với nhau, không thể thiếu hoặc yếu mặt nào, nhưng yếu tố chính trị - tinh thần là yếu tố cơ bản nhất, là cơ sở để phát huy các mặt khác. Cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ “cần chống những khuynh hướng sai lệch: hoặc cô độc, hoặc thủ tiêu”7, chỉ nhấn mạnh một chiều vai trò của tư tưởng, tách rời tư tưởng với tổ chức, dẫn tới những ảnh hưởng không tốt cho việc hoàn thành nhiệm vụ của Quân đội. Cùng với đó, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn khơi dậy, đề cao bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của Quân đội ta; thường xuyên cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ không ngừng phát huy truyền thống quyết chiến, quyết thắng trong mọi mặt hoạt động: chiến đấu, học tập và công tác. Bởi, quyết chiến quyết thắng là truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, là sức mạnh tinh thần to lớn của cán bộ, chiến sĩ, thể hiện trước hết ở ý chí, quyết tâm chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và vì hạnh phúc của nhân dân. Bác Tôn thường nhắc nhở: “Nếu như các thế hệ trước đây đã nêu cao tinh thần bất khuất trước quân thù, đã dám đứng lên đương đầu với kẻ thù tàn bạo và chiến thắng được chúng, thì ngày nay, phát huy truyền thống ấy, các đồng chí hãy tỏ ra bất khuất trước mọi khó khăn, gian khổ, hãy chiến thắng chúng mà hoàn thành nhiệm vụ”8. Vì vậy, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải hết sức coi trọng việc bồi dưỡng và phát huy truyền thống anh dũng, quật cường, bất khuất của dân tộc; nêu cao khí phách anh hùng, quyết chiến, quyết thắng của Quân đội; kiên quyết đấu tranh khắc phục các tư tưởng sai lầm, coi nhẹ hoặc không thấy hết vai trò của việc phát huy truyền thống của dân tộc và của Quân đội trong việc nâng cao quyết tâm chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ.
Ngày 21-12-1979, trong buổi gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Tôn Đức Thắng căn dặn: “Các lực lượng vũ trang nhân dân ta phải không ngừng phát huy truyền thống quyết chiến, quyết thắng, ra sức xây dựng Quân đội ta hùng mạnh, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân,… nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Các lực lượng vũ trang cần nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, nếu kẻ thù dám liều lĩnh xâm lược nước ta”9. Theo Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đó là những giá trị tinh thần vô cùng quý báu mà cán bộ, chiến sĩ Quân đội phải trân trọng gìn giữ và phát huy trong giai đoạn cách mạng mới để có quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Bốn là, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng và coi đó là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến thắng của Quân đội. Tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất quán với đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, và từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cho rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò quyết định đối với sự ra đời, phát triển, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta; quyết định bản chất cách mạng của Quân đội, bảo đảm cho Quân đội luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Vì vậy, Đồng chí luôn đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong mọi hoạt động xây dựng và chiến đấu của Quân đội. Quyền lãnh đạo của Đảng quyết không thể chia sẻ cho ai và quyết không thể làm lu mờ được. Đồng thời nhấn mạnh: “Sự lãnh đạo của Đảng đã cần thiết từ trước đến nay, thì từ nay về sau trên đoạn đường kiến thiết xã hội chủ nghĩa mới mẻ, vinh quang nhưng cũng rất khó khăn và phức tạp lại càng cần thiết hơn nữa”10.
Để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, Bác Tôn nhấn mạnh: “Đảng ta muốn lãnh đạo kháng chiến, phải tập trung cán bộ, phải dốc lực lượng vào cuộc chiến tranh giải phóng. Phải chấm dứt tình trạng: công việc quân sự giao mặc cán bộ quân sự. Phải chấm dứt tình trạng coi vấn đề quân sự là vấn đề phụ thuộc, đặt vào cuối chương trình nghị sự, không chịu bàn đến kỹ càng. Không biết rằng thắng lợi hay thất bại về quân sự là trách nhiệm của Đảng. Phải nhận rõ muốn kháng chiến thắng lợi thì trước hết, đấu tranh quân sự phải thắng lợi. Cho nên Đảng phải trực tiếp lãnh đạo kháng chiến, lãnh đạo chiến tranh nhân dân. Đảng phải ném thêm cán bộ khá vào Quân đội và cán bộ các cấp của Đảng phải học quân sự, hiểu quân sự, làm quân sự”11. Đồng thời, phải tăng cường công tác vận động cách mạng trong Quân đội, nhằm nâng cao quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ; bảo đảm cho Quân đội có lập trường chiến đấu kiên định, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, thực sự là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng và Nhà nước, chấp hành nghiêm đường lối, nhiệm vụ cách mạng của Đảng, v.v. Bằng sự chỉ đạo cụ thể, sâu sát, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng và nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một Quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”12.
Có thể khẳng định, trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã có nhiều đóng góp vào việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; thể hiện sự trung thành, vận dụng sáng tạo, làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân. Những đóng góp đó vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục phát huy trong quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
PGS, TS. NGUYỄN MINH ĐỨC _________________
1 - Báo Quân đội nhân dân, số 6754, ngày 02-4-1980.
2 - Báo Quân đội nhân dân, số 6754, ngày 02-4-1980.
3 - Tôn Đức Thắng - Người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 122.
4 - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang - Bác Tôn (1888-1980), cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Sự thật, H. 1988, tr.157.
5 - Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn phòng Quốc hội - Lịch sử Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946-1960, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 191-192.
6 - Báo Quân đội nhân dân, số 6758, ngày 06-4-1980.
7 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 493.
8 - Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh An Giang - Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980), Nxb An Giang, 1988, tr. 260.
9 - Báo Quân đội nhân dân, số 6652, ngày 22-12-1979.
10 - Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn phòng Quốc hội - Lịch sử Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946-1960, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 190.
11 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 489.
12 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 435.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng,xây dựng Quân đội
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội